Con sông Đà hùng vĩ từ lâu được định danh là "sông Mẹ” của hàng chục dân tộc anh em sinh sống ở khu vực Tây Bắc. Không chỉ được biết đến như một dòng sông năng lượng lớn nhất cả nước mà những vùng đất nó đi qua đã làm nên những vùng văn hóa ven sông. Đến Hòa Bình, con sông "Chúng thủy giai đông tẩu/Đà giang độc bắc lưu” (Mọi dòng sông đều chảy về hướng Đông, chỉ có sông Đà chảy về hướng Bắc) đã làm trỗi dậy những giấc mơ lớn.
Tại Lễ hội cá tôm sông Đà lần thứ hai, năm 2024, tỉnh đã thả hàng tấn cá giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản trên lòng hồ sông Đà.
Thức giấc cùng dòng sông
Tôi chơi thân với Cường - người làm nghề "ngư phủ” dễ cũng gần 20 năm. Từ cái thời mà cả vùng lòng hồ thuộc xã Thung Nai (Cao Phong) còn hoang hoải, ít người biết đến. Thời điểm đấy, khu ven sông được gọi tên xóm Mới cũng chỉ có khoảng chục hộ dân là "người ở rừng” xuống nước làm nghề chài lưới. Cái nhân duyên với người vùng sông nước đã cho chúng tôi những trải nghiệm lý thú nơi vùng lòng hồ sông Đà.
Như đã thành nếp, khi nước sông Đà chuyển từ "màu gạch cua” sang màu ngọc bích, Cường lại í ới gọi. Theo tiếng gọi của dòng sông và sự chân tình, thủy chung của những người bạn, chúng tôi lên đường. Sau bữa cơm tối quây quần ấm cúng, chúng tôi xuống thuyền cho một đêm thức cùng dòng sông...
4h Cường đã dậy. Trong cái gió lạnh cuối đông giữa mặt hồ mênh mang phẳng lặng như một miếng thạch khổng lồ, đen sẫm. Hít một hơi thật sâu những mát lành trong tiếng nước ì oạp vỗ mạn thuyền. Phía xa, ánh đèn pin loang loáng trên mặt hồ của những "ngư phủ” như Cường đang thu lưới, gỡ những con cá trắng bạc, quẫy mạnh, phá tan không gian tĩnh mịch của vùng sông nước lòng hồ.
Đấy cũng là lúc sông Đà thức giấc! Chúng tôi đang thức cùng dòng sông...
Biến lòng hồ thành "vùng kinh tế" mới
Sớm nay, thành quả của Cường là một rổ cá đầy, tươi rói nhưng so với trước cũng chỉ bằng một phần nhỏ. Bởi không khí lạnh khiến cá di trú, ít đi ăn. Gia đình Cường chỉ là một trong hàng nghìn hộ dân sinh sống ven lòng hồ, lấy nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản làm kế sinh nhai. Ngoài việc đánh bắt cá tự nhiên, Cường còn đầu tư nuôi cá lồng. Khi tỉnh xây dựng nghị quyết phát triển ngành nghề nuôi trồng thủy sản để khai thác tiềm năng thủy sản vùng lòng hồ, gia đình Cường cùng hàng nghìn hộ dân đã được hưởng lợi từ các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển này. Trải dọc 80km chiều dài và 8.900ha mặt nước tính từ đập Nhà máy thủy điện Hòa Bình lên thượng nguồn Tạ Bú (Sơn La), đã biến vùng hồ Hòa Bình trở thành một trong những ngư trường thủy sản nước ngọt lớn nhất cả nước.
Nhận thấy rõ tiềm năng đó, ngày 13/6/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 12/NQ-TU về phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2014 - 2020. Nghị quyết này chính thức đặt viên gạch đầu tiên cho việc khai mở tiềm năng để phát triển một lĩnh vực kinh tế mới trên lòng hồ: nuôi trồng thủy sản. Sau đó, ngày 27/4/2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 10/2015/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình, giai đoạn 2015 - 2020. Theo đó, tỉnh bố trí ngân sách, hỗ trợ mỗi hộ nuôi cá lồng vùng hồ tối đa 25 triệu đồng/lồng và không quá 80 triệu đồng/hộ/năm.
Những cú huých chính sách đã tiếp thêm cho người nuôi cá trên sông Đà niềm tin. Từ các chính sách phù hợp, kịp thời, 1.700 hộ dân ở 17 xã, phường thuộc các huyện: Cao Phong, Tân Lạc, Đà Bắc, TP Hòa Bình cùng nhiều tổ chức, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ. Nhờ vậy, từ năm 2015 trở lại đây, nuôi trồng thủy sản vùng lòng hồ đã có những bước tiến dài chưa từng có. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 1.700 hộ thuộc 17 xã ven lòng hồ, 20 doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư nuôi cá lồng. Khu vực lòng hồ hiện có trên 5.000 lồng cá. Đứng đầu về số lượng lồng bè là huyện Đà Bắc với 2.240 lồng; các huyện: Cao Phong, Mai Châu, Tân Lạc mỗi huyện có trên dưới 500 lồng. Lòng hồ trở thành vùng kinh tế, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 3.000 lao động.
Những lợi thế về không gian, cảnh quan đã mở ra không gian phát triển lĩnh vực thủy sản gắn với du lịch cho Hòa Bình. Ảnh: Hội thi câu cá trên lòng hồ trong khuôn khổ Lễ hội cá, tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ hai, năm 2024.
Để sông Đà vươn mình thức giấc
Tiếp sau thành công của Lễ hội cá tôm sông Đà lần thứ nhất, năm 2023, trung tuần tháng 11/2024, Lễ hội cá tôm sông Đà lần thứ hai được tỉnh tổ chức với quy mô lớn. Từ đây, sản phẩm cá, tôm sông Đà không ngừng được nâng cao giá trị. Đặc biệt, để sông Đà vươn mình thức dậy, khẳng định vị thế của mình, ngày 5/6/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 966/QĐ-UBND phê duyệt đề án "Phát triển thủy sản hồ chứa thủy điện Hòa Bình gắn với du lịch, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Đây là bước tiếp theo thực hiện các chủ trương, chính sách mang tính định hướng chiến lược để khai thác lợi thế, tiềm năng nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện của tỉnh. Từ đó tạo nên tính đa giá trị bền vững của vùng lòng hồ Hòa Bình. Đó là những quyết sách thiết thực đưa nghị quyết, chính sách vào cuộc sống, biến tiềm năng, lợi thế vùng hồ thành hiện thực.
Từ thời điểm tích nước lòng hồ thủy điện, hình thành một vùng sinh thái mới, những thác ghềnh hiểm trở, núi cao, vực sâu đã thành quá khứ. Những người lái đò trên sông Đà, những chiếc thuyền đuôi én phía sau buộc một bu gà có con trống đẹp mã làm chiếc "đồng hồ" gáy sáng... có lẽ chỉ còn trong tùy bút của cụ Nguyễn Tuân. Thế nhưng, tất cả hình ảnh từ quá khứ, hiện tại và cả trong tương lai đều là những yếu tố làm nên giá trị cốt lõi, nâng tầm sử thi của con sông xưa. Đó cũng là những nét đặc trưng riêng có của sông Đà.
Phát triển nuôi trồng thủy sản kết hợp với du lịch là hướng đi đúng mà tỉnh đã, đang trên hành trình hướng tới. Lòng hồ Hòa Bình có 47 đảo lớn, nhỏ, tạo nên quần thể kiến trúc, cảnh quan phong phú. Ven hồ có nhiều di tích lịch sử, văn hoá, tâm linh; các khu, điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng cùng những bản làng Mường, Dao, Thái... Những lợi thế này đã mở ra không gian phát triển. Hiện tại khu vực lòng hồ Hòa Bình có 17 dự án về du lịch, sinh thái nghỉ dưỡng được cấp phép đầu tư. Lĩnh vực thủy sản và du lịch đang hướng tới mục tiêu đưa giá trị sản xuất thủy sản đạt 500 tỷ đồng/năm; 100% cơ sở nuôi cá lồng được đào tạo, tập huấn kiến thức về kỹ thuật nuôi cá lồng, bảo vệ môi trường sinh thái và nghiệp vụ hướng dẫn, quản lý hoạt động du lịch; 80% cơ sở nuôi cá lồng áp dụng quy trình sản xuất nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) hoặc tương đương kết hợp với các hoạt động du lịch như tham quan, học tập, câu cá giải trí và trải nghiệm về nuôi thủy sản, tạo ra sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn; tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động...
Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Để thực hiện được điều này cần có sự chủ động của địa phương, người dân, doanh nghiệp trong đầu tư kinh doanh, phát triển sản xuất trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng mặt nước, cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán truyền thống để tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn du khách. Trong đó, chính quyền đóng vai trò kiến tạo, hỗ trợ chính sách, đầu tư phát triển hạ tầng; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất.
Mạnh Hùng
Hòa Bình đang trở thành từ khóa "hot search” được các tín đồ du lịch săn tìm khi lọt top điểm đến đẹp nhất thế giới, vinh dự là đại diện duy nhất của Việt Nam nằm trong danh sách 71 điểm đến đẹp nhất thế giới do tạp chí du lịch nổi tiếng của Mỹ (CN Traveller) công bố ngày 26/12/2024.
Từng gây bất ngờ lẫn sửng sốt cho các nhà khoa học và giới khảo cổ trong nước, những hình khắc cổ có niên đại lên tới hàng nghìn năm trên đá ở suối Cỏ, xã Mỹ Thành (Lạc Sơn) mang ý nghĩa gì, có thông điệp bí ẩn gì? Đó là những câu hỏi các nhà khoa học đang trên hành trình đi tìm lời giải đáp...
Những ngày cuối năm 2024, TP Hòa Bình hứng khởi, kỹ lưỡng thực hiện công tác lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan về Đề án đề nghị công nhận TP Hòa Bình là đô thị loại II. Sau nhiều năm phấn đấu và phát triển từ "nền” đô thị loại III, TP Hòa Bình đang ngày ngày mong đợi được góp tên mình vào 1 trong hơn 30 đô thị loại II của cả nước.
Trong tương lai không xa, huyện Lương Sơn sẽ trở thành thị xã nhờ có nhiều tiềm năng và lợi thế đặc thù so với các địa phương khác. Huyện Lương Sơn đã thật sự đổi thay với cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn chỉnh.
Từ lớp huấn luyện quân sự đầu tiên tại chiến khu Giằng Xèo (nay thuộc xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc) với đội quân non trẻ và vũ khí thô sơ, trải qua 80 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Hoà Bình đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đoàn kết giữ trọn lời thề "Trung với Đảng, hiếu với dân...”, lập nhiều chiến công vang dội, góp phần tô thắm truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Hòa Bình là đại diện duy nhất của Việt Nam được nhắc đến trong 71 điểm đến đẹp nhất thế giới của CNTraveller nhờ giàu cảnh quan và trải nghiệm văn hóa.