Homestay Hải Thạn, xóm Chiến, xã Vân Sơn (Tân Lạc) chu đáo chuẩn bị phòng nghỉ để đón khách du lịch.
Nhờ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cùng sự đồng thuận của người dân, con đường lên trung tâm xã được sửa chữa, đi lại thuận tiện hơn. Nhân dân các xóm: Bách, Chiến, Tớn Trong... đóng góp tiền của, nguyên vật liệu, ngày công để xây dựng, làm mới các tuyến đường. Những con đường gập ghềnh, bụi bặm, ổ gà dần được bê tông hóa, việc đi lại, giao thương hàng hoá thuận tiện hơn, người già, trẻ nhỏ đều phấn khởi, vui mừng.
Với bàn tay cần cù lao động, người nông dân đã biến vùng núi cao cằn cỗi sỏi đá thành vườn cây tươi tốt, tạo ra nhiều nông sản tươi ngon. Xóm Xôm với những vườn quýt vàng óng cho nguồn thu khá đem đến niềm vui cho bà con. Ông Bùi Văn Tùng, chủ vườn 1.000 gốc quýt cổ chia sẻ: "Giống quýt ở đây có hương vị thơm ngon đặc biệt, ngày càng được nhiều người biết đến. Với giá bán từ 20.000 - 30.000 đồng/kg mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Trước mỗi vụ quýt, tư thương đặt cọc từ sớm, tới tận vườn thu hoạch. Sau mỗi vụ quýt gia đình tôi thu về cả trăm triệu đồng".
Giá trị cây quýt được khẳng định trong việc phát triển kinh tế, giảm nghèo tại địa phương. Nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã phục tráng giống quýt cổ, trở thành cây trồng chủ lực đem lại nguồn sinh kế ổn định. Đến nay, trên địa bàn xã đã nhân rộng diện tích trồng cây có múi đạt trên 250 ha. Các loại cây ăn quả khác như: cam Canh, cam lòng vàng, bưởi Diễn cũng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.
Với địa thế vùng núi, Vân Sơn có tiềm năng về phát triển du lịch với vẻ đẹp hoang sơ, nhiệt độ thấp hơn 5 - 70C so với nền nhiệt trung bình của tỉnh. Địa bàn xã là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mường, Thái, người dân còn giữ được bản sắc văn hóa qua ẩm thực, trang phục… Điểm du lịch cộng đồng tại xóm Chiến hiện có 3 hộ dân triển khai mô hình homestay. Các hộ thành lập đội văn nghệ quần chúng, tổ chức dịch vụ đón khách, vận tải, ẩm thực… tạo việc làm cho lao động địa phương. Du khách đến Vân Sơn có thể trải nghiệm đi bộ, đạp xe quanh các cung đường, khám phá động Nam Sơn, khu bảo tồn Ngọc Sơn - Ngổ Luông, trải nghiệm cuộc sống lao động, văn hóa bản địa cùng người dân địa phương. Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 17/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về xây dựng các xã vùng cao huyện Tân Lạc trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành hứa hẹn tương lai phát triển cho mô hình du lịch của địa phương.
Một điểm ấn tượng khi đến nơi đây là sắc thắm hoa đào giữa tiết trời se lạnh. Trên con đường lên Vân Sơn dễ dàng bắt gặp những cành đào phai khoe sắc. Tại nhiều xóm, bản, người dân trồng đào làm hàng rào quanh nhà, dọc đường xóm, hình thành những "con đường hoa đào” làm cho bức tranh xuân vùng cao càng thêm rực rỡ. Đào phai Vân Sơn được người dân biết đến từ lâu, hiện được trồng với quy mô trên 50 ha. Mỗi mùa hoa nở thu hút nhiều du khách đến tham quan, check-in, qua đó quảng bá nét đẹp vùng cao Tân Lạc, mở rộng thêm cánh cửa cho phát triển du lịch, nhất là gắn với các tour du lịch cộng đồng. Nghề trồng đào tại địa phương không chỉ đem lại nguồn thu nhập đáng kể mà còn tạo điểm nhấn hấp dẫn du khách gần xa đến với vùng cao Tân Lạc.
Để tạo đột phá trong công tác phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, hàng năm, Đảng ủy, chính quyền xã Vân Sơn lãnh, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Các chính sách đối với đồng bào dân tộc được chú trọng thực hiện; các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia từng bước cải thiện, nâng cao đời sống người dân. Đến nay, thu nhập bình quân của xã đạt trên 32 triệu đồng/ người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm. Hạ tầng y tế, trường học, đường giao thông nông thôn được đầu tư, ngày càng hoàn thiện; đời sống văn hóa của bà con được quan tâm. Nhân dân đoàn kết, giúp nhau trong cuộc sống, đón một mùa Xuân mới an vui, hạnh phúc.
Hoàng Anh