Khi được cử tri tin tưởng bầu chọn, các đại biểu đều quyết tâm thực hiện lời hứa để xứng đáng với sự kỳ vọng của Đảng, sự tin tưởng của Nhân dân. Thực hiện lời hứa với Nhân dân là nhiệm vụ đau đáu đối với mỗi người đại biểu dân cử tỉnh Hoà Bình.



 


Đồng chí Sùng A Chênh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh trao đổi với người dân xã Pà Cò (Mai Châu) về mô hình phát triển sản xuất gắn với du lịch cộng đồng.

Xứng đáng với kỳ vọng của Nhân dân

Đồng chí Quách Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Pháp chế (HĐND tỉnh) chia sẻ: Thực hiện lời hứa với cử tri và Nhân dân, mỗi đại biểu dân cử trước tiên thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Ban Pháp chế có 9 thành viên, gồm Trưởng Ban hoạt động kiêm nhiệm, Phó trưởng Ban chuyên trách và 7 ủy viên hoạt động kiêm nhiệm. Từ năm 2021 đến nay, Ban đã tổ chức triển khai các mặt công tác cơ bản theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Hoạt động khảo sát, giám sát tiếp tục đạt kết quả tích cực; kịp thời có các kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền để tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật. Công tác thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp theo lĩnh vực phân công được thực hiện nghiêm túc, chất lượng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Pháp chế đã phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các cấp thực hiện 7 chuyên đề giám sát và 9 chuyên đề khảo sát theo chương trình khảo sát, giám sát hàng năm; tổ chức hội nghị thẩm tra các báo cáo, dự thảo nghị quyết trình tại các kỳ họp thường lệ và kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh khóa XVII. Cụ thể đã tham mưu, nghiên cứu, chuẩn bị tài liệu và tổ chức thẩm tra 62 báo cáo, 29 dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp HĐND tỉnh. Trong đó, nhiều nội dung tác động đến các vấn đề dân sinh, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Được dõi theo nhiều hoạt động của HĐND tỉnh, chúng tôi thực sự ấn tượng với hình ảnh chân chất của người đại biểu HĐND cấp tỉnh dân tộc Mông luôn thẳng thắn, trách nhiệm, có nhiều ý kiến tâm huyết trên các diễn đàn, đặc biệt về những vấn đề cấp bách, dân sinh trong thực tiễn cuộc sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đại biểu Sùng A Chênh, xã Pà Cò, huyện vùng cao Mai Châu chia sẻ: Năm 2021, tôi vinh dự được Nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND tỉnh và là thành viên của Ban Dân tộc (HĐND tỉnh). Là người con sinh ra và lớn lên ở xã Pà Cò, trưởng thành từ cơ sở, là kỹ sư nông - lâm nghiệp, trải qua công tác tại Trung tâm Khuyến nông khuyến lâm, Chủ tịch Hội Nông dân, Trưởng Ban Dân vận Huyện uỷ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mai Châu, tôi thấu hiểu những thuận lợi, khó khăn và lực cản đối với đồng bào Mông ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò nói riêng, đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh nói chung. Trước đây, đời sống người dân Hang Kia, Pà Cò gặp nhiều khó khăn, từng là "điểm nóng” về ma tuý, trồng cây thuốc phiện; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bỏ học diễn ra phổ biến. Được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, nhiều chính sách của Trung ương, của tỉnh được triển khai trên địa bàn. Trong đó, nổi bật có Đề án 03, sau này là Đề án 09 về nâng cao hệ thống chính trị 2 xã Hang Kia, Pà Cò đã tác động tích cực tới đời sống người dân. Là người đại biểu dân cử, tôi vừa mừng nhưng cũng lo vì làm thế nào để là "cầu nối” đưa các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Là cán bộ, đảng viên, anh Chênh luôn gương mẫu trong thực hiện các chính sách, mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Gia đình anh đi đầu trong phát triển du lịch cộng đồng. Đến nay, tại 2 xã có 13 gia đình đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Để giải quyết tình trạng tảo hôn, anh đã bàn bạc, thống nhất với huyện, xã cử cán bộ địa bàn có nhiều cặp tảo hôn đi học tập kinh nghiệm ở các tỉnh bạn; cá nhân anh và các cán bộ xuống tận hộ để tuyên truyền; thành lập các câu lạc bộ phòng, chống tảo hôn và rà soát gia đình có nguy cơ tảo hôn cao để ký cam kết. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự góp sức đắc lực của đại biểu Sùng A Chênh, đến nay, tình trạng tảo hôn gần như được giải quyết dứt điểm. Nếu từ năm 2022 trở về trước có tới 20 - 30 trường hợp tảo hôn/xã, thì đến hết năm 2023 chỉ còn 2 trường hợp tảo hôn ở xã Hang Kia. Với uy tín, tâm huyết, trách nhiệm của mình, Sùng A Chênh được hiệp thương giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Mỗi người đại biểu dân cử trong quá trình thực hiện trọng trách được giao đều nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ. Ghi nhận những đóng góp đó, tại Kỳ họp thứ 16 (Kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh Hòa Bình khóa XVII đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 25 người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu nhiệm kỳ 2021 - 2026. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cao cho thấy tinh thần, ý thức trách nhiệm, sự công tâm của các đại biểu HĐND tỉnh; khẳng định niềm tin của các đại biểu, đồng thời là niềm tin của cử tri toàn tỉnh.

Quyết tâm theo đuổi, bám sát đến cùng những kiến nghị chính đáng

Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh thực hiện đưa ý kiến, kiến nghị của cử tri đến các sở, ngành; tích cực đi cơ sở, nắm tình hình thực tiễn, gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của cử tri, Nhân dân đến nghị trường Quốc hội. Thảo luận tại hội trường sáng 20/11/2023 về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV, ĐBQH Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh: Việc nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tiếp thu, nghiên cứu, giải quyết các kiến nghị của cử tri, Nhân dân đã góp phần quan trọng trong tháo gỡ hiệu quả những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng - an ninh. Qua đó cũng góp phần quan trọng giải quyết căn bản tình trạng đơn, thư, khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp là nguyên nhân của việc mất an ninh trật tự ở cơ sở, tạo niềm tin trong cử tri và Nhân dân. Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã có sự đổi mới trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của vấn đề giám sát tối cao. Tiếp thu ý kiến của cử tri các địa phương, hoạt động chất vấn, giám sát đã có rất nhiều thay đổi, từ khâu lựa chọn, quyết định nội dung, bám vào thực tiễn, đúng và trúng nhiều vấn đề nóng, bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều nội dung trả lời kiến nghị của các bộ, ngành Trung ương tiếp tục được các ĐBQH giám sát.

Để tiếp tục thực hiện tốt hơn công tác giải quyết kiến nghị của cử tri, đồng chí Đặng Bích Ngọc đề nghị: Các đoàn ĐBQH cần chủ động thực hiện sớm hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp; tổng hợp, phân loại chính xác các kiến nghị gửi tới cơ quan có thẩm quyền theo quy định về thời gian và bảo đảm đúng nội dung. Quốc hội, các đoàn ĐBQH cần tiếp tục xây dựng kế hoạch tổ chức giám sát lại những "lời hứa” của các bộ, ngành. Đặc biệt, những nội dung đòi hỏi có lộ trình thực hiện phải bám sát, theo đến cùng. Đồng thời, thường xuyên tổ chức rà soát những kết quả trả lời của Chính phủ, các bộ, ngành để đôn đốc, theo dõi thực hiện. Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương thường xuyên chỉ đạo và đưa kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri thành một nội dung về công tác thi đua - khen thưởng, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành để chỉ đạo thực hiện.

(Còn nữa)

Hương Lan

Các tin khác


Nghị quyết số 17-NQ/TU về phát triển vùng động lực - Gỡ khó cho vùng “cửa ngõ” phát triển: Bài 3 - Giải pháp cho vùng động lực

Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 3/10/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển vùng động lực (VĐL) tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, nhân dân đã nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển VĐL. Một số dự án sản xuất, kinh doanh trong vùng đã có tác động lan tỏa đối với các địa phương khác trong tỉnh. VĐL đóng góp quan trọng vào phát triển KT-XH chung của tỉnh.

Nghị quyết số 17-NQ/TU về phát triển vùng động lực - Gỡ khó cho vùng “cửa ngõ” phát triển : Bài 2 - Để cơ chế tạo ra nguồn lực

Có thể khẳng định, Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 3/10/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển vùng động lực (VĐL) tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã ghi dấu ấn quan trọng, gỡ nút thắt để VĐL của tỉnh phát triển. Tuy nhiên, những cơ chế, chính sách trong nghị quyết không tự nhiên sinh ra nguồn lực. Điều đó đòi hỏi sự năng động, chủ động của các địa phương trong việc áp dụng cơ chế để tạo ra động lực và nguồn lực phát triển.

Nghị quyết số 17-NQ/TU về phát triển vùng động lực - Gỡ khó cho vùng “cửa ngõ” phát triển: Bài 1 - Xác định "đầu tàu” kinh tế

Phát triển vùng là chủ trương lớn của Đảng nhằm xác định rõ mô hình phát triển theo không gian, khai thác tối ưu tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, ngành và địa phương. Qua đó, tạo các động lực tăng trưởng và giá trị mới cho phát triển nhanh, bền vững. Nhận thức đúng chủ trương của Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 3/10/2017 về phát triển vùng động lực (VĐL) tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Qua gần 2 nhiệm kỳ thực hiện, Nghị quyết số 17-NQ/TU đã tạo tiền đề quan trọng để các địa phương vùng cửa ngõ của tỉnh bứt phá, trở thành động lực kéo theo các tiểu vùng khác phát triển. 

Người tâm thần bị xích, nhốt ở Lạc Sơn: Thương lắm phận người

Giữa cái nắng hanh hao, cùng cơn gió khô rát của tiết trời cuối thu cuốn đám lá khô xào xạc, như theo bước chân chúng tôi về phía cuối xóm Dài, xã Vũ Bình (Lạc Sơn). Càng về cuối xóm, tiếng chửi đầy chao chát, ai oán từ ngôi nhà của Bùi Văn Xen lại càng rõ. Với chúng tôi thì đó là chuyện lạ. Còn những người như anh Hải - Trạm trưởng Trạm y tế xã, ông Tặng - Phó Chủ tịch UBND xã hay những dân ở đây thì quen rồi. Cứ đúng "cữ” cơm trưa, cơm chiều, có khi là đêm muộn, tiếng chửi ấy lại cất lên...

Lòng hồ Hòa Bình trước nguy cơ ô nhiễm từ rác thải nhựa, rác thải nguy hại


Bài 5 - Xin đừng "đầu độc” Đà Giang

Làm sạch lòng hồ Hòa Bình không phải là việc mỗi ngày một ai đó cần mẫn đi nhặt từng mảnh chai lọ, túi nilon, mà việc làm sạch dòng sông phải được thực hiện từ ý thức của mỗi người. Về chính sách, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh đã xây dựng, ban hành nhiều cơ chế bảo vệ môi trường (BVMT), bảo vệ an ninh nguồn nước phù hợp, đầy đủ. Tuy nhiên, để Đà giang mãi xanh thì cần lắm sự chung tay, góp sức của mỗi người dân...

Lòng hồ Hòa Bình trước nguy cơ ô nhiễm từ rác thải nhựa, rác thải nguy hại


Bài 4 - Tác động đến an ninh nguồn nước

Nguồn nước từ hồ Hòa Bình ngoài sử dụng phục vụ việc phát điện của Nhà máy thủy điện Hòa Bình còn có nhiệm vụ cung cấp, điều tiết nước tưới tiêu vùng hạ du; điều tiết, cắt lũ từ thượng nguồn đổ về. Đồng thời có nhiệm vụ cung cấp nước sinh hoạt cho người dân sống tại các khu vực ven lòng hồ, cùng khoảng 50 nghìn hộ dân trên địa bàn TP Hòa Bình và khoảng 1 triệu dân khu vực phía Tây Thủ đô Hà Nội...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục