(HBĐT) - Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, huyện Lương Sơn đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng và chủ đầu tư (CĐT) tập trung giải phóng mặt bằng (GPMB) khu công nghiệp (KCN) Nhuận Trạch. Mục tiêu phấn đấu là khởi công KCN trong quý III/2023 nhằm kịp thời đón làn sóng đầu tư trong và ngoài nước.
Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Lương Sơn thăm hỏi, động viên các hộ dân trong diện bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án KCN Nhuận Trạch.
Tập trung giải phóng mặt bằng
Có mặt tại trụ sở của CĐT dự án KCN Nhuận Trạch, ấn tượng đầu tiên là bảng phấn đấu tiến độ GPMB liên quan đến dự án được tính bằng ngày treo ngay tại trung tâm văn phòng, nơi làm việc của đội ngũ nhân sự Công ty TNHH Hòa Phú - Hòa Bình. Điều đó cho thấy sự quyết tâm, dồn sức cho ngày khởi công của CĐT dự án.
Tại hiện trường dự án, chị Hoàng Thị Hoa, thôn Giếng Êm, xã Nhuận Trach cho biết, chị và người dân trong khu vực rất vui mừng khi dự án KCN được triển khai sẽ giúp giải quyết việc làm, kéo theo đó là sự phát triển mạnh mẽ về đời sống xã hội của người dân trong tương lai.
Đồng chí Bùi Quang Toàn, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Lương Sơn có mặt tại khu vực dự án đã cảm ơn và biểu dương nhiều hộ gia đình đã kịp thời nhận tiền đền bù, tạo điều kiện cho dự án sớm được triển khai. Đồng chí Bí thư Huyện ủy giải đáp những vướng mắc của một số gia đình trong diện đền bù GPMB trên tinh thần công tác GPMB không những được huyện Lương Sơn mà Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, đảm bảo lợi ích cho nhân dân nhưng tuyệt đối phải tuân thủ đúng pháp luật hiện hành.
Được biết, quá trình GPMB dự án KCN Nhuận Trạch được triển khai rất quyết liệt với cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng sự ủng hộ cao của người dân. Thậm chí vào những ngày cận kề Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều hộ vẫn đến nhận tiền đền bù. Có gia đình được nhận từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Đây là số tiền lớn đối với nhiều hộ, chính vì vậy chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền để người dân không mua sắm, chi tiêu lãng phí, có kế hoạch đảm bảo cuộc sống ổn định lâu dài.
Tiến độ cụ thể
Thống kê từ CĐT về tình hình triển khai thực hiện dự án, trong công tác GPMB đợt 1 với diện tích 34,5 ha: Ngày 1/11/2022, UBND huyện Lương Sơn có quyết định thu hồi đất với diện tích 34,5 ha tại xã Nhuận Trạch và thực hiện hoàn thành chi trả tiền đối với phần diện tích 33,8 ha. Hiện nay còn lại một phần diện tích đất ở, chờ sau khi UBND huyện thực hiện xong dự án tái định cư cho các hộ bị thu hồi đất, CĐT sẽ tiếp tục chi trả phần diện tích đất này.
Đợt 2 GPMB với diện tích 76,5 ha: Ngày 9/11/2022, UBND huyện Lương Sơn có Thông báo số 144/TB-UBND về việc thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Nhuận Trạch. Theo đó đã hoàn thành công tác kê khai, kê kiểm và công khai phương án bồi thường, hỗ trợ đối với phần diện tích 76,5 ha, trong đó diện tích các hộ đồng ý với phương án công khai là 53,43 ha, UBND huyện Lương Sơn đã có quyết định thu hồi đất với diện tích này và đã hoàn thành chi trả tiền đối với 52,79 ha/53,43 ha tại xã Nhuận Trạch. Diện tích đất còn lại của đợt 2 đang trong giai đoạn kiểm đếm tài sản của người dân và lên phương án đền bù.
Với đợt 3 GPMB diện tích 102,68 ha: Trên địa bàn xã Nhuận Trạch và xã Cư Yên, CĐT đang hoàn thiện bản đồ để gửi Phòng TN&MT tham mưu UBND huyện ban hành Thông báo thu hồi, kế hoạch thu hồi đất và quyết định giá đất cụ thể để Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện triển khai thực hiện công tác GPMB đối với dự án.
Kịp thời tháo gỡ những vướng mắc
Theo ông Lưu Quốc Khánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hòa Phú – Hòa Bình, thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với UBND huyện Lương Sơn, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện và các cơ quan liên quan hoàn thành công tác GPMB đối với diện tích còn lại của 2 xã Nhuận Trạch, Cư Yên theo quy định. Phấn đấu trong quý III tới sẽ triển khai đầu tư hạ tầng để sớm tiếp nhận nhà đầu tư vào xây dựng nhà xưởng, triển khai hoạt động sản xuất.
Cũng theo ông Lưu Quốc Khánh, hiện nay, công tác GPMB của dự án gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tiến độ thực hiện dự án chậm hơn so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, đối với diện tích đền bù GPMB, diện tích đất sản xuất thực tế sai lệch nhiều so với diện tích đã được giao trên sổ đỏ, do một số hộ đã hiến đất làm đường, nhà văn hóa, kênh mương... dẫn đến diện tích giảm nhiều so với sổ đỏ nên khi thực hiện đền bù không nhận được sự đồng thuận của các hộ. Mặt khác, dự án nhà ở tái định cư cho các hộ có đất thổ cư đang sinh sống trong khu vực dự án chưa hoàn thành. Do đó, triển khai thu hồi đất đối với phần diện tích này chưa có cơ sở thực hiện.
Để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án đã đề ra, Công ty TNHH Hòa Phú - Hòa Bình đề nghị Ban Quản lý các KCN xem xét, có ý kiến với UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các sở, ban ngành, UBND huyện Lương Sơn, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện và các cơ quan có liên quan đẩy nhanh công tác thẩm định, phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của huyện Lương Sơn; cập nhật quy hoạch dự án KCN Nhuận Trạch vào quy hoạch sử dụng đất (điều chỉnh) thời kỳ 2021-2030 huyện Lương Sơn; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng dự án tái định cư cho các hộ dân có đất ở đang sinh sống trong khu vực dự án, làm cơ sở để thực hiện GPMB đối với phần diện tích đất ở này theo quy định của pháp luật.
Địa phương sớm có phương án giải quyết cụ thể đối với các hộ đã hiến đất làm các công trình công cộng. Đẩy nhanh tiến độ GPMB cho dự án; thực hiện giao đất cho CĐT đối với phần diện tích đã GPMB xong, để CĐT xây dựng dự án theo quy định. Đẩy nhanh công tác lập, thẩm định, phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 xã Nhuận Trạch và đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 xã Cư Yên...
(Còn nữa)
Hồng Trung
(HBĐT) - Tuần đi làm đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đến Hạt Kiểm lâm huyện Đà Bắc đã vắng tanh "không một bóng người". Điện thoại được biết, toàn bộ 15 cán bộ từ lãnh đạo đến nhân viên đều đã "vào rừng". Theo sự chỉ dẫn, vượt hơn 50 km đường dốc quanh co đến xã vùng cao Trung Thành, chúng tôi có chuyến tuần rừng đầu tiên của năm Quý Mão 2023 cùng những người lính "gác rừng" bảo vệ màu xanh cho đại ngàn Đà Bắc.
(HBĐT) - So với mọi năm, năm nay, nhà Hàng A Bô ở xóm Pà Cò Con, xã Pà Cò có cái Tết no ấm, đủ đầy hơn, bởi nhà Bô xuất bán hơn chục con lợn, lại được giá. Nhờ vậy, người già và bọn trẻ trong nhà có thêm bộ quần áo mới, bánh dầy cũng được làm nhiều hơn so với mọi năm... Trò chuyện, Hàng A Bô phấn khởi: Được Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn, con giống, kỹ thuật, sau một thời gian triển khai mô hình chăn nuôi lợn bản địa, đàn lợn của gia đình đã phát triển lên hơn chục con. Tết vừa rồi bán đàn lợn đã mang về nguồn thu hàng chục triệu đồng.
(HBĐT) - "Đi về nhà tao ăn cái Tết, uống chén rượu ngô núi...”. Lời mời chân thành của Hờ A Sự ở xóm Thung Mặn, xã Hang Kia làm chúng tôi ái ngại, nửa muốn đi, nửa lại không. Muốn đi là bởi chỉ có những người bạn thật sự thân thiết người Mông mới mời về nhà uống chén rượu, ăn miếng bánh dày trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc Mông. Nhưng đường từ trung tâm xã về nhà Sự ở Thung Mặn bao năm qua vẫn luôn là nỗi ám ảnh với bất kỳ ai chứ chẳng riêng gì chúng tôi... Như đọc được suy nghĩ, sau tràng cười sảng khoái, Hờ A Sự bảo: Chúng mày không phải sợ. Giờ đường về nhà tao gần lắm, không còn cheo leo ngược núi như mấy năm trước. Được Nhà nước làm cho con đường, giờ đi lại dễ dàng rồi, có đường cuộc sống của người dân trong bản cũng khá lên nhiều lắm...
(HBĐT) - Năm 2023, lần đầu tiên Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình được tổ chức quy mô cấp tỉnh quy tụ 4 Mường: Bi, Vang, Thàng, Động cùng hội tụ tại huyện Tân Lạc. Ba ngày diễn ra lễ hội, thời tiết ủng hộ, nắng xuân trải khắp vùng đất cổ Mường Bi, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh tham gia. Các chương trình lễ hội được đầu tư, dàn dựng công phu đã trở thành niềm tự hào của người dân Mường nói riêng và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung. Lễ hội Khai hạ chính là nơi văn hóa dân tộc Mường được tỏa sáng.
(HBĐT) - Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình hay còn gọi là lễ xuống đồng, lễ mở cửa rừng, là lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất của người Mường Hòa Bình. Lễ hội gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của văn minh Việt cổ. Đây là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào người Mường ở Hòa Bình, đặc biệt là ở bốn vùng Mường lớn: Bi, Vang, Thàng, Động.
(HBĐT) - Trở lại xã Thung Nai, tôi cứ nấn ná muốn tìm điều gì đó nơi đây của vài chục năm về trước và kéo dài cho đến hiện nay. Theo truyền thuyết người xưa kể rằng, vùng rừng núi này trước đây có thung rộng và nhiều nai nên gọi là Thung Nai (?). Chưa thể tìm hiểu ngọn ngành điều trên, nhưng tôi biết, chỉ trong mấy chục năm, xã Thung Nai đã 3 lần thuộc các đơn vị hành chính cấp huyện khác nhau. Trước năm 1985, xã Thung Nai thuộc huyện Đà Bắc; từ năm 1985 - 2002, thuộc huyện Kỳ Sơn (cũ) và từ năm 2002 đến nay, Thung Nai thuộc huyện Cao Phong.