(HBĐT) - Thực hiện phương châm "giao thông đi trước, tạo động lực cho sự phát triển của huyện”, trong những năm qua, huyện Mai Châu đã tập trung mọi nguồn lực thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng giao thông đảm bảo, đồng bộ nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển của huyện.
Mở đường "xuyên mây”, kết nối "thiên đường” với nhà đầu tư
"Tôi từng nghe ở Mai Châu có một nơi người ta gọi là "thiên đường". Đó là khu vực Sam Tạng (thuộc xóm Hiềng, xã Thành Sơn - NV). Trước đây, tôi đã có ý định đến đó để nghiên cứu, khảo sát tìm cơ hội đầu tư. Nhưng thời điểm đó do không có đường giao thông kết nối nên dù nhiều lần đến trung tâm xã nhưng chưa một lần tôi được đặt chân đến Sam Tạng”. Đó là trải lòng đầy nuối tiếc của một người tâm huyết với lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng mà tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện cách đây nhiều năm.
Và cũng chính từ khát vọng tạo ra những bước đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển KT-XH, tạo ra những sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp xứng tầm với Mai Châu, đồng chí Khà Phúc Dằng, khi ấy là Bí thư Huyện ủy Mai Châu đã không quản khó, ngại khổ xỏ giày bata mang theo cơm lam, nước chai dẫn các nhà đầu tư (NĐT) tiềm năng đi nghiên cứu, khảo sát Sam Tạng. Trước thiên nhiên hùng vĩ, cảnh đẹp nguyên sơ giữa một bình nguyên bát ngát tím biếc màu hoa mua, hoa sim là một hồ nước tự nhiên trong vắt như gương in bóng trời mây. Đứng từ Sam Tạng, thu về trong tầm mắt là cả một dải núi trùng điệp lẩn khuất trong mây, nơi bắt đầu của dãy núi Trường Sơn huyền thoại. Cách Sam Tạng không xa là bản Hiềng, nơi sinh sống, quần tụ của đồng bào dân tộc, vẫn còn giữ những nét văn hóa bản địa với tiếng lách cách thoi đưa, tiếng ru hời vẳng ra từ những nếp nhà sàn cổ dựng trên các triền núi tụ dần về một thung lũng nhỏ... ai cũng thấy nao lòng trước cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, thanh bình. Nhưng chỉ vì không có đường giao thông kết nối, tuyến đường giao thông vào xã quá khó khăn, mức đầu tư quá lớn không ai ở lại nên suốt bao năm, Sam Tạng vẫn như một "thiên đường” bị lãng quên.
Mãi đến khoảng đầu năm 2020, khi tuyến đường kết nối Vân Sơn (Tân Lạc) - Thành Sơn (Mai Châu) - quốc lộ 6 được ví như tuyến đường "xuyên mây” hoàn thành, thông tuyến thì "thiên đường" Sam Tạng mới được đánh thức, trở thành "thỏi nam châm” có sức hút các NĐT. Theo UBND huyện Mai Châu, đã có nhiều NĐT đến xã Thành Sơn, nhất là khu vực Sam Tạng để khảo sát, nghiên cứu, đánh giá, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Trong đó, sau một thời gian khảo sát, nghiên cứu, Công ty CP phát triển nông nghiệp quốc tế Hòa Bình đã chính thức đặt vấn đề, xin chủ trương thực hiện dự án khu nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp tại Thành Sơn. Khu vực thực hiện dự án ở Sam Tạng.
Theo ông Mai Đăng Khoa, Phó Giám đốc Công ty CP phát triển nông nghiệp quốc tế Hòa Bình: Sau một thời gian nghiên cứu, báo cáo đánh giá, chúng tôi nhận thấy những giá trị cảnh quan thiên nhiên và con người phù hợp với việc triển khai thực hiện dự án. Bên cạnh đó, sau khi tuyến đường giao thông mang tính kết nối từ Vân Sơn sang Thành Sơn hoàn thành thông tuyến, đó là điểm nhấn để chúng tôi lựa chọn xã Thành Sơn để triển khai dự án...
Mở đường cho hành trình thoát nghèo
Thực hiện quan điểm "giao thông đi trước mở đường”, trong những năm qua, huyện Mai Châu đã tập trung mọi nguồn lực cho lĩnh vực này. Theo đó, hiện toàn huyện có 602,91 km đường giao thông (không tính quốc lộ, tỉnh lộ). Trong đó có 50,77 km đường nhựa; 380,31 km đường bê tông xi măng; 11,03 km đường cấp phối, đá dăm và 160,84 km đường đất. Trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, bằng nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân sách T.Ư, ngân sách tỉnh, huyện, xã và từ nguồn huy động Nhân dân đóng góp, huyện đã phân bổ, đầu tư mở mới, cải tạo, nâng cấp 22 tuyến đường; có thêm 6,548 km đường được mở mới; 25,588 km đường được bê tông hóa, nhựa hóa. Những năm trước còn 4 tuyến đường mặt đường không êm thuận, không đảm bảo giao thông đi lại thuận tiện, an toàn 4 mùa nhưng nay chỉ còn 1 tuyến đường từ xóm Diềm đi xóm Chiêng, xã Tân Thành. Hiện tuyến đường này cũng đang được đầu tư, thi công cải tạo, nâng cấp.
Theo đồng chí Phạm Văn Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Mai Châu: Giao thông được huyện xác định là khâu đột phá đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa, nông sản của người dân nên được chú trọng đầu tư. Nhờ đó, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng hệ thống giao thông của huyện đã có bước phát triển mạnh mẽ, tạo nên những cung đường, các tuyến giao thông kết nối, nhất là kết nối vùng khó khăn với vùng thuận lợi. Qua đó góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân, đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH địa phương. Việc phát triển hạ tầng giao thông sẽ là một mắt xích quan trọng, mấu chốt đối với sự phát triển KT-XH không chỉ trong thời điểm trước mắt, mà còn có ý nghĩa quan trọng về lâu dài trong định hướng phát triển của huyện. Mở được con đường cũng chính là mở được lối đi thoát nghèo hiệu quả cho Nhân dân, nhất là ở những địa bàn khó khăn.
Trên thực tế, những cung đường huyện Mai Châu ưu tiên mở mới tại những khu vực khó khăn, địa bàn cách trở đã thực sự đem lại lợi ích cho đồng bào dân tộc thiểu số, đó là cải thiện sinh kế, phát triển hạ tầng, nâng cao mức sống người dân. Đường đến đâu, diện mạo nông thôn đổi thay đến đó, bài toán xóa đói - giảm nghèo cũng tự nhiên tìm ra lời giải. Hàng hóa nông sản được thông thương thuận lợi, bà con không ngừng mở rộng diện tích canh tác. Sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển ổn định, từng bước theo hướng hàng hóa, phát triển một số sản phẩm chủ lực, mũi nhọn, cho giá trị kinh tế cao như: Cây nguyên liệu, bưởi, cam, chăn nuôi trâu, bò, dê, cá dầm xanh, gà đen, lợn bản địa; thành lập HTX trồng cây ăn quả, HTX rau sạch. Cũng nhờ hạ tầng giao thông được đầu tư, nâng cấp, sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh, giá trị sản phẩm gia tăng, từ đó mang lại điều kiện sống, phát triển kinh tế tốt hơn cho đồng bào các xã vùng khó khăn.
Đặc biệt, từ tập trung đầu tư cho giao thông, tiềm năng, lợi thế về du lịch của Mai Châu đã được "đánh thức”. Theo đồng chí Phạm Văn Hoàn, Chủ tịch UBND huyện, đến nay, trên địa bàn huyện có 29 dự án được UBND tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 2.016 tỷ đồng. Đã có 16 dự án hoàn thành đi vào hoạt động, còn 13 dự án đang triển khai thực hiện. Trong năm 2022, UBND huyện đã tham gia ý kiến với tỉnh vào 10 dự án nghiên cứu, khảo sát, xin chủ trương đầu tư trên địa bàn huyện với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 1.854 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều NĐT đến tìm hiểu đầu tư tại địa bàn huyện, có những dự án quy mô đầu tư lớn, điều đó cho thấy tiềm năng, thế mạnh của huyện ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của các NĐT. Không chỉ có thêm các NĐT triển khai dự án mới mà còn có những NĐT từng bước mở rộng, phát triển dự án, tăng vốn kinh doanh. Đó chính là động lực cho sự phát triển của Mai Châu.
Mạnh Hùng