Truyện ngắn của Trần Phan


Bà khệ nệ bưng mâm cơm ra ngoài sân. Mớ chén đũa lạo rạo trên mâm theo từng bước chân cao thấp của bà làm ông quay lại.

- Bà đi từ từ thôi nhé. Tuổi này rồi. Ăn chả cần nhiều, cốt có cái bỏ bụng qua ngày là được bà ạ.

- Ôi dào! Tôi nào có vội chi đâu. Cái mâm nhôm con Út mới mua nó lạo rạo với đám chén đũa thôi. Chớ trước tôi bưng mâm bằng sàn tre. Ông có bốn cái tai cũng không nghe thấy à.

Ông cười khà khà:

- Là tôi nói thế. Vì tôi biết cái chân bà đã đau nhiều. Chỉ tại tôi mà bà khổ cả đời. Thiệt! Chồng người ta đánh đông dẹp bắc. Tôi ra trận chưa đầy 3 ngày đã làm bà khổ một đời.

- Ba ngày thì cũng là cống hiến cho đất nước. Mà tôi thấy tôi hạnh phúc đó chứ. Có ông mới có sắp nhỏ. Có sắp nhỏ thì tôi mới sống đến bây giờ. Ông nghĩ đi. Ngày đó mà tôi bỏ đi. Giờ này chắc gì đã có miếng cơm mà ăn…

Đó là ngày đầu tiên ông nhập ngũ. Khoảng năm 68 thì phải. Hồi ấy chiến tranh ác liệt lắm. Ông đang học bậc thành chung đã tình nguyện ra tiền tuyến. Chiếc xe len lỏi trong đêm, xuyên rừng ra khỏi vùng tranh chấp. Nhưng không may, 3 ngày sau, khu huấn luyện bị trúng bom tọa độ. Ông may mắn sống sót nhưng đôi mắt không nhìn thấy ánh sáng nữa…

Hôm ấy, nhà ông tấp nập người vào ra. Đám cưới cậu em ruột của ông thì phải. Ông ngồi lặng trong phòng. Mừng cho em. Ông nghĩ. Sau khi em dâu về. Ông sẽ xin mẹ ra ở riêng. Nhà có đàn ông mù lòa. Đến tắm rửa cũng cần có người giúp đỡ. Em dâu về sẽ khó lắm. Có tiếng mẹ ông tằng hắng bước vào phòng. Dòng suy nghĩ của ông bị cắt đứt. Mẹ bảo ông đứng lên thay áo mới. Ông thầm nghĩ. Đám cưới em, mình là anh cả cũng nên ra chào cho phải lễ. Mẹ dắt tay ông ra phía gian nhà chính. Trước bàn thờ. Rồi đặt tay ông vào một bàn tay con gái. Ông giật mình, rụt tay lại. Bước lùi về phía sau. Nhưng hình như em trai ông đã giữ ông lại. Mẹ lại nắm tay ông đặt lại bàn tay con gái ấy. Ông chờ. Bàn tay ấy không phản ứng. Bất giác lại nắm chặt lấy tay ông. Tiếng bà mối chia hương rồi hô to bái gia tiên. Lúc này, ông mới biết là đám cưới mình. Có tiếng xì xào của hai họ. Và như có tiếng thút thít của ai đó…

Mẹ dắt cô dâu vào tận phòng ông. Họ nói gì đó rất lâu. Ông đứng ngoài cửa chờ. Rồi mẹ ra và đẩy nhẹ vai ông vào bên trong. Cửa đóng sầm lại. Không khí trong phòng phập phồng. Ngột ngạt. Bên ngoài có tiếng lá rào rạc qua mái tranh. Bên trong, có tiếng thút thít. Lòng ông rối bời. Có lẽ mẹ chính là người đã gỡ khăn voan cô dâu thay ông. Tại sao ông lại rơi vào cảnh này chứ? Ông hại người ta mất rồi. Ông mò mẫm theo vách quen thuộc về phía giường. Ông dừng lại khi biết hai bước chân nữa là sẽ đến ngay đầu giường. Nơi cô dâu đang ngồi. Ông nghĩ. Chuyện đến nước này rồi. Mình là đàn ông, nên mở lời trước.

- Cô gái. Tôi… tôi chỉ là kẻ tật nguyền. Họ đã không nói điều đó với cô đúng không? Và tôi cũng không biết. Hay! Đêm nay cô hãy đem hết lễ vật rồi về nhà. Tôi sẽ có cách nói với người nhà. Cô yên tâm.

Không có tiếng trả lời. Tiếng thút thít vẫn chưa nguôi.

- Cô gái. Tôi biết họ đã dối cô. Họ đã tráo em tôi bằng tôi. Và cô cũng không biết điều đó cho đến khi khăn voan được gỡ ra. Nhưng xin cô. Tôi cũng rất đau lòng. Hãy nghe tôi. Hãy đi ngay trong đêm nay. Tôi có lỗi với cô rồi.

Tiếng thút thít im bặt. Hòa trong tiếng nấc là tiếng của cô dâu mới:

- Không! Ông không có lỗi gì hết. Có trách thì đó chỉ là số phận. Tôi đã làm lễ gia tiên với ông. Sống là vợ ông. Chết thì xin bia mộ được khắc tên ông là chồng.

Trăng đã lên ngang buồng dừa non. Gió thổi mát rượi vào khoảng sân lát gạch Bát Tràng màu đỏ ngói. Bữa cơm vẫn còn thấm đượm mùi ký ức. Ông xoay mặt về phía bà.

- Ngẫm nhanh bà nhỉ! Vậy mà ngót 50 năm rồi. Ngày đó tôi 30 tuổi. Bà mới 18. Căn nhà này có bà mà thêm vững chãi qua bao mùa mưa bão.

- Ôi dào! Thế chả phải nhờ lấy ông mà tôi mới biết cái chữ. Biết ủ những hũ mắm ngon để chạy gạo cho cả nhà ta. Ông thế mà đến tài thật. Tài nhất làng ngày ấy.

Những câu chuyện cứ nối tiếp theo từng bước trăng lên. Mâm cơm không vơi đi nhiều, nhưng tiếng cười thì mỗi lúc một giòn tan, đánh trôi thêm một lần nữa ký ức của những ngày gian khó. Ngọn đèn dầu hắt bóng hai thân già xuống nền sân sạch bong. Mùi cơm lúa mới theo hương bay thoang thoảng khắp khoảng sân. Những đứa con đã rời xa vòng tay họ. Ngoài kia là biết bao bộn bề của cuộc sống. Nếu có mệt mỏi. Ông bà chỉ mong chúng về khoảng sân này. Ăn bữa cơm xum vầy quanh ngọn đèn dầu với nụ cười giòn tan.


Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục