Tết cổ truyền luôn lắng đọng trong lòng mỗi người những dư vị riêng, đặc biệt với những người lính cựu. Ký ức về những ngày đón Tết cùng đồng chí, đồng đội giữa chiến trường đạn bom khốc liệt với khát vọng về một ngày đất nước toàn thắng, yên bình vẫn còn vẹn nguyên.


Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Minh Giám (thứ 3 từ trái sang) cùng các đồng đội ôn lại kỷ niệm thời chiến.

Thăm Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Minh Giám, nguyên chiến sỹ Đại đội Đặc công 24, Trung đoàn 866 (Sư đoàn 31, Quân đoàn 3) tại phường Phương Lâm (TP Hòa Bình). Sắp bước sang tuổi đại thọ (80 tuổi), song người chiến sỹ đặc công năm xưa vẫn khỏe khoắn, tinh anh. Những năm tháng trên chiến trường Lào đã khắc sâu trong ký ức ông. Ông Giám chia sẻ: Tết ở mỗi đơn vị, mỗi nơi khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện và nhiệm vụ của đơn vị đó. Các đơn vị hậu cần, thông tin thì Tết được chuẩn bị tươm tất hơn, có gói bánh chưng, có khoanh giò. Các đơn vị trực tiếp chiến đấu như đơn vị đặc công của tôi thì luôn luôn giữ trạng thái sẵn sàng chiến đấu, cảnh giác cao độ. Có thể nói, mùa xuân đối với mỗi người lính chúng tôi khi ấy là nỗi nhớ quê hương, gia đình, bạn bè và người yêu, vì khi đó chúng tôi ai cũng còn rất trẻ.

Trong thời gian làm nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường Lào, anh hùng Phạm Minh Giám đã tham gia 2 chiến dịch lớn là chiến dịch mùa khô năm 1971 - 1972, chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum mùa mưa năm 1972. "Sau năm 1975, trở về đóng quân tại đơn vị ngoài Bắc, lúc đó mới bắt đầu gọi là có Tết. Những ngày Tết thì quân đội sẽ được tăng thêm khẩu phần ăn, ngày thường 2 - 3 món nhưng ngày Tết có 4 - 5 món. Nói là như vậy thật ra cũng có bao nhiêu đâu, thích nhất là anh em đồng đội được gặp nhau, vui lắm, làm cho mình vơi đi nỗi nhớ nhà", ông Giám chia sẻ.

Với anh hùng Phạm Minh Giám, những ký ức Tết giản dị, sâu sắc thì với cựu chiến binh Đinh Công Khoa ở khu Tâm Đức, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc), ký ức về Tết cổ truyền trong quân ngũ là những ngày tháng chiến đấu cam go, khốc liệt. Ông Khoa chia sẻ: Trải qua hơn 10 cái Tết ở chiến trường, mỗi cái Tết để lại cho tôi nhiều kỷ niệm. Đặc biệt là Tết năm 1972 chiến đấu ở Quảng Trị. Trận chiến năm đó rất ác liệt, chúng tôi cùng nhau đón Tết trong hầm để canh gác, bảo vệ căn cứ. Anh em chia nhau từng nắm cơm, cái bánh, động viên nhau để vơi đi nỗi nhớ nhà.

Tham gia chiến trường Cánh đồng Chum ở Lào, sau đó trở về tham gia chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm năm 1972, tiếp tục là chiến sỹ thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 tấn công vào phía Bắc Sài Gòn giải phóng miền Nam. Trong quá trình chiến đấu, cựu chiến binh Đinh Công Khoa là chính trị viên đại đội trinh sát của Trung đoàn 141, nhiệm vụ chính của ông khi đó là hành quân tác chiến, trực tiếp tham gia cùng với bộ binh vừa dẫn đường vừa chiến đấu.

"Được sống trong hòa bình, hưởng những cái Tết đoàn viên như hôm nay là sự hy sinh xương máu của lớp lớp cha anh, những người chiến sỹ dũng cảm. Chính vì vậy, tôi luôn dạy con cháu phải luôn trân trọng giá trị của độc lập, không ngừng cống hiến vì sự phát triển, ngày càng đi lên của đất nước, sự giàu mạnh của quê hương", ông Khoa chia sẻ.

Là những người chứng kiến và trải qua các giai đoạn lịch sử, cách mạng của dân tộc. Từ những năm tháng đầy hy sinh, gian khổ và ác liệt trong chiến tranh đến những ngày khó khăn sau khi thống nhất đất nước và sự đổi mới đem lại nhiều thắng lợi. Những người lính cựu như ông Giám, ông Khoa càng có lòng tin sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng, về những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới hôm nay. Mỗi dịp xuân về mang đến cho những người lính cựu nhiều cảm xúc về những giá trị thiêng liêng của độc lập, tự do, về sự đổi thay, vươn mình của quê hương, đất nước.

Hoàng Dương


Các tin khác


Mông Cổ - trong lều Ger, dưới ngàn sao

Mông Cổ đã hấp dẫn tôi từ thuở thiếu thời. Sau hàng chục ngày rong ruổi xứ thảo nguyên của Thành Cát Tư Hãn trở về, tôi còn bị miền đất du mục ấy quyến rũ hơn nữa. Vì mênh mông thảo nguyên, vì vó ngựa du mục từng chinh phục khắp châu Á, châu Âu, lập nên một đế quốc có thuộc địa vào loại rộng lớn nhất lịch sử nhân loại. Vì kỳ hoa dị thảo ngát hương, vì sa mạc với những cồn cát bí ẩn, vì địa danh huyền thoại với những tu viện cổ linh thiêng trên "Con đường tơ lụa”… Vì nhiều thứ lắm, nhưng thật khó mà thôi mê mải với cảm giác ngủ trong lều Ger - Di sản Văn hoá thế giới, dưới bầu trời ngàn sao lấp lánh. Trải qua cảm giác ấy, người ta mới thêm hiểu thế nào là sự màu nhiệm và sự bao dung bao bọc của thiên nhiên với mỗi điệu hồn người.

Thức giấc cùng dòng sông

Con sông Đà hùng vĩ từ lâu được định danh là "sông Mẹ” của hàng chục dân tộc anh em sinh sống ở khu vực Tây Bắc. Không chỉ được biết đến như một dòng sông năng lượng lớn nhất cả nước mà những vùng đất nó đi qua đã làm nên những vùng văn hóa ven sông. Đến Hòa Bình, con sông "Chúng thủy giai đông tẩu/Đà giang độc bắc lưu” (Mọi dòng sông đều chảy về hướng Đông, chỉ có sông Đà chảy về hướng Bắc) đã làm trỗi dậy những giấc mơ lớn.

Khám phá nghi lễ Tak Ba th trên đất Hủa Phăn

Từ cửa khẩu quốc tế Lóng Sập, huyện Mộc Châu (Sơn La) đến thị xã Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào chừng 130 km. Khoảng cách di chuyển trên tuyến đường bộ khá gần để bước vào hành trình khám phá miền đất với bao điều thú vị. Hẳn nhiên khi đặt chân tới đây, bạn sẽ muốn "mục sở thị” nét văn hóa đậm sắc màu bản địa trên đất Lào, đó là nghi lễ khất thực ban mai, còn được gọi là nghi thức Tak Bath.

Những người “cõng” mùa Xuân lên bản

Hơn 20 năm hiện diện, những cán bộ "áo hồng” đã trèo đèo, lội suối để mang vốn tín dụng chính sách (TDCS) của Đảng, Nhà nước đến với bà con, đem đến những mùa xuân ấm no cho bản làng. Không chỉ là người chuyển vốn, họ còn là nhân chứng sống cho sự chuyển mình của các vùng quê khi có sự đồng hành của đồng vốn ưu đãi.

Thắm tình hữu nghị Hòa Bình - Hủa Phăn

Chuẩn bị đón Xuân Ất Tỵ 2025, cán bộ, Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình xúc động trước tình cảm tốt đẹp của đồng chí Khăm Pheng Xay Sổm Pheng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bí thư - Tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn và đoàn công tác đã đến thăm, chúc Tết tỉnh Hòa Bình. Trong không khí thắm tình đoàn kết, mỗi người đều ghi nhớ mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung, trong sáng lâu đời giữa hai nước Việt Nam - Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong cùng các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, Nhân dân hai nước dày công vun đắp.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - nơi ghi dấu lịch sử hào hùng

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - địa chỉ đỏ lưu giữ dấu ấn hào hùng của lịch sử dân tộc nằm trên Đại lộ Thăng Long, thuộc địa bàn 2 phường Tây Mỗ, Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Bảo tàng mở cửa từ ngày 1/11/2024, trở thành điểm đến thu hút đông đảo những người lính cựu, học sinh, sinh viên, người dân, du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục