(HBĐT) - Với một huyện còn nhiều khó khăn như Mai Châu thì phát triển hạ tầng giao thông là một trong những giải pháp quan trọng để mở đường cho hành trình thoát nghèo. Thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh và bằng nội lực của địa phương, huyện Mai Châu đã triển khai, đưa vào hoạt động một số dự án giao thông kết nối quan trọng - những con đường mang ý nghĩa then chốt để huyện vùng cao này hiện thực hoá khát vọng đổi mới.
Dù được nghe các anh Khà A Khua, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã và Vàng A Lau, cán bộ văn hóa xã Hang Kia cho biết hiện ở xóm Thung Mặn có những hộ làm kinh tế giỏi, trừ hết chi phí mỗi năm thu về cả trăm triệu đồng, thú thực tôi cũng chưa tin. Đến khi được nghe chính anh Vàng A Páo, Phó Chủ tịch UBND xã nêu ra hàng loạt hộ gia đình có nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng, tôi mới tin đấy là câu chuyện có thật...
Bạt núi mở đường
Còn nhớ cách đây hơn 2 năm, khi nghe tin được Nhà nước đầu tư mở tuyến đường kết nối Cun Pheo - Hang Kia - Pà Cò - quốc lộ 6, cả trăm người dân ở Thung Mặn, Thung Ảng (xã Hang Kia) như vỡ òa trong cảm xúc sung sướng. Nhiều người như các ông: Giàng A Dếnh (85 tuổi), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hang Kia; Giàng A Giàng (75 tuổi) ở Thung Mặn; Sùng A Hờ (75 tuổi), nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Hang Kia; Sùng A Kỷ (65 tuổi) ở Thung Ảng, mỗi ngày đều hướng ánh mắt già nua về phía dãy núi trước mặt sừng sững như bức tường thành chìm khuất trong làn sương mù mong đến ngày có người đến bạt núi mở đường...
Sau gần 2 năm san rừng, bạt núi, con đường bê tông với tổng chiều dài 10,4 km, trong đó có 5 km được mở mới; 5,4 km còn lại được đầu tư, cải tạo, nâng cấp mở rộng mặt đường, cứng hóa nền đường như một dải lụa lượn theo sườn núi, xuyên qua những cánh rừng già chạy thẳng vào mây.
"Ngày con đường hoàn thành đưa vào sử dụng, đó cũng là ngày hội của bà con mình, ai cũng vui, ai cũng phấn khởi. Thậm chí, nhiều người già dù cái chân đau, cái lưng mỏi cũng cố chống gậy để đi một đoạn đường, lên lưng chừng núi ngắm nhìn bản làng trong ngày nắng đẹp” - anh Giàng A Lành, Trưởng xóm Thung Mặn bồi hồi nhớ lại.
Còn anh Khà A Sử, Trưởng xóm Thung Ảng thì thích thú kể: Thời điểm đấy cũng như nhiều người dân trong xóm "tiêu sang” mua hẳn đầy bình xăng chiếc xe máy để "phóng một mạch cho hết con đường về đến tận Táu Nà (xã Cun Pheo) rồi quay lại”.
Sau khi con đường hoàn thành, ở vùng đất Thung Mặn ai cũng vui mừng, phấn khởi. Nhưng có lẽ người vui nhất là ông Giàng A Dếnh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hang Kia. Hướng ánh nhìn về con đường rộng mở trước mắt, ông Dếnh bảo: Mình sinh ra và lớn lên ở vùng đất Thung Mặn này khi chưa có đường. Đến khi mình đi làm cán bộ, rồi làm xong cán bộ, Thung Mặn vẫn chưa có đường. Những tưởng đời mình, rồi đời con cháu mình vẫn phải cúi đầu nhìn xuống bàn chân, đạp lên đá tai mèo mà đi, chẳng biết khi nào mới được ngẩng mặt để nhìn về con đường phía trước. Vậy mà, nhờ ơn Đảng, đến nay người Mông ở Thung Mặn đã có con đường thênh thang để đi về phía trước...
Không chỉ ở Thung Mặn, Thung Ảng nơi tuyến đường đi qua mà cả với người Mông ở xã Hang Kia cũng đều có chung suy nghĩ: con đường kết nối Cun Pheo - Hang Kia - Pà Cò - quốc lộ 6 là sự đổi thay diệu kỳ. Không còn như trước, mỗi lần vào Thung Mặn, Thung Ảng, đến như các anh: Vàng A Páo, Phó Chủ tịch UBND xã; Khà A Khua, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã; Vàng A Lau, cán bộ văn hóa xã và cả các thầy, cô giáo công tác tại trường TH&THCS Hang Kia B dù là những người quen đường, quen lối nhưng mỗi lần nhớ lại hành trình "vượt núi” vào Thung Mặn, Thung Ảng cách đây 2 - 3 năm lại rùng mình ớn ngại vì đường đèo, đất đá trơn trượt nằm ẩn mình trong mây mù không phải ai cũng "cứng tay” để đi.
Mang khát vọng đổi mới cho bản Mông
Có con đường không chỉ kết nối những vùng đất "trên mây” Thung Mặn, Thung Ảng vốn bị biệt lập với thế giới bên ngoài do khó khăn về đường đi, mà con đường đã mang lại khát vọng đổi mới cho đồng bào dân tộc Mông ở vùng đất này. Theo đó, ngay khi biết Nhà nước đầu tư mở tuyến đường kết nối Cun Pheo - Hang Kia - Pà Cò - quốc lộ 6, anh Vàng A Tráng ở xóm Hang Kia (xã Hang Kia) đã một mình về tận Hưng Yên, rồi ngược lên Cao Phong học nghề trồng cam. Học được cái nghề, trở về Hang Kia, anh vượt núi vào Thung Mặn thuê thầu được khoảng 3 ha đất để trồng cam. Với kiến thức học hỏi sau quá trình "tầm sư”, sau hơn 3 năm đầu tư chăm bón, vườn cam đã cho thu quả ngọt. Vụ năm 2022 vừa qua, do có đường giao thông thuận lợi, tư thương đã đánh xe vào tận vườn thu mua. Sau khi trừ hết chi phí đầu tư, nhân công, anh thu về gần 1 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Hang Kia có "tỷ phú” từ đầu tư sản xuất kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ngoài ra, với mô hình trồng cam, anh Vàng A Tráng còn tạo việc làm với thu nhập ổn định cho 6 - 7 lao động địa phương. Theo anh Vàng A Páo, Phó Chủ tịch UBND xã Hang Kia chia sẻ, sau khi được đầu tư đường giao thông thuận lợi, ở Thung Mặn, Thung Ảng đã xuất hiện nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, có nguồn thu từ 500 - 600 triệu đồng/năm. Như ở Thung Mặn có các gia đình: Giàng A Lau, Giàng A Chống, Giàng A Sở, Khà A Tùng, nhờ đầu tư trồng cam mỗi năm thu từ 500 triệu đồng trở lên. Ở Thung Ảng có các hộ: Khà A Hờ, Khà A Chứ đã mạnh dạn, tiên phong đưa cây bưởi Diễn về trồng ở vùng đất Hang Kia, một ngày không xa sẽ có nguồn thu nhập đáng kể từ loại cây mới này.
Không chỉ cam, bưởi mà từ khi có tuyến đường thông thương, kết nối, nông sản của người dân ở Thung Mặn, Thung Ảng như ngô, đào, mận, dong riềng làm ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đấy. Đặc biệt, việc tiêu thụ không còn bị chèn ép về giá. Anh Giàng A Lành, Trưởng xóm Thung Mặn phấn khởi cho biết: Có đường giao thông, nông sản của người dân làm ra đến đâu tư thương vào thu mua hết đến đấy. Ở ngoài bán giá thế nào thì trong này tư thương cũng thu mua với giá như thế. Nhờ vậy, thu nhập bình quân của Thung Mặn năm 2022 đã đạt 28,5 triệu đồng/người, bằng với mức bình quân chung của cả xã. Cùng với đó, nhiều hộ tự lực vươn lên từng bước thoát nghèo...
Còn theo đồng chí Phạm Gia Định, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Mai Châu, nhờ con đường đã tạo sự thay đổi mạnh mẽ trong đời sống người dân không chỉ ở Thung Mặn, Thung Ảng mà còn góp phần làm thay đổi, tạo sức bật mạnh mẽ cho đời sống, kinh tế người dân nơi tuyến đường đi qua, từ nơi sâu, xa nhất của huyện như Táu Nà (xã Cun Pheo) đến vùng đất Thung Mặn, Thung Ảng (xã Hang Kia). Con đường đã thể hiện được rõ vai trò, hiệu quả của sự thông thương, kết nối, mang khát vọng đổi thay cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện...
(Còn nữa)
Mạnh Hùng