(HBĐT) - Chú Đức về thăm bản Tà Lèng... Tin đó nhanh như điện được loan khắp nơi trong bản. Chiếc xe "zíp” chạy loanh quanh một vòng chân đồi, qua mấy cây cầu bắc qua suối thì tạt vào ngõ nhà tôi. Đám trẻ xung quanh chạy túm tụm bu đông bu đỏ, y hệt cảnh chúng tôi háo hức sờ tay vào chiếc xe mô tô 3 bánh cách đây chừng 25 năm. 2 đứa con nhà tôi vui mừng, hãnh diện ra mặt vì có xe ô tô đến nhà mình, nhảy tót lên ngồi, nhún nhẩy trên nệm…


Chú bước vào sân, cười sảng khoái và vỗ vào vai tôi ngay chân cầu thang:

- Phải cu Tũn ngày xưa không nhỉ? Nhanh quá… Cao lớn, mạnh mẽ quá. Nghe chú khen mà thấy hởi lòng hởi dạ. Chú ôm vai mẹ tôi, vỗ vỗ, miệng gọi: Chị, chị… nghẹn ngào. Mặc dù mẹ tôi đã ngễnh ngãng tai rồi, mắt mờ đục nhìn xa như có bao điều muốn hỏi vì chắc không thể nhận ra chú được nữa. Chà, tóc chú bạc hết rồi, nhưng tướng vai to, dáng vóc đậm đà vẫn thế. Một thoáng trầm tư, lắng lại khi nghe tôi nói về chuyện bà và bố tôi đã qua đời cách đây hơn 10 năm. Một thoáng buồn vụt qua. Sao ngày đó, mình không báo tin cho chú. Mà biết chú ở đâu mà báo. Chú Đức chỉ là người dưng, không máu mủ ruột rà gì cả, nhưng lại là người em kết nghĩa của bố tôi cách đây khá lâu rồi. Thời mà tôi chỉ được gọi bằng cái tên "cu Tũn”… Trên đường ra khu gò an táng bố tôi, chú Đức ngậm ngùi: Đáng lẽ chú phải về thăm gia đình cháu từ lâu… Nếu gặp được bà và bố cháu, chắc chú sẽ toại nguyện, sẽ vui… Nhưng điều kiện, hoàn cảnh chi phối. Nghe chú kể, đi qua chiến tranh, nên chú mất gần 10 năm như ở một cõi khác. Vô thức. Nhờ tập luyện, thuốc thang mà trí nhớ chú hồi phục. Thật may…

Trong tiếng gió vi vút thổi qua đỉnh núi, đỉnh đồi, dạt về đây ào ạt thổi bùng bát hương, tôi chợt như nghe thấy tiếng bà vọng về: "Thằng Đức… nó đến là cả bản như ngày hội. Tiếng nói, tiếng cười. Việc gì của mọi nhà cũng xắn tay vào giúp. Cái hôm con Tèn nhà bên không được chú cõng nhanh ra trạm xá, thì coi như xong. 5 cây số đường đồi. Thật phúc cho gia đình nhà ai có đứa con như nó…”. Những tháng trước khi qua đời, câu chuyện của bố bao giờ cũng là những ngày xưa cũ: Chiến tranh, bom đạn, xóm, bản, chú Đức và những người lính đã từng qua bản… Chuyện cùng chú "bổ túc” xà đơn, đắp đập ngăn suối thành điểm tập bơi lội cho thanh thiếu niên, phá tan "dớp” trên núi cao làm gì biết bơi… Nay chú về, những người chú từng coi như người thân thiết đã không còn… Làn khói hương bay bảng lảng như sương khói, tôi thấy đôi vai của chú rung rung. Nhất là khi tôi đưa lại chú cuốn sổ ghi chép của chú từng gửi nhà tôi năm nào. Nét chữ thời trẻ sao mà bay bổng, mạnh mẽ thế; cứng cáp, quyết liệt như bao người đi vào cuộc chiến tranh một cách bình thản, như lẽ tự nhiên…

Ngày đó còn nhỏ, tôi chỉ biết bố là cán bộ xã, công việc hay liên quan đến cán bộ huyện, tỉnh, nhất là các chú bộ đội, công an. Thời chiến nên thường thấy bố cùng các anh, các bác trong làng đào hào giao thông, tập bắn, mang vác súng lên trực chiến trên đồi cao, sát với cây cầu sắt nối đôi bờ của tỉnh lộ. Làm ở xã, tưởng được ở gần bố, nhưng cũng có nhiều lần, cả tuần không nhìn thấy bố. Lúc thì đi tập huấn ở huyện đội, khi thì đi huy động các xóm, bản làm lán trại cho các chú bộ đội về nghỉ ngơi, huấn luyện ở sát chân đồi. Thỉnh thoảng lại có chú về ở nhà tôi đôi ba ngày, rồi đi. Biết vậy nên bà nội tôi nhờ thợ làm hẳn 1 bộ phản mới bằng gỗ gạo, kê gian bên cạnh để các chú ngủ nghỉ cho tiện. Để lo bữa ăn sáng cho các chú, nhiều đêm bà và mẹ dậy thật sớm làm bánh sắn, luộc rồi rán, ngào mật đường để các chú lót dạ. Món đấy thời đó, phải là gia đình có điều kiện mới có được. Tất nhiên, bao giờ các chú cũng để phần cho tôi (dù đã được bà dặn kỹ, là khi các chú ăn, không được lân la ở gần). Nhiều cô, nhiều chú cán bộ, bộ đội đã qua nhà tôi, có người gặp lần thứ 2, có người chỉ một lần duy nhất rồi chẳng gặp lại. Chiến tranh khốc liệt đang diễn ra ở miền Nam. Khi đứng trên ngọn đồi, nhìn về con đường dẫn về xa, từng đoàn quân, đoàn xe vụt qua… chúng tôi cũng chỉ dám tưởng tượng phía mù bụi kia là miền Nam, là chiến trường và mơ mộng viển vông, lớn lên cũng sẽ đi trong đoàn quân ấy… Chúng tôi đã cùng bà con bao lần tiễn  các đoàn quân ghé qua, rồi lên đường chiến đấu. 

Bản Tà Lèng xa đường cái lớn, khuất núi, đồi, mấy năm mới được xem 1 tối chiếu phim nên đám trẻ chúng tôi khát thèm gặp người lạ lắm. Các chú đến đem đến cho cả bản một sinh khí mới. Cuộc sống thường ngày thêm nét mới. Đêm đêm, thanh niên nam nữ tập văn nghệ cùng khách. Toàn các bài hát từng được hát qua đài nên thích lắm. Đôi khi, cũng có dăm ba người khách dưới xuôi lên mua bán, đổi chác. Nhớ nhất là cô Kít, có làn da đen giòn, thỉnh thoảng gánh bánh cuốn, cá khô, cá kho lên đổi gạo nếp nương, đổi măng khô. Hồi đấy đói kém, ngửi mùi cá kho mà nước miếng dâng đầy, chưa cần nghe cô liên thanh thuyết minh đến mức "mưa xuân” bắn tung tóe. Có lần, vì thèm quá, mấy đứa chúng tôi nhót 3 con cá kho lá ổi thật ngon. Thế là cô Kít lu loa ngay tại cầu thang nhà tôi: "Rõ là trước khi ngược núi, tôi đã đếm được 50 con cá, thế giờ chỉ còn 47 con… đứa nào… đứa nào”. Chú Đức đang ghi chép trên nhà, chạy vội xuống, kéo cô ra ngoài ngõ. Chả biết chú nói gì, mà lúc vào, cô vui cười, rổn rảng như chưa có việc gì xảy ra. Khi chỉ còn 2 chú cháu, chú Đức vỗ vai: "Chú thấy cháu và thằng Tèn nhón cá cô ấy. Cháu biết cô ấy gánh bộ hơn 10 km đường rừng, dốc đèo để lên đây không? Nay lấy con cá không ai nhắc, sau đến con gà, rồi con trâu… Đó là thói quen xấu đấy”. Tôi ngượng tái mặt và sợ hãi, rơm rớm nước mắt và lí nhí vâng, dạ. Bố mà biết thì no đòn. Bố hiền nhưng cục tính, "ăn lươn” là cái chắc. Vụ đó, chú phải đền cho Kít và không ai biết chuyện gì đã xảy ra…

Lần chia tay chú, cả đám trẻ trong làng được chú nhấc lên xe zíp, chật cứng. Chú bảo lái xe chạy chầm chậm như để đám trẻ chúng tôi tận hưởng điều tuyệt diệu khi lần đầu được ngồi xe ô tô, mà lại là xe của bộ đội. Chú vỗ vai tôi: Cố gắng học giỏi, sau này về xuôi học đại học, chú đón. Bờ vai tôi ấm nóng bởi bàn tay vâm váp của chú. Chú đi rồi, hơn 10 đứa trẻ đứng ở đầu bản, vẫy tay chào mà nước mắt chan hòa. Chú Đức, chú Đức… Chú nhớ về bản cháu nhé!

Truyện ngắn của Bùi Huy


Các tin khác


Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục