Anh Hà Thức, phường Đồng Tiến (TP Hoà Bình) với người dân địa phương ở Nepal trên hành trình đi bộ từ Nepal về Việt Nam. Ảnh: NVCC
Sinh ra và lớn lên ở Hoà Bình, anh Hà Thức làm việc ở một công ty về công nghệ thông tin. Anh có sở thích chạy bộ và là một trong những thành viên gây dựng câu lạc bộ chạy bộ ở TP Hoà Bình. Cuối năm 2023, anh quyết định khởi hành chuyến đi bộ đầy tính mạo hiểm từ Nepal về Việt Nam.
"Tôi muốn đi qua nhiều vùng đất để khám phá thế giới, trải nghiệm thử thách bản thân. Tôi nghĩ nếu không đi ngay thì sẽ không đi được. Vài năm hoặc 10 năm nữa thu xếp được thời gian, công việc, tiền bạc... thì sức khoẻ không cho phép mình đi nên cần buông bỏ để đi”, anh Thức chia sẻ. Trước khi đi anh đã hỏi ý kiến của người thân và được ủng hộ. Đây là động lực giúp anh thực hiện chuyến đi.
Tháng 10/2023 anh bay sang Nepal để thực hiện chuyến hồi hương của mình. Chuẩn bị cho hành trình dài, anh làm sẵn xe đẩy. Sau khoảng 15 ngày ở Nepal, anh bắt đầu đi bộ. Mục tiêu mỗi lần chỉ đi 20 - 30km để giữ sức cho hành trình dài. Anh vừa đi vừa làm video để chia sẻ trải nghiệm ở những vùng đất đi qua. Lần đầu tiên thực hiện chuyến đi bộ như vậy, không có người chỉ đường, anh mua 2 bản đồ Nepal và Ấn Độ, nhưng xem trên bản đồ nhiều đường chằng chịt không biết theo đường nào, cuối cùng anh chỉ sử dụng google map trên điện thoại. Mỗi sáng thức dậy mở điện thoại chỉ đường về TP Hoà Bình.
"Thời gian đi vào mùa đông. Ban ngày nắng nóng, trời tắt nắng là lạnh. 17 giờ đã lạnh rồi. Ngày nào cũng phải tìm chỗ ngủ từ 16 giờ. Gặp người địa phương biết tiếng Anh thì dễ giao tiếp, người không biết tiếng Anh dùng google dịch. Tôi nói mục đích đi để trải nghiệm, đi qua các nước để về nhà không phải đi khất thực. Làm youtube, muốn quay video về gia đình bạn, cùng đi chợ mua thức ăn về làm cơm gia đình. Mọi người biết được mục đích của mình nên cũng cởi mở. Qua nhiều vùng đất gặp nhiều người không biết đến Việt Nam. Đây là cơ hội để mình giới thiệu cho họ về Việt Nam”, anh Thức chia sẻ.
Với vốn tiếng Anh thông thạo, nói chuyện cởi mở, dễ gần nên cả chuyến đi hơn 7 tháng, anh Thức ít phải ngủ đường. Hầu hết anh ngủ nhờ nhà những người dân đi qua, có vài lần ngủ nhờ đồn cảnh sát, nơi công cộng ở Thái Lan. Đi đến đâu anh Thức cũng dễ kết thân và được nhiều người giúp đỡ. Sau vài tháng đã về nhà, nhiều người còn gọi điện hỏi thăm và hẹn sang Việt Nam chơi.
Anh Thức chia sẻ thêm: Trong suốt chuyến đi, 3 lần tôi gặp nguy hiểm đến tính mạng. Đó là lần ở Ấn Độ, đi qua bang Manipur vẫn đang xảy ra cuộc chiến giữa đạo Hindu và Thiên Chúa giáo. Trên đầu máy bay thả bom, dưới quân đội điều động quân nhưng vẫn đi. Bang Assam ở Ấn Độ là nơi thú dữ nhiều nhất trên thế giới. Một lần gần tối, tôi xin ngủ nhờ ở một gia đình, họ ngạc nhiên thấy mình vừa đi qua nơi mà cách đó hơn 1 tuần có một con hổ vừa vồ chết hai mẹ con. Khi mở google mới biết đây là điểm còn nhiều cá thể hổ tự nhiên với khoảng 200 con. Một lần khác khoảng 17h30, tôi được một người chăn bò cho ngủ nhờ. Anh ấy bảo nếu đi vài trăm mét nữa là có tê giác và trâu rừng ngay gần đường. Con trâu rừng vừa húc chết 6 người trong làng. Sáng hôm sau đi đến thấy tê giác và trâu rừng phía xa. Về đến Myanmar đang xảy ra nội chiến. Lực lượng quân đội giữ lại cho vào trại tị nạn 4 ngày. Lần đó tưởng không về được. Sau khi giải thích và đi quay lại mới thoát.
Đi qua nhiều vùng đất, anh Thức ấn tượng nhất về người dân Nepal và Ấn Độ. Người dân nghèo, nhiều vùng còn lạc hậu như ở Việt Nam mấy chục năm về trước. Từ những công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày còn thô sơ nhưng cuộc sống của họ hạnh phúc. Có lần ở nhờ một gia đình người Ấn Độ. Buổi tối uống rượu với gia chủ không để ý, sáng dậy thấy nằm trên đệm rơm rải dưới đất nhưng vẫn thấy họ vui. Suy nghĩ của họ không bon chen, tham vọng. Điều kiện sống như nào thì sống như vậy. Do vậy họ rất mến khách. Họ quan niệm có người đến nhà là do thần mang đến, dành cho khách những thứ tốt nhất trong nhà. Được ngủ phòng đẹp nhất, giường đẹp nhất, thức ăn ngon nhất. Những ai quý mến được tặng khăn. Trong chuyến đi anh Thức được mọi người tặng 36 chiếc khăn. Điều ấn tượng nữa là tuy nghèo nhưng người dân rất ham học. Từ việc người già, người trẻ đều giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh. Qua nhiều vùng núi, các cụ già chỉ là những nông dân bình thường nhưng vẫn giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh. Có người còn giao tiếp được 6 - 7 thứ tiếng.
Trong thời gian tới nếu có điều kiện anh Thức tiếp tục thực hiện chuyến đi xuyên Trung Quốc từ Bắc Kinh về Việt Nam, hoặc chuyến đi đến Nam Mỹ. Anh mong muốn chuyến đi sau làm tốt hơn công tác truyền thông để nhiều người trên thế giới biết rằng người các nước làm được thì người Việt Nam cũng làm được.
Việt Lâm