Với tâm huyết và tình yêu với sự nghiệp giáo dục, cô giáo Khà Thị Tình, Tổng phụ trách Đội, giáo viên môn Âm nhạc, Trường TH&THCS Ba Khan, xã Sơn Thủy (Mai Châu) là 1 trong 60 giáo viên tiêu biểu tham dự chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024, do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Cô Khà Thị Tình là tấm gương sáng với tinh thần vượt khó, tâm huyết, bền bỉ thắp lửa học tập cho học sinh vùng khó khăn.
Cô giáo Khà Thị Tình và các học trò Trường TH&THCS Ba Khan (Mai Châu) tại chương trình trao giải Cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi cấp quốc gia.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Mai Hạ (Mai Châu), cô Tình nuôi dưỡng ước mơ trở thành giáo viên. Tốt nghiệp Trường nghệ thuật Tây Bắc, cô trải qua nhiều năm làm giáo viên hợp đồng với mức lương khiêm tốn, nhưng tình yêu nghề thúc đẩy cô kiên trì công tác. Đến nay, cô đã gắn bó 16 năm với sự nghiệp giảng dạy, trong đó có gần 6 năm công tác tại Trường TH&THCS Ba Khan - ngôi trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Mai Châu.
Hiện gia đình cô ở xã Chiềng Châu (Mai Châu). Con đường từ nhà đến trường mỗi ngày là một hành trình gian nan. Vượt qua những con đèo dốc sương mù dày đặc, thời tiết khắc nghiệt, cô vẫn kiên trì đến lớp để mang kiến thức đến cho học trò. Đối với cô Tình, sự trưởng thành của mỗi thế hệ học sinh là niềm động viên lớn lao, giúp cô không chùn bước trước khó khăn.
Tại Trường TH&THCS Ba Khan, cô Tình không chỉ giảng dạy mà còn đảm nhận vai trò Tổng phụ trách Đội. Từ những hoạt động ngoại khóa đến các chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp, cô luôn tìm cách tạo ra những trải nghiệm ý nghĩa, giúp học sinh yêu thích việc đến trường. Đặc biệt, câu chuyện về học sinh Đinh Thị Nga, lớp 7 mắc bệnh máu trắng vẫn nỗ lực đến trường mỗi ngày là nguồn động lực lớn với cô.
Nhận thấy Nga gặp khó khăn trong quá trình học tập và hòa nhập, cô Tình chủ động kết nối với các tổ chức từ thiện, kêu gọi sự ủng hộ từ cộng đồng để giúp em có thêm động lực tiếp tục học tập. Không chỉ em Nga, nhiều học sinh khó khăn khác cũng nhận được những phần quà thiết thực từ các nhà hảo tâm như áo ấm, xe đạp, gạo và các vật dụng thiết yếu. Cô Tình chia sẻ: "Nhìn thấy nụ cười của các em, mọi mệt nhọc của tôi đều tan biến, đó là phần thưởng lớn nhất đối với một giáo viên”.
Cô Tình luôn nỗ lực sáng tạo các chương trình giúp học sinh phát triển toàn diện. Trong năm học 2023 - 2024, cô tổ chức cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho học sinh vùng dân tộc thiểu số. Tác phẩm "Bữa cơm gia đình” của Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi Trường TH&THCS Ba Khan xuất sắc giành giải ba cấp tỉnh và giải nhì cấp quốc gia. Đây là niềm tự hào lớn, khẳng định những nỗ lực của cô Tình và các học trò.
Trong suốt những năm công tác tại ngôi trường vùng khó khăn, cô Khà Thị Tình không ngừng nỗ lực vượt qua mọi trở ngại, hết lòng vì học trò. Cô luôn tâm niệm rằng: "Khi chọn nghề và yêu nghề bằng tâm huyết, chúng ta sẽ thành công dù ở bất kỳ ngôi trường nào”.
Sự cống hiến của cô Tình đã nhận được sự yêu mến từ học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp, cũng như góp phần xây dựng môi trường học đường hạnh phúc. Cô thực sự là tấm gương sáng về người giáo viên mẫu mực, hết lòng vì học sinh vùng cao.
Hồng Duyên
Từ thành phố Hoà Bình chúng tôi ngược tỉnh lộ 433, xuôi theo con dốc quanh co, uốn lượn đến xóm Phủ, xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc. Trong tiết trời thu se lạnh, những cơn gió nhẹ dịu mát từ lòng hồ sông Đà len lỏi qua khe cửa lật mở trang sách cổ cũ kỹ. Già làng Lý Hoàng Hạnh nhẹ nhàng áp bàn tay gân guốc, kiếm tìm những thông tin quan trọng từ sách cổ để bổ sung cho cuốn sách mới sắp hoàn thành. Già chậm rãi lấy bút chì gạch chân thông tin quan trọng. Cứ như thế, sách cổ như duyên nợ gắn bó với già từ lúc nào không hay!
Từ hai bàn tay trắng, sau quá trình khởi nghiệp đầy gian nan, đến nay, Công ty TNHH Nhưng Vần của thầy giáo, đảng viên Bùi Văn Nhưng ở xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) đã và đang khẳng định vị thế bằng những sản phẩm chất lượng cao. Hơn hết, bằng chính nhiệt huyết, khát vọng vươn lên, không cam chịu nghèo khó, đảng viên trẻ Bùi Văn Nhưng đã mở ra hướng đi mới, góp phần đưa khát vọng của người nông dân ở vùng đất Mường Vang vươn xa...
Phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc” ngày càng lan tỏa sâu rộng ở các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN), thu hút đông đảo phụ nữ tham gia, hưởng ứng. Qua thực hiện phong trào xuất hiện nhiều gương điển hình trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, chị Bùi Thị Xiêm, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dược liệu Thiên Lợi An ở xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi là một điển hình tiêu biểu.
Bước sang tuổi thất thập, ông Dương Tài Phủ, xóm Suối Bến, xã Liên Sơn (Lương Sơn) có niềm tự hào mà nhiều người ở vùng sâu, vùng xa như ông không làm được. Không phải về tiền bạc, của cải, mà ông luôn tự hào cả đời làm lụng vất vả đã nuôi được 3 người con học cao đẳng, đại học và trưởng thành. Ở thành phố, thị xã chuyện đó là bình thường, nhưng ở vùng khó khăn như xã, xóm của ông thì không phải ai cũng làm được.
Chị Bùi Thị Nhan (sinh năm 1975), hội viên phụ nữ thôn Bái Tam, xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi là tấm gương điển hình trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương.
Tối 14/10, Hội Nông dân Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, biểu dương 63 hợp tác xã (HTX) tiêu biểu toàn quốc năm 2024. Hòa Bình có 1 nông dân và 1 HTX được vinh danh.