Trong nhiều sự kiện lớn của Thủ đô Hà Nội, tiếng chiêng của dân tộc Mường đã trở thành âm sắc đặc biệt, góp phần tạo nên bản hòa âm ngợi ca những giá trị văn hóa đã lắng đọng hàng nghìn năm cùng hồn thiêng sông núi Thăng Long. Giữa bầu trời Hà Nội, tiếng chiêng Mường ngân vang, tự tin hòa nhịp với đa thanh, đa sắc của tinh hoa văn hóa Việt Nam.


Câu lạc bộ Văn hóa - văn nghệ - thể dục thể thao người cao tuổi thôn 5, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất (Hà Nội) thường xuyên tập đánh chiêng Mường để gìn giữ tinh hoa văn hóa dân tộc.


Câu lạc bộ Nghệ thuật văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Ba Vì (Hà Nội) tập hợp những người tâm huyết với văn hóa chiêng Mường.

Hòa nhịp văn hóa Thăng Long - Hà Nội

Trước khi bắt đầu Lễ kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng huyện Thạch Thất (Hà Nội) và chào mừng 70 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), tiếng chiêng Mường ngân vang, những người phụ nữ trong trang phục dân tộc Mường đứng hai hàng dài đánh chiêng chào đón đại biểu và du khách, tạo thành không gian đặc biệt ấn tượng. Nhiều năm nay, đây là hình ảnh và âm thanh quen thuộc trong các sự kiện quan trọng của huyện Thạch Thất, đồng thời là tiết mục đậm đà bản sắc được địa phương lựa chọn để tham gia các sự kiện lớn của TP Hà Nội.

Góp mặt trong dàn chiêng Mường ấn tượng đó là những thành viên tâm huyết của Câu lạc bộ (CLB) Văn hóa - văn nghệ - thể dục thể thao người cao tuổi thôn 5, xã Yên Bình. CLB được thành lập tháng 10/2010, tức 2 năm sau thời điểm xã Yên Bình (trước đây thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) được sáp nhập về huyện Thạch Thất và toàn bộ tỉnh Hà Tây (cũ) được sáp nhập về TP Hà Nội. CLB ra đời xuất phát từ tâm huyết của những người yêu văn hóa chiêng Mường. Vào chiều Chủ nhật hàng tuần, tiếng chiêng lại vang lên. Trong không gian nhà văn hóa thôn 5, các thành viên CLB say sưa truyền dạy cho nhau từ cách cầm chiêng, đánh dùi, đến cách cảm thụ âm thanh, phân nhịp và phân biệt các làn điệu chiêng Mường… Gần 14 năm nay, đây là nội dung sinh hoạt đã kết nối thành viên và tạo bản sắc cho CLB.

Tại huyện Thạch Thất - nơi mà dân tộc Kinh chiếm 94,32% dân số, các dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 5,68% thì chủ yếu là dân tộc Mường. Những năm qua, tiếng chiêng của người Mường xuất hiện ngày càng nhiều trong các sự kiện lớn. Chung niềm đam mê, những người yêu văn hóa chiêng Mường cùng đưa tiếng chiêng ngân vang giữa bầu trời Hà Nội, xuất hiện đầy bản sắc trong các sự kiện văn hóa nổi bật của Thủ đô, điển hình là Festival Thu Hà Nội 2023, Hương sắc Tây Hồ 2024, Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024… Trong các sự kiện, tiếng chiêng Mường đã chứng tỏ sức hút mạnh mẽ và sự hòa nhịp văn hóa đầy tự tin, giống như thanh âm đẹp giữa một bản nhạc hay, vang lên để ngợi ca một Hà Nội lấp lánh tinh hoa văn hóa hội tụ.

Nhớ lại năm 2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội (khóa XII), Thủ đô Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính trên cơ sở hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, gồm: Yên Bình, Yên Trung, Đông Xuân, Tiến Xuân. Trong đó, xã Đông Xuân được giao về huyện Quốc Oai; 3 xã còn lại được giao về huyện Thạch Thất. Tổng dân số của 4 xã tại thời điểm mới sáp nhập về Hà Nội khoảng 20.250 người, trong đó dân tộc Mường chiếm gần 70%.

Khi sáp nhập thêm 4 xã của Hòa Bình và toàn bộ tỉnh Hà Tây (cũ), cộng đồng người Mường ở Thủ đô được mở rộng đáng kể về dân số. Ngoài dân số của 4 "xã Mường” cũ của Hòa Bình, còn có một bộ phận người Mường sinh sống cố kết thành cộng đồng dân cư lâu đời tại tỉnh Hà Tây (cũ). Theo thống kê, trong cộng đồng các DTTS ở Hà Nội, dân tộc Mường chiếm khoảng 57%, tập trung chủ yếu tại các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức.

Trên lĩnh vực văn hóa, với việc mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội trở thành nơi hội tụ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, trong đó có nét độc đáo của văn hóa dân tộc Mường. Hòa nhịp xu hướng phát triển của văn hóa Hà Nội, dân tộc Mường ở Thủ đô là bộ phận nhỏ bé nhưng có những giá trị độc đáo, giàu bản sắc. Ví dụ như chiêng Mường là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; mo Mường được xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại… Đó là những hồn cốt văn hóa đặc trưng, cần được khai thác đúng hướng để hòa nhập chứ không hòa tan, trở thành nguồn lực góp phần phát triển Thủ đô "văn hiến - văn minh - hiện đại”.

Để tiếng chiêng Mường ngân vang giữa bầu trời văn hóa Hà Nội

Trở lại huyện Thạch Thất, thời điểm mới sáp nhập 3 xã của Hòa Bình và toàn tỉnh Hà Tây được sáp nhập về Hà Nội. Trăn trở của những người yêu văn hóa Mường là làm sao các giá trị bản địa vừa hòa nhập, vừa phát triển trong không gian văn hóa rộng lớn của Thủ đô... Biến trăn trở đó thành hành động cụ thể, năm 2009, huyện đầu tư cho mỗi xã 2 bộ chiêng quý để khởi động hành trình khôi phục, phát triển nghệ thuật truyền thống của đồng bào Mường. Cùng với đó, huyện mời các nghệ nhân đánh chiêng uy tín của tỉnh Hòa Bình mở lớp dạy nghệ thuật chiêng cho đồng bào Mường, thu hút hàng trăm người tham gia. Đến năm 2016, cùng với các huyện: Ba Vì, Quốc Oai, Mỹ Đức, huyện Thạch Thất triển khai Đề án "Bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường giai đoạn 2016 - 2020”... Nỗ lực đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân nhằm gìn giữ, phát huy giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống dân tộc Mường nói riêng, đồng bào các DTTS nói chung. Thông qua đó, tiếp thêm sức mạnh cho văn hóa dân tộc, giúp đời sống văn hóa tinh thần của người Mường ở Thủ đô được bồi đắp phong phú hơn.

Tại huyện Ba Vì - nơi có 7 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, dân tộc Mường chiếm tỷ lệ cao với trên 26.160 người. Sau nhiều nỗ lực, đến nay, 7 xã thành lập được 59 đội bảo tồn văn hóa. Riêng đối với văn hóa dân tộc Mường, các đội bảo tồn văn hóa thường xuyên tổ chức tập luyện, sưu tầm các bài diễn tấu chiêng Mường, các điệu múa, làn điệu dân ca Mường và tích cực tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ. Từ năm 2019 - 2024, huyện đầu tư cho các xã 10 bộ chiêng Mường, cấp 250 bộ trang phục để phục vụ các hoạt động bảo tồn văn hóa. Đáng chú ý, đầu năm 2024, huyện đã thành lập CLB Nghệ thuật văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Ba Vì.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Thế Vinh - Chủ nhiệm CLB: "Sự ra đời của CLB hứa hẹn tạo thêm những dấu ấn nổi bật trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của huyện Ba Vì. Bởi, chúng tôi thấm thía câu chuyện bảo tồn gắn với phát huy, giữ gìn gắn với phát triển. Vì thế, xác định cần khai thác các giá trị văn hóa theo hướng gắn chặt chẽ với chiến lược phát triển du lịch của địa phương”.

Cũng như Ba Vì, các huyện tập trung nhiều đồng bào DTTS đang đi đúng hướng khi khai thác các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch. Đây là hướng đi phù hợp để các địa phương hòa nhịp vào sự phát triển của Thủ đô, lấy các giá trị văn hóa làm yếu tố cốt lõi để hội nhập và trở thành nguồn lực thúc đẩy kinh tế - xã hội.


Thu Trang

Các tin khác


Thức giấc cùng dòng sông

Con sông Đà hùng vĩ từ lâu được định danh là "sông Mẹ” của hàng chục dân tộc anh em sinh sống ở khu vực Tây Bắc. Không chỉ được biết đến như một dòng sông năng lượng lớn nhất cả nước mà những vùng đất nó đi qua đã làm nên những vùng văn hóa ven sông. Đến Hòa Bình, con sông "Chúng thủy giai đông tẩu/Đà giang độc bắc lưu” (Mọi dòng sông đều chảy về hướng Đông, chỉ có sông Đà chảy về hướng Bắc) đã làm trỗi dậy những giấc mơ lớn.

Khám phá nghi lễ Tak Ba th trên đất Hủa Phăn

Từ cửa khẩu quốc tế Lóng Sập, huyện Mộc Châu (Sơn La) đến thị xã Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào chừng 130 km. Khoảng cách di chuyển trên tuyến đường bộ khá gần để bước vào hành trình khám phá miền đất với bao điều thú vị. Hẳn nhiên khi đặt chân tới đây, bạn sẽ muốn "mục sở thị” nét văn hóa đậm sắc màu bản địa trên đất Lào, đó là nghi lễ khất thực ban mai, còn được gọi là nghi thức Tak Bath.

Những người “cõng” mùa Xuân lên bản

Hơn 20 năm hiện diện, những cán bộ "áo hồng” đã trèo đèo, lội suối để mang vốn tín dụng chính sách (TDCS) của Đảng, Nhà nước đến với bà con, đem đến những mùa xuân ấm no cho bản làng. Không chỉ là người chuyển vốn, họ còn là nhân chứng sống cho sự chuyển mình của các vùng quê khi có sự đồng hành của đồng vốn ưu đãi.

Thắm tình hữu nghị Hòa Bình - Hủa Phăn

Chuẩn bị đón Xuân Ất Tỵ 2025, cán bộ, Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình xúc động trước tình cảm tốt đẹp của đồng chí Khăm Pheng Xay Sổm Pheng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bí thư - Tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn và đoàn công tác đã đến thăm, chúc Tết tỉnh Hòa Bình. Trong không khí thắm tình đoàn kết, mỗi người đều ghi nhớ mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung, trong sáng lâu đời giữa hai nước Việt Nam - Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong cùng các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, Nhân dân hai nước dày công vun đắp.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - nơi ghi dấu lịch sử hào hùng

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - địa chỉ đỏ lưu giữ dấu ấn hào hùng của lịch sử dân tộc nằm trên Đại lộ Thăng Long, thuộc địa bàn 2 phường Tây Mỗ, Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Bảo tàng mở cửa từ ngày 1/11/2024, trở thành điểm đến thu hút đông đảo những người lính cựu, học sinh, sinh viên, người dân, du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu.

Hòa Bình - top điểm đến đẹp nhất thế giới

Hòa Bình đang trở thành từ khóa "hot search” được các tín đồ du lịch săn tìm khi lọt top điểm đến đẹp nhất thế giới, vinh dự là đại diện duy nhất của Việt Nam nằm trong danh sách 71 điểm đến đẹp nhất thế giới do tạp chí du lịch nổi tiếng của Mỹ (CN Traveller) công bố ngày 26/12/2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục