Theo những người đi rừng lâu năm, nơi đỉnh núi Tam Đảo thuộc địa phận xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, có một quần thể cây được cho là chè cổ thụ với kích thước gốc lớn, tuổi đời ước tính vài trăm năm. Mỗi khi mùa hoa đến, đỉnh núi mờ sương Tam Đảo lại vàng rực màu hoa chè. Thông tin này đã thôi thúc chúng tôi - những phóng viên, biên tập viên của Báo Thái Nguyên vượt núi, băng rừng, tìm cách "vén màn" bí ẩn cây chè cổ…


Đoàn gồm nhà khoa học, chuyên gia ngành chè và phóng viên, biên tập viên Báo Thái Nguyên thể hiện quyết tâm vượt núi tìm cây chè cổ trước chuyến đi.

Hoa chè vàng… đỉnh núi

Nhiều lần vượt núi, đến cây chè cổ trên đỉnh núi Bóng, xã Minh Tiến (Đại Từ), nên chúng tôi rất quan tâm đến việc phát hiện cây chè cổ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Những năm 2020, thông tin đầu tiên về cây chè cổ trên đỉnh Tam Đảo thuộc địa phận xã La Bằng (Đại Từ) được hé lộ. Những người đi rừng nơi đây cho biết, vào mùa hoa, nhiều khu vực trên đỉnh núi, hoa chè rụng vàng cả một góc rừng, sau đó là hàng trăm, hàng nghìn quả chè xuất hiện. Hoa và quả chè này rất giống với chè trung du của Thái Nguyên khiến họ cho rằng có rất nhiều cây chè cổ kích thước lớn trên đỉnh núi Tam Đảo.

Rừng Tam Đảo ẩn chứa những bí ẩn về cây chè cổ.
Rừng Tam Đảo ẩn chứa những bí ẩn về cây chè cổ.

Từ thông tin của những người đi rừng cung cấp, đầu năm 2025, một số cuộc khảo sát đã được chính quyền xã La Bằng thực hiện. Ông Dương Văn Vượng, Chủ tịch UBND xã La Bằng cho biết: Đoàn khảo sát của xã La Bằng đã lên đỉnh dãy Tam Đảo và tìm thấy một quần thể 18 cây có kích thước lớn và hàng trăm cây nhỏ rất giống cây chè.

Với quần thể 18 cây được cho là chè cổ có kích thước lớn, người dân địa phương ước tính vài trăm năm tuổi. Những thông tin này đã thúc giục chúng tôi cùng hành quân để tìm hiểu thực hư về cây chè cổ.

8 tiếng ngược ngàn

Để xác thực cây chè cổ, chúng tôi đã kết nối với PGS. TS Hà Duy Trường, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu giống cây trồng và vật nuôi (Trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên) - đơn vị chủ trì, thực hiện Đề tài "Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nguồn gen cây chè cổ thụ núi Bóng, xã Minh Tiến, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên”. Đồng thời liên hệ với nghệ nhân Nguyễn Thị Hải, Chủ tịch Hội chè Đại Từ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã chè La Bằng. Tham gia đoàn còn có anh Trương Thủy Luân, Phó Chủ tịch Hội chè Đại Từ, đại diện thương hiệu du lịch Thái Nguyên Adventure và anh Hứa Văn Thịnh, Giám đốc Hợp tác xã chè La Bằng.

Đoàn vượt núi Tam Đảo lên tìm cây chè cổ.
Đoàn vượt núi Tam Đảo lên tìm cây chè cổ.

Tất cả mọi người đều nhiệt huyết, đam mê tìm hiểu về cây chè cổ nên tích cực tham gia tổ chức chuyến đi. Đặc biệt, nghệ nhân Nguyễn Thị Hải có kiến thức rộng về chè và đã 1 lần cùng đoàn khảo sát của xã La Bằng lên đỉnh núi tìm cây chè cổ. Anh Trương Thủy Luân có kinh nghiệm đi rừng, cũng từng đi cùng đoàn xã La Bằng và biết sử dụng định vị GPS chuyên dụng để tìm cây chè.

Các thành viên trong Đoàn tay xách nách mang rất nhiều hành lý.
Các thành viên trong Đoàn tay xách nách mang rất nhiều hành lý.

Khi biết chúng tôi có ý định vượt núi, nghệ nhân Nguyễn Thị Hải cảnh báo: Muốn lên được đến cây chè cổ, các nhà báo phải leo núi liên tục khoảng 8 tiếng. Quãng đường vượt núi, leo vách đá, có đoạn sát mép vực rất nguy hiểm. Ngoài ra, do quãng đường xa, lên đến nơi là chiều tối nên mọi người cần phải mang theo lều, túi ngủ để ngủ lại qua đêm trong rừng sâu, hôm sau mới có thể xuống núi. Cùng với máy móc, thiết bị để tác nghiệp và tư trang cá nhân, ước chừng mỗi người phải cõng hàng chục cân vượt núi, vậy nên các nhà báo cần xác định đủ sức khỏe mới có thể đi được.

Dù đã 60 tuổi, nghệ nhân Nguyễn Thị Hải vẫn rất khỏe khoắn, quyết tâm tham gia đoàn tìm cây chè cổ.
Dù đã 60 tuổi, nghệ nhân Nguyễn Thị Hải vẫn rất khỏe khoắn, quyết tâm tham gia đoàn tìm cây chè cổ.

Dù biết rất khó khăn, vất vả và nguy hiểm, nhưng với ý chí quyết tâm cao, nhóm phóng viên, biên tập viên của Báo Thái Nguyên không từ bỏ ý định tìm cây chè cổ. 7h30 phút một ngày cuối tháng 3, đoàn có mặt đông đủ dưới chân núi Tam Đảo. Ai cũng khoác ba lô lớn với đầy đủ dụng cụ tác nghiệp, túi ngủ, áo ấm. Gần 8h, đoàn bắt đầu hành quân ngược ngàn.

Đường đi men theo dòng suối Kẹm chảy róc rách như một áng tóc trữ tình.
Đường đi men theo dòng suối Kẹm chảy róc rách như một áng tóc trữ tình.

Cuối xuân, đầu hạ, con đường rừng vượt núi Tam Đảo đẹp như một bức tranh. Đường đi men theo dòng suối Kẹm chảy róc rách như một áng tóc trữ tình. Tiếng suối reo hòa cùng tiếng chim hót khiến lòng người thư thái, rộn rã. Tuy nhiên, cùng với vẻ đẹp nên thơ, cung đường vượt núi đầy vất vả hiểm nguy với những đoạn dốc tức ngực, vách đá dựng đứng, bờ vực chênh vênh. Con đường mòn sát suối đất lở chỉ chực chờ "nuốt chửng” những nhà leo núi không chuyên.

Các thành viên trong đoàn hỗ trợ nhau vận chuyển hành lý qua đoạn đường khó.
Các thành viên trong đoàn hỗ trợ nhau vận chuyển hành lý qua đoạn đường khó.

Và một khó khăn khác, sau hơn 1 tiếng đồng hồ leo núi, các thành viên trong đoàn đã thấm mệt, dốc núi dựng đứng cộng với chiếc ba lô nặng đến 15kg trên lưng khiến có thành viên bị căng cơ, chuột rút, phải lết chân khó nhọc…

Đường đi men theo dòng suối Kẹm chảy róc rách như một áng tóc trữ tình.
Đoàn phát hiện ra cây chè cổ đầu tiên khu vực đỉnh núi Tam Đảo.

Vượt qua hết thảy mọi khó khăn, gần 4 giờ chiều, tất cả thành viên trong đoàn lên được khu vực đỉnh núi. Anh Trương Thủy Luân sử dụng máy định vị GPS và xác định khu vực này gần đến nơi xuất hiện cây chè cổ. Cả đoàn đều tập trung tìm kiếm cây chè. Đang đi, bỗng anh Luân nhìn thấy một cây giống cây chè nên vội vàng vạch lá, băng rừng tiến tới.

-    Mọi người ơi, hình như đây là cây chè cổ - Anh Luân hét lớn

PGS. TS Hà Duy Trường (bên phải) và anh Trương Thủy Luân khảo sát cây chè cổ.
PGS. TS Hà Duy Trường (bên phải) và anh Trương Thủy Luân khảo sát cây chè cổ.

Cả đoàn vội đến sát cây nghi là cây chè. PGS. TS Hà Duy Trường thực hiện khảo sát mẫu cành, mẫu lá và đưa ra nhận định: Đây là một cây chè cổ, rất giống với một giống chè Shan quý.

Từ cây chè đầu tiên, "bức màn bí ẩn” về một quần thể cây chè cổ dần được hé lộ. Mời quý độc giả đón đọc: ‘Vén màn’ bí ẩn chè cổ núi Tam Đảo thuộc địa phận Thái Nguyên - kỳ 2: Giống chè Shan quý


Theo baothainguyen.vn

Các tin khác


Sức trẻ tháng Ba

Cứ dịp tháng Ba đến là khí thế thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích, tinh thần tuổi trẻ lại tăng lên gấp bội. Cùng với tuổi trẻ cả nước, tuổi trẻ tỉnh Hòa Bình sẵn sàng đảm nhận các việc khó, việc mới, chung sức xây dựng nhiều công trình, phần việc cụ thể, quyết tâm cao thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.

Tỉnh Hòa Bình - nơi hội tụ những nét văn hóa, lịch sử độc đáo, bản sắc: Bài 4 - Còn ngân vang mãi trống đồng Hòa Bình

Hòa Bình có hai loại trống Đông Sơn: loại I Heger và loại II Heger. Trống Đông Sơn có khung niên đại từ thế kỷ IV trước công nguyên đến thế kỷ V sau công nguyên.

Tỉnh Hòa Bình - nơi hội tụ những nét văn hóa, lịch sử độc đáo, bản sắc: Bài 3 - Tìm hiểu về Văn hóa Hòa Bình

Trong thời kỳ tiền sử của Hòa Bình, nổi bật nhất và đặc trưng nhất là nền Văn hóa Hòa Bình (VHHB). Người Hòa Bình tự hào về lịch sử lâu đời của mình, là địa điểm đầu tiên được phát hiện và được mang tên của một nền văn hóa đặc trưng không chỉ cho riêng Việt Nam mà cho cả các nước Đông Nam Á và phía Nam Trung Quốc: VHHB. Từ việc khai quật các địa điểm di tích hang động tại vùng đá vôi Hòa Bình, năm 1927, nhà khảo cổ người Pháp M.Colani đã cho chúng ta biết đến một "Thời đại đá trong tỉnh Hòa Bình - Bắc Kỳ”. Đến ngày 30/1/1932, nền "VHHB” đã được Đại hội các nhà tiền sử Viễn Đông lần thứ nhất họp tại Hà Nội thừa nhận.

Tháng 3 trên công trường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Tiếng máy khoan vào đá vang vọng giữa đại ngàn Tây Bắc; tia lửa hàn chớp loé phản chiếu những gương mặt lấm tấm mồ hôi; chiếc xe ì ầm phun bê tông trên mạch đường vừa khai sinh… không khí lao động hối hả hiển hiện trên công trường Dự án cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu đoạn qua địa bàn tỉnh Hòa Bình. Dưới lớp bụi đỏ cuộn lên trong nắng, các mũi thi công hoạt động không ngơi nghỉ, tiến độ được đẩy mức cao nhất. Vượt lên thử thách của địa hình khắc nghiệt, những cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường không chỉ mở đường cho xe chạy, mà còn đặt nền móng cho sự phát triển bứt phá của cả vùng Tây Bắc.

Tỉnh Hòa Bình - nơi hội tụ những nét văn hóa, lịch sử độc đáo, bản sắc: Bài 2 - Đa dạng, bản sắc, nét riêng của các dân tộc ở Hòa Bình

Hòa Bình tạo dấu ấn đối với du khách gần xa cũng bởi sự đa dạng trong lối sống, sinh hoạt và bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em. Trên địa bàn tỉnh có 6 dân tộc chính cùng chung sống lâu đời (tổng số gần 90 vạn dân), đông nhất là dân tộc Mường chiếm 63,3% dân số; dân tộc Kinh chiếm 27,73%; dân tộc Thái chiếm 3,9%; dân tộc Tày chiếm 2,7%; dân tộc Dao chiếm 1,7%; dân tộc Mông chiếm 0,52%; các dân tộc khác chiếm 1,18%. Cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình luôn đoàn kết, chịu thương chịu khó, có ý chí phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, mỗi dân tộc thể hiện được bản sắc văn hoá riêng biệt, độc đáo, tạo nên nền văn hóa đa dạng, phong phú, đặc sắc và hấp dẫn trên đất Hòa Bình…


Thông điệp hòa bình trong những huy hiệu phản chiến

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tọa lạc trên đường Võ Văn Tần (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh), chỉ cách Dinh Độc Lập khoảng 1,5 km. Nơi đây được thành lập ngày 4/9/1975, tức sau vài tháng so với mốc son lịch sử chói lọi của dân tộc: Ngày 30/4/1975 - Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Những ngày đầu năm 2025, trong không khí cả nước tự hào hướng tới Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tổ chức trưng bày chuyên đề "Câu chuyện từ những huy hiệu phản chiến”. Đến đây mới thấy thông điệp vì hòa bình in đậm trong từng chiếc huy hiệu, thấm đẫm trong từng câu chuyện lịch sử và làm sống lại nhiều ký ức về một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục