Từ thông tin của người đi rừng, chính quyền địa phương, Đoàn khảo sát đã vượt núi, băng rừng để đến bên cây chè cổ trên đỉnh núi Tam Đảo thuộc địa phận xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Tham gia Đoàn, PGS. TS Hà Duy Trường, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu giống cây trồng và vật nuôi (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên), đã khảo sát, đánh giá và phân tích tỉ mỉ quần thể cây chè cổ và đưa ra nhận định ban đầu: Đây là một giống chè Shan quý.

Các thành viên Đoàn khảo sát vui mừng khi tìm thấy cây chè cổ.
Các thành viên Đoàn khảo sát vui mừng khi tìm thấy cây chè cổ.

Cây chè đầu tiên

Trong bài viết trước, đoàn khảo sát đã vượt núi, băng rừng tìm được cây chè cổ đầu tiên. Nghệ nhân Nguyễn Thị Hải, Chủ tịch Hội chè Đại Từ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã chè La Bằng, người đã từng tham gia một chuyến đi tìm cây chè cổ vào tháng 1-2025, chia sẻ: Trong chuyến đi đầu năm nay, chúng tôi đi lên đến đỉnh núi thì mới tìm thấy cây chè cổ, nhưng lần này trên đường đi đã phát hiện được thêm một cây chè cổ. Cây chè này là lần đầu tiên được tìm thấy. Và với vị trí cách xa so với mốc ranh giới 2 tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang, đây được xác định là cây chè cổ gần với xã La Bằng nhất cho đến thời điểm hiện tại.

Sau khi phát hiện cây chè, anh Trương Thủy Luân, Phó Chủ tịch Hội chè Đại Từ, đại diện thương hiệu du lịch Thái Nguyên Adventure, sử dụng định vị GPS xác định vị trí. Anh Luân cho biết: Còn khoảng hơn trăm mét đường rừng nữa chúng ta mới đến điểm giáp ranh giữa 2 tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang. Khu vực này thuộc địa phận xã La Bằng, huyện Đại Từ và là bờ Đông dãy Tam Đảo. Nghĩa là cây này thuộc địa phận tỉnh Thái Nguyên.

PGS. TS Hà Duy Trường đo kích thước của cây chè được phát hiện đầu tiên.
PGS. TS Hà Duy Trường đo kích thước của cây chè được phát hiện đầu tiên.
Cây chè cổ được phát hiện đầu tiên có chu vi gốc 88cm.
Cây chè cổ được phát hiện đầu tiên có chu vi gốc 88cm.

Sau khi khảo sát cây chè, PGS. TS Hà Duy Trường đánh giá: Chúng tôi lấy mẫu lá, mẫu cành, mẫu búp và ban đầu xác định rất giống với một dòng chè Shan. Đặc biệt, búp măng của cây chè rất giống búp măng chè Shan. Cây chè tìm thấy đầu tiên này cao 12-13m, chu vi gốc đo tại vị trí cách gốc 20cm là 88cm, ước trên 150 tuổi.

Giống chè Shan

Tiếp tục ngược lên đỉnh núi Tam Đảo, Đoàn khảo sát tìm được một quần thể cây chè cổ. PGS. TS Hà Duy Trường cho biết: Đoàn tìm thấy 18 cây với chu vi gốc khoảng từ 80 đến 150cm. Qua mẫu lá, mẫu búp chè, chúng tôi đánh giá tất cả những cây này là một dòng chè, thiên về dòng chè Shan rất quý, có thể là giống chè shan xanh hoặc shan trắng thường sinh sống trên độ cao hơn 1.200m so với mặt nước biển. Tuy nhiên, để xác định được quần thể cây chè này thuộc giống chè Shan nào thì phải giải trình tự hệ gen để đánh giá chính xác nhất.

Nhà khoa học và chuyên gia chè định vị GPS cây chè cổ.
Nhà khoa học và chuyên gia chè định vị GPS cây chè cổ.

Cũng theo PGS. TS Hà Duy Trường, về tuổi của cây, qua khảo sát đo đếm một số chỉ tiêu nhất là chu vi gốc, đối với cây có chu vi từ 100-150cm thì tuổi cây trên 200 tuổi; cây có chu vi trên 80cm tuổi cây trên 150 tuổi. Như vậy, cảm quan ban đầu thì hầu hết cây chè được phát hiện có tuổi đời trên 200 tuổi, nhưng để đánh giá chính xác tuổi cây thì phải dùng phương pháp khoa học khoan tăng trưởng để khoan đến tâm của thân cây để xác định tuổi.

Phóng viên Báo Thái Nguyên, nhà khoa học và chuyên gia chè bên gốc cây chè cổ.
Phóng viên Báo Thái Nguyên, nhà khoa học và chuyên gia chè bên gốc cây chè cổ.
Tại Việt Nam, chè Shan hiện nay thường là loại cây cổ thụ, có nhiều ở các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái. Cây mọc cao vài mét đến hàng chục, vài chục mét, khi hái chè phải trèo hẳn lên cây. Nhiều nơi có những gốc chè vài người ôm không xuể với độ tuổi từ vài trăm năm đến cả nghìn năm. Chè Shan thường sinh sống ở khu vực có độ cao hơn 1.200m, khí hậu mát, mây mù bao phủ.
Lá cây chè cổ.
Lá cây chè cổ.

Tiếp tục khảo sát, đoàn nhận thấy búp chè, hay còn gọi măng chè có hình dạng đặc trưng - giống hình dạng móng của con rồng. Nghệ nhân Nguyễn Thị Hải cho biết: Chúng tôi cảm nhận đây như là chè Shan Móng Rồng rất có giá trị.

Nhiều người trong đoàn khảo sát cho rằng đây là chè Shan Móng Rồng rất quý.
Nhiều người trong đoàn khảo sát cho rằng đây là chè Shan Móng Rồng rất quý. Trong ảnh: Búp hay còn gọi măng của cây chè cổ.
Măng chè được bóc ra bên trong có búp non.
Măng chè được bóc ra bên trong có búp non.
Móng Rồng là một loại trà nổi tiếng. Sở dĩ có tên Móng Rồng bởi nhìn có hình dạng giống như chiếc móng của con rồng. Tại Việt Nam, loại chè Shan này sinh trưởng rải rác ở một số khu vực, nhiều nhất thuộc tỉnh Hà Giang, có độ cao trên 1.300m, nhiệt độ không khí mùa đông dưới 10 độ C, mùa hè dưới 20 độ C. Một năm chè Shan cho thu hoạch búp 1 lần vào mùa đông. Với những điều kiện trên, chè Móng Rồng được tích lũy đầy đủ thành phần dinh dưỡng, mang lại lợi ích sức khỏe, giúp ngăn ngừa nhiều loại bệnh, chống oxy hóa mạnh...

Chè cổ Núi Bóng - Tam Đảo: 2 giống khác nhau về đặc điểm hình thái

Đang thực hiện nghiên cứu cây chè cổ trên đỉnh núi Bóng, xã Minh Tiến, huyện Đại Từ, nên khi nhìn thấy cây chè cổ trên đỉnh Tam Đảo này, PGS. TS Hà Duy Trường nhận thấy 2 giống chè khác nhau về đặc điểm hình thái lá.

Đoàn khảo sát chụp ảnh bên gốc cây chè cổ núi Tam Đảo thuộc địa phận xã La Bằng.
Đoàn khảo sát chụp ảnh bên gốc cây chè cổ núi Tam Đảo thuộc địa phận xã La Bằng.

PGS. TS Hà Duy Trường phân tích: Chè cổ mới phát hiện trên đỉnh Tam Đảo lá có răng cưa chìm, búp chè hình măng được bọc bởi lớp vỏ cứng hay gọi là măng trà, còn chè núi Bóng có răng cưa rõ và thưa, hình thành búp chè thông thường. Lá chè ở núi Tam Đảo bản lá dày, còn chè núi Bóng thì lá mỏng dài và đầu lá nhọn. Ban đầu, tôi nhận định 2 giống khác nhau về đặc hình thái, tuy nhiên muốn xác định khác biệt chính xác nhất thì cần phải giải trình tự nguồn gen.

Vỏ cây chè cổ trên núi Tam Đảo màu đỏ hồng. Trong ảnh: PGS. TS Hà Duy Trường bên gốc chè cổ.
Vỏ cây chè cổ trên núi Tam Đảo màu đỏ hồng. Trong ảnh: PGS. TS Hà Duy Trường bên gốc chè cổ.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hải cho biết thêm: Tôi cũng đã khảo sát ở 2 vùng chè núi Bóng và núi Tam Đảo và nhận thấy cây chè ở 2 vùng này khác nhau. Cây chè ở núi Tam Đảo có mầm, búp chè rất to, trong bọc những búp nhỏ, nhìn khác biệt so với cây chè ở núi Bóng có búp như chè thông thường. Nhìn thân cây, chúng tôi thấy bề ngoài cây chè ở núi Tam Đảo vỏ đỏ hồng, còn ở núi Bóng có màu trắng xanh.

Đoàn khảo sát dùng ống nứa để pha trà cổ giữa đỉnh Tam Đảo mờ sương.
Đoàn khảo sát dùng ống nứa để pha trà cổ giữa đỉnh Tam Đảo mờ sương.

Nhà khoa học và chuyên gia ngành chè đều nhận định quần thể cây chè cổ trên đỉnh núi Tam Đảo có sự khác biệt về hình thái lá và búp so với núi Bóng, cần sớm có nghiên cứu khoa học để xác định giống và nguồn gen của cây. Trước đây, Hội đồng khoa học tỉnh Thái Nguyên đã thông qua đề tài "Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nguồn gen cây chè cổ thụ núi Bóng, xã Minh Tiến, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên”. Hoạt động nghiên cứu đang diễn ra nhằm xác định nguồn gen chè cổ thụ Núi Bóng.

Các thành viên Đoàn khảo sát ẩm trà và bàn về hương vị trà pha từ măng cây chè cổ.
Các thành viên Đoàn khảo sát ẩm trà và bàn về hương vị trà pha từ măng cây chè cổ.

Với việc phát hiện quần thể cây chè cổ núi Tam Đảo, để có kết luận chính xác nhất, các nhà khoa học, chuyên gia chè đề nghị tỉnh Thái Nguyên sớm có đề tài nghiên cứu khoa học về nguồn gen cây chè cổ trên đỉnh Tam Đảo thuộc địa phận tỉnh Thái Nguyên. Trên cơ sở đó sớm đưa quần thể cây trở thành cây di sản để bảo tồn, phát huy giá trị quý của cây chè.

Nhóm phóng viên, biên tập viên Báo Thái Nguyên bên gốc cây chè cổ.
Nhóm phóng viên, biên tập viên Báo Thái Nguyên bên gốc cây chè cổ.

Theo nhiều nhà khoa học, việc phát hiện quần thể cây chè cổ trên núi Tam Đảo, thuộc địa phận xã La Bằng (Đại Từ) có ý nghĩa rất lớn. Đây là tiền đề cho công tác nghiên cứu để đánh giá lịch sử xuất hiện cây chè tại Thái Nguyên.


Theo baothainguyen.vn


Các tin khác


Hé lộ bí ẩn bên trong “ngôi nhà” hơn 2 vạn năm tuổi ở huyện Mai Châu

Từng là nơi người dân cột trâu sau một ngày dài chăn thả, kéo cày giúp làm ra hạt lúa, củ khoai... Không ai ngờ, nơi mái đá có thế cánh cung khiến mưa không hắt, nắng không chiếu đến, nhưng ánh sáng vẫn có thể ngập tràn phía trong từng là nơi tổ tiên người Việt cổ đã sinh ra, lớn lên, lấy việc săn bắn, hái lượm để sống. Những bí ẩn nơi mái đá được chôn giấu cả vạn năm chỉ mới được hé lộ cách đây chưa lâu bởi các chuyên gia khảo cổ trong và ngoài nước...

Sức trẻ tháng Ba

Cứ dịp tháng Ba đến là khí thế thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích, tinh thần tuổi trẻ lại tăng lên gấp bội. Cùng với tuổi trẻ cả nước, tuổi trẻ tỉnh Hòa Bình sẵn sàng đảm nhận các việc khó, việc mới, chung sức xây dựng nhiều công trình, phần việc cụ thể, quyết tâm cao thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.

Tỉnh Hòa Bình - nơi hội tụ những nét văn hóa, lịch sử độc đáo, bản sắc: Bài 4 - Còn ngân vang mãi trống đồng Hòa Bình

Hòa Bình có hai loại trống Đông Sơn: loại I Heger và loại II Heger. Trống Đông Sơn có khung niên đại từ thế kỷ IV trước công nguyên đến thế kỷ V sau công nguyên.

Tỉnh Hòa Bình - nơi hội tụ những nét văn hóa, lịch sử độc đáo, bản sắc: Bài 3 - Tìm hiểu về Văn hóa Hòa Bình

Trong thời kỳ tiền sử của Hòa Bình, nổi bật nhất và đặc trưng nhất là nền Văn hóa Hòa Bình (VHHB). Người Hòa Bình tự hào về lịch sử lâu đời của mình, là địa điểm đầu tiên được phát hiện và được mang tên của một nền văn hóa đặc trưng không chỉ cho riêng Việt Nam mà cho cả các nước Đông Nam Á và phía Nam Trung Quốc: VHHB. Từ việc khai quật các địa điểm di tích hang động tại vùng đá vôi Hòa Bình, năm 1927, nhà khảo cổ người Pháp M.Colani đã cho chúng ta biết đến một "Thời đại đá trong tỉnh Hòa Bình - Bắc Kỳ”. Đến ngày 30/1/1932, nền "VHHB” đã được Đại hội các nhà tiền sử Viễn Đông lần thứ nhất họp tại Hà Nội thừa nhận.

Tháng 3 trên công trường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Tiếng máy khoan vào đá vang vọng giữa đại ngàn Tây Bắc; tia lửa hàn chớp loé phản chiếu những gương mặt lấm tấm mồ hôi; chiếc xe ì ầm phun bê tông trên mạch đường vừa khai sinh… không khí lao động hối hả hiển hiện trên công trường Dự án cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu đoạn qua địa bàn tỉnh Hòa Bình. Dưới lớp bụi đỏ cuộn lên trong nắng, các mũi thi công hoạt động không ngơi nghỉ, tiến độ được đẩy mức cao nhất. Vượt lên thử thách của địa hình khắc nghiệt, những cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường không chỉ mở đường cho xe chạy, mà còn đặt nền móng cho sự phát triển bứt phá của cả vùng Tây Bắc.

Tỉnh Hòa Bình - nơi hội tụ những nét văn hóa, lịch sử độc đáo, bản sắc: Bài 2 - Đa dạng, bản sắc, nét riêng của các dân tộc ở Hòa Bình

Hòa Bình tạo dấu ấn đối với du khách gần xa cũng bởi sự đa dạng trong lối sống, sinh hoạt và bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em. Trên địa bàn tỉnh có 6 dân tộc chính cùng chung sống lâu đời (tổng số gần 90 vạn dân), đông nhất là dân tộc Mường chiếm 63,3% dân số; dân tộc Kinh chiếm 27,73%; dân tộc Thái chiếm 3,9%; dân tộc Tày chiếm 2,7%; dân tộc Dao chiếm 1,7%; dân tộc Mông chiếm 0,52%; các dân tộc khác chiếm 1,18%. Cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình luôn đoàn kết, chịu thương chịu khó, có ý chí phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, mỗi dân tộc thể hiện được bản sắc văn hoá riêng biệt, độc đáo, tạo nên nền văn hóa đa dạng, phong phú, đặc sắc và hấp dẫn trên đất Hòa Bình…


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục