Công trình Thủy điện Hòa Bình là một kỳ tích được tạo dựng bằng ý chí, quyết tâm, mồ hôi, công sức của cán bộ, Nhân dân cả nước trong hành trình trị thủy, chinh phục dòng sông Đà hung dữ, chuyển hóa sức nước thành dòng năng lượng điện phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - điện đại hóa đất nước. Đến nay, sau hơn 40 năm thực hiện cuộc di dân vùng hồ thủy điện Hòa Bình, nhiều nơi đã tiến xa nhưng vẫn còn những vùng trũng, khoảng tối trong cuộc sống người dân vùng hồ từng "hy sinh" rất lớn phục vụ công trình thế kỷ.


Một góc vùng hồ Hòa Bình thuộc xã Hiền Lương (Đà Bắc) hôm nay.

"Chúng thủy giai đông tẩu/ Đà giang độc bắc lưu”- Sông Đà, dòng sông duy nhất chảy về hướng Bắc, cũng là dòng sông hung bạo, dữ dằn. Gần 1 thế kỷ trước khi người Pháp khoan thăm dò lòng sông, ở vị trí nào cũng gặp lớp phù sa và cho rằng "sông Đà bất trị”. Mỗi mùa mưa lũ hằng năm, nước sông Đà, sông Hồng đổ dồn tạo thành lưu lượng nước lớn gây lũ lụt, tàn phá nặng nề vùng đồng bằng Bắc Bộ. Mùa thu năm 1971, miền Bắc trải qua trận đại hồng thủy "250 năm mới gặp một lần" làm 400 km đê, 500 nghìn ha lúa mất trắng.

Trong những năm chiến tranh, Đảng và Nhà nước xác định, muốn trị thủy sông Hồng thì phải "trị" được sông Đà. Theo đó, chủ trương xây dựng nhà máy thủy điện sông Đà, chọn Hòa Bình làm công trình đầu mối của công cuộc trị thủy nhằm điều tiết nước hạ du và đáp ứng yêu điện năng phát triển KT-XH của đất nước. Ngày 24/6/1971, Bộ Chính trị quyết định xây dựng công trình Thủy điện Hòa Bình trên sông Đà, nhấn mạnh: "Việc xây dựng công trình Thủy điện Hòa Bình có ý nghĩa chính trị và kinh tế to lớn đối với chế độ XHCN ở miền Bắc. Với tác dụng phòng chống lũ lụt, công trình đảm bảo bảo một phần quan trọng an ninh an toàn cho Nhân dân, đồng thời còn tạo ra những khả năng to lớn cho việc phát triển kinh tế quốc dân. Đây là công trình xây dựng cơ bản lớn nhất miền Bắc, có vị trí ưu tiên số 1”.

Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, sáng 6/11/1979, đồng chí Lê Thanh Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ phát lệnh nổ mìn, khởi công xây dựng công trình Thủy điện Hòa Bình và bắt đầu thực hiện chiến dịch thi công đồng thời với công tác giải phóng mặt bằng vùng hồ Hòa Bình. Trung ương Đảng, Chính phủ giao Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình (Hà Sơn Bình cũ), trực tiếp là thị xã Hòa Bình và các huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Kỳ Sơn thực hiện công tác di chuyển dân ra khỏi vùng ngập nước, đảm bảo tiến độ thi công Thủy điện Hòa Bình. Đây là cuộc di chuyển dân chưa từng có trong lịch sử, khối lượng lớn, địa bàn rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân.
Khu vực giải phóng mặt bằng thi công công trường khoảng 1.040 ha, tập trung ở thị xã Hòa Bình (nay là thành phố Hòa Bình), gồm một phần các xã: Thịnh Lang, Hòa Bình, Thái Bình, Yên Mông, Sủ Ngòi, Dân Hạ, Trung Minh. Khu vực hồ chứa khoảng 16.000 ha thuộc 24 xã, thị trấn, 1 huyện lỵ của các huyện: Mai Châu, Tân Lạc, Kỳ Sơn và thị xã Hòa Bình với hàng nghìn hộ dân, hàng nghìn mồ mả và hàng trăm công trình hạ tầng thiết yếu.

Huyện Đà Bắc được coi là trung tâm của cuộc di dân, phải chuyển ra khỏi vùng lòng hồ toàn bộ khu vực huyện lỵ với 62 cơ quan, bệnh viện, cửa hàng, xí nghiệp, 14 trường học, 12 trạm xá, 12 trụ sở, 12 cửa hàng mua bán, với tổng số 40.500 m2 công trình phục vụ sản xuất và công trình công cộng. Toàn huyện phải di chuyển 2.365 hộ, 12.397 nhân khẩu, 3.700 mồ mả cùng hàng chục vạn m2 nhà ở của Nhân dân rải rác ở 18/23 xã, 60 bản làng. Công trình làm ngập hơn 5.500 ha đất của huyện, trong đó có 640 ha ruộng màu mỡ, 1.100 ha hoa màu, 50 km đường ô tô, hàng trăm km đường dân sinh kinh tế liên xã, liên xóm, 15 công trình thuỷ lợi, kênh mương nhỏ, 4 công trình thuỷ điện công suất 5 - 12 KW…

Khi đó, để đáp ứng yêu cầu cho các đợt ngăn sông, đắp đập, xây dựng thuỷ điện, huyện Đà Bắc đã tiến hành "cuộc cách mạng" tuyên truyền, vận động di dân khỏi vùng nước ngập. Huyện ủy quyết định thành lập Ban Kiến thiết chuyển dân do đồng chí Đinh Công Tuất, Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng Ban; đồng chí Đinh Duy Lập, Phó Chủ tịch UBND huyện làm Phó Ban chuyên trách kiêm Trưởng Ban Kiến thiết xây dựng huyện lỵ mới. Hàng tháng, Ban Thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện trực tiếp nghe, thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo cụ thể công tác chuyển dân và xây dựng nơi mới. 18/23 xã đã thành lập Ban Kiến thiết chuyển dân do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm Trưởng Ban để chỉ đạo. Huyện phối hợp Ban Công tác sông Đà chỉ đạo các xã tổ chức điều tra, khảo sát, lập kế hoạch bồi thường di chuyển nhà cửa, mồ mả, cây cối và tài sản khác không di chuyển được; tổ chức di chuyển để kịp tiến độ lấp sông Đà đợt 1 và đợt 2.

Thời điểm đó, đất nước còn nghèo, các cơ chế, chính sách di dân chưa đáp ứng yêu cầu ổn định cuộc sống, sản xuất; việc đền bù, hỗ trợ không đủ để di chuyển đến nơi ở mới. Mỗi gia đình di chuyển được Nhà nước đền bù theo giá trị tài sản khác nhau, từ 2.500 - 3.000 đồng nhưng thực tế Nhân dân được tạm ứng 1/2 số tiền, tương đương 20 - 30 kg gạo, số còn lại phải gửi tiết kiệm. Cuộc sống người dân vốn khó khăn lại càng bị thiệt thòi khi đồng tiền trượt giá. 

Ông Đinh Duy Lập, nguyên Bí thư Huyện ủy Đà Bắc nhớ lại: Nhà của bà con là nhà sàn, nhà gỗ, để còn là nhà, dỡ ra gần như thành củi. Từ một ngôi nhà sàn 5 gian qua 3 lần chạy nước tháo dỡ, lắp lại thành nhà sàn đơn sơ, tạm bợ. Đặc biệt, theo phong tục tập quán của đồng bào, việc chôn cất người đã mất chỉ diễn ra 1 lần, không cải táng nên việc di chuyển là tối kỵ đối với Nhân dân. Quá trình chạy nước, nhiều gia đình không kịp hoặc không có điều kiện di chuyển mồ mả vẫn để ông cha đã yên nghỉ dưới lòng hồ ngập nước đến nay vẫn còn day dứt. Sau khi đến nơi ở mới, cuộc sống người dân khó khăn vô cùng. Nhiều gia đình bỗng chốc tay trắng, nhiều nơi không có sắn mà ăn. Thời gian đói căng thẳng, Nhà nước phải cấp gạo cứu tế cho người dân vùng hồ. Tất cả đều thiếu, ngổn ngang; trụ sở, trường học, trạm y tế đang xây dựng, rồi thiếu đói, trẻ em phải nghỉ học, dịch bệnh tràn lan. Khó có thể kể hết những hy sinh, mất mát của bà con. 

Ông Đinh Công Tân, Nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Đà Bắc kể: Xã Hào Tráng, Vầy Nưa bị ngập nước, có tới hàng nghìn hộ phải di chuyển. Dân chạy theo con nước sông Đà, di chuyển từ cos 63 lên cos 75... cứ tưởng an tâm thì nước sông lại ngập tới. Khi lũ to, dân làng lại chạy lên lưng chừng núi cao hơn. Phía trước là nước, phía sau là đồi, không đường, núi rừng hoang sơ.

Nhìn xuống hồ sông Đà xanh biếc, ông Đinh Văn Lành, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vầy Nưa - người trực tiếp tuyên truyền, vận động chuyển dân kể: Theo chỉ đạo của Huyện ủy, cán bộ bám cơ sở tuyên truyền, động viên Nhân dân chia sẻ, cảm thông với khó khăn chung của Nhà nước, di chuyển ra khỏi vùng ngập nước bảo đảm tiến độ. Hầu hết các hộ dân di chuyển lên núi cao, một phần đến những địa phương trong và ngoài tỉnh. 

Từ năm 1980 - 1984, huyện Đà Bắc đã di chuyển 1.400 hộ, gần 9.000 nhân khẩu lên khỏi cos 43 m, trong đó chuyển ra khỏi vùng lòng hồ 800 hộ, chuyển vén tạm lên cos 43 là 600 hộ; di chuyển trên 700 mồ mả lên trên cos 120 m, hoàn thành việc di chuyển toàn bộ các cơ quan của huyện về huyện lỵ mới, trong đó xây dựng được 9.000 m2 nhà là trụ sở làm việc của Huyện ủy, UBND huyện, hội trường, các cơ quan, trường học, cửa hàng, bệnh viện...

Năm 1985, huyện Đà Bắc tập trung chỉ đạo di dân đợt 2, chủ yếu ở các xã Hào Tráng, Hiền Lương; mục tiêu chuyển gọn các hộ còn dưới cos 60 m. Kết quả của chiến dịch này đã chuyển được 160 hộ của 2 xã Hào Tráng, Hiền Lương ra khỏi vùng lòng hồ. Từ năm 1987-1988, mực nước hồ tiế tục dâng cao, huyện Đà Bắc chỉ đạo chuyển vén 300 hộ dân lên khỏi cos 93 m. Các năm 1989, 1990 tiếp tục chuyển 522 hộ dân khỏi cos ngập 120 m.

Từ khi ngăn sông, huyện Đà Bắc tổ chức nhiều lần chuyển dân với 2.512 hộ, 15.700 nhân khẩu, chiếm 50% số dân phải di chuyển; 18 xã phải di chuyển (7 xã khu vực lòng hồ phải di chuyển toàn bộ). Diện tích bị ngập của huyện 7.800 ha, riêng lúa nước bị ngập 1.400 ha... Về hạ tầng có 54 km đường ô tô, 289 km đường liên xã và hàng trăm công trình hạ tầng bị ngập dưới lòng hồ.

Phục vụ thi công Thuỷ điện Hoà Bình, toàn tỉnh Hòa Bình đã di chuyển hơn 4.000 hộ, gần 8.000 mồ mả của người dân, hàng trăm hộ di chuyển vào Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam định cư. Ngoài ra, di dời hơn 300 nghìn m2 nhà; 75 hợp tác xã; 182 cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, trường học; 102 công trình công cộng cấp xã; 2.800 ha đất nông nghiệp, hơn 234 km đường giao thông cùng nhiều công trình khác bị ngập dưới nước. 

(Còn nữa)

Lê Chung

Các tin khác


Thực hiện lời hứa với dân, quyết sách các vấn đề tạo động lực phát triển - thực tiễn từ tỉnh Hòa Bình: Bài 1- Những đại biểu được cử tri tin tưởng lựa chọn

Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, xác định được vị thế, trọng trách của mình, Đoàn ĐBQH và HĐND các cấp tỉnh Hoà Bình có nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực, xứng đáng là người đại biểu dân cử (ĐBDC), đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu mà Đảng, Nhân dân giao phó.

Ngày mới ở Lau Bai

Hệ thống hạ tầng điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang; nhà ở dân cư kiên cố… Hơn 7 năm sau đợt mưa lũ lịch sử năm 2017, màu xanh đã bao phủ bản làng tại khu tái định cư (TĐC) xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa (Đà Bắc). Bà con đã thay đổi tư duy, cách làm để nỗ lực cải thiện thu nhập, đời sống ấm no.

Nghị quyết số 17-NQ/TU về phát triển vùng động lực - Gỡ khó cho vùng “cửa ngõ” phát triển: Bài 3 - Giải pháp cho vùng động lực

Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 3/10/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển vùng động lực (VĐL) tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, nhân dân đã nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển VĐL. Một số dự án sản xuất, kinh doanh trong vùng đã có tác động lan tỏa đối với các địa phương khác trong tỉnh. VĐL đóng góp quan trọng vào phát triển KT-XH chung của tỉnh.

Nghị quyết số 17-NQ/TU về phát triển vùng động lực - Gỡ khó cho vùng “cửa ngõ” phát triển : Bài 2 - Để cơ chế tạo ra nguồn lực

Có thể khẳng định, Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 3/10/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển vùng động lực (VĐL) tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã ghi dấu ấn quan trọng, gỡ nút thắt để VĐL của tỉnh phát triển. Tuy nhiên, những cơ chế, chính sách trong nghị quyết không tự nhiên sinh ra nguồn lực. Điều đó đòi hỏi sự năng động, chủ động của các địa phương trong việc áp dụng cơ chế để tạo ra động lực và nguồn lực phát triển.

Nghị quyết số 17-NQ/TU về phát triển vùng động lực - Gỡ khó cho vùng “cửa ngõ” phát triển: Bài 1 - Xác định "đầu tàu” kinh tế

Phát triển vùng là chủ trương lớn của Đảng nhằm xác định rõ mô hình phát triển theo không gian, khai thác tối ưu tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, ngành và địa phương. Qua đó, tạo các động lực tăng trưởng và giá trị mới cho phát triển nhanh, bền vững. Nhận thức đúng chủ trương của Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 3/10/2017 về phát triển vùng động lực (VĐL) tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Qua gần 2 nhiệm kỳ thực hiện, Nghị quyết số 17-NQ/TU đã tạo tiền đề quan trọng để các địa phương vùng cửa ngõ của tỉnh bứt phá, trở thành động lực kéo theo các tiểu vùng khác phát triển. 

Người tâm thần bị xích, nhốt ở Lạc Sơn: Thương lắm phận người

Giữa cái nắng hanh hao, cùng cơn gió khô rát của tiết trời cuối thu cuốn đám lá khô xào xạc, như theo bước chân chúng tôi về phía cuối xóm Dài, xã Vũ Bình (Lạc Sơn). Càng về cuối xóm, tiếng chửi đầy chao chát, ai oán từ ngôi nhà của Bùi Văn Xen lại càng rõ. Với chúng tôi thì đó là chuyện lạ. Còn những người như anh Hải - Trạm trưởng Trạm y tế xã, ông Tặng - Phó Chủ tịch UBND xã hay những dân ở đây thì quen rồi. Cứ đúng "cữ” cơm trưa, cơm chiều, có khi là đêm muộn, tiếng chửi ấy lại cất lên...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục