Dân tộc Mường là một trong những dân tộc thiểu số lớn tại Việt Nam, tập trung chủ yếu ở tỉnh Hòa Bình. Văn hóa Mường Hòa Bình là kho tàng di sản phong phú, phản ánh bản sắc độc đáo của dân tộc Mường. Với hơn 63% dân số của tỉnh là người Mường, họ đã sản sinh và giữ gìn nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, làm nên bản sắc riêng. Di sản văn hoá của người Mường Hòa Bình là tài sản vô giá, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, thể hiện đời sống tinh thần phong phú cần được bảo tồn và phát huy trong đời sống hiện đại.





Ông Bùi Ngọc Thuận (bên trái), xóm Bưng 1, xã Thu Phong (Cao Phong) trao đổi về bộ túi khót với thành viên Câu lạc bộ mo Mường Thàng.

Tỉnh Hòa Bình được coi là cái nôi của dân tộc Mường với nền văn hóa phong phú, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá. Trong quá trình sinh sống, lao động sản xuất, người Mường ở Hoà Bình đã sáng tạo ra những giá trị văn hoá độc đáo riêng có.

Mo và sử thi "Đẻ đất - Đẻ nước"

Trong kho tàng văn hóa của dân tộc Mường, mo và sử thi "Đẻ đất - đẻ nước" được xem là những giá trị tinh thần quý báu, phản ánh đậm nét thế giới quan, nhân sinh quan và bản sắc riêng của người Mường nơi đây. Mo Mường là loại hình diễn xướng dân gian quan trọng trong đời sống tâm linh của người Mường Hòa Bình. Mo không chỉ là những bài cúng lễ trong các nghi thức tang ma, cầu an, mừng nhà mới, mà còn chứa đựng những câu chuyện lịch sử, truyền thuyết và quan niệm về vũ trụ, con người. Các thầy mo là những người có uy tín, vai trò trung gian giữa con người với thần linh, truyền đạt lời cầu nguyện và tổ chức các nghi lễ quan trọng. Mo Mường mang tính truyền miệng, được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Những bài mo dài hàng nghìn câu, với cách diễn xướng đặc biệt, thể hiện sự sâu sắc trong tư tưởng và nghệ thuật ngôn từ. Đặc biệt, mo Mường Hòa Bình đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, khẳng định giá trị đặc biệt đối với nền văn hóa Việt Nam.

Theo Nghệ nhân Ưu tú, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn), mo Mường là một chỉnh thể nguyên hợp về văn hóa dân gian, bao gồm các loại hình: Văn học dân gian (các áng sử thi), diễn xướng dân gian (âm nhạc, múa, sân khấu); là hình thức chuyển tải nội dung tín ngưỡng gắn với các lễ nghi dân gian... Với những giá trị đó, mo Mường thực sự là "viên ngọc quý” trong kho tàng văn hóa dân gian của người Mường nói riêng và của người Việt nói chung.

Trong kho tàng văn học dân gian Mường, sử thi "Đẻ đất - đẻ nước" cũng giữ vị trí đặc biệt. Đây là bản trường ca đồ sộ, được truyền miệng qua nhiều thế hệ, kể về sự hình thành trời, đất, con người và xã hội người Mường. Sử thi phản ánh quan niệm về nguồn gốc vũ trụ, thần thoại sáng thế, cũng như các giá trị đạo đức, tập tục, luật lệ của cộng đồng người Mường Hòa Bình. "Đẻ đất - đẻ nước" mang đậm phong cách nghệ thuật truyền thống của người Mường với cấu trúc lặp lại, nhịp điệu uyển chuyển và ngôn từ giàu hình ảnh. Sử thi thể hiện sự sáng tạo nghệ thuật, góp phần khẳng định bản sắc văn hóa riêng biệt của dân tộc Mường ở Hòa Bình.

Mo Mường và sử thi "Đẻ đất - đẻ nước" là những di sản quý báu, thể hiện sự phong phú và độc đáo của văn hóa Mường Hòa Bình. Những giá trị này không chỉ giúp người Mường duy trì bản sắc dân tộc mà còn đóng góp quan trọng vào kho tàng văn hóa Việt Nam.

Những vùng đất giữ hồn dân tộc

Từ lâu, câu nói "Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động" đã khắc sâu trong tâm trí người dân Hòa Bình, nhắc đến 4 vùng Mường cổ nổi tiếng của tỉnh Hòa Bình. Từ bao đời nay, 4 vùng Mường Bi - Vang - Thàng - Động vẫn được coi là cái nôi văn hóa của người Mường. Mỗi vùng mang một màu sắc riêng, chứa đựng những câu chuyện, phong tục và con người, tạo nên bức tranh văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đồng chí Bùi Minh Hồng, Trưởng phòng Văn hoá, Khoa học và Thông tin huyện Tân Lạc cho biết: Mường Bi được mệnh danh là xứ Mường cổ tích thuộc huyện Tân Lạc, là vùng đất của những truyền thuyết và những con người mang trong mình niềm tự hào về cội nguồn. Người già trong các bản làng vẫn kể về những câu chuyện nguồn cuội trong "Đẻ đất - đẻ nước" - tổ tiên của người Mường. Họ luôn nhắc con cháu rằng: "Mường Bi là hồn cốt của người Mường, là nơi mo vẫn vang vọng trong từng nếp nhà sàn". Lễ hội Khai hạ đầu năm được tổ chức trang trọng, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu...

Mường Vang - Lạc Sơn lại nổi tiếng với việc "giữ hồn" nghề truyền thống bởi những bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ. Chị Bùi Thị Mơ, xã Nhân Nghĩa chia sẻ: Từ nhỏ, các bé gái đã theo mẹ học dệt thổ cẩm. Mỗi tấm thổ cẩm không chỉ để may mặc, sử dụng, mà còn là câu chuyện của làng, của bản, của những người đi trước để lại cho con cháu. Ngoài dệt vải, người Mường ở đây còn giữ nghề đan lát, làm nỏ săn bắn..., những nghề gắn bó với cuộc sống bao đời nay.

Về thăm Mường Thàng - Cao Phong - vùng đất linh thiêng không thể không nhắc đến những đền cổ, hang động huyền bí, nơi lưu giữ dấu ấn của tổ tiên người Mường. Ông Bùi Ngọc Thuận, Chủ nhiệm Câu lạc bộ mo Mường Thàng, xóm Bưng 1, xã Thu Phong là người chuyên nghiên cứu mo Mường, thường xuyên tổ chức các buổi truyền dạy mo cho lớp trẻ. Ông cho biết, nếu mất đi mo Mường là mất đi cả một phần tâm hồn của dân tộc. Chính vì thế, người Mường Thàng luôn cố gắng giữ gìn những câu mo, những điệu múa cổ trong các dịp lễ hội.

Mường Động - Kim Bôi từ lâu nổi tiếng với dòng suối khoáng nóng và ẩm thực độc đáo. Người già trong các bản làng kể rằng, người Mường không chỉ sống bằng núi rừng mà còn sống bằng tình cảm, bằng chum rượu cần, bằng cơm lam thơm nồng... Những món ăn đặc sản như thịt lợn nướng, xôi nếp nương, rượu cần Kim Bôi luôn có trong các cuộc liên hoan của cộng đồng, gắn kết tình làng, nghĩa xóm bền chặt.

Bốn vùng Mường Bi - Vang - Thàng - Động cũng như các huyện, thành phố khác trong tỉnh là nơi lưu giữ hồn cốt của người Mường, là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của một nền văn hóa lâu đời. Những câu chuyện, con người và phong tục nơi đây là niềm tự hào, là báu vật mà thế hệ sau cần gìn giữ và phát huy, để văn hoá Mường mãi mãi là bản sắc, là linh hồn của vùng đất Hòa Bình.

Văn hóa Mường không chỉ là di sản quý báu của riêng tỉnh Hòa Bình, mà còn là tài sản chung của nền văn hóa Việt Nam. Những phong tục tập quán, nghệ thuật dân gian và tri thức bản địa của người Mường phản ánh lối sống, tư duy của cha ông, chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc. Việc bảo tồn, phát huy văn hóa Mường góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc, thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế địa phương, đưa hình ảnh văn hóa Mường vươn xa hơn, hội nhập với dòng chảy văn hóa hiện đại, song vẫn giữ được nét riêng không thể hòa lẫn.

(Còn nữa)

Hương Lan

Các tin khác


Đất Mường trên hành trình kinh tế mới: Bài 3 - thành quả trên đồng đất xứ Mường

Năm 2020, trên mỗi hecta đất sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Hòa Bình, giá trị thu nhập đạt 130 triệu đồng. Sau 4 năm, với những chuyển mình táo bạo trong cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng, con số ấy đã tăng lên 200 triệu đồng/ha - mức tăng 53,85%. Đặc biệt, với những cây trồng chủ lực, thu nhập trên một đơn vị diện tích thậm chí đạt 250 triệu đồng/ha, tăng 92,31% - một bước nhảy vọt mà chính những người nông dân lâu năm cũng bất ngờ.

Đất Mường trên hành trình kinh tế mới: Bài 2 - Nhận diện khó khăn, vượt qua thử thách

Không có thành công nào dễ dàng, đặc biệt với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Hòa Bình. Trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, địa phương gặp nhiều thách thức từ cơ sở hạ tầng yếu kém, khó khăn trong thu hút đầu tư, đến rào cản về nhận thức.

Đất Mường trên hành trình kinh tế mới: Bài 1 - Tạo sức bật cho nền kinh tế

Những con đường mới rộng thênh thang; khu công nghiệp rộn ràng nhịp máy; cánh đồng rau hữu cơ trải dài xanh mướt; khu du lịch thơ mộng mà giàu bản sắc… tất cả vẽ nên bức tranh đầy sức sống của tỉnh Hòa Bình hôm nay. Sự quyết tâm và đồng lòng từ các cấp uỷ, chính quyền đến người dân đã tạo nên những đổi thay từ hành trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng (ĐMMHTT).

Hé lộ bí ẩn bên trong “ngôi nhà” hơn 2 vạn năm tuổi ở huyện Mai Châu

Từng là nơi người dân cột trâu sau một ngày dài chăn thả, kéo cày giúp làm ra hạt lúa, củ khoai... Không ai ngờ, nơi mái đá có thế cánh cung khiến mưa không hắt, nắng không chiếu đến, nhưng ánh sáng vẫn có thể ngập tràn phía trong từng là nơi tổ tiên người Việt cổ đã sinh ra, lớn lên, lấy việc săn bắn, hái lượm để sống. Những bí ẩn nơi mái đá được chôn giấu cả vạn năm chỉ mới được hé lộ cách đây chưa lâu bởi các chuyên gia khảo cổ trong và ngoài nước...

Sức trẻ tháng Ba

Cứ dịp tháng Ba đến là khí thế thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích, tinh thần tuổi trẻ lại tăng lên gấp bội. Cùng với tuổi trẻ cả nước, tuổi trẻ tỉnh Hòa Bình sẵn sàng đảm nhận các việc khó, việc mới, chung sức xây dựng nhiều công trình, phần việc cụ thể, quyết tâm cao thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.

Tháng 3 trên công trường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Tiếng máy khoan vào đá vang vọng giữa đại ngàn Tây Bắc; tia lửa hàn chớp loé phản chiếu những gương mặt lấm tấm mồ hôi; chiếc xe ì ầm phun bê tông trên mạch đường vừa khai sinh… không khí lao động hối hả hiển hiện trên công trường Dự án cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu đoạn qua địa bàn tỉnh Hòa Bình. Dưới lớp bụi đỏ cuộn lên trong nắng, các mũi thi công hoạt động không ngơi nghỉ, tiến độ được đẩy mức cao nhất. Vượt lên thử thách của địa hình khắc nghiệt, những cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường không chỉ mở đường cho xe chạy, mà còn đặt nền móng cho sự phát triển bứt phá của cả vùng Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục