Nhà tôi ở khu tập thể được cơ quan phân cho từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ngày đó, cách đây ngót nghét gần 30 năm, 2 dãy nhà tập thể cấp 4 quay mặt vào nhau. Trước mặt là khoảng sân rộng chừng 5 m, nhà nào tổ chức cưới hỏi hoặc có việc gì thật thuận tiện vì không phải thuê mượn địa điểm mà tình làng, nghĩa xóm lại trở nên khăng khíthơn. Trẻ con thời đó tha hồ vui đùa, chơi những trò chơi dân gian chúng thích dưới khoảng sân rộng của khu tập thể. Những gia đình sinh sống ở đây đều công tác cùng cơ quan. Nhớ lại những ký ức đã qua mà lòng thấy xao xuyến.

"Bác Thu ơi”… Tiếng gọi vọng từ ngoài cửa làm ký ức trong tôi vụt tắt. Đó là tiếng cô Thúy hàng xóm.

Tôi vội đi ra:

- Thúy à! Có việc gì không em?

Cô Thúy vào nhà với nét mặt hồ hởi:

- Hôm nay nhà bác thắp hương rằm buổi sáng hay chiều đấy?

- Sáng nay không kịp nên chiều đi làm về chị mới làm lễ.

Cô Thúy nhanh nhảu:

- Vậy à! Thế thì chúng em đang tính chiều nay, 4 gia đình mình ăn cơm chung chị ạ.

Trong khu tập thể tôi ở bây giờ không còn như trước nữa. Nhiều gia đình có điều kiện hoặc vì chuyển côngtác nên đã nhượng lại nhà cho một số hộ dân nơi khác đến sinh sống. Mặc dù không làm cùng cơ quan nhưng mọi người sống với nhau rất thân mật.

4 gia đình mà cô Thúy nói thì có đến 3 gia đình gồm nhà cô Hạnh, Mận và Thúy là những hộ chuyển đến sau. Mỗi người một công việc nhưng đối với nhau như anh em một nhà, thật gần gũi và thân thiết. Trong cuộc sống hàng ngày, nhà nào có chuyện vui, buồn thì cả 4 gia đình xúm lại chuyện trò, bàn tính và động viên, giúp đỡ nhau.

Có lần tôi bị ốm, chiều hôm đó, cô Hạnh đi làm về dựng chiếc xe máy trước cửa rồi đi sang nhà tôi luôn.Vừa bước chân vào nhà cô Hạnh gọi:

- Chị Thu ơi! Chị đang làm gì vậy, từ sáng tới giờ em không thấy chị. Nằm ở tầng trên, tôi cũng cố nói vọng xuống với giọng mệt mỏi:

- Chị ốm rồi. Hôm nay phải nghỉ làm đây.

Nghe thấy tiếng tôi, cô Hạnh vội chạy lên tầng, vào phòng tôi nằm hỏi thăm:

- Chị ốm đau thế nào? Thuốc men gì chưa? Từ sáng tới giờ có ăn được gì không?

Thấy cô Hạnh hàng xóm có vẻ lo lắng, tôi nói:

- Chị cũng đỡ rồi, sáng nay dậy sớm chắc bị cảm nên trong người thấy nôn nao, khó chịu. Sáng ra ông xã đã đánh gió, nấu cho chị bát cháo, ăn lưng bát cháo cũng thấy đỡ nhiều rồi.

Biết gia đình tôi neo người, chồng lại công tác xa nhà nên cô Hạnh không khỏi băn khoăn, vội vàng đứng lên đi xuống bếp, thấy sẵn có nồi cháo nấu, cô nấu lại bát cháo nóng rồi bưng lên:

- Chị dậy ăn thêm chút cháo cho nóng để còn uống thuốc.

Thấy sự lo lắng hiện trên khuôn mặt của cô Hạnh, trong tôi lúc đó cảm động dâng trào. Tục ngữ có câu: "Bán anh em xa, mua láng giềng gần” quả không sai.

Chiều rằm hôm đó, khi thắp hương ngày rằm xong, cả 4 gia đình tập trung tại nhà cô Mận. Cũng là gian nhà tập thể nhưng nhà cô Mận ở cuối khu, khi làm nhà cô đã tận dụng được khoảng đất trống nên diện tích cô rộng hơn nhà chúng tôi.

Cùng hàn huyên, chia sẻ những câu chuyện về công việc ở cơ quan, việc học tập của các cháu và cả chuyện riêng tư của mỗi gia đình trong bữa cơm tối hôm đó, tiếng cười nói của cả người lớn, trẻ nhỏ rôm rả cùng tiếng chúc tụng vang lên tạo không khí thật vui vẻ, đầm ấm. Tình cảm của 4 gia đình chúng tôi càng trở nên mật thiết và khăng khít hơn.


Trần Tuyết


Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục