(HBĐT) - Đích đến cuối cùng chuyến hành trình xuyên Việt, đoàn công tác của chúng tôi được đặt chân đến đất mũi Cà Mau. Trước chuyến đi, đồng chí Đinh Văn Ổn, Tổng Biên tập Báo Hòa Bình có nói: Nếu đã từng được đặt chân đến ải Nam Quan, đã đến nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt thì hãy cố gắng một lần để được về nơi đất Mũi thiêng liêng. Đó sẽ là một trải nghiệm thú vị trong cuộc đời mỗi người.

 

> Bài 1 - Xa miền gió lạnh  

> Bài 2 - Ghi ở nghĩa trang Trường Sơn

> Bài 3 - Dọc đường chiến thắng 

> Bài 4 - Ngày 30/4 ở thành phố Hồ Chí Minh

> Bài 5 - Sắc màu Nam bộ

 

Quả thực, khi đặt chân đến bến canô bên bờ sông Năm Căn để bắt đầu cuộc hành trình trên sông đi đến nơi tận cùng của đất phương Nam đã là một trải nghiệm. Trước hết, đó là trải nghiệm của một hành trình để hít thở vị mặn mòi của sông nước, của mênh mông biển trời, của những khám phá về sức sống mạnh mẽ, cần cù của những người dân nơi tận cùng của Tổ quốc.   

 

"Nước Việt mình trải dài từ ải Nam Quan cho đến mũi Cà Mau. Cùng với ải Nam Quan nơi địa đầu Tổ quốc, mũi Cà Mau điểm tận cùng của đất nước là một địa điểm thiêng liêng, xa xôi nhưng rất đỗi gần gũi". Cô phóng viên Báo Cà Mau có cái tên lạ nhưng rất đẹp, Hồng Ngọc Phượng là người đưa chúng tôi từ thành phố Cà Mau về đất Mũi đã giới thiệu về đất quê mình như một hướng dẫn viên du lịch thực thụ. Từ bến sông Năm Căn nơi mà cách đây khoảng gần trăm năm trước chỉ có 5 căn nhà bên bến sông nay đã trở thành nơi có cuộc sống tấp nập và náo nhiệt với hàng trăm nóc nhà san sát nhau.

 

"Từ bến sông Năm Căn về đến điểm tận cùng đất Mũi gần 60km, đi canô cao tốc phải mất khoảng 1 tiếng qua những con kênh rạch chằng chịt". Hoàng Khánh, chàng trai trẻ lái canô có nước da đen sạm  với nụ cười duyên, hàm răng trắng sáng như đặc trưng của con người ở miền sóng gió cho biết. Lần đầu tiên được đi canô cao tốc trên sông, rạch ra đất Mũi đã khiến chúng tôi ngất ngây sau những phút đầu bàng hoàng vì chưa quen với sự chao đảo của sóng nước. Nhiều khi có cảm giác như chiếc canô đang bay trên mặt nước. Ngoài cái cảm giác mạnh trên sóng nước, đã không ít lần chúng tôi đã phải ngơ ngẩn trước vẻ đẹp, sự mênh mông của sông nước Năm Căn và màu xanh trải dài của rừng đước.

 

Sông Năm Căn còn gọi là sông ông Trang hay là sông Cửa Lớn. Dòng sông này bắt nguồn từ biển vào đất liền hoà với dòng nước Cửu Long rồi lại chảy ra biển ở nhiều nhánh sông chằng chịt xuyên qua những rừng đước xanh. Mũi Cà Mau ở điểm tận cùng của những nhánh sông quanh năm nước đỏ phù sa như  màu cà phê sữa đậm đặc mặn mòi vị biển. Mũi Cà Mau là mũi đất cuối cùng của Tổ quốc, hướng về phía tây, thuộc địa phận xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Phan Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, cách thành phố Cà Mau hơn 100 km. Bên trái mũi là biển Đông, bên phải là biển Tây, tức vịnh Thái Lan. Vùng đất cực Nam của Tổ quốc này được khai phá vào cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Đây là một vùng đất phù sa màu mỡ, có những khu rừng ngập nước quanh năm, là nơi trú ngụ của nhiều loài chim, thú, thuỷ sản. Do vậy đã trở thành nơi quần tụ, sinh sống của 3 dân tộc Việt, Hoa, Khmer. Với một hệ sinh thái động thực vật đa dạng, trong đó có đến 14 loài động thực vật quý hiếm có tên trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới cần được bảo vệ. Do đó, đất Mũi cũng đã trở thành khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn. Khu dự trữ sinh quyển Cà Mau có diện tích khoảng 370 ha, lớn thứ 2 trên thế giới sau rừng nguyên sinh Amazon của vùng đất Nam Mỹ ở phía bên kia bán cầu. Theo tính toán, mỗi năm, các dòng chảy phù sa đã miệt mài bồi đắp cho vùng đất này lấn dài ra biển trung bình 80m đất, năm nhiều nhất lên đến 150 m. Chỉ trong vòng 10 năm lại đây, Mũi Cà Mau đã nới rộng chiều dài được khoảng 800 m và trở thành đất cứng với sự trợ giúp của cây mắm, cây đước. Trên đất phù sa tài bồi, nới rộng đến đâu thì cây mắm, cây đước cũng song hành đến đó. Cây mắm tung quả ra biển cho sóng đánh dạt vào bờ rồi ở lỳ đó mọc thành sinh thể. Cây đước lần theo sau, từng chùm rễ cắm xuống, liên kết với cây mắm kiên cường bám đất, giữ đất. Điều này ở Cà Mau ai cũng biết và thuộc lòng. Đó là câu chuyện mà cô bạn đồng nghiệp Hồng Ngọc Phượng đã lần lượt kể cho chúng tôi nghe trên hành trình vượt sóng về nơi đất Mũi.

 

Đất Mũi như là một cục nam châm đầy sắc màu mê hoặc để những người con đất Việt hướng về trong niềm khát khao và hãnh diện. Ở mảnh đất thiêng liêng này, bên tượng đài hình con tàu uy nghi, dũng mãnh hướng mũi ra biển, chúng tôi ngạc nhiên trước hình ảnh một người đàn ông có nước da đỏ au, tóc sương bạc, lưng đeo balô với chiếc mũ bảo hiểm cầm trên tay cứ loanh quanh bên tượng đài mốc toạ độ như chẳng muốn rời xa. Chợt thấy ngạc nhiên khi người đàn ông ấy nói giọng Bắc thân quen và cũng thật chân tình và cởi mở, ông bảo: Tôi là Phan Huyền Vũ, Việt kiều úc vừa trở về nước sau hơn 20 năm xa cách. Đến tuổi 70, tôi mới thực hiện được khát khao từ hồi trai trẻ là được đi dọc theo chiều dài đất nước từ ải Nam Quan vào đến mũi Cà Mau. Một mình tôi đi từ Bắc vào đến đây bằng nhiều loại phương tiện. Trước khi vào đến đất mũi, tôi đã phải đi bằng xe ôm hơn 800km. Có những lúc mệt mỏi tưởng chừng phải bỏ cuộc, nhưng với sự khao khát tôi lại lên đường. Bây giờ đứng nơi đây để được cầm trên tay một miếng đất phù sa mặn mòi vị biển, tôi thấy thật là mãn nguyện và hạnh phúc. Trong suốt cuộc đời mình, có nhiều điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhưng chẳng có niềm hạnh phúc nào giống như lần này cậu ạ!. Trên đôi mắt già nua dưới chòm mi bạc, tôi chợt thấy những giọt nước mắt đang lăn dài, những giọt nước mắt của hạnh phúc và trên đôi môi của người đàn ông này vẫn luôn nở nụ cười mãn nguyện.

 

Đến đất Mũi để đắm mình với biển trời, thăng hoa xúc cảm. Đó cũng là sự kỳ thú mà không phải ai cũng có được một lần trong đời. Để rồi trong cuộc đời, một khi nào đó bất chợt trong lòng lại thấy xao xác, ngẩn ngơ, thèm một cảm giác chông chênh sông nước ở phía tận cùng đất trời phương Nam, rồi thấy nhớ "Ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm choãi ra biển của người mẹ Việt Nam" mà cụ Nguyễn Tuân từng ví khi đặt bước phiêu du đến mỏm đất này. "Nếu lần sau anh đến đây, đất Mũi không còn dừng lại ở điểm này nữa mà đã vươn xa về phía biển thêm hàng chục, thậm chí đến hàng trăm mét rồi. Năm nào cũng vậy, phù sa bồi lắng cho đất mãi vươn về phía biển. Để rồi mỗi ngày, cột mốc toạ độ kia sẽ lại ở sâu vào trong đất liền". Bằng chất giọng nhẹ nhàng và ấm áp như cái tình của con người nơi đất Mũi, cô bạn Hồng Ngọc Phượng như đánh thức chúng tôi khỏi cơn mê giữa bầu trời cao xanh lồng lộng hoà cùng màu xanh điệp trùng của rừng đước, của thiên nhiên rộng dài, phóng khoáng. Có lẽ vậy “Tổ quốc tôi như một con tàu /Mũi thuyền ta đó, mũi Cà Mau, con tàu trong thơ Xuân Diệu và cả con tàu thực Tổ quốc cũng đang hướng mũi ra biển lớn băng qua muôn ngàn sóng gió. Ở điểm tận cùng này, lúc nào tôi cũng thấy thứ ánh sáng lấp lánh ở phía chân trời xa xa, một không gian rộng lớn như dòng sông đang chảy ra biển cả.

 

Trở lại bến sông Năm Căn, chiếc canô có vẻ như lướt nhanh hơn trong sự phấn khích tột cùng của chúng tôi. Bỏ lại phía sau là đất Mũi với những con sóng chạy dài như vô tận và nhịp sống hối hả ven sông bên những rừng đước, rừng dừa nước mênh mang. Cũng thật lạ, khi vừa ra khỏi sự chòng chành của sông nước, đâu đó vẳng nghe giọng hát mượt mà như níu giữ chân người lữ khách bên dòng sông Năm Căn: Anh đến quê em đất biển Cà Mau. Cỏ thấy xanh tươi đước rừng bát ngát. Dòng sông Tam Giang nắng trải đưa người. Về thăm quê hương đất mũi xa xôi. Trời xanh Năm Căn gió lộng bốn bề. Biển bao la sóng tung cánh chim hải âu. Anh đến quê em đất biển Cà Mau. Anh thấy bao la cánh đồng muối trắng. Miền quê hương em cá bạc tôm vàng. Miền quê hương em đất cũng sinh sôi...

 

Chợt thấy lòng mình yêu quá đất mẹ Cà Mau!

 

 

Bài cuối - Đường về Đồng Lộc

                                                                                    Mạnh Hùng

 

Các tin khác


Đường Hồ Chí Minh từ kỳ tích đến mạch máu đất nước - Bài cuối: Đi tới tương lai thịnh vượng

Đất nước thống nhất, sứ mệnh của đường mòn Trường Sơn đã hoàn thành. Nhưng một ước muốn lại cháy bỏng, đó là phát huy giá trị của tuyến đường lịch sử này trong phát triển kinh tế - xã hội hôm nay. Ước vọng đó thành hiện thực khi ngày 5/4/2000, tại bến phà Xuân Sơn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh.

Đường Hồ Chí Minh từ kỳ tích đến mạch máu đất nước - Bài 2: Bản anh hùng ca Trường Sơn

Trong số hơn 10 vạn bộ đội và hơn 1 vạn thanh niên xung phong ở đường Trường Sơn huyền thoại, nữ chiến sỹ chiếm số lượng trên 10%, lúc cao nhất có gần 2 vạn nữ chiến sỹ. Nhiều cô gái ra trận đã hy sinh ở tuổi mười tám đôi mươi, với những ước mơ, dự định còn dang dở.

Đường Hồ Chí Minh từ kỳ tích đến mạch máu đất nước - Bài 1: Khởi đầu một huyền thoại

65 năm trước, Đường Trường Sơn kết nối hai miền Bắc, Nam đi vào lịch sử như một kỳ tích của dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Về Hà Giang ăn cháo... Ấu Tẩu

Đến Hà Giang mà chưa đi cao nguyên đá Đồng Văn, chưa ăn miếng thịt to, chưa uống bát rượu đầy, chưa ăn bát cháo độc dược... thì coi như chưa đến. Anh bạn đồng nghiệp đã khẳng định chắc nịch ngay khi chúng tôi vừa đặt chân lên mảnh đất này.

Đường Trường Sơn huyền thoại

Những ngày tháng 5 lịch sử, trong không khí hào hùng kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn mở đường (19/5/1959 - 19/5/2024), Trung tá Nguyễn Tài Ba, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Hòa Bình lại cùng đồng đội ôn lại quãng thời gian được cống hiến, hy sinh, những ngày hành quân mở đường, giữ đường, đánh địch, bảo vệ huyết mạch giao thông để bộ đội ta chi viện cho tiền tuyến, giải phóng miền Nam.

Nhà tù Sơn La - “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng

Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La - nơi được ví như "địa ngục trần gian” do thực dân Pháp xây dựng đã từng giam cầm, đày ải những người yêu nước và chiến sỹ cộng sản. Ngày nay, di tích này là "địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trong cả nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục