Khởi đầu là "Lễ hội Sắc hoa Ðà Lạt” (tháng 12/2004), được xem là bước "tập dượt” để năm sau (2005) nâng tầm thành Festival Hoa. Và, từ đó đến nay, cứ 2 năm một lần, Festival Hoa Ðà Lạt đều đặn được tổ chức. Ðà Lạt đã trở thành "điểm hẹn ”Festival Hoa…


Công nhân Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt đang chỉnh lại hoa. Ảnh: Phan Nhân

Nhìn lại 6 kỳ Festival Hoa Ðà Lạt

Hơn 10 năm qua, Festival Hoa Đà Lạt trở thành sự kiện văn hóa tầm cỡ quốc gia và quốc tế, "điểm nhấn” quan trọng để thành phố hoa và sản phẩm hoa của vùng đất lạnh được đông đảo bạn bè gần xa biết đến. Từ thành công của lần tổ chức đầu tiên (năm 2005), như lời hẹn, cứ hai năm một lần, Festival Hoa Đà Lạt lại về trong sự chờ đợi của công dân thành phố hoa và bạn bè trong, ngoài nước, Đà Lạt - "điểm hẹn” Festival Hoa!

 Như quy luật, cứ sau mỗi kỳ Festival Hoa, Ban tổ chức đúc rút thêm nhiều kinh nghiệm để lần tổ chức sau tốt hơn, đẹp hơn, phục vụ tốt hơn du khách; cũng theo đó, sản lượng và chất lượng hoa Đà Lạt ngày càng gia tăng, đẹp hơn và thu hút du khách ngày càng đông hơn.

Festival Hoa đầu tiên (từ ngày 10 - 18/12/2005), chủ đề: "Đà Lạt - Điểm hẹn muôn sắc hoa” với nhiều hoạt động: Diễu hành xe hoa; Hội chợ triển lãm hoa; Hội thảo quốc tế về hoa, Đêm hội Rượu vang, Đêm hội Tình yêu... Đêm khai mạc gây ấn tượng mạnh đối với du khách bằng sân khấu nổi trên mặt hồ Xuân Hương với màn biểu diễn truyền thuyết về tình yêu và hoa: Ngưu Lang - Chức Nữ, truyền thuyết LangBian, huyền thoại hồ Than Thở, huyền thoại hoa hồng… thu hút gần 100 ngàn du khách tham quan, thưởng lãm.

Festival Hoa lần thứ 2 (từ ngày 15 - 22/12/2007), chủ đề: "Hoa Đà Lạt - Tôi yêu bạn”, với 19 chương trình tôn vinh người trồng hoa và vẻ đẹp của trăm ngàn loài hoa Đà Lạt; tổ chức đám cưới hoa cho 114 cặp uyên ương nhân kỷ niệm 114 năm Đà Lạt hình thành và phát triển; chung kết Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam; tôn vinh 12 nghệ nhân trồng hoa và 6 làng hoa truyền thống của Đà Lạt… Tại Festival Hoa này, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã công bố 8 kỷ lục Việt Nam: Chiếc áo cưới dài nhất Việt Nam (dài 42 m); Bức ảnh cưới dài nhất Việt Nam (dài 78 m, chụp đám cưới tập thể 100 đôi uyên ương); Đoàn xe hoa đông nhất Việt Nam (40 chiếc đưa 85 cặp cô dâu chú rể từ TP Hồ Chí Minh về Đà Lạt thành hôn); Cặp đèn cưới Long Phụng lớn nhất Việt Nam (mỗi cây đèn cao 3,7 m, nặng 2,7 tấn); Phiến đá uyên ương có chữ ký cô dâu chú rể nhiều nhất Việt Nam (lưu chữ ký của 100 cặp cô dâu chú rể); Thùng rượu vang bằng gỗ lớn nhất Việt Nam (chứa 2.000 lít rượu); Cặp hộp trà song hỷ lớn nhất Việt Nam: (đường kính 1,99 m, chiều cao 3,6 m, nặng 120 kg); Buổi diễu hành có nhiều ông già Noel nhất Việt Nam (200 sinh viên hóa trang thành ông già Noel).

Festival Hoa lần thứ 3 (từ 1 - 4/1/2010), chủ đề: "Đà Lạt - Thành phố ngàn hoa”. Festival Hoa lần này được Chính phủ đưa vào một trong những sự kiện tiêu biểu của Quốc gia chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; nhiều kỷ lục: đôi rồng hoa dài 108 m, cao 3 m, mỗi con dài 54 m, tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam; bình hoa khổng lồ chủ đề "Hồ Gươm” do 1.000 người dân Đà Lạt thực hiện… Đặc biệt, trong lễ khai mạc Festival Hoa 2010, Đà Lạt đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Đà Lạt là "Thành phố Festival Hoa đầu tiên của Việt Nam”.

Festival Hoa lần thứ 4 (từ 30/12/2011 đến 3/1/2012), chủ đề: "Đà Lạt - Thành phố Festival Hoa”, với 21 chương trình đặc sắc. Điểm nhấn của Festival 2012 là "Không gian hoa đẹp” và lễ hội đường phố "Hoa và ánh sáng”. Festival Hoa Đà Lạt 2012 thu hút hơn 300 ngàn người dân và du khách trong, ngoài nước tham dự.

Festival Hoa lần thứ 5 (từ ngày 28/12/2013 đến 2/1/2014), chủ đề: "Tây Nguyên - Âm vang tiếng gọi đại ngàn”. Festival Hoa Đà Lạt 2014 là một trong chuỗi các sự kiện văn hóa quan trọng mang tầm quốc gia và quốc tế diễn ra tại Tây Nguyên và Đà Lạt - Lâm Đồng chào mừng Kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, công bố Năm Du lịch Quốc gia Tây Nguyên - Đà Lạt 2014, chủ đề "Đại ngàn Tây Nguyên”…

Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 6 (từ ngày 29/12/2015 - 4/1/2016), chủ đề: "Đà Lạt - Muôn màu sắc hoa”, gồm 9 chương trình chính thức và 16 chương trình hưởng ứng. Trong đêm khai mạc, Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học Liên Hợp Quốc - UNESCO đã trao Bằng công nhận Khu Dự trữ sinh quyển LangBian là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới thứ 9 tại Việt Nam…

Hiệu quả từ Festival Hoa Ðà Lạt

Mục đích của Festival Hoa nhằm tôn vinh giá trị của hoa và nghề trồng hoa truyền thống, nổi tiếng của Đà Lạt; qua đó, quảng bá và kêu gọi đầu tư, phát triển "thương hiệu hoa Đà Lạt”, thu hút khách tham quan, thúc đẩy du lịch phát triển.

Có thể nói, qua 6 lần tổ chức Festival Hoa (và lần thứ 7 sẽ diễn ra từ ngày 23 - 27/12/2017), chủ đề xuyên suốt trong toàn bộ các chương trình của Festival là HOA! Festival Hoa Đà Lạt đã để lại ấn tượng tốt trong tình cảm của nhân dân và du khách; tạo động lực mạnh mẽ để nghề trồng hoa và du lịch Đà Lạt phát triển vượt bậc. Có thể thấy, trước năm 2004, trên địa bàn Lâm Đồng (TP Đà Lạt và các huyện: Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương) có khoảng 800 ha trồng hoa, sản lượng 600 triệu cành; đến năm 2010, diện tích hoa tăng lên 3.200 ha, sản lượng 1 tỷ cành/năm... Đến cuối năm 2014, toàn tỉnh Lâm Đồng có trên 7.000 ha hoa, sản lượng đạt 2,35 tỷ cành (tăng 250 triệu cành so với năm 2013); trong đó, Đà Lạt chiếm 70% diện tích và chiếm 74% sản lượng hoa của tỉnh…

Cùng với mở rộng diện tích, nâng cao sản lượng hoa, hơn 10 năm qua, Lâm Đồng chủ trương sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), là địa phương dẫn đầu cả nước áp dụng NNCNC với trên 50.000 ha đất sản xuất rau, hoa, chè, cà phê ứng dụng quy trình CNC. Năng suất, sản lượng và giá cả nhiều loại rau, hoa tăng rất cao; đặc biệt hoa cao cấp của Đà Lạt đạt từ 800 triệu đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm (cao gấp 1,9 lần)…

Cũng thông qua Festival Hoa, lượng khách du lịch đến Đà Lạt - Lâm Đồng tham quan, nghỉ dưỡng tăng dần đều từng năm (năm 2005: 1,6 triệu lượt khách; năm 2006: 1,8 triệu lượt; năm 2007: 2,2 triệu lượt; năm 2008: 2,3 triệu lượt; năm 2009: 2,5 triệu lượt; năm 2010: 3,1 triệu lượt… năm 2015: 5,1 lượt; năm 2016: 5,4 triệu lượt khách và chỉ trong 10 tháng đầu năm 2017, Đà Lạt thu hút trên 4.714.500 lượt khách tham quan (tăng 9% so với cùng kỳ năm 2016); dự kiến những tháng cuối năm nay, lượng khách đến Đà Lạt sẽ còn tăng cao, bởi có nhiều sự kiện văn hóa diễn ra.

Festival Hoa đã và đang là "điểm hẹn” lý thú đối với du khách, điều kiện rất thuận lợi thúc đẩy công nghiệp hoa và du lịch Đà Lạt phát triển, vươn xa…

TheoBaoLamDong

Các tin khác


Lễ hội Katê được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể

Đồng bào Chăm Ninh Thuận vui mừng đón nhận bằng chứng nhận Lễ hội Katê của người Chăm Ninh Thuận được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong dịp lễ hội Katê năm 2017.

Nhiều hoạt động mới lạ trong Lễ hội "Hoa Tam giác mạch" 2017

Từ 4-10 đến 31-12-2017, tại 4 huyện vùng cao nguyên đá tỉnh Hà Giang (Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc) và thành phố Hà Giang sẽ diễn ra Lễ hội "Hoa Tam giác mạch” lần thứ III, năm 2017 nhằm tôn vinh giá trị di sản văn hóa và sức sống mãnh liệt của đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên đá Đồng Văn.

Lễ hội Xăng Khan của người Thái

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, lễ hội Xăng Khan của dân tộc Thái tỉnh Nghệ An là một trong bảy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công bố dịp này.

Lần đầu tiên tổ chức Lễ hội thác Bản Giốc

Lần đầu tiên, Lễ hội du lịch thác Bản Giốc được tổ chức tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng trong hai ngày 7 và 8/10.

Lễ hội Thành Tuyên 2017: Tôn vinh và phát huy văn hóa truyền thống

Lễ hội Thành Tuyên được tổ chức vào đúng dịp tỉnh Tuyên Quang đăng cai tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất (29/09-30/09).

Độc đáo lễ hội “Phá Trằm” ở Quảng Trị

Ngày 9-9, tại khu vực sinh thái Trằm Trà Lộc, xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), người dân làng Trà Lộc tổ chức lễ hội dân gian "Phá Trằm”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục