(HBĐT) - Ông Tân giật mình tỉnh dậy, người đẫm mồ hôi. Ông lặng lẽ bước xuống giường đi ra ngoài cửa. Ngồi tựa lưng vào hiên, ông đưa bàn tay nhăn nheo nổi đầy những đường gân xanh lần nắn từ đầu gối xuống ống chân. Vừa nắn vừa đấm nhẹ nhẹ. Ông ngửa mặt nhìn những ngôi sao đêm có vẻ chăm chú lắm nên khi bà Thành ra ngồi bên, ông vẫn không hề hay biết. Bà cất tiếng nhè nhẹ:

- Ông lại không ngủ được à? Còn sớm thế này, ông không nằm trong đó, ra đây ngồi làm gì cho mỏi?
- Bà cũng không ngủ mà dậy làm gì? Ống chân tôi cứ nhức luôn, lại mơ man lung tung cả, nằm mãi không ngủ được.
- Ông lại mơ chuyện cũ à?
Ông Tân khẽ gật đầu. Là mơ nhưng cũng là thật. Ông mơ lại những chuyện trước kia, ngày ông còn là một anh lính Cụ Hồ trẻ trai và sung sức. Sau khi đất nước hòa bình, ông trở lại quê nhà, sống cuộc đời bình dị cùng vợ con. Những chuyện chiến tranh, trận mạc dần lắng xuống theo thời gian nhường chỗ cho bao lo toan bộn bề của cuộc sống. Vậy mà gần đây, khi đã bước qua tuổi thất thập, khi đầu óc nhớ nhớ, quên quên thì ông lại hay mơ về chuyện cũ. Chẳng phải lúc ngủ mới mơ, mà ngay lúc thức, ngồi nghĩ vẩn vơ, những chuyện lính tráng trước kia lại ùa về…
- Xung phong! Xung phong! 
- Tiến lên các đồng chí!
Mấy đồng chí của ta (trong đó có Tân) trà trộn vào nhóm người đi buôn đi qua đồn để do thám tình hình quân địch. Vừa nhận được tín hiệu đánh đồn, những tiếng hô "xung phong” đồng loạt vang lên, cùng với đó là những bước chân chạy nện xuống đất rầm rầm. Giữa trưa nắng chang chang, tầm 2 tiểu đội quân ta từ chỗ núp dũng mãnh tiến lên đánh úp vào đồn địch. Bọn giặc đang trong lúc nghỉ trưa không hề đề phòng, bị ta đánh bất ngờ, chúng cuống cuồng, đánh trả yếu ớt, có tên hoảng sợ vứt súng bỏ chạy. Chưa đầy 30 phút, Tân và các đồng chí của mình đã kiểm soát được đồn, cờ của giặc bị hạ xuống. Mọi người nhanh chóng chia nhau đi thu chiến lợi phẩm rồi rút gấp theo lệnh, tránh đụng độ với quân tiếp viện của địch. Ta vừa rút đến bờ sông thì quân tiếp viện của địch đến. Phát hiện đồn bị đánh, chúng điên cuồng đuổi theo bắn trả. Tân bơi sau cùng, phát hiện Tùng đang vùng vẫy vì bị chuột rút. Anh loay hoay, vất vả lắm mới dìu được đồng chí ấy sang bên kia sông. Giặc tiến ngày càng gần, tiếng đạn rát rạt bên tai. Chúng bắn như vãi đạn trên mặt sông. Vừa chạm vào bờ, Tân vội giúp Tùng kéo căng cơ cho khỏi chuột rút, hai người lóp ngóp bò lên rồi lẩn nhanh vào giữa bãi ngô xanh tốt đang kỳ trổ cờ, vẫn nghe tiếng súng chúng bắn từ bờ bên kia. Họ ngồi nghỉ, lúc này Tân mới cảm thấy ống chân mình buốt ghê gớm, máu vẫn đang rỉ ra. Có thể anh bị thương từ lúc ở phía bờ sông mà không hề hay biết. Tân đưa tay nắn nhẹ vết thương rồi nhăn mặt xuýt xoa…
- Ông đau lắm à.
Bà Thành phải hỏi lại lần thứ 3 ông Tân mới giật mình quay sang. Đang ngồi đó mà ông như sống lại trận đánh đồn ngày nào. Ông vừa đấm nhẹ nhẹ lên ống chân vừa cười:
- Chỗ viên đạn găm vào đó mà. Giờ già rồi, nó đốc chứng, cứ bị đau nhức luôn. Cứ như cánh tay này thì lại chẳng sao. Chỉ có cái bất tiện chút, chứ trái gió trở trời nó không hành như ở chân. Ông Tân vừa nói vừa đưa bàn tay phải vỗ bộp bộp vào cánh tay trái đã cụt ngang ống tay. Rồi như chợt nhớ ra điều gì, ông quay sang nói với vợ:
- Đợt này tôi lại đăng ký theo đoàn vào Trường Sơn! 
- Ông đang đau thế, đi làm sao?
- Bà yên tâm, thi thoảng mới nhức buốt thôi. Với lại, giờ còn chút sức, còn đi được. Một, hai năm nữa chắc gì đã đi nổi đâu. Tôi muốn vào đó, vừa là thăm lại chiến trường xưa, nhưng cốt là góp phần cùng mọi người tìm lại những đồng đội đã nằm lại đó, đưa họ về với quê hương. Mấy chục năm rồi còn gì. 
Bà Thành không nói gì, ngồi bên ông, bà nhìn ra khoảng sân mờ mờ trước mặt. Bà biết, bao nhiêu năm nay, chồng mình luôn canh cánh trong lòng việc đưa đồng đội trở về. Bao nhiêu lần ông đi, bao nhiêu lần trở về với nỗi thất vọng vì mọi thứ sau chiến tranh đã thay đổi quá nhiều. Ông không thể tìm được nơi đồng đội mình nằm xuống. 
- Lần này, tôi nhất định phải đưa được thằng Minh trở về bà ạ. Mấy đêm nay, tôi mơ thấy nó luôn. Tự nhiên tôi nhớ rất rõ ràng chỗ nó hy sinh, chỗ tôi chôn nó. Chưa biết chừng còn mang được cả bàn tay trái của tôi về ấy chứ.
Bà Thành giật mình khi nghe chồng nói. Minh là người đồng đội nhỏ tuổi hơn ông Tân, kém ông cả nửa con giáp. Minh hy sinh trong đợt càn thứ hai của địch vào vị trí đài quan sát. Mảnh đạn pháo của chúng cắt ngang bụng Minh, một mảnh khác xén mất cánh tay trái của Tân. Tân xỉu đi một lúc, khi tỉnh dậy, thấy cây cối xung quanh đổ rạp, đè cả lên người, Minh nửa nằm nửa ngồi dựa vào gốc một thân cây to đã bị đốn ngang ngửa. Năm đó, Minh vừa tròn 20 tuổi. 
- Nó mới vào được gần năm thì hy sinh. Trận đó ác liệt quá. Trung đội tôi hy sinh hết phân nửa. Tôi may mắn vẫn có ngày trở về đoàn tụ cùng bà và các con. Người còn, người mất đều đã lần lượt trở về. Cả trung đội chỉ còn Minh và 2 đồng chí nữa. Lần này, mong sao chúng tôi có thể thuận lợi tìm được các đồng chí ấy để đưa trở về quê hương, bà ạ!
- Vậy ông cho thằng Tính đi theo, có gì nó còn đỡ đần ông nội.
- Cái đó bà chẳng phải nhắc. Hôm nghe tôi nói với bố nó chuyện đi vào Trường Sơn, nó một hai năn nỉ xin theo. Bố nó đồng ý rồi.
Tiếng gà gáy canh 5, khoảng sân đã mờ mờ trong hơi sương. Ông Tân đứng dậy, vươn vai, bước lần mấy bậc tam cấp xuống sân. Ông vừa vung tay, vừa bước đi chậm chậm. Bà Thành đứng lên, nói nhỏ:
- Để tôi đi đun siêu nước pha cho ông ấm trà nhé. Đằng nào cũng sáng rồi, không ngủ lại được nữa. 
Ông Tân nhìn vợ gật đầu, thầm nghĩ: "Ngày ấy mà sáng ra giữa rừng, có tách trà nóng uống cho ấm bụng thì sướng phải biết. Thằng Minh còn trẻ mà nghe chừng cũng rành uống trà lắm”. Ông buột miệng: 
- Lần này anh phải đưa được chú mày về lại với quê hương, về sum họp cùng đồng đội, Minh ạ!


Truyện ngắn của Trương Thị Thúy

Các tin khác


Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục