Lễ hội Gầu Tào năm 2024 góp phần giữ gìn văn hoá dân tộc Mông 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu).
Nhận diện thách thức
Là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa của tỉnh, nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hoá, con người đối với sự phát triển, TP Hoà Bình luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Thành phố quan tâm gắn thực hiện các mục tiêu phát triển văn hóa với chiến lược phát triển KT-XH. Tập trung giải quyết những mặt trái của quá trình đô thị hoá, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng - thương mại, đảm bảo trật tự đô thị, nâng cao chất lượng sống cho người dân. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển cũng đặt ra thách thức cần giải quyết trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, xây dựng, những vấn đề bộ máy thực thi công vụ, việc bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống… để xây dựng thành phố phát triển xứng tầm.
Đồng chí Hoàng Văn Minh, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hoà Bình cho biết: Thành phố đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đột phá để phát triển toàn diện các lĩnh vực KT-XH, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng TP Hoà Bình trở thành đô thị văn minh, hiện đại, hài hòa, bền vững, có kiến trúc xanh, tiên tiến, mang đặc trưng của văn hóa Hòa Bình.
Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương (khoá XI) về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh uỷ nêu rõ, trên phạm vi toàn tỉnh, trong những năm gần đây, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hoá của nhân dân ngày càng cao... Bên cạnh những thuận lợi, quá trình tổ chức triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tác động tiêu cực của kinh tế thị trường làm cho văn hoá bị ảnh hưởng; một bộ phận xã hội tiếp nhận giá trị vật chất như một sức mạnh tuyệt đối, đứng trên tất cả, bao gồm nhân phẩm và danh dự con người. Đạo đức xã hội xuống cấp trong nhiều quan hệ, giá trị văn hoá truyền thống bị mai một, biến tướng, cái xấu lấn át cái tốt. Hoạt động văn hoá nặng về bề nổi, phô trương, hình thức, chạy theo danh hiệu, phong trào. Di sản văn hoá truyền thống bị xâm hại, thậm chí bị biến tướng, phục vụ cho các mục đích thương mại...
Thực tế trên địa bàn tỉnh cũng tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết. Đó là tình trạng cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, không dám làm khiến công việc đình trệ, còn có tâm lý, thái độ thờ ơ, vô cảm với công việc, nhất là giải quyết công vụ, gây bức xúc trong nhân dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính. Vẫn xuất hiện lệch chuẩn trong tư duy, cách hành xử của giới trẻ, đây đó xuất hiện tình trạng bạo lực học đường, đánh bạn cùng trường, cùng lớp, thay vì can ngăn, giải thích đúng sai thì lại cổ vũ, ủng hộ cho những hành động thiếu văn hóa. Đó là sự thờ ơ, vô cảm khi không giúp đỡ người bị nạn, tình cảm, quan hệ giữa cha mẹ, con cái, người thân bị rạn nứt, khu phố, khu dân cư… theo kiểu "đèn nhà ai nhà ấy sáng”… đã xâm hại truyền thống, các giá trị tốt đẹp của con người, của dân tộc. Mặt khác, cơ chế thị trường cũng làm gia tăng tình trạng quan liêu, tham nhũng, lối sống "phong bì”, người lớn không còn là tấm gương đạo đức cho giới trẻ, khiến đạo đức bị suy giảm. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, mặt bằng dân trí không đồng đều, nhu cầu hưởng thụ, khả năng tiếp nhận, sáng tạo văn hoá có sự khác biệt giữa các vùng miền. Việc đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá truyền thống các dân tộc còn khó khăn. Các thiết chế văn hoá, chất lượng hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của nhân dân…
Phát triển văn hoá Hoà Bình là 1 trong 5 khâu đột phá chiến lược
Những năm qua, kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của các kỳ đại hội trước về văn hóa, phát triển văn hóa, con người Việt Nam; Nghị quyết số 33-NQ/TW, BTV Tỉnh uỷ đã có nhiều chủ trương, giải pháp để phát triển toàn diện văn hoá, con người Hoà Bình.
Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: Văn hoá dân tộc Mường và nền "Văn hoá Hoà Bình” là tài sản vô giá, được Tỉnh uỷ, BTV Tỉnh uỷ đặc biệt quan tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Hiện tại và trong những năm tới, việc xây dựng, phát triển văn hoá, con người Hoà Bình là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, bổ sung là 1 trong 5 khâu đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 và trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ tới. Xây dựng và phát triển văn hoá, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững là một nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, kiên trì, lâu dài, cần phải quán triệt một cách sâu sắc, toàn diện. Tỉnh coi đây là nhiệm vụ hết sức cấp bách, mặc dù trong điều kiện còn khó khăn về nguồn lực, nhưng vẫn quyết liệt triển khai. Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hòa Bình trong giai đoạn mới. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, đề án… trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá dân tộc, đặc biệt là việc triển khai thực hiện có hiệu quả đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá dân tộc Mường và nền "Văn hoá Hoà Bình” giai đoạn 2023 - 2030. Đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, phát huy lối sống "Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; khuyến khích tinh thần cống hiến, sáng tạo vì cộng đồng; đức tính tự trọng, tự chủ, có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội, đặc biệt trong học sinh, sinh viên, thanh niếu niên.
Bên cạnh đó, phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá. Trong đó chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống; tiếp thu tinh hoa văn hoá các dân tộc, của khu vực và thế giới; nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hoá mới. Quan tâm xây dựng văn hoá ứng xử lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, lạc hậu; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong mỹ tục của gia đình và xã hội. Nâng cao đời sống văn hoá của nhân dân các dân tộc; chú trọng đầu tư nguồn lực phát triển văn hoá ở vùng sâu, xa. Tiếp tục phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hoá là nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự đa dạng văn hoá của các dân tộc. Đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hoá. Có chính sách đãi ngộ đối với những người có nhiều cống hiến cho sự nghiệp phát triển văn hoá. Tăng cường xúc tiến, quảng bá, giới thiệu về mảnh đất, nét văn hoá đặc sắc và con người Hòa Bình với bạn bè trong nước, quốc tế. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá nhằm huy động các nguồn lực đầu tư, tài trợ, hiến tặng phục vụ cho phát triển văn hoá và phát triển con người…
Với những nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ sẽ tháo gỡ rào cản, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc khai thác giá trị di sản văn hóa dân tộc, vừa khơi dậy niềm tự hào, vừa trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Hướng tới mục tiêu xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hương Lan