Hệ thống hạ tầng điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang; nhà ở dân cư kiên cố… Hơn 7 năm sau đợt mưa lũ lịch sử năm 2017, màu xanh đã bao phủ bản làng tại khu tái định cư (TĐC) xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa (Đà Bắc). Bà con đã thay đổi tư duy, cách làm để nỗ lực cải thiện thu nhập, đời sống ấm no.


Gia đình ông Lý Văn Thân (bên phải) ở khu tái định cư xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) phát triển hiệu quả mô hình nuôi cá lồng.

Là một trong những người nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh, ông Lý Văn Thân ở khu TĐC xóm Lau Bai đã có hơn 10 năm phát triển nghề nuôi cá lồng. Chủ lực là giống cá trắm đen với giá dao động từ 130.000 – 170.000 đồng/kg tùy theo cân nặng. Bình quân mỗi năm, gia đình ông suất bán ra thị trường trên 1 tấn cá, tổng thu ước đạt trên 120 triệu đồng. Tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có khi tiếp giáp với vùng hồ sông Đà, ông Thân đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn tích góp đầu tư xây dựng nhà nổi với mục đích kinh doanh dịch vụ ăn uống. Theo đó, các món ăn mang đậm bản sắc như gà đồi, cá nướng, măng chua… đã thu hút được nhiều du khách tham quan, thưởng ngoạn vùng hồ.

Ông Thân chia sẻ: "Được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước để ổn định cuộc sống sau thiên tai, đến nay, đời sống người dân khu TĐC Lau Bai dần khởi sắc. Từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, các hộ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển các mô hình đem lại thu nhập ổn định như nuôi cá lồng, chăn nuôi tổng hợp, trồng cây lâm nghiệp… Bên cạnh đó, phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng cũng là hướng đi mới giúp bà con có thể tận dụng tiềm năng, lợi thế vốn có để nâng cao thu nhập”. 

Khu TĐC Lau Bai có 34 hộ với gần 150 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Dao. Từ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu đã được đầu tư xây dựng đáp ứng niềm mong mỏi của Nhân dân. Hiện đường giao thông tại khu TĐC đã được cứng hóa; người dân được sử dụng điện, nước đầy đủ; trên 90% hộ đã xây dựng nhà ở kiên cố… Cùng với huy động các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân chú trọng xây dựng cảnh quan môi trường, trồng cây xanh tạo bóng mát. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững.

Thực tế cho thấy, người dân khu TĐC Lau Bai đã tận dụng hiệu quả các lợi thế để phát triển nghề nuôi cá lồng, chăn nuôi tổng hợp, trồng cây lâm nghiệp… Cùng với đó, bà con đã giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của đồng bào Dao như: gìn giữ các nghi lễ truyền thống; trang phục dân tộc; nghề nhuộm vải, dệt thổ cẩm… Đó là những nét đặc trưng của người dân tộc Dao để hướng đến phát triển du lịch cộng đồng. Toàn xã hiện có 6 hộ phát triển nuôi cá lồng với trên 40 lồng; trên 1.000 con gia súc, gia cầm; diện tích rừng sản xuất khoảng 300 ha. Đến nay, thu nhập bình quân ước đạt 38,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 30%. 

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn lồng ghép để đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, phát triển KT - XH. Đồng thời mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; tổ chức các lớp đào tạo nghề, kết nối giới thiệu việc làm cho lao động địa phương. 

Đồng chí Bàn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa khẳng định: "Khu TĐC xóm Lau Bai đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đời sống người dân được cải thiện, thu nhập nâng cao. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nguồn kinh phí để đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu. Huy động các nguồn lực hỗ trợ sinh kế cho bà con. Đồng thời tạo điều kiện giúp nhân dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Duy trì tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất. Qua đó hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT – XH đã đề ra”.


 Đức Anh

Các tin khác


Lòng hồ Hòa Bình trước nguy cơ ô nhiễm từ rác thải nhựa, rác thải nguy hại


Bài 5 - Xin đừng "đầu độc” Đà Giang

Làm sạch lòng hồ Hòa Bình không phải là việc mỗi ngày một ai đó cần mẫn đi nhặt từng mảnh chai lọ, túi nilon, mà việc làm sạch dòng sông phải được thực hiện từ ý thức của mỗi người. Về chính sách, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh đã xây dựng, ban hành nhiều cơ chế bảo vệ môi trường (BVMT), bảo vệ an ninh nguồn nước phù hợp, đầy đủ. Tuy nhiên, để Đà giang mãi xanh thì cần lắm sự chung tay, góp sức của mỗi người dân...

Lòng hồ Hòa Bình trước nguy cơ ô nhiễm từ rác thải nhựa, rác thải nguy hại


Bài 4 - Tác động đến an ninh nguồn nước

Nguồn nước từ hồ Hòa Bình ngoài sử dụng phục vụ việc phát điện của Nhà máy thủy điện Hòa Bình còn có nhiệm vụ cung cấp, điều tiết nước tưới tiêu vùng hạ du; điều tiết, cắt lũ từ thượng nguồn đổ về. Đồng thời có nhiệm vụ cung cấp nước sinh hoạt cho người dân sống tại các khu vực ven lòng hồ, cùng khoảng 50 nghìn hộ dân trên địa bàn TP Hòa Bình và khoảng 1 triệu dân khu vực phía Tây Thủ đô Hà Nội...

Lòng hồ Hòa Bình trước nguy cơ ô nhiễm từ rác thải nhựa, rác thải nguy hại


Bài 3 - Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước - những hệ lụy nhãn tiền 

Nhìn mặt hồ với những đốm xanh, đỏ vui mắt giống như một vườn hoa đa sắc, nhưng không, đó chính là một thứ rác độc. Độc ngay từ tên gọi: vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với đa phần là loại thuốc diệt cỏ vô cùng nguy hại do chính người dân sống hai bên bờ sông vứt bỏ sau quá trình sản xuất. Có những loại tích tụ, chôn lấp hàng chục năm vẫn còn nguyên vẹn không phân hủy, sau những trận mưa lại theo dòng nước đổ về lòng hồ...

Lòng hồ Hòa Bình trước nguy cơ ô nhiễm từ rác thải nhựa, rác thải nguy hại


Bài 2 - Ngược dòng tìm nguồn... rác 

Để thực hiện loạt bài viết này, liên tục trong thời gian dài chúng tôi theo nhiều chuyến "tàu chợ”; đến những cửa sông, cửa suối, nương đồi, khu sản xuất để tìm nguồn phát sinh rác thải nguy hại đổ xuống lòng hồ Hòa Bình.

Lòng hồ Hòa Bình trước nguy cơ ô nhiễm từ rác thải nhựa, rác thải nguy hại

Bài 1 - "Sông mẹ” mênh mông là rác 

Sông Đà là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng, bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc) với tổng chiều dài 910km. Đoạn thượng nguồn ở Trung Quốc có tên gọi Lý Tiên Giang; sông Đà chảy vào Việt Nam dài 543 km. Sông Đà không chỉ được biết đến như một dòng sông năng lượng lớn nhất cả nước với hệ thống thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu... mà còn là "sông mẹ” của hàng chục dân tộc anh em sống dọc theo dòng sông. Tuy nhiên, những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), lòng hồ Nhà máy thủy điện Hòa Bình (sau đây gọi là lòng hồ Hòa Bình - PV) đang phải đối diện với nhiều nguy cơ, thách thức, nhất là vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, rác thải nguy hại...

Già làng “nói dân nghe, làm dân theo”

Hơn 20 năm làm trưởng xóm, rồi bí thư chi bộ, già làng Triệu Lục Liên được ví như "cây cao, bóng cả” trong cộng đồng người Dao bản Bà Rà, xã Hùng Sơn (Kim Bôi). Ông không chỉ là người "nói dân nghe, làm dân theo”, mà còn là cầu nối giữa ý Đảng, lòng dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục