(HBĐT) - Lá xanh mướt, những chùm hoa màu vàng hoàng yến kiêu sa, nhưng đó lại là một thứ độc dược cực mạnh. Chỉ nghe đến cái tên, nhiều người đã nổi da gà, dựng tóc gáy, lỡ gặp loài cây này trên đường rừng đều tránh xa...


Ông Bùi Văn Sứn (bên phải) chỉ cho người dân cách nhận diện, phân biệt giữa lá ngón với loại rau beo mà người dân hay sử dụng làm thức ăn hàng ngày.

Ám ảnh loài cây "quyên sinh”

Có một câu chuyện được những người già ở vùng đất Mường Vang (Lạc Sơn) kể lại: Từ xa xưa đến giờ, không chỉ người lớn mà đứa trẻ nào dù trai hay gái khi biết ăn, biết nói, biết đi, biết đứng đều được ông bà, bố mẹ dẫn đến từng bụi cây để chỉ cho "nhớ mặt” cây lá ngón. Loại cây kịch độc mọc tự nhiên, có ở bất cứ con đường rừng nào trên vùng đất Mường Vang. Nhớ để tránh xa, không nhầm lẫn với một số loại rau rừng...

Quá trình theo chân những người dân có kinh nghiệm trên đường rừng, ở đâu, khu vực nào chúng tôi cũng được chỉ cho thấy loài cây độc này. Không chỉ mọc trên rừng mà nó còn mọc xung quanh nhà, lẫn giữa những loài cây bụi ven đường. Theo ông Bùi Văn Sứn ở xóm Khi, xã Bình Hẻm, lá ngón là loại cây dây leo, lá xanh mướt, trơn bóng, thuôn dài nhọn. Nếu so sánh với loại cây rau beo và rau máu đồng bào dân tộc Mường thường ăn thì chúng giống nhau đến 80 - 90%. Rau beo là loại cây mọc hoang dại, nếu không biết hoặc không cẩn thận rất dễ hái nhầm hoặc hái lẫn cả lá ngón. Ở xóm Khi trước đây từng có trường hợp hái nhầm lá ngón về làm rau, được người cao tuổi trong nhà kịp thời phát hiện và vứt bỏ nên không xảy sự việc đáng tiếc...  

Dẫu thế, trên mảnh đất Mường Vang cũng từng ghi nhận nhiều cái chết bởi loại cây này. Như cái chết của đôi bạn trẻ B.T.T và B.V.P ở xã Miền Đồi nhiều năm về trước. Do gia đình không đồng ý tình yêu của đôi trẻ nên đã cùng nhau tìm đến lá ngón quyên sinh. Hoặc như trường hợp của cô sơn nữ đẹp người, đẹp nết ở vùng sơn cước Ngọc Lâu  buồn vì tình yêu dang dở cũng tìm đến thứ lá này... Thực tế, không riêng ở Mường Vang mà nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là những xã vùng cao, sâu, xa điều kiện KT-XH khó khăn, trình độ dân trí, nhận thức còn hạn chế, có thời gian cây lá ngón là nỗi ám ảnh. Nhiều trường hợp khi bị bế tắc trong cuộc sống, buồn về chuyện tình cảm, xích mích, mâu thuẫn trong gia đình lại tìm đến lá ngón để quyên sinh, tự tìm cho mình sự giải thoát, để lại cho những người sống nỗi day dứt, ám ảnh.

Lá ngón - biết để tránh xa

Ngoài tên là lá ngón, dân gian còn đặt cho loại cây này cái tên vô cùng ám ảnh là "đoạn trường thảo” (cỏ làm đứt ruột), nếu ai lỡ uống, ăn phải lá hoặc ngọn cây này sẽ bị đứt ruột mà chết. Cho đến nay, đông y vẫn cho rằng cây lá ngón được coi là loại cây độc nhất ở nước ta, chỉ cần ăn 3 lá là đủ độc tố làm chết một người trưởng thành. Theo anh Bùi Văn Hiệu ở xóm Trung Quèn, xã Bình Cảng (Lạc Sơn), ở xã từng có người liều lĩnh thử xem loại cây này độc đến mức độ nào. Khi mới chỉ ngậm 1 lá cả khoang miệng đã bị bỏng rát, đau đớn khó chịu trong nhiều ngày với cảm giác bị trúng độc. Khi cây ra hoa không có loài ong, bướm nào bay lại gần hút mật... 

Ngày 4/4 vừa qua, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh tiếp nhận một bệnh nhân nữ 34 tuổi ngộ độc lá ngón, nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Theo ghi nhận, đến nay đây là trường hợp đầu tiên và duy nhất trên địa bàn tỉnh được cứu sống sau khi ăn lá ngón. Theo bác sỹ Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc (BVĐK tỉnh), bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, tụt huyết áp, sụp mi mắt, yếu tứ chi, vã mồ hôi, chân tay lạnh. Người nhà bệnh nhân cho biết, cách lúc nhập viện khoảng 3 giờ, bệnh nhân ăn 5 lá ngón. Sau khi ăn khoảng 30 phút, bệnh nhân xuất hiện đau bụng, đau đầu, nhìn mờ, sụp mi mắt, yếu chân tay, đầu và cổ gập về phía trước không thể tự ngước lên được. Sau khi được sơ cứu, bệnh nhân được chuyển đến BVĐK tỉnh, phải sau 6 ngày điều trị và chăm sóc tích cực bệnh nhân mới qua cơn nguy kịch, sức khỏe dần ổn định.

Cây lá ngón thuộc dòng họ cây mã tiền, chứa chất độc là alkaloid. Hoạt tính sinh lý của alkaloid rất cao đối với cơ thể con người và động vật, nhất là đối với hệ thần kinh, gây co giật, liệt cơ, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, có thể gây chết người trong thời gian ngắn nếu không được cấp cứu kịp thời. Một lượng nhỏ alkaloid cũng có thể gây chết người. Cây thuộc loại dây leo, thân và cành không có lông, trên thân hơi có khía dọc. Lá mọc đối, hình trứng thuôn dài, hơi hình mác, đầu nhọn, phía cuống nhọn, mép nguyên, bóng nhẵn, dài 7 - 12 cm, rộng từ 2,5 - 5,5 cm. Hoa mọc thành chùm ở đầu cành hay kẽ lá, cánh hoa màu vàng. Quả là một nang, màu nâu hình thon, dài 1 cm, rộng 0,5 cm. Hạt nhỏ, quanh mép có rìa mỏng màu nâu nhạt. Cây lá ngón mọc khá phổ ở các địa phương thuộc vùng núi của tỉnh.

Đồng chí Bùi Văn Nguyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quý Hòa (Lạc Sơn) cho biết: Loại cây này được phân bố rộng rãi, có thể gặp ở nhiều nơi như rừng hoặc xung quanh nhà. Do vậy, việc người dân bất cẩn sử dụng nhầm với các loại rau dại rất dễ xảy ra. Thời gian qua, Hội Nông dân xã tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho người dân nhận biết để nhổ bỏ hoặc tránh xa loại cây độc này. Mong các địa phương khác tuyên truyền đến người dân nhổ bỏ loại cây này để tránh những rủi ro đáng tiếc.

Theo bác sỹ Hoàng Công Tình, các trường hợp ngộ độc lá ngón dẫn đến tử vong hầu hết do không được phát hiện sớm, kịp thời. Nếu người ngộ độc lá ngón được phát hiện kịp thời và sử dụng các phương pháp sơ cứu thải độc ra khỏi đường tiêu hoá (gây nôn, bơm rửa dạ dày), dùng thuốc thải độc, thở máy, lọc máu, điều chỉnh rối loạn nhịp tim - rối loạn nước, điện giải... có thể cứu sống như trường hợp bệnh nhân BVĐK tỉnh đã cứu sống thành công vừa qua.


Mạnh Hùng

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục