(HBĐT) - Tỉnh Hòa Bình hiện có 1.276 người có uy tín (NCUT) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại 1.290 thôn, bản. NCUT là lực lượng quần chúng đặc biệt, nhịp cầu gắn kết giữa ý Đảng và lòng dân; là trung tâm khối đại đoàn kết các dân tộc trong cộng đồng dân cư. Trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát huy vị trí, vai trò của NCUT trong xây dựng hệ thống chính trị tại cơ sở, giữ vững trật tự an toàn xã hội, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT - XH của địa phương.


Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm hỏi, tặng quà người có uy tíntrên địa bàn tỉnh. Ảnh: T.L

Quan tâm phát triển đội ngũ người có uy tín

Huyện Lạc Sơn có số đơn vị hành chính cấp xã nhiều nhất tỉnh với 23 xã, 1 thị trấn, trong đó có 252 thôn, xóm, khu phố. Đồng bào DTTS trên địa bàn huyện chiếm khoảng 92% tổng dân số. Theo rà soát, toàn huyện hiện có 249 NCUT. Nhận thức rõ tầm quan trọng của đội ngũ NCUT trong vùng đồng bào DTTS, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã triển khai thực hiện tốt chính sách đối với NCUT; vận động họ phát huy vai trò, trách nhiệm trong cộng đồng dân cư, dòng họ và đời sống xã hội. Quan tâm thực hiện tốt các chính sách cho NCUT như cấp phát báo, tạp chí; thăm hỏi, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần kịp thời khi NCUT ốm đau và nhân các ngày lễ, Tết. Tạo điều kiện thuận lợi cho NCUT được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức. Kịp thời biểu dương, khen thưởng NCUT là những tấm gương sáng trên các lĩnh vực.

Nghệ nhân Ưu tú Bùi Huy Vọng ở xóm Bưng Cọi, xã Hương Nhượng là một trong những NCUT tiêu biểu tham gia tích cực các hoạt động của Ủy ban MTTQ tỉnh và là đại biểu HĐND huyện Lạc Sơn khóa XX, nhiệm kỳ 2021 – 2026. Được Nhân dân tín nhiệm bầu là NCUT từ năm 2020, ông Vọng đã tích cực tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chủ động tham gia giải quyết kịp thời những vướng mắc từ cơ sở, không để xảy ra "điểm nóng”.

Ông Vọng chia sẻ: ‘‘Vinh dự khi được bà con bình bầu trở thành NCUT, bản thân tôi cần tiếp tục phát huy vai trò gương mẫu trên các lĩnh vực, tích cực trau dồi kiến thức để kịp thời hỗ trợ, giải đáp những thắc mắc của người dân tại cơ sở. Đồng thời với vai trò là người nghiên cứu văn hóa, tôi mong muốn tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Mo Mường cho các thế hệ con cháu’’.

Việc phát huy vai trò NCUT trong đồng bào DTTS luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện tốt chính sách đối với NCUT. Quan tâm tạo điều kiện cho NCUT được bồi dưỡng, tập huấn, được hưởng chế độ đãi ngộ và các ưu đãi khác để phát huy vai trò trong việc thực hiện chính sách dân tộc ở địa bàn, phù hợp với điều kiện KT-XH của địa phương. Cụ thể trong giai đoạn 2011 - 2022, các ngành, chức đã mở 98 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, 303 hội nghị phổ biến, cung cấp thông tin thu hút trên 7.600 lượt NCUT tham gia. Tổ chức 39 đoàn tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm về phát triển kinh tế, giữ gìn QP-AN. Tổ chức gần 2.000 cuộc thăm hỏi, động viên, trao quà nhân dịp lễ, Tết cho NCUT, thân nhân của NCUT. Khen thưởng, biểu dương kịp thời 79 NCUT tiêu biểu có nhiều đóng góp trong xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và thực hiện chính sách dân tộc tại địa phương.

Đội ngũ NCUT là già làng, trưởng thôn, bản, bí thư chi bộ, cán bộ nghỉ hưu, trưởng dòng họ… có nhận thức và được rèn luyện qua quá trình tham gia cách mạng và các phong trào của địa phương. Từ thực tế đó, lực lượng NCUT có khả năng tập hợp lòng dân, là những nhân tố tích cực trong việc triển khai các cơ chế, chính sách, pháp luậtcủa Đảng và Nhà nước cũng như giúp đồng bào xóa bỏ dần các phong tục, tập quán lạc hậu. Đồng thời là những hạt nhân nòng cốt trong việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Nêu gương sáng trên các lĩnh vực phát triển KT – XH, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Còn trở ngại trong phát huy vai trò người có uy tín

Trong bối cảnh hiện nay, công tác chăm lo, phát huy vai trò của NCUT trong cộng đồng dân cư đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Công tác thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật mới của Đảng, Nhà nước, tình hình phát triển KT – XH địa phương đôi khi chưa được triển khai kịp thời, ảnh hưởng đến việc truyền tải thông tin đến người dân trên địa bàn. Việc phê duyệt đưa ra khỏi danh sách NCUT và bổ sung thay thế thực hiện hàng năm, tuy nhiên sự thay đổi diễn ra rải rác trong năm, dẫn đến thực hiện chính sách ở một số địa bàn chưa liên tục.

Theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chí lựa chọn, công nhận NCUT và chính sách đối với NCUT trong đồng bào DTTS thì mỗi thôn, xóm thuộc vùng DTTS có ít nhất 1/3 số hộ gia đình hoặc nhân khẩu là người DTTS sẽ được bình chọn 1 NCUT. Tuy nhiên trong trường hợp thôn, xóm có nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống, căn cứ tình hình thực tế và đề nghị của Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định tăng số lượng NCUT được bình chọn, nhưng tổng số NCUT được bình chọn không vượt quá tổng số thôn của vùng DTTS trên địa bàn tỉnh. Thực tế này tại tỉnh ta đã được áp dụng tại huyện vùng cao Mai Châu khi địa bàn có đông người DTTS cùng chung sống, đặc biệt tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò là nơi sinh sống của đồng bào Mông. Cụ thể tại xã Pà Cò có 6 thôn, xóm nhưng được bình xét công nhận 8 NCUT. Xã Hang Kia có 5 thôn, xóm nhưng có đến 10 NCUT.

Đồng chí Hà Tuấn Hải, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mai Châu cho biết: "NCUT được Nhân dân bình xét thuộc nhiều thành phần xã hội, đa dạng về phong tục tập quán sinh hoạt, dân tộc, dòng họ... Mỗi người sẽ có mức độ ảnh hưởng, chi phối quần chúng trong phạm vi rộng, hẹp tùy theo từng lĩnh vực cụ thể. Một số NCUT sẽ có phạm vi ảnh hưởng trong thôn, bản hoặc theo từng vùng. Tuy nhiên đối với một số NCUT tiêu biểu nhất định sẽ có tiếng nói, tầm ảnh hưởng lớn hơn. Chính vì vậy, tại một số địa bàn đặc thù có thể bình xét thêm NCUT theo quy định”.


Nghệ nhân Ưu tú Bùi Huy Vọng (thứ 2 bên phải), người có uy tín ở xóm Bưng Cọi, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) tuyên truyền pháp luật đến người dân trên địa bàn.

Hiện, số lượng NCUT trong tỉnh từ 60 tuổi trở lên chiếm đến 77%. Thực tế cho thấy, đây là lực lượng người cao tuổi có đầy đủ phẩm chất về uy tín, bản lĩnh, kinh nghiệm và được Nhân dân trong khu dân cư kính trọng. Song NCUT trong độ tuổi này thường xuyên ốm yếu, nhiều người sức khỏe không ổn định để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Bên cạnh đó, một bộ phận NCUT đứng trước nguy cơ già hóa mà chưa có người thay thế.

Cùng với đó, một số ý kiến cho rằng, chế độ đãi ngộ đối với NCUT còn ở mức thấp, chưa thỏa đáng với những đóng góp đối với cộng đồng dân cư. Trên thực tế, nhiều NCUT kiêm nhiệm nhiều công việc tại cơ sở như: Bí thư chi bộ, trưởng xóm, trưởng ban công tác mặt trận… Đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa điều kiện đi lại không thuận lợi thì việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của NCUT gặp rất nhiều khó khăn.

Những giải pháp đặt ra

Những đóng góp của NCUT trong vùng đồng bào DTTS đã trở thành "điểm tựa” của cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, KT- XH, giải quyết vấn đề phát sinh ở cơ sở, giữ vững ANCT - TTATXH trên địa bàn.

Để nâng cao vai trò, vị thế, hiệu quả hoạt động của NCUT, cấp ủy Đảng, chính quyền có những cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời nhằm chăm lo, phát huy vai trò của NCUT. Tạo cơ hội giúp họ được tham gia hoạt động của UB MTTQ các cấp, Ban Chấp hành các tổ chức chính trị - xã hội, tổ hòa giải, tổ an ninh Nhân dân… Trên cơ sở đó giao nhiệm vụ để NCUT phát huy vai trò trong từng lĩnh vực cụ thể.

Xu thế trẻ hóa NCUT trong cộng đồng dân cư diễn ra trong bối cảnh đội ngũ NCUT là già làng, trưởng bản, cán bộ hưu trí… sức khỏe giảm sút, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Chính vì vậy, tại một số địa bàn dân cư đã xuất hiện những tấm gương tiêu biểu làm kinh tế giỏi, những người không chỉ biết làm giàu cho gia đình, mà còn giúp đỡ bà con cùng vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Ngoài ra, họ là những người nhiệt tình, sôi nổi trong hoạt động cộng đồng. Đây chính là lớp trẻ, thế hệ kế cận được Nhân dân trên địa bàn tín nhiệm, học tập và noi gương.

Đồng chí Đinh Thị Thảo, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Thực tế cho thấy đội ngũ NCUT đã có nhiều đóng góp về công sức, trí tuệ để cùng các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân; vận động đồng bào phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn minh, không nghe, không tin và không theo tổ chức bất hợp pháp, các tà đạo... Để tiếp tục phát huy vai trò của NCUT trong tình hình mới cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với NCUT. Trước tiên là việc lựa chọn, công nhận NCUT phải là những người được đồng bào DTTS tín nhiệm, có mối liên hệ chặt chẽ và ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển của cộng đồng dân cư trong vùng dân tộc; là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể.

Tiếp tục thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với NCUT trong vùng đồng bào DTTS nhằm động viên, tạo điều kiện cho NCUT phát huy vai trò trong cộng đồng dân cư. Biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với những NCUT có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, phát triển KT - XH, bảo vệ ANTT, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết dân tộc.

Đặc biệt, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương cần thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện để NCUT phát huy hết khả năng của mình trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tạo điều kiện cho NCUT được tham gia đóng góp xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển KT - XH; tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương; tham gia công tác hòa giải ở cơ sở; nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, tôn giáo và cùng cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể ở cơ sở vận động đồng bào tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển KT - XH, đảm bảo AN-QP tại địa phương. 

 

Người có uy tín phải luôn là "cánh chim đầu đàn” về lập trường tư tưởng

Đinh Sơn Tùng

Bí thư Đảng ủy xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc

Thời gian qua, dư luận cả nước cũng như bà con trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm đến vụ việc xảy ra ở Đắk Lắk. Sau sự kiện này, các thế lực thù địch đã đăng tải nhiều thông tin bịa đặt, cắt ghép, bôi nhọ với mục đích của chúng là làm nhiễu loạn thông tin, làm mất ổn định tình hình và tạo mâu thuẫn, căng thẳng giữa các dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Chúng thường xuyên sử dụng thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm kích động ly khai ở các vùng DTTS, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Từ thực tế đó cho thấy vai trò tuyên truyền, vận động, dẫn dắt dư luận của người có uy tín (NCUT) trong vùng đồng bào DTTS là hết sức quan trọng. Nhận thức được tầm quan trọng trong việc đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch chống phá Đảng, đội ngũ NCUT cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước. NCUT cần phát huy uy tín, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên quyết đấu tranh chống diễn biến hòa bình và các thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cùng với nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị tại cơ sở, NCUT là lực lượng nòng cốt trong các phong trào thi đua, cuộc vận động do T.Ư và địa phương phát động. Đội ngũ NCUT tiếp tục nêu gương sáng trong phát triển KT - XH, tiên phong, gương mẫu tại cộng đồng; tích cực tham gia giữ vững ổn định ANCT - TTATXH tại địa phương.

  

Quan tâm phát huy vai trò người có uy tín

Bùi Văn Dưng

Người có uy tín xóm Mọc, xã Nánh Nghê, huyện Đà Bắc

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đối với NCUT. Cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng đã quyết liệt thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách đối với NCUT theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, với đặc thù xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Đà Bắc, hàng năm, xã Nánh Nghê phải hứng chịu các đợt thiên tai, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất. Kinh tế chậm phát triển, cuộc sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Thực tế đó đã ảnh hưởng đến việc thực hiện vai trò, nhiệm vụ của NCUT trong cộng đồng dân cư.

Do vậy, NCUT mong muốn Nhà nước quan tâm, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ NCUT ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Quan tâm, tạo điều kiện cho NCUT được nhanh chóng tiếp cận thông tin, các chủ trương, chính sách mới được Nhà nước ban hành. Đồng thời thường xuyên thăm hỏi, động viên và hỗ trợ vật chất, tinh thần đối với NCUT có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó giúp họ yên tâm cống hiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.


 

Đức Anh

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục