Các thợ lò ở mỏ than Cuối Hạ đang chèn chống lại đường lò thuộc bãi số 3, vỉa 8 sau khi xảy ra sự cố sập đất đá.

Các thợ lò ở mỏ than Cuối Hạ đang chèn chống lại đường lò thuộc bãi số 3, vỉa 8 sau khi xảy ra sự cố sập đất đá.

(HBĐT)- “Dù có đơn vị chủ quản, được các cấp, ngành chức năng, chính quyền địa phương cấp phép khai thác nhưng trên thực tế, với cách làm giao khoán sản phẩm cho người lao động, hoạt động khai thác than ở đây cũng chẳng khác gì những lò than “thổ phỉ”. Mạnh ai người ấy làm. Rủi ro rơi vào ai, người ấy thiệt. Nỗi lo cơm áo, gạo tiền cũng chẳng để cho người ta nghĩ điều gì đang đợi mình ở dưới những miệng lò sâu hun hút vào lòng đất”- phút trải lòng của một thợ đào than khiến chúng tôi day dứt với những “đời than”.

 

Dạo chơi” nơi... cửa tử

 

Mỏ than xóm Vọ, xã Cuối Hạ (Kim Bôi) là mỏ than cuối cùng trên địa bàn tỉnh mà tôi đến và theo những thợ mỏ “vào ca”. Quả thực, nếu tự mình vào khu mỏ khai thác than cũng chẳng dễ bởi ngoài đường sá đi lại khó khăn, vòng vo, quanh co nhiều đường, nhiều nhánh, những người lạ dù có lỡ quá chân, lạc bước vào đây cũng sẽ nhận được những ánh mắt gầm gè, doạ dẫm và đầy xoi mói của những khuôn mặt rắn đanh. Điều đó phần nào chúng tôi cũng đã cảm nhận được cho dù đã được một trong số những “chủ lò” ở đây dẫn đường.

 

Khu vực khai thác than thuộc quản lý của Công ty cổ phần khoáng sản Kim Bôi (xóm Vọ - Cuối Hạ) nằm trọn trong một thung lũng nhỏ. Cả 11 lò khai thác than chạy quanh như vành thúng rồi đâm sâu vào lòng núi. Nơi mà lúc nào cũng có hơn 70 con người cần mẫn ra vào như bầy kiến thợ đầy bụi bặm. Một thợ lò cười lộ nguyên hàm răng trắng bóc trên khuôn mặt đen nhẻm bụi than nửa đùa, nửa thật: Ở đây, bọn em chỉ khác hòn than, cục đất mỗi cái là “biết nói” thôi chứ khi đã chui vào lò rồi, ai cũng như... than cả. So với những lần trước, lần chui vào hầm lò khai thác than lần này ở mỏ than Cuối Hạ với tôi có lẽ nhiều cảm xúc nhất nhưng chủ yếu vẫn là cái cảm giác hoang mang, lo lắng và sợ hãi. Dù đã cố để xua đi những ý nghĩ về sự bất an nhưng càng cố, cảm giác bất an lại càng lớn dần lên theo mỗi bước chân. Cũng phải thôi bởi tính từ thời điểm đầu năm cho đến nay, ở đây đã liên tiếp xảy ra 3 vụ TNLĐ làm 6 người chết. Không bất an sao được khi chính bản thân mình đang đi vào nơi “cửa tử”. Với lại người dẫn đường cũng đã không ngần ngại cho biết lò than mà chúng tôi đang vào chính là lò vừa bị sập ngày 21/9 vừa qua, những lò xảy ra các vụ nổ khí, ngạt khí làm chết 6 người trong các ngày 31/12/2009 và ngày 6/9/2010 thì vẫn đang tiếp tục được khai thác. Ở cửa lò thuộc bãi số 3, vỉa 8, khi chúng tôi vào, có một nhóm công nhân đang sửa chữa, chèn chống, nạo vét lại số đất, đá vẫn còn vương vãi, lổn nhổn trong đường lò. Không có tiếng nói, nụ cười với hàm răng trắng, có lẽ chúng tôi đã nhầm họ là những hòn than trong khoảng không gian nhỏ hẹp, tù mù tranh tối, tranh sáng nơi đường lò. Một thợ lò cho biết: Lò vừa gặp sự cố nên anh em đang tập trung khắc phục để chuẩn bị khai thác tiếp. Làm nghề này vất vả, nguy hiểm luôn rình rập nhưng vì miếng cơm, manh áo nên cũng phải cố. Nhiều hôm quạt gió thông khí bị hỏng, vừa chui xuống lò thấy ngực nặng nặng, khó thở lại phải ngoi lên. Trang thiết bị bảo hộ lao động cộng với sự chèn chống cũng chỉ ở một mức độ nên cũng xác định sẽ có những rủi ro nhất định. Tuy vậy, theo như “chủ lò” Phan Văn Sỹ, sau những vụ tai nạn đáng tiếc trong thời gian qua, chúng tôi đã đầu tư thêm trang thiết bị an toàn, có phương án chèn chống, cải thiện điều kiện môi trường làm việc an toàn trong hầm lò khai thác.

 

Như để chứng minh cho cái lý lẽ đó, gã chủ lò đã không ngần ngại châm thuốc ngay trong đường lò, nơi mà bản thân gã và những người công nhân ở đây thừa hiểu nó nguy hiểm đến mức nào. Giật mình với điếu thuốc đang cháy dở, anh bạn cùng đi mở lời nhắc khéo. Gã cố rít thêm một hơi như để cho đã thèm rồi làu bàu nhả khói sau khi đã ném điếu thuốc vào vũng bùn nhớp nháp dưới chân.   

 

Nhọ nhệ đời than

 

“Ăn cơm trần gian, làm việc ở... âm phủ” - là câu nói cửa miệng của “dân ăn than”. Trong lần trở lại bãi than xóm Đồi, xã Lỗ Sơn, tôi đã gặp Bùi Văn Tiền và Bùi Thị Duyên. Cũng là người dân địa phương nhận thầu khai thác than cho Công ty TNHH Tân Sơn. Gặp tôi, Tiền bảo: Cái nghề này cũng bạc bẽo lắm, ở đây cũng đã từng xảy ra tai nạn sập hầm chết người cả rồi đấy nhưng vẫn phải liều thôi chứ biết làm sao được.

 

          

                      Chị Bùi Thị Duyên một "phu" than ở Lỗ Sơn.

 

Theo Tiền đi về phía miệng hầm nhỏ hẹp và lẫn trong bóng tối hun hút. Hầm tối, nhỏ hẹp chỉ vừa đủ một người đi, tôi chỉ biết khom người bước theo ánh đèn pin loang loáng phía trước. Càng đi, hầm càng sâu, ngột ngạt nóng có cảm giác như đang đi xuống “âm phủ”. Gần chục phút “bò” theo Tiền, cuối cùng tôi cũng xuống được “cửa” than. Đó là ngách ngang chạy tiếp sâu vào lòng đất, nhỏ và hẹp hơn đoạn đường hầm mà chúng tôi vừa qua. Lom khom chui vào ngồi lọt thỏm trong cái ngách đó, Tiền bảo: Tính theo độ sâu, từ vị trí này sâu hơn cửa hang khoảng vài chục mét. So với các hầm khác, hầm này còn chưa thấm vào đâu. Nếu chẳng may miệng hầm bị sập, người ở trong này chẳng khác gì con dế. Chết là cái chắc vì không có không khí mà thở.

 

Trong ánh sáng nhờ nhờ của chiếc đèn pin, tôi thấy phía trên và hai bên hầm lò là hàng chống bằng gỗ  rừng xiên vẹo đã mủn mục. Không thể chịu đựng được lâu hơn trong hầm lò tối tăm thiếu không khí, chúng tôi đã “bò” ngược trở ra. Khi thấy ánh sáng từ cửa hầm hắt vào khoảng tối, bất chợt lại thấy rùng mình như vừa từ “âm phủ” chui lên. Tuy vất vả là vậy nhưng chẳng mấy ai bỏ nghề. “Vẫn biết công việc vất vả, nguy hiểm thật đấy nhưng vì cuộc sống, miếng cơm, manh áo nên cũng đánh phải liều mình để đổi lấy hòn than”- chị Bùi Thị Duyên nén tiếng thở dài.

 

Làm việc trong điều kiện đặc biệt nguy hiểm nhưng có một điều dễ nhận thấy là hầu như không có ai quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình. Hàng trăm người làm việc, cả trăm người đều như vậy. Nhiều người vào lò, trên mình có khi chỉ độc nhất chiếc quần đùi than bám đen kịt. Không mũ bảo hiểm, không phương tiện bảo hộ nhưng hàng ngày vẫn thản nhiên ra vào, đào, vác. Dám chắc rằng đa số nhân công làm việc ở các mỏ than ở Cuối Hạ (Kim Bôi) hay Lỗ Sơn (Tân Lạc) đều chưa được qua tập huấn về công tác ATLĐ. Nói như gã chủ lò ở mỏ than Cuối Hạ- Phan Văn Sỹ, lần tập huấn gần đây nhất về công tác VSATLĐ cũng cách đây đã 2 - 3 năm. Khi được hỏi làm ở đây sợ nhất điều gì?, lấy vạt áo chấm mồ hôi chảy thành dòng trên má, một thợ lò ở mỏ than Cuối Hạ thủng thẳng nói: Sợ nhất là bị nợ, quỵt tiền công. Điều đó thì chưa bao giờ xảy ra, còn sau đó mới đến sợ nổ, ngạt khí, sập hầm.

 

Có thể nói, với cách quản lý, khai thác thủ công như ở những mỏ than như ở Cuối Hạ (Kim Bôi), Lỗ Sơn (Tân Lạc), Thượng Cốc, Mỹ Thành (Lạc Sơn) những thợ mỏ vốn là những người nông dân chân chất đã bị biến thành công cụ lao động. Cứ chui vào hầm là làm việc quần quật từ sáng đến tối. Suốt thời gian đó có khi chỉ được nghỉ một vài tiếng đồng hồng hồ vào giữa ca rồi lại tiếp tục vào hầm “cày, cuốc”. Lương ăn theo sản phẩm, chỉ cần sơ xảy một chút là mất mạng như chơi.

 

Tìm hiểu thêm về những “mảnh đời nhọ” ở các mỏ than trên địa bàn tỉnh, mỗi người, mỗi hoàn cảnh nhưng đều có một điểm chung là họ đều chui xuống lò vì đồng tiền, bát gạo. Những nguy hiểm mà hàng ngày họ phải đối mặt dường như cũng vì thế mà đã trở thành những điều chẳng đáng bàn tới. Bước ra từ hầm tối với lưng áo ướt đẫm mồ hôi và bước chân mỏi nhọc đen nhẻm bụi than, chúng tôi cứ đau đáu một câu  hỏi, giữa ranh giới sống - chết, chẳng biết cuộc đời họ ngày mai có sáng!?

 

                                                                                         

                                                                         Mạnh Hùng

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục