Mỗi dịp tháng Ba âm lịch, con dân đất Việt từ muôn phương lại tìm về vùng đất linh thiêng, cội nguồn của dân tộc. Trong dòng người ấy, chúng tôi - những người con của quê hương Hòa Bình, mang trong mình niềm tự hào và lòng thành kính sâu sắc đã hành hương về Đất Tổ, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn".
Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Hòa Bình và Báo Phú Thọ thắp hương tại đền thờ các Vua Hùng.
Hòa Bình - vùng đất mang đậm dấu ấn văn hóa với nền Văn hóa Hòa Bình đặc sắc, nơi con người mộc mạc nhưng giàu tình cảm và luôn hướng về cội nguồn. Hàng năm, vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), các đoàn đại biểu, nhân dân và đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình lại tổ chức hành trình về Đền Hùng (Phú Thọ), dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng.
Trên cung đường về Đất Tổ, những người con Hòa Bình mang theo tấm lòng thành kính cùng những lễ vật giản dị nhưng đậm bản sắc quê hương. Từ những chiếc bánh chưng, đến các sản vật núi rừng như mật ong, rượu cần, gạo nếp nương, cam Cao Phong… Đoàn cơ quan Báo Hòa Bình cũng về với Đất Tổ, kính dâng những sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh.
Với sứ mệnh lan tỏa giá trị văn hóa và lịch sử, đoàn cán bộ, phóng viên Báo Hòa Bình có mặt từ sớm để ghi lại những khoảnh khắc thiêng liêng, những câu chuyện xúc động của đồng bào khi về thăm Đền Hùng.
Anh Đức Thọ, đại diện Báo Phú Thọ, người trực tiếp hướng dẫn đoàn Báo Hòa Bình chia sẻ: "Chúng tôi rất vinh dự khi đồng hành cùng các đồng nghiệp Báo Hòa Bình trong hành trình về Đất Tổ. Mỗi năm tỉnh Phú Thọ đón hàng triệu lượt khách hành hương, với mỗi đoàn đến đây, chúng tôi luôn cảm nhận được tình cảm thiêng liêng hướng về cội nguồn dân tộc. Điều này càng khẳng định vai trò quan trọng của Đền Hùng trong đời sống tâm linh và văn hóa của người Việt".
Hòa Bình và Phú Thọ tuy không xa về địa lý nhưng mỗi dịp hội ngộ lại càng thêm thắm tình nghĩa. Người dân Hòa Bình chân chất và mộc mạc, luôn xem Phú Thọ là quê hương chung của dân tộc - nơi mọi người tìm về để tri ân các bậc tiền nhân. Dòng người nối tiếp nhau tiến về Đền Hùng không chỉ thể hiện lòng thành kính mà còn gắn kết văn hóa giữa hai vùng đất.
Những điệu múa, câu ca, tiếng chiêng vang vọng giữa không gian lễ hội như đưa con người trở về quá khứ hào hùng. Người Hòa Bình đến Phú Thọ để tri ân tổ tiên, Báo Hòa Bình tặng quà là các sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh cho Báo Phú Thọ.
Báo Hòa Bình tặng quà là các sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh cho Báo Phú Thọ.
Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Hòa Bình trong chuyến hành hương về Đất Tổ.
Trong dòng người về thăm Đất Tổ, chúng tôi gặp ông Bùi Văn Diễn (65 tuổi, huyện Lạc Sơn), ông xúc động chia sẻ: "Mỗi năm tôi đều cố gắng thu xếp công việc để cùng con cháu về đây. Được tham quan những công trình thờ tự lâu đời, ngắm nhìn các cổ vật ý nghĩa, được sống trong không gian xanh mát của quần thể rừng quốc gia Đền Hùng, tôi thấy vô cùng ý nghĩa. Đặc biệt, đứng trước Đền Hùng, tôi như được kết nối với tổ tiên và lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc".
Cùng chung cảm xúc, anh Nguyễn Thành Nam (TP Hòa Bình) bày tỏ: "Đến Đền Hùng, tôi cảm thấy vô cùng thiêng liêng. Đây không chỉ là hành trình tâm linh, mà còn là cơ hội để thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử, về công lao dựng nước và giữ nước của cha ông. Tôi càng thêm tự hào về quê hương, dân tộc và luôn ghi nhớ cội nguồn, gìn giữ truyền thống quý báu".
Đặt chân đến đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, nơi Đền Thượng tọa lạc, những người con Hòa Bình cùng hàng nghìn du khách đều chung cảm xúc thiêng liêng. Khi thắp nén nhang, cúi đầu trước đền thờ các Vua Hùng, lòng dâng lên niềm tự hào và sự biết ơn sâu sắc.
Hành trình của những người con Hòa Bình về thăm Đất Tổ là hành trình của tình cảm, niềm tự hào và sự kết nối. Dù ở đâu, làm gì, mỗi người con đất Việt nói chung và người Hòa Bình nói riêng luôn hướng về cội nguồn, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Những bước chân hành hương về Đền Hùng mỗi năm là lời nhắc nhở về trách nhiệm bảo tồn và phát huy di sản quý báu cha ông để lại.
Hồng Duyên
Dân tộc Mường là một trong những dân tộc thiểu số lớn tại Việt Nam, tập trung chủ yếu ở tỉnh Hòa Bình. Văn hóa Mường Hòa Bình là kho tàng di sản phong phú, phản ánh bản sắc độc đáo của dân tộc Mường. Với hơn 63% dân số của tỉnh là người Mường, họ đã sản sinh và giữ gìn nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, làm nên bản sắc riêng. Di sản văn hoá của người Mường Hòa Bình là tài sản vô giá, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, thể hiện đời sống tinh thần phong phú cần được bảo tồn và phát huy trong đời sống hiện đại.
Hòa Bình không chỉ là cái nôi của người Việt tiền sử với nền Văn hóa Hòa Bình nổi tiếng, miền đất này còn được biết đến với nhiều di tích, danh thắng. Đến nay, Hòa Bình có 41 di tích cấp quốc gia (14 di tích lịch sử văn hóa, 9 di tích lịch sử cách mạng, 18 di tích danh lam thắng cảnh) và trên 40 di tích cấp tỉnh.
Từ thông tin của người đi rừng, chính quyền địa phương, Đoàn khảo sát đã vượt núi, băng rừng để đến bên cây chè cổ trên đỉnh núi Tam Đảo thuộc địa phận xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Tham gia Đoàn, PGS. TS Hà Duy Trường, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu giống cây trồng và vật nuôi (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên), đã khảo sát, đánh giá và phân tích tỉ mỉ quần thể cây chè cổ và đưa ra nhận định ban đầu: Đây là một giống chè Shan quý.
Theo những người đi rừng lâu năm, nơi đỉnh núi Tam Đảo thuộc địa phận xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, có một quần thể cây được cho là chè cổ thụ với kích thước gốc lớn, tuổi đời ước tính vài trăm năm. Mỗi khi mùa hoa đến, đỉnh núi mờ sương Tam Đảo lại vàng rực màu hoa chè. Thông tin này đã thôi thúc chúng tôi - những phóng viên, biên tập viên của Báo Thái Nguyên vượt núi, băng rừng, tìm cách "vén màn" bí ẩn cây chè cổ…
Cách đây mấy năm, tỉnh Hòa Bình vẫn còn là cái tên khá mờ nhạt trên bản đồ du lịch miền Bắc. Đến năm 2024, tỉnh đã đón khoảng 4,3 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 4.738 tỷ đồng, chiếm trên 31% GRDP. Không chỉ là con số, đó là dấu mốc cho thấy du lịch - dịch vụ đã trở thành một cỗ máy tăng trưởng mới của địa phương.
Bao đời nay, cộng đồng các dân tộc tỉnh Hòa Bình, đặc biệt là dân tộc Mường có những lễ hội riêng mang đậm nét văn hóa. Lễ hội gắn liền với những đặc điểm cụ thể về địa lý, tự nhiên và đời sống xã hội của các cộng đồng cư dân tồn tại ở đây từ lâu đời. Điều đó đã làm nên sự phong phú trong đời sống tinh thần và trong bản sắc văn hóa Hòa Bình; bộc lộ các tín ngưỡng dân gian và biểu hiện rõ sự giao lưu về văn hóa giữa các dân tộc. Trong đó, nhiều lễ hội có sức sống trường tồn cùng thời gian, tiếp tục được các thế hệ hôm nay lưu truyền, phát huy…Tiêu biểu là Lễ hội Khai hạ (LHKH) dân tộc Mường.