Được xem là một nghệ thuật văn hóa đặc trưng của người dân tộc thiểu số trên vùng đất Tây Nguyên, 20 bức tượng gỗ cổ do Khu du lịch Làng Cù Lần trưng bày lần này do chính tay những nghệ nhân người Gia Rai và K’ho tạc nên bằng những công cụ thô sơ như rìu, đục với nghệ thuật "móc lõm”.
Móc lõm là nghệ thuật điêu khắc dựa vào những nét lồi lõm từ thân gỗ để tận dụng đẽo khắc thành những bức tượng với hình dáng con người, con vật.
Bằng đôi tay khéo léo và khả năng sáng tạo của mình, các nghệ nhân đã "thổi hồn” vào gỗ để các bức tượng này trở nên sống động, gần gũi và thân thuộc. Hầu hết các tác phẩm này tái hiện lại cuộc sống lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng của bà con dân tộc mình bằng những hình ảnh quen thuộc như người phụ nữ giã gạo, người đánh cồng chiêng, người mẹ đang cho con bú, người bắn cung hay những bức tượng thể hiện nét văn hóa phồn thực của cộng đồng người Tây Nguyên.
Theo ông Văn Tuấn Anh, chủ nhân của Khu du lịch, đây là lần đầu tiên những bức tượng gỗ này được đưa ra trưng bày ngay tại khu du lịch của mình. Sau khi trưng bày tại đây, các bức tượng này sẽ được Hội Bảo tàng Văn hóa Việt Nam mang đi triển lãm tại các quốc gia ở châu Âu.
Cùng với các bức tượng gỗ, Làng Cù lần trong dịp này còn trưng bày một sản phẩm độc đáo khác của văn hóa Tây Nguyên, đó là cây đàn T’rưng dài 50 m, vào hàng lớn nhất Việt Nam thời điểm hiện nay.
Để làm nên cây đàn này, ông Anh cho biết, đơn vị đã phải mất đến khoảng 3 tháng với sự góp sức của rất nhiều người là nghệ nhân người dân tộc thiểu số từng làm đàn T’rưng.Vốn là một nhạc sỹ đam mê âm nhạc Tây Nguyên ông Anh đã lặn lội nhiều nơi để mời được các nghệ nhân người dân tộc thiểu số này về đây cùng cộng tác làm nên cây đàn.
Để giữ cho cây đàn chắc chắn và bền theo thời gian, khung cây đàn được làm bằng kim loại trong một diện tích rộng 200 m2, các dây ống nứa được cố định bằng các khúc gỗ lớn, trên các ống nứa khô này được đục lỗ, gọt đẽo kỹ càng để có thể tạo được những cung bậc âm thanh đặc trưng của tiếng đàn này.
Đàn được hoạt động bằng sức nước theo nguyên tắc quả lắc đồng hồ. Nước từ đỉnh nguồn dẫn về đổ vào các chiếc gầu, gầu đầy chuyển động kéo theo sự chuyển động của cả hệ thống dây buộc những ống nứa, các ống nứa va đập vào nhau tạo thành chuỗi âm thanh ngân vang, mang âm hưởng của tiếng đàn đặc trưng cho núi rừng Tây Nguyên.
"Ngày trước ở Đăk Lăk đã từng có một cây đàn T’rưng rất lớn nhưng rất tiếc cây đàn này lâu dần đã bị hỏng và không được sửa chữa lại. Tôi muốn khôi phục lại cây đàn này ngay tại khu du lịch của mình để mọi người đến đây có thể thưởng thức âm thanh tuyệt vời của nó ngay giữa núi rừng” – ông Tuấn chia sẻ.
Đến làng dịp này du khách cũng sẽ không khỏi ngạc nhiên với một cánh đồng Cẩm Tú Cầu rộng 5000 m2 vuông vừa được trồng, cả nghìn đóa hoa đang khoe sắc giữa núi rừng đại ngàn. Cùng đó là một con đường hoa hồng trồng mới dài hàng trăm mét chạy dọc theo con suối và ven các hồ trong làng.
Một bức tượng gỗ Tây Nguyên
Theo Ban quản lý Khu du lịch, mỗi năm Làng Cù Lần đón hơn 400 nghìn lượt khách đến tham quan. Trong dịp Lễ hội hoa năm nay và tết Âm lịch đang đến này, Làng đã đầu tư khoảng 5 tỷ đồng cho việc trưng bày, làm đàn nêu trên cùng thêm nhiều công trình mới cho Khu du lịch với hy vọng sẽ có thêm những nét mới cho du khách khi trở lại đây.
TheoBaoLamDong