Sản phẩm dệt của người Thái được giới thiệu và bày bán tại khu du lịch Mai Châu Lodye

Sản phẩm dệt của người Thái được giới thiệu và bày bán tại khu du lịch Mai Châu Lodye

Bài 2: Tháo gỡ nút thắt trong xã hội hóa hoạt động du lịch

(HBĐT) - Đến tháng 9/2010, toàn tỉnh có 74 dự án đầu tư du lịch. Các dự án đầu tư theo nhiều loại hình như: khu du lịch sinh thái, đô thị du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng sinh thái, khu du lịch văn hoá, du lịch cộng đồng và du lịch kết hợp trồng rừng.

 

Nhưng đến nay mới chỉ có 16 dự án đã đưa vào hoạt động kinh doanh với diện tích đất khoảng 1.020 ha. Còn một số dự án xin giãn tiến độ và chưa đầu tư. Nhiều khu đất rộng hàng trăm ha được quy hoạch làm khu du lịch sinh thái đang bị bỏ hoang, lãng phí là thực tế đáng lưu tâm về việc xã hội hoá hoạt động du lịch của tỉnh ta.

Ảm đảm bức tranh đầu tư du lịch

 

Theo số liệu do Sở VH-TT&DL cung cấp, riêng năm 2009 có 37 dự án đầu tư du lịch vào tỉnh ta với tổng diện tích là 2.513,79 ha, tổng số vốn đăng ký là 6.432,6 tỷ đồng. Nhưng đến năm 2010, tình hình các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch sụt giảm rõ rệt. Trong 9 tháng năm 2010 chỉ có 4 dự án đăng ký đầu tư với diện tích 701 ha, tổng vốn đăng ký 700 tỷ đồng.

 

Nằm ven đường quốc lộ 6A, cách thủ đô Hà Nội chưa đầy 20 km, khu nghỉ ngơi - vui chơi - giải trí thung lũng Nữ Hoàng được đánh giá là có vị trí “vàng” trong thu hút khách du lịch về nghỉ dưỡng, nhất là khách du lịch của thành phố Hà Nội. Men theo con đường dẫn vào khu nghỉ dưỡng này, chúng tôi ngỡ ngàng trước khung cảnh đang dần hiện ra trước mắt. 11 ngôi biệt thự xây rải rác trong thung lũng đang bị bỏ hoang, cửa khoá im lìm và dán giấy niêm phong. Hệ thống tường bao, cổng sắt của các khu biệt thự đã bị hoen rỉ, hư hỏng, nhiều đoạn đã đổ gãy. Không có bàn tay con người, cỏ dại đã mọc che khuất bờ tường bao, mọc tràn trên lối đi vào những khu biệt thự. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, ngày 25/11/2003, Công ty Du lịch Bạch Đằng được UBND tỉnh giao 141,8 ha thuộc địa phận xã Lâm Sơn (Lương Sơn) để xây dựng khu du lịch sinh thái. Ban đầu, khu du lịch sinh thái này có tên là Làng văn hoá các dân tộc. Cho đến nay, các nhà đầu tư mới chỉ hoàn thiện 11 biệt thự đang bỏ không, chưa hề xây dựng thêm một hạng mục vui chơi, giải trí nào để thu hút du khách. Sau 8 năm được cấp phép đầu tư, khu du lịch sinh thái chiếm gần 142 ha đất có  vị  trí “đắc địa” đang nằm im lìm. ở huyện Lương Sơn, ngoài khu du lịch thung lũng Nữ Hoàng, khu du lịch hồ Mòng với tổng diện tích 353 ha được cấp phép đầu tư từ năm 2004 nhưng đến nay, số hạng mục công trình đã tiến hành xây dựng vẫn còn khiêm tốn.

 

Ngoài Lương Sơn, tại Đà Bắc, khu du lịch sinh thái và bảo tồn thiên nhiên đảo Ngọc với diện tích 17 ha, được cấp phép đầu tư từ ngày 30/3/2005, cho đến nay, vì nhiều vướng mắc vẫn chỉ dừng lại là kế hoạch. Qua tìm hiểu, trong lĩnh vực đầu tư phát triển du lịch ở một số huyện như Lương Sơn, Kim Bôi, TPHB…, chúng tôi đã thấy xuất hiện thực tế nhiều dự án được cấp phép đầu tư nhưng không tiến hành xây dựng, khi gần đến thời hạn bị rút giấy phép mới chuyển nhượng hoặc tổ chức khởi công xây dựng lấy lệ. Đây là một thực tế mà các ban, ngành chức năng, chính quyền địa phương cần rà soát, quản lý chặt chẽ để phát huy được hiệu quả nguồn quỹ đất dành cho phát triển du lịch.

 

Mở đường cho xã hội hoá hoạt động du lịch

 

Tuy nhiên, bên cạnh những dự án “rùa” cũng đã có một số dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển KT-XH như: Khu du lịch Mai Châu Lodge (thị trấn Mai Châu), khu du lịch Vịt Cồ Xanh, xóm Giếng Xạ, xã Cư Yên (Lương Sơn), Khu du lịch V-resort, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi)…

 

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Ngô Trọng Thược, Trưởng Phòng nghiệp vụ du lịch, Sở VH-TT&DL khẳng định: Tỉnh ta có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, thực tế là hoạt động thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch hiệu quả chưa cao. Những năm qua, các nhà đầu tư chưa thực sự mặn mà, đầu tư mạnh tay vào du lịch Hoà Bình. Do đó, với chức năng chuyên môn, chúng tôi đang xúc tiến tham mưu cho UBND tỉnh các chính sách thu hút đầu tư, nâng cấp và xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, dịch vụ. Trong đó, tập trung vào ban hành cơ chế chính sách khuyến khích, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực, vốn đầu tư các đơn vị, địa phương trong và ngoài nước.

 

Hiện nay, Sở VH-TT&DL đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, đặc biệt ưu tiên cho kết cấu hạ tầng cơ sở, hạ tầng kỹ thuật du lịch hồ Hoà Bình và các huyện: Mai Châu, Kim Bôi, Lạc Thuỷ, Lương Sơn... Phát triển nhiều bản, làng du lịch văn hoá, sinh thái cộng đồng, dành kinh phí bảo tồn các bản làng du lịch cộng đồng. Ngoài ra, tỉnh đang tiếp tục thực hiện chương trình hành động quốc gia về du lịch, tập trung vào chương trình tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, đẩy mạnh hoạt động liên kết phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng.

 

Tăng cường xúc tiến thu hút đầu tư, Sở VH-TT&DL đã làm tờ trình lên UBND tỉnh tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch tỉnh Hoà Bình năm 2011 vào đầu tháng 4/2011. Hội nghị sẽ có sự tham gia phối hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ VH-TT&DL, Bộ Tài chính và đại biểu tỉnh bạn, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp du lịch lữ hành trong nước và quốc tế. Hội nghị sẽ giới thiệu các giá trị tài nguyên, nhân văn của tỉnh; cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch; các quy hoạch và dự án; cơ chế chính sách, môi trường pháp lý ưu đãi đầu tư phát triển du lịch của tỉnh. Đồng thời, thảo luận về định hướng sản phẩm du lịch, giải pháp thu hút thị trường khách đến tỉnh, kinh nghiệm phát triển du lịch của các tỉnh Tây Bắc, giải pháp đầu tư phát triển du lịch tỉnh ta.   Điểm đặc biệt, trong khuôn khổ hội nghị sẽ diễn ra hoạt động ký kết các biên bản ghi nhớ, cam kết đầu tư với các đối tác vào lĩnh vực du lịch, cấp giấy chứng nhận đầu tư (nếu có).

 

Tích cực chuẩn bị cho tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch tỉnh Hoà Bình năm 2011, đồng chí Đinh Văn Hoà, Giám đốc Sở VH-TT&DL nhấn mạnh: Hội nghị được tổ chức quy mô với sự chuẩn bị kỹ lưỡng hy vọng sẽ là bước khởi đầu quan trọng cho du lịch tỉnh giai đoạn 2011 - 2020. Cũng qua hội nghị này, những vấn đề tồn tại, vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư phát triển du lịch sẽ được đưa ra trao đổi, thảo luận để từng bước tháo gỡ. Phấn đấu tập trung phát triển du lịch tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm. Chú trọng phát triển du lịch gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giải quyết đồng bộ vấn đề ô nhiễm môi trường; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thiết thực vào phát triển KT-XH của tỉnh.

 

                                                                                      Dương Liễu

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục