Đua ghe Ngo thể hiện bản sắc văn hóa, sự giao lưu và tình đoàn kết của người Khmer Nam Bộ. Cứ vào dịp rằm tháng 10 theo cách tính âm lịch hằng năm của
người Khmer Nam Bộ, những phum, sóc của đồng bào Khmer ở các tỉnh vùng đồng
bằng sông Cửu Long lại rộn rịp vào mùa Oóc Om Bóc - lễ cúng trăng được chờ
đợi nhất trong năm. Theo quan niệm của đồng bào Khmer Nam Bộ, mặt trăng là vị
thần cai quản mùa màng. Sau mỗi vụ mùa sản xuất, cần làm lễ cúng trăng để tạ
ơn một năm mưa thuận gió hòa, thu hoạch tốt, nhà nhà trong phum, sóc ấm no,
hạnh phúc. Ông Chau Ôl, một nhà nghiên cứu văn hóa Khmer giải thích: Trong
tiếng Khmer, "Oóc” nghĩa là đút, nuốt hay đút cho ăn; còn "Om Bóc” là cốm
dẹp. Lễ hội Oóc Om Bóc là lễ hội "Đút cốm dẹp”, hay lễ cúng trăng. Với đồng
bào Khmer, cốm dẹp là loại lễ vật quan trọng nhất, không thể thiếu khi dâng
cúng lên thần mặt trăng bên cạnh các loại hoa quả, đặc sản khác do chính
người nông dân Khmer làm ra. Khi vầng trăng non trong tháng vừa xuất hiện,
từng tốp nam thanh, nữ tú trong phum, sóc thức dậy từ giữa đêm khuya để giã
cốm dẹp. Những âm thanh hối hả, nhịp nhàng của nhịp giã chày đôi càng làm cho
mùa lễ hội đến nhanh hơn, ai nấy đều nức lòng mong đợi.
Năm nay, lễ cúng trăng được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
tỉnh Sóc Trăng tổ chức vào tối 1-11 (ngày 13-9 âm lịch) tại chùa Kh’leang,
phường 6, TP Sóc Trăng. Theo âm lịch Việt Nam, năm nay nhuận hai tháng sáu.
Nhưng tính theo lịch trăng của người Khmer, bây giờ đã là tháng 10 âm lịch,
đúng thời điểm cúng trăng, đưa nước. Tại lễ cúng trăng, các nghệ nhân Khmer
tái hiện lại hoạt động giã cốm dẹp theo cách thủ công truyền thống. Từng cặp
đôi nam - nữ đứng đối diện nhau nhịp nhàng vung chày, đâm giã những hạt nếp
giòn vừa rang trên lửa đỏ, trong nền nhạc ngũ âm. Sau khi đĩa cốm dẹp được
dọn lên bàn lễ vật, cũng là lúc mọi người tập trung đông đủ tại sân chùa. Các
vị sư bắt đầu đọc kinh cầu nguyện, rồi lần lượt từ trẻ nhỏ cho đến thanh niên
khấn vái, nguyện ước những điều tốt lành cho cuộc sống, trước khi được các sư
sãi, à-cha đút cho miếng cốm dẹp còn nồng thơm hương nếp mới.
Kết thúc lễ cúng trăng, dòng người di chuyển đến bờ sông
Maspero (sông Nguyệt) để dự hội thi thả đèn nước. Dòng sông Maspero chảy qua
lòng TP Sóc Trăng lung linh muôn ánh đèn mầu trong đêm, với đủ các mô hình đèn
như: Đèn ghe Cà Hâu, đèn mang hình chánh điện ngôi chùa Khmer thu nhỏ thả
bồng bềnh trên sóng nước. Hàng chục chiếc đèn nước di chuyển trên sông, trong
nền nhạc ngũ âm truyền thống háo hức, rộn ràng, kéo những dòng người đến đông
hơn, chật kín hai bên bờ sông. Rồi những chương trình nghệ thuật dân tộc, lễ
hội đường phố như: Múa nộm, múa Rô Băm, sân khấu Dù Kê… vô cùng sôi động,
cùng màn diễu hành qua nhiều tuyến đường trung tâm thành phố. Từng dòng người
nối đuôi nhau thưởng thức các chương trình nghệ thuật, chật cứng từ công viên
30/4 tới quảng trường Bạch Đằng. Trong ngày hội diễn ra nhiều hoạt động văn
hóa, nghệ thuật đặc sắc khác, mang đậm nét bản sắc Khmer Nam Bộ.
Hoạt động được người dân mong chờ nhất trong lễ hội Oóc Om
Bóc là đua ghe Ngo. Năm nay, được sự chấp thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch, tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Festival đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng lần
thứ ba - năm 2017 khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Festival đã thu hút hơn
5.000 vận động viên của 62 đội đua cả nam và nữ của năm tỉnh: Cà Mau, Bạc
Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang cùng chủ nhà Sóc Trăng tham gia tranh tài. Bất
chấp cái nắng cháy da của vùng đất phương nam, hàng trăm nghìn người dân đã
tập trung về hai bên bờ sông Maspero, nơi diễn ra các cuộc tranh của giải đua
ghe Ngo. Dọc theo gần 2km từ cầu Maspero đến điểm xuất phát, chỗ nào cũng kín
người. Nổi bật trong dòng người đông đúc, là những nhà sư của các chùa Khmer.
Còn dưới bến sông, hơn 5.000 vận động viên trong trang phục thi đấu đủ mầu
sắc cùng nhau đua tranh, tạo nên một bức tranh ngày hội thể thao sông nước
tuyệt đẹp, như một bản phối của những gam mầu nổi bật trên mặt nước.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng Trần
Minh Lý cho biết, điều đặc biệt ở môn đua ghe Ngo truyền thống là tinh thần
thể thao cao thượng và đoàn kết. Các đội đua không phải vì thắng - thua hay
giá trị giải thưởng mà vì ý thức giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa
truyền thống quý báu của dân tộc. Mỗi đội ghe Ngo muốn tham gia tranh tài
phải có ít nhất 80 người, bao gồm cả huấn luyện viên, hậu cần, vận động viên
dự bị, nhưng chỉ có khoảng từ 50 đến 60 người trực tiếp lên ghe thi đấu. 80
người phải tham gia tập luyện ròng rã một, hai tháng trời trước khi giải đua
diễn ra.
Ấn tượng với cuộc đua sông nước của đồng bào Khmer Nam Bộ,
ông An-đriu, một khách du lịch và cũng là một nhà nhiếp ảnh người I-ta-li-a
đã say mê chụp lại những khoảnh khắc trong Festival đua ghe Ngo năm nay. Ông
An-đriu cho biết, cuộc đua lôi cuốn ông khi những chiếc ghe đua có hình dáng
vô cùng đa dạng, lạ mắt vun vút lao đi trên mặt nước, với hàng chục tay chèo.
Đây là một lễ hội thể thao thật sự hấp dẫn, với những phương tiện đua vô cùng
độc đáo mà những nơi khác không có được.
Đối với đồng bào Khmer Nam Bộ, đua ghe Ngo mới là môn thể
thao "vua”, và được người dân háo hức chờ đợi hằng năm. Chiếc ghe Ngo tham
gia cuộc đua không có kích thước nhất định, mà tùy thuộc vào nhân lực và tài
lực của ngôi chùa. Mỗi chiếc ghe Ngo thường rất dài, ngắn nhất cũng 25 m,
rộng khoảng 1 m. Nhưng cũng có đội đem chiếc ghe Ngo dài đến 29 m, hay 31 m
đi thi đấu. Chiếc ghe dài hơn cũng đồng nghĩa số lượng vận động viên ngồi
trên ghe thi đấu nhiều hơn, nhưng yếu tố quyết định chiến thắng chính là kỹ
thuật, chiến thuật.
Đối với đồng bào Khmer Nam Bộ, Lễ hội Oóc Om Bóc truyền
thống là di sản văn hóa đặc biệt. Hiện nay, cùng với năm tháng và sự giao lưu
văn hóa trong cuộc sống của cộng đồng các dân tộc vùng đồng bằng sông Cửu
Long, lễ hội đã trở thành sự kiện văn hóa, thể thao chung của ba dân tộc
Kinh, Hoa, Khmer sống trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
|
TheoNhandan
(HBĐT) - Lễ mừng thọ của người Tày nhằm thể hiện tấm lòng hiếu thảo, sự kính trọng và cầu cho ông bà, bố mẹ khỏe mạnh…