Phong trưng bày không gian văn hóa Mường được bài trí đẹp mắt với những hiện vật độc đáo

Phong trưng bày không gian văn hóa Mường được bài trí đẹp mắt với những hiện vật độc đáo

(HBĐT) - Một buổi tối tràn ngập trăng, sao (năm 2007), tôi được một người bạn trong giới hoạ sỹ mời đến Vũ Gia Sử Quán - một quán cà phê nằm sâu trong ngõ nhỏ thuộc phường Đồng Tiến (TPHB) với lời giới thiệu: Đây là quán cà phê của Hiếu “Mường”, tên thật là Vũ Đức Hiếu, dân tộc Kinh, một hoạ sỹ có những đam mê cháy bỏng đối với nền văn hoá Mường.

 

Bước vào không gian của Vũ Gia Sử Quán trong tiếng nhạc không lời êm ái, ánh đèn dịu nhẹ đủ soi rõ khoảng không gian được bài trí gọn gàng, phong cách mang đậm chất văn hoá Mường, trong tôi chợt gợn lên một cảm giác lạ. Thú vị hơn khi đưa mắt quan sát và đụng tay vào các đồ vật được trang trí trên nếp nhà sàn như: những túm ngô già được buộc thành dây dài một cách đầy xếp đặt, những chum rượu được đặt ở vị trí có chủ ý và cả những chiếc đèn lồng đỏ được treo tòng teng trước hiên nhà... Nhấp ngụm cà phê đặc sánh, Hiếu chậm rãi giới thiệu: Đây là những đồ vật mà mình đã cất công lặn lội tới vùng cao, xa, hẻo lánh nhất của 4 Mường lớn: Bi, Vàng, Thàng, Động của tỉnh thu thập về để trưng bày đấy. Nhưng đây chỉ là một phần rất nhỏ thôi, còn tất cả được dành để trưng bày tại “Không gian văn hoá Mường” sắp được khai trương nằm trong một thung lũng nhỏ thuộc xã Bình Thanh (Cao Phong).

 

Như lời đã hẹn, cuối năm 2007, Bảo tàng “Không gian văn hóa Mường” đi vào hoạt động và chúng tôi cũng góp mặt để chia sẻ niềm vui với chàng họa sỹ trẻ có sự đam mê khác biệt. Ngày khai trương rộn ràng trong sự tĩnh lặng của những hiện vật được trưng bày. Du khách xa gần ai cũng trầm trồ xuýt xoa, đẹp quá, lạ quá khi bước chân vào bãi đá “Mường” rải hai bên đường dẫn vào cổng chính. Bãi đá này được sắp đặt có chủ ý ẩn hiện những họa tiết hoa văn được thêu trên cạp váy Mường.  Đi sâu hơn vào trung tâm, khung cảnh hiện ra trước mắt là một quần thể xã hội Mường thu nhỏ. Đây là nơi thể hiện sự phân biệt giai cấp trong xã hội Mường với 4 ngôi nhà thể hiện cho 4 thành phần, đẳng cấp trong xã hội Mường. Mỗi một ngôi nhà trong bảo tàng được bố trí theo đúng vị trí xã hội của chủ nhân trước kia. Đi sâu vào bên trong là phòng tái hiện, nơi đây trình diễn các nghề thủ công truyền thống của người Mường. Độc đáo, thú vị nhất là phòng trưng bày theo chủ đề. Bởi những hiện vật trưng bày như: dụng cụ săn bắn, canh tác nông nghiệp, dệt vải, cối giã gạo... đã thể hiện được mọi mặt trong đời sống sinh hoạt của người Mường. Kế đó là phòng trưng bày đời sống tâm linh thể hiện lại toàn bộ tang lễ của người Mường vốn nổi tiếng về sự phức tạp và tốn kém. Chốn tĩnh lặng có ít người lui tới là phòng thư viện trưng bày những tài liệu phong phú về văn học dân gian như: các bài mo Mường, các tài liệu về văn hóa Mường... do các nhà phê bình và nghiên cứu văn hóa biên soạn. Bước tới sân chơi cộng đồng, ai ai cũng muốn thử chơi các trò chơi dân gian truyền thống của cư dân Mường như: đánh đu, đánh mảng, ném còn, đi cà kheo... và với du khách có nhu cầu nghiên cứu văn hóa thì đây còn là nơi phục dựng, tái hiện lại những lễ hội truyền thống, những nét văn hóa đặc trưng của người Mường một cách có hệ thống.

 

Hơn 10 năm lặn lội khắp các hang cùng, ngõ hẻm của đất Mường, chủ nhân của “Không gian văn hóa Mường” đã sưu tầm được hơn 3.000 hiện vật để trưng bày tại đây. Ngoài ra, Bảo tàng còn xây dựng được một vườn cây thuốc Nam của người Mường với diện tích 500m2, gồm hơn 200 loài, hơn 600 cá thể với nhiều nhóm thuốc như: thuốc gan, xương khớp, thuốc tiêu hóa, ho, cảm sốt...

 

Độc đáo, bản sắc như vậy nên từ khi đi vào hoạt động, “Không gian văn hóa Mường” đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu. Chúng tôi, những người con sinh ra và lớn lên ở đất Mường cũng đã nhiều lần trở lại với không gian văn hóa đậm đà bản sắc ấy và mỗi lần đến lại được cảm nhận thêm nhiều điều thú vị. Chủ nhân của Bảo tàng vốn là họa sỹ và cũng đã gắn bó với nghề báo trong nhiều năm nên những người đến đây phần đa là nghệ sỹ, các nhà báo, nhà nghiên cứu...

 

Lần gần đây nhất chúng tôi trở lại “Không gian văn hóa Mường” cùng với các hội viên Hội Nhà báo các tỉnh miền Nam Trung Bộ. Chủ nhân Bảo tàng đã tự tay rót chén nước “thuốc” được hái trong vườn để mời du khách cùng thưởng thức. Anh  cũng tỉ mẩn giới thiệu những hiện vật được trưng bày trong Bảo tàng một cách say sưa mặc dù đã có sự hỗ trợ đắc lực của cô hướng dẫn viên du lịch.  Cầm trên tay bó cật tre nhuốm màu bồ  hóng, trên mặt có in những vết khứa huyền bí (lịch Đoi của người Mường) do chính chủ nhân của Bảo tàng tặng, ông Lê Hữu Văn, Tổng biên tập Báo Bình Thuận cố nhẩm lại cho thuộc câu thành ngữ “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới” để hiểu rõ hơn về đời sống sinh hoạt đặc trưng của người Mường. Chia tay đất Mường Hoà Bình để trở về với miền Nam Trung Bộ - nơi nổi bật với nền  văn hoá Chăm độc đáo, những người làm báo không quên gửi lại những tình cảm lưu luyến với đất, với Mường và lời hứa hẹn sẽ góp phần quảng bá để ngày càng có thêm nhiều những người đồng nghiệp, nhà nghiên cứu văn hoá biết đến Bảo tàng “Không gian Mường Hoà Bình”.

 

Những ngày giáp Tết, khi cánh hoa mận, hoa đào khoe sắc, tiết trời ấm áp hơn cũng là lúc “Không gian văn hóa Mường” trở nên sôi động hơn. Chủ nhân của Bảo tàng bận rộn với việc đón khách. Anh tiết lộ, mình đang chuẩn bị làm lễ “mát nhà”: - các bạn đến nhé, đây sẽ là dịp để mọi người có thể hiểu rõ hơn về nếp sống, sinh hoạt và tín ngưỡng của người Mường. Một lời mời đầy thiện ý và chúng tôi cũng chắc chắn sẽ trở lại để tìm lại những cái hay, cái đẹp trong chính cuộc sống dung  dị của người Mường ở “Không gian văn hóa Mường” - nơi chất chứa dạt dào nguồn cảm xúc.       

 

 

                                                                                          Thúy Hằng

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục