Từ ngày 14 đến 16-5, không khí vui đón Lễ hội Ramưwan của đồng bào Chăm theo đạo Bà ni ở Ninh Thuận rất sôi động. Trên khắp đường làng, ngõ xóm, mỗi nhà đều được trang hoàng rực rỡ. Lễ hội là dịp để đồng bào Chăm đoàn tụ gia đình, cúng tạ tổ tiên; xóa bỏ những hiềm khích, gắn kết tình làng nghĩa xóm, giúp nhau vươn lên trong cuộc sống.


Nghi thức tảo mộ trong Lễ hội Ramưwan của đồng bào Chăm theo đạo Bà ni ở xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải.

 

Đến thôn Thành Tín, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước vào những ngày này, chúng tôi cảm nhận được đời sống của hơn 1.000 hộ dân nơi đây đã và đang nâng cao rất nhiều.

Mấy năm qua, bên cạnh việc phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau trong cuộc sống, đồng bào Chăm nơi đây còn tích cực tham gia các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh, quy ước của thôn, đơn giản hóa việc tang lễ, lễ hội; bảo đảm an ninh, trật tự; làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm sạch đẹp… Hiện nay, 95% các tuyến đường nội thôn được bê-tông hóa; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, sử dụng nước hợp vệ sinh…

Anh Từ Công Mẫn, nói: "Ramưwan là ngày Tết của đồng bào Chăm theo đạo Bà ni, là dịp để con cháu đoàn tụ tưởng nhớ tổ tiên, đồng thời cầu chúc cho ông bà, cha mẹ dồi dào sức khỏe, làng xóm bình yên, nhà nhà sung túc, người người an lành, hạnh phúc, sản xuất được mùa, nên không khí rất nhộn nhịp”.

Thăm nhà Trưởng thôn Kiều Thanh Phiên trong không khí mừng đón lễ hội, anh chia sẻ: "Những năm qua, người dân trong thôn rất vui mừng vì được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng đường bê-tông sạch đẹp, đi lại thuận tiện. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng bào tích cực chuyển đổi cây trồng và áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, nên chất lượng đời sống ngày được nâng lên nhiều; diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc".

 

Nghi thức cúng gia tiên khi gia đình sum họp, nhằm mời ông bà cùng hưởng Ramưwan.

Ngay từ sáng sớm, trên hệ thống loa truyền thanh tại các thôn Phước Nhơn 1, Phước Nhơn 2, Phước Nhơn 3 và An Nhơn, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải đã phát những ca khúc mang đậm làn điệu dân ca Chăm vui đón lễ hội. Đồng bào Chăm nơi đây làm nghề bán thuốc nam, nên thường đi xa quê cho đến cận ngày lễ hội mới về địa phương để sắm sửa, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị các món ăn truyền thống… vui đón Ramưwan, nên không khí rất sôi động.

Theo phong tục, sáng 14-5, hàng nghìn lượt người mặc trang phục truyền thống Chăm, mang theo lễ vật đi tảo mộ tại các nghĩa trang trong làng để tưởng nhớ và mời những người đã khuất trong gia đình, dòng tộc về "thăm” nhà, hưởng Ramưwan với con cháu. Anh Hanim Phun ở thôn Phước Nhơn 1 bộc bạch: "Tôi hành nghề bán thuốc nam nên thường vắng nhà, nhưng theo tục lệ, dù có đi đâu thì đến ngày Ramưwan cũng phải về nhà để cúng tạ tổ tiên, thăm hỏi người thân, cầu mong mọi điều tốt lành đến với bà con và gia đình trong năm mới”.

Năm nay, niềm vui của gia đình bà Trượng Thị Thu Dinh ở thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam được nhân lên nhiều trong vui đón lễ hội, vì lần đầu tiên tham gia thực hiện "cánh đồng lớn”, thu hoạch 8 tấn lúa/ha. Gia đình tăng cao thu nhập, nên tổ chức cúng tổ tiên trong ngày Ramưwan chu đáo hơn mọi năm. Bà Dinh tâm sự: "Đã nhiều năm qua rồi, giờ gia đình tôi mới có điều kiện làm nhiều loại bánh truyền thống của người Chăm như bánh Nòn Ya, bánh Nung và các lễ vật khác để cúng tạ tổ tiên”.

Gia đình bà Trượng Thị Kim Tiên ở xã Phước Nam đang có niềm vui lớn hơn, đó là nhân dịp sum họp gia đình, sẽ báo công với tổ tiên, ông bà chuyện ba người con của bà đều tốt nghiệp đại học và có việc làm tại TP Hồ Chí Minh.

 

Phụ nữ Chăm làm các loại bánh cổ truyền để cúng tạ tổ tiên ông bà trong lễ hội Ramưwan.

Sau nghi thức tảo mộ diễn ra trong hai ngày 14 và 15-5, các làng Chăm theo đạo Bà ni ở Ninh Thuận tổ chức lễ cúng gia tiên tại nhà với nhiều lễ vật, cầu mong một năm mới an lành, thịnh vượng.

Sau phần lễ là phần hội. Những ngày này, tại các làng Chăm theo đạo Bà ni ở Ninh Thuận diễn ra nhiều hoạt động giải trí, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao giữa thanh niên của các làng. Lễ hội cũng thu hút hàng nghìn du khách thập phương đến chung vui và tìm hiểu nét văn hóa độc đáo. Các vị chức sắc tôn giáo nêu gương sáng trong tinh thần hòa hợp đạo giáo, vận động tín đồ đoàn kết, đùm bọc giúp nhau làm ăn.

Ông Từ Công Dư, Phó Chủ tịch Hội đồng Sư cả Bà ni tỉnh Ninh Thuận nói: "Trong các ngày diễn ra Lễ hội Ramưwan, tỉnh, huyện, các sở, ban, ngành, đoàn thể đều thành lập đoàn đến thăm hỏi, tặng quà chúc mừng, nên bà con rất vui và chúng tôi luôn tuyên truyền, vận động bà con tích cực hưởng ứng mục tiêu xóa đói giảm nghèo bằng cách tuân thủ các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng nông thôn mới”.

 

Các chức sắc của Hội đồng Bà ni chuẩn bị vào thánh đường thực hiện nghi thức cầu kinh trong tháng ăn chay sau khi kết thúc ba ngày lễ hội .

Theo tục lệ, sau ba ngày vui đón Lễ hội Ramưwan, đồng bào Chăm theo đạo Bà ni bước vào tháng ăn chay. Đây là nghi thức rất quan trọng, bởi trong tháng này, các vị chức sắc trong Hội đồng Sư cả đều rời nhà của mình, vào ở trong thánh đường để cầu kinh. Mỗi người Chăm đều dành thời gian đến thánh đường để tịnh tâm, tự suy ngẫm về những việc làm của mình trong một năm đã qua, tự đánh giá bản thân và xóa bỏ những tạp niệm để sống tốt hơn. Đồng thời, cầu mong tổ tiên độ trì cho một năm mới mọi chuyện được tốt lành.

 

 

                 TheoNhandan

Các tin khác


Đất nước tươi đẹp qua ảnh của Vũ Hải

Ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Hải - vừa nhận kỷ lục quốc gia ‘Người được nhiều giải thưởng triển lãm ảnh thế giới nhất’ - mang đến những khung cảnh khi mát lành, khi lộng lẫy về đất nước tươi đẹp, và những khoảnh khắc trân quý cuộc đời.

Đồng bào Khmer đón Tết Chôl Chnăm Thmây vui tươi, ấm áp

Kiên Giang có hơn 13% dân số là đồng bào Khmer (đứng thứ ba khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sau Sóc Trăng và Trà Vinh) với khoảng 56.400 hộ, 238.000 nhân khẩu. Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer năm nay diễn ra từ 14 - 16/4/2023 (nhằm 24, 25 và 26 tháng 2 Âm lịch).

Tự hào với 22 di sản thế giới tại Việt Nam

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng cùng kho tàng văn hóa đồ sộ, độc đáo trải dài 4000 năm lịch sử dân tộc, tất cả những điều đó góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia du lịch nổi tiếng thế giới với 22 di sản được UNESCO vinh danh.

Kiến trúc độc đáo nhà dài truyền thống của người Ê Đê

Đồng bào Ê Đê sinh sống tập trung chủ yếu trên cao nguyên Đắk Lắk, ngoài ra còn có một số nhóm người Ê Đê định cư ở các địa bàn thuộc tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Phú Yên, Khánh Hòa… Từ thời xa xưa, người Ê Đê đã làm những ngôi nhà sàn dài để ở và tránh thú dữ. Nhà dài truyền thống Ê Đê đã đi vào sử thi, truyện cổ, âm nhạc, hội họa như những trang huyền thoại.

Khám phá di sản văn hóa nổi tiếng thế giới – Qua chuỗi 6 nước châu Âu “Ý – Thụy Sĩ – Pháp – Bỉ – Hà Lan – Đức”

Châu Âu đã quá nổi tiếng với quá trình xây dựng lịch sử văn hóa và kinh tế tương đối lâu đời, mang đậm nét Hy Lạp cổ đại. Với bề dày lịch sử, các thành phố luôn là điểm thu hút đối với những du khách muốn tìm hiểu một trong những nền văn hóa và văn minh bậc nhất thế giới này.

Việt Nam có bao nhiêu di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận?

Bạn có thể tự hào khi biết rằng ngoài 3 di sản thiên nhiên thế giới thì Việt Nam có tới 15 di sản văn hóa thế giới và 4 di sản tư liệu thế giới được UNESCO vinh danh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục