Nhưng, như dòng sông lặng lẽ bồi lắng phù sa, cốt cách của một dân tộc cần cù, chịu khó, hòa nhã đã gửi gắm trong những biểu tượng cảm xúc, những hội hè, đình đám. Hay đơn giản hơn, từ mâm cỗ lá, từ nét hoa văn, nụ cười và ánh mắt... Không thể gói gọn cuộc kiếm tìm những vẻ đẹp lấp lánh ấy trong một chuyến đi nhưng ta hãy thử một lần đi dọc đất Mường để cảm nhận những giá trị từ một lát cắt như thế.
Người Mường luôn tâm niệm mình đang sống an lành trong sự chở che, giao hòa cùng cao vời Mường Trời, thẳm sâu Mường Đất, tạo nên tầng bậc của cốt cách và tầm suy nghĩ. Tưởng như, xa lộ thông tin của kỷ nguyên công nghệ số đã làm tan đi màn sương huyền thoại đó. Nhưng không, đi khắp các vùng Mường phẳng lặng vẫn thấy mênh mang đất trời, dư ba nhịp chiêng và phiêu diêu một nguồn cảm hứng bất tận từ đất đai, con người và cảnh sắc. Văng vẳng bên tai là bùng bong Bi-Vang-Thàng - Động…
Muốn thực sự được phiêu diêu đất Mường phải bắt đầu từ con đường 6 từ phân khúc mang tên Tây Tiến. Dốc Cun xứng danh với tên gọi kỳ vĩ, nâng tầm mắt người khách đường xa lên một cốt cao và cũng là khúc tiền tấu của bản hòa tấu thiên la địa võng của đất Sơn La hiểm trở. Nhưng giờ vẫn còn là đất Mường Hòa Bình, lên đến tận cùng dốc Má, bên kia là vực núi gieo leo tưởng như sắp chới với giữa biển mây chợt bàn chân chạm vào đất Đông Phong, văng vẳng bên tai tiếng mõ trâu chiều. Chẳng phải ngẫu nhiên mà có người khi đến đây đã phải thốt lên: Có gì đó quen thuộc, gần gũi quá! Phải chăng, ta đang bắt gặp một ký ức đồng bằng giữa miền non cao này.
Đang dừng chân như người lính Tây Tiến năm xưa thở dốc lần đầu vượt đỉnh Cun lạc vào cửa ngõ đất Mường thì trước mắt ta là ngã ba chia làm hai ngả. Thẳng bước lên với những đỉnh cao của đất Cao Phong rồi đắm chìm vào miền đất cổ xưa có dòng lang họ Quách danh trấn bốn phương. Đó là những bản Mường còn giữ nguyên nếp sống của động Lạc Thổ được ghi trong cổ thư với những cô gái tóc dài, da trắng với những mệ (mẹ) già hút ống điếu cày dài như sải tay thả khói trắng như che phủ cả những đỉnh núi miền ân Nghĩa… Khi đứng giữa trung tâm của đất Mường, giữa vùng lõi của văn hóa ta mới cảm nhận những phong tục, nề nếp của đồng bào Mường cũng thực sự gần gũi với đời sống hôm nay. Đó là cái tinh, kỹ càng trong chế biến, ứng xử, là cái khoan giản, hài hòa nhưng cũng vô cùng tao nhã, mực thước của một dân tộc đã đạt đến trình độ phát triển cao từ trong quá khứ.
Sâu lắng hơn cả vẫn phải là khi ngả sang bên trái để bước vào đất trời Mường Động. Xứ Mường khiêm nhường đứng sau cùng trong bốn xứ như nhưng lại hối hả từng khúc thức, dồn dập từng tiết tấu, đan cài nhiều sắc thái văn hóa. Từ mạn vòng ngoài châu thổ sông Hồng, người đường xuôi đã nghe danh miền sơn dã có nước khoáng xanh trong. Nơi mà thợ sơn tràng từng đồn thổi làm thịt vịt đồng béo ngậy còn tìm thấy những vảy vàng. Đất Kim Bôi tự dưng được gắn cho danh kim tiền từ đó nhưng đến khi đặt chân đến đây ta lại có một ấn tượng thật khác. Dọc con đường là những làng Mường cổ mướt mát xanh của lúa. Màu xanh thuần khiết và bền bỉ giữ cho khí trời đất ấy luôn trong lành. Nhẫn nại một màu lúa, thủy chung những mái nhà sàn trong xóm vắng, bốn phía tịnh không một nỗi lo âu, đủ để nghe rõ tiếng nước chảy dưới chân cây cầu có những phiên đá xám nhẵn như được ai đó thức suốt đêm qua mài cho nhẵn. Đến giữa đất này, vừa lúc hừng đông bừng thức, nhận ra những chuyển động của làng Mường từ tiếng mõ trâu hào hứng ra đồng. Từ sợi thừng săn lại từng ngày đồng áng cơ cực, ngày mưa rét mướt cơ hàn. Trên cánh đồng như một sân khấu không cần chuyển cảnh, người nhà nông ra với ruộng tự lúc nào không hay, họ bước ra từ mọi ngõ làng mà như thể cả đời vẫn đứng đó, vẫn dõi đôi mắt lo toan xuống những khuôn thước vuông vức ngàn đời ông bà truyền lại cho họ Bạch, họ Bùi, họ Nguyễn…
Dọc theo miền đất ấy là khoảng lặng hư không của những mô thức xóm làng giống hệt nhau như sự tự giác bấy lâu của văn hóa sinh hoạt Mường Động. Thấp thoáng dưới những hàng cau là những ngôi nhà đá hộc, cửa gỗ mít tạo ra không khí vắng lặng như đã là trăm năm qua đi tịnh không một dấu tay người. Vậy mà lạc bước men theo ngõ vắng vào đến nơi lại thấy xum vầy ao chuôm, sân gạch phơi đầy ngô vàng óng, khói bếp nồng nàn cơm mới. Người dân dọc miền Bôi Cả hẳn còn chưa nguôi ngoai những giấc mơ ngày trước của cuội trắng, cá thơm nấu măng chua thơm lựng. Nhớ cái thời ao làng còn mênh mênh mang thả câu mà gió thổi tung từng sợi tóc trên vầng trán tuổi ấu thơ.
Nhưng không hẳn chỉ có đơn điệu những vùng bình địa đất Mường còn có những ngọn đồi xen kẽ tạo ra biến tấu phong quang lạ lẫm. Ba ngọn đồi xếp thẳng hàng như ba vị thần khổng lồ trấn ải giữa mênh mông ruộng đồng. Người trong vùng Mường về đến đó hiểu rằng những ngọn đồi là lời tạm biệt trước khi quá chân về tới vùng chiêm trũng. Khách lạ thì còn bâng khuâng chưa rõ ẩn sau dãy đồi kia đất Mường còn mải miết tới đâu. Qua hết thị trấn Bo phẳng lặng, dòng sông Bôi hiền hòa bỗng ẩn mình đi đâu đó như người ẩn sĩ giữa những ngày huyên náo nhưng bỗng lại hiện lên cuối thị trấn Chi Nê bằng sự hung hãn của một tấc lòng khó hiểu. Lắng lòng ngồi lại quán nước mái tranh dưới chân cầu Khoan Dụ, nghe cụ già kể chuyện mỗi bận nước lên lại thấy dòng sông chỉ giận hờn như tính cách đỏng đảnh của một cô gái tuổi dậy thì.
Sông Bôi còn về đâu thì không rõ, con đường về Phủ Lý bên này, màu rừng Cúc Phương bên kia đã hiện ra rõ nét. Đất Mường nằm lại phía sau lưng mà người khách đường xa vẫn còn lưu luyến. Bởi đó là một miền dân gian đang phập phồng hơi thở bởi ruộng lúa, bờ tre, bởi trong xanh dòng sông và đỏ tươi mái ngói. Hôm nay, đất vẫn nguyên màu nâu chất phác, bình dị, màu mỡ ân tình như ngàn đời nhưng cũng dung hòa những đổi thay. Những loài cây mới mọc trên đất Mường không còn manh mún mà đã trải dài tít tắp như tầm nhìn, cách nghĩ đã chuyển mình. Những cô gái Mường dẫu vẫn khoác lên mình bộ trang phục mang đậm bản sắc những ánh mắt, nụ cười mang cảm xúc của niềm vui mới. Những đổi thay chỉ làm tươi tắn, làm mới thêm những gì được là điều cốt lõi trong bản sắc, cốt cách của đất và người.
Đất Mường lặng lẽ mà sâu lắng âm vang của nền văn minh lúa nước hiền hòa mà đầm ấm. Đã hàng ngàn năm và sẽ cả ngàn năm nữa sẽ vẫn bình yên như thế.