Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường là nhiệm vụ cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều giá trị truyền thống đứng trước nguy cơ mai một. Quá trình này không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực trong việc gìn giữ bản sắc, mà còn phải đi đôi với loại bỏ hủ tục lạc hậu, phát triển đời sống văn hóa mới, góp phần tạo dựng những giá trị bền vững cho cộng đồng dân tộc Mường ở Hòa Bình.




Trường TH&THCS Do Nhân (Tân Lạc) đưa giáo dục văn hoá Mường vào trường học.

Nhận diện thách thức

Cùng với khẳng định những kết quả đã đạt được trong việc lưu giữ các giá trị văn hoá dân tộc Mường, đồng chí Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho rằng: Tác động của mặt trái cơ chế thị trường làm cho một bộ phận nhân dân chạy theo giá trị vật chất, dần đánh mất các giá trị văn hoá truyền thống. Một số loại hình di sản văn hóa (DSVH) trong kho tàng DSVH dân tộc Mường Hòa Bình có nguy cơ mai một, thất truyền. Việc đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường chưa tương xứng với giá trị của di sản. Nhiều DSVH có giá trị của dân tộc Mường chưa được đầu tư nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng để bảo tồn. Công tác kiểm kê khoa học về DSVH phi vật thể của người Mường còn hạn chế; việc nghiên cứu lập hồ sơ di sản đề nghị đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia còn ít.

Công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu DSVH dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình hiệu quả chưa cao. Cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động trưng bày giới thiệu DSVH dân tộc Mường Hòa Bình tại Bảo tàng tỉnh chưa hấp dẫn. Công tác xã hội hóa huy động các nguồn lực đầu tư cho bảo tồn, phát huy giá trị DSVH còn hạn chế. Cùng với đó là tình trạng xâm hại di tích, trộm cắp di vật, cổ vật dân tộc Mường còn diễn ra. Một số di tích đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư trùng tu, tôn tạo. Chưa có chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân đang nắm giữ DSVH của dân tộc Mường, nhất là các nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân”, "Nghệ nhân Ưu tú” tham gia truyền dạy di sản cho thế hệ trẻ.

Cùng tâm tư về những khó khăn trong công tác phát huy giá trị văn hoá Mường, nghệ nhân Bùi Văn Rửm, xóm Rọm Cọ, xã Thượng Cốc (Lạc Sơn) chia sẻ: Nhiều DSVH, trong đó có mo Mường là những "báu vật" của văn hóa Mường đang dần bị mai một. Chúng tôi vẫn đam mê, miệt mài giữ gìn, nhưng nỗi lo lớn nhất là rất khó tìm được người trẻ kế cận để truyền dạy...

Để giá trị văn hoá Mường mãi trường tồn

Thấm nhuần quan điểm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn…” định hướng cho sự phát triển của nền văn hóa dân tộc. Nhận thức những thách thức trong quá trình phát triển, tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều biện pháp để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường. Lần đầu tiên việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá Mường và nền Văn hoá Hoà Bình được xác định là khâu đột phá chiến lược của tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai những giải pháp cụ thể để văn hoá Mường được lưu giữ, phát triển và lan toả trong đời sống cộng đồng. Mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá Mường trong bối cảnh mới được gắn với nguồn lực thực hiện.

Năm 2023, tỉnh ban hành Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền Văn hóa Hòa Bình giai đoạn 2023 - 2030. Đề án dành nguồn lực trên 500 tỷ đồng để đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc Mường và nền Văn hoá Hoà Bình. Trong đó, tổ chức lập quy hoạch, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng Khu bảo tồn không gian văn hóa dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch tại huyện Tân Lạc. Trong đề án cũng xác định những việc cần làm như: Tổ chức nghiên cứu, sưu tầm các DSVH có giá trị về lịch sử, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ của dân tộc Mường để trưng bày giới thiệu, quảng bá; xây dựng các sản phẩm văn hóa đương đại mang đặc trưng của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình phục vụ khách tham quan du lịch. Kịp thời bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc trước nguy cơ mai một do các nghệ nhân nắm giữ DSVH đã cao tuổi. Phục dựng, phát huy các lễ hội truyền thống đặc sắc, trang phục truyền thống, nhà sàn truyền thống, hát dân ca, nghệ thuật chiêng Mường, mo Mường và phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc Mường Hòa Bình. Đầu tư khôi phục, tôn tạo một số di tích mang đặc sắc kiến trúc văn hóa dân tộc Mường đã bị mai một.

Cụ thể, phục chế 20 trống đồng có giá trị tại Bảo tàng tỉnh để bảo quản và trưng bày giới thiệu về di sản trống đồng của Hòa Bình. Lựa chọn 5 điểm du lịch cộng đồng dân tộc Mường đầu tư hỗ trợ khôi phục nhà sàn Mường truyền thống để bảo tồn không gian văn hoá của người Mường. Nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng hồ sơ khoa học trình xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh đối với Quần thể hang động chùa Tiên, xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy. Về DSVH phi vật thể, hoàn thiện hồ sơ khoa học DSVH mo Mường trình Thủ tướng Chính phủ trình tổ chức UNESCO ghi danh vào danh sách DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa, khôi phục, phát huy DSVH phi vật thể của dân tộc Mường về tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian, tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian.

Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm đưa văn hóa Mường vào chương trình giảng dạy, tổ chức các hoạt động ngoại khóa để học sinh hiểu và trân trọng DSVH dân tộc. Có chính sách hỗ trợ nghệ nhân mo, chiêng Mường. Khuyến khích học sinh, cán bộ, công chức mặc trang phục Mường vào thứ Hai hằng tuần. Khai thác du lịch văn hóa Mường kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Xây dựng thư viện số về mo Mường và hệ thống dữ liệu chiêng Mường. Phát triển ngành công nghiệp sáng tạo dệt thổ cẩm, nhạc cụ Mường trở thành sản phẩm quà tặng du lịch...

Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường, tỉnh Hòa Bình tập trung vào việc giáo dục, nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của DSVH. Cùng với đó, phát triển du lịch văn hóa cũng là hướng đi tiềm năng. Bằng cách xây dựng các tour du lịch trải nghiệm văn hóa Mường, giới thiệu, quảng bá DSVH đến du khách, đồng thời tạo nguồn thu nhập cho cộng đồng địa phương, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Với sự chung tay của các cấp uỷ, chính quyền, nghệ nhân, cộng đồng và những cá nhân tâm huyết, văn hóa Mường sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát huy, không chỉ như một di sản quý báu của người Mường, mà còn là nét đặc sắc trong kho tàng văn hóa Việt Nam.


Hương Lan

Các tin khác


Đất Mường trên hành trình kinh tế mới: Bài 5 - Du lịch, dịch vụ - cỗ máy tăng trưởng mới

Cách đây mấy năm, tỉnh Hòa Bình vẫn còn là cái tên khá mờ nhạt trên bản đồ du lịch miền Bắc. Đến năm 2024, tỉnh đã đón khoảng 4,3 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 4.738 tỷ đồng, chiếm trên 31% GRDP. Không chỉ là con số, đó là dấu mốc cho thấy du lịch - dịch vụ đã trở thành một cỗ máy tăng trưởng mới của địa phương.

Đất Mường trên hành trình kinh tế mới: Bài 4 - Công nghiệp không còn là “vai phụ”

Năm 2024, hai con số ấn tượng đã được ngành công nghiệp tỉnh Hoà Bình xác lập. Đó là 15,24% - mức tăng trưởng chưa từng có và 44% GRDP - một cột mốc lịch sử. Công nghiệp xứ Mường không còn là "vai phụ” mà dần trở thành trụ cột, định hình tương lai nền kinh tế vùng đất cửa ngõ Tây Bắc.

Đất Mường trên hành trình kinh tế mới: Bài 3 - thành quả trên đồng đất xứ Mường

Năm 2020, trên mỗi hecta đất sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Hòa Bình, giá trị thu nhập đạt 130 triệu đồng. Sau 4 năm, với những chuyển mình táo bạo trong cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng, con số ấy đã tăng lên 200 triệu đồng/ha - mức tăng 53,85%. Đặc biệt, với những cây trồng chủ lực, thu nhập trên một đơn vị diện tích thậm chí đạt 250 triệu đồng/ha, tăng 92,31% - một bước nhảy vọt mà chính những người nông dân lâu năm cũng bất ngờ.

Đất Mường trên hành trình kinh tế mới: Bài 2 - Nhận diện khó khăn, vượt qua thử thách

Không có thành công nào dễ dàng, đặc biệt với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Hòa Bình. Trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, địa phương gặp nhiều thách thức từ cơ sở hạ tầng yếu kém, khó khăn trong thu hút đầu tư, đến rào cản về nhận thức.

Đất Mường trên hành trình kinh tế mới: Bài 1 - Tạo sức bật cho nền kinh tế

Những con đường mới rộng thênh thang; khu công nghiệp rộn ràng nhịp máy; cánh đồng rau hữu cơ trải dài xanh mướt; khu du lịch thơ mộng mà giàu bản sắc… tất cả vẽ nên bức tranh đầy sức sống của tỉnh Hòa Bình hôm nay. Sự quyết tâm và đồng lòng từ các cấp uỷ, chính quyền đến người dân đã tạo nên những đổi thay từ hành trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng (ĐMMHTT).

Hé lộ bí ẩn bên trong “ngôi nhà” hơn 2 vạn năm tuổi ở huyện Mai Châu

Từng là nơi người dân cột trâu sau một ngày dài chăn thả, kéo cày giúp làm ra hạt lúa, củ khoai... Không ai ngờ, nơi mái đá có thế cánh cung khiến mưa không hắt, nắng không chiếu đến, nhưng ánh sáng vẫn có thể ngập tràn phía trong từng là nơi tổ tiên người Việt cổ đã sinh ra, lớn lên, lấy việc săn bắn, hái lượm để sống. Những bí ẩn nơi mái đá được chôn giấu cả vạn năm chỉ mới được hé lộ cách đây chưa lâu bởi các chuyên gia khảo cổ trong và ngoài nước...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục