Từ thành phố Hoà Bình chúng tôi ngược tỉnh lộ 433, xuôi theo con dốc quanh co, uốn lượn đến xóm Phủ, xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc. Trong tiết trời thu se lạnh, những cơn gió nhẹ dịu mát từ lòng hồ sông Đà len lỏi qua khe cửa lật mở trang sách cổ cũ kỹ. Già làng Lý Hoàng Hạnh nhẹ nhàng áp bàn tay gân guốc, kiếm tìm những thông tin quan trọng từ sách cổ để bổ sung cho cuốn sách mới sắp hoàn thành. Già chậm rãi lấy bút chì gạch chân thông tin quan trọng. Cứ như thế, sách cổ như duyên nợ gắn bó với già từ lúc nào không hay!
Già Lý Hoàng Hạnh, xóm Phủ, xã Toàn Sơn (Đà Bắc) giới thiệu về tập sách cổ.
Mặc dù ở cái tuổi xưa nay hiếm, già làng Lý Hoàng Hạnh vẫn nghiên cứu, sưu tầm sách cổ làm tài liệu để giáo dục con cháu trong dòng họ. Chữ Dao cổ được chính người cha của già là cụ Lý Thuận Liên truyền dạy. Lúc sinh thời, cụ Lý Thuận Liên là một trong những người Dao Tiền đầu tiên ở vùng hồ sông Đà này. Để giáo dục con cháu trong dòng họ về các luật tục, văn hoá truyền thống dân tộc Dao, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hay truyền dạy kỹ năng lao động, sản xuất, cụ Lý Thuận Liên đã tự nghiên cứu chữ Nôm Dao, soạn thành các áng văn tự một cách cẩn trọng, tỉ mỉ. Chữ Nôm Dao được viết trên giấy dó, là loại giấy được sản xuất từ vỏ những cây dó theo quy trình thủ công, có độ bền rất cao, phù hợp với đặc thù địa phương vùng núi cao. Với khả năng hiểu biết, uyên thâm nhiều lĩnh vực, cụ Lý Thuận Liên đã tự tìm tòi, nghiên cứu, viết sách, sưu tầm sách cổ bằng chữ Dao để truyền dạy cho con cháu. Mỗi cuốn sách chứa đựng kho tàng tri thức của dân tộc được đúc rút qua nhiều thế hệ, phản ánh nguồn gốc, lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Dao, lý giải các hiện tượng tự nhiên, ghi chép gia phả dòng tộc. Có sách thì răn dạy cách đối nhân xử thế, truyền đạt kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, các phong tục tập quán và mọi mặt đời sống tinh thần cộng đồng người Dao.
Thời còn công tác, già Hạnh từng là Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Toàn Sơn. Với nhiều cương vị khác nhau, già Hạnh có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc, giá trị truyền thống dân tộc Dao. Đặc biệt, già sử dụng chữ viết, ngôn ngữ dân tộc Dao trong các văn bản chỉ đạo, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, giáo dục truyền thống, văn hoá bản địa. Sau khi rời nhiệm sở, già được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bản, trưởng dòng tộc người Dao. Ở già, chúng tôi nhận thấy sự trầm tư, nho nhã, đức độ, uyên thâm. Điều đó càng đáng quý hơn khi già mang những kinh nghiệm, vốn sống của mình truyền dạy cho con cháu, giúp con cháu nhận ra điều hay lẽ phải, khuyên bảo những điều nên làm và không nên làm theo phong tục truyền thống của người Dao.
Nhâm nhi chén trà nóng, già Hạnh chia sẻ: "Mỗi cuốn sách có ý nghĩa riêng mang tính giáo dục ở nhiều lĩnh vực của đời sống. Sách thì dạy làm người, sách thì truyền đạt kinh nghiệm về chăn nuôi, trồng rừng, khuyên răn con cháu không mắc các thói hư, tật xấu". Vinh dự là thành viên trung tâm bảo tồn tri thức bản địa dân tộc Dao, già Hạnh có dịp được tiếp xúc với những người đồng chí hướng nghiên cứu, sưu tầm ngôn ngữ, chữ viết, văn hoá truyền thống dân tộc Dao. Qua các đợt khảo cứu giúp già thêm đam mê, tâm huyết với công tác bảo tồn, giữ gìn văn hoá bản địa, để văn hoá thực sự là hồn cốt dân tộc, động lực phát triển, xây dựng một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Cùng với việc học chữ, người Dao duy trì những nét văn hóa truyền thống như: múa chuông, Tết nhảy, lễ cấp sắc, Tết cơm mới... tạo không khí vui tươi, phấn khởi, động viên người dân hăng hái lao động, sản xuất. Giáo dục con cháu nâng cao ý thức tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội và xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, xây dựng cuộc sống mới. Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, hệ thống cơ sở vật chất các bản làng người Dao có nhiều khởi sắc, diện mạo nông thôn vùng cao chuyển biến tích cực. Nhiều gia đình xây dựng nhà cửa kiên cố, có đầy đủ vật dụng thiết yếu, 100% trẻ trong độ tuổi được tới trường, tình trạng bỏ học giảm hẳn...
Chứng kiến những đổi thay từng ngày trên quê hương, già Hạnh vui lắm. Vui vì văn hoá, ngôn ngữ, chữ viết dân tộc Dao mà già bao năm đắp bồi đã thực sự thấm vào mỗi người dân, vui vì nhờ văn hoá mà bọn trẻ không mắc phải tai, tệ nạn xã hội, trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Chúng tôi chia tay xóm Phủ, chia tay bà con người Dao thân thiện khi trời đã xế chiều, nơi những nếp nhà lưng chừng núi, khói chiều bắt đầu lan tỏa.
Như Hùng
(Công an tỉnh)
Tối 14/10, Hội Nông dân Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, biểu dương 63 hợp tác xã (HTX) tiêu biểu toàn quốc năm 2024. Hòa Bình có 1 nông dân và 1 HTX được vinh danh.
Hơn 25 năm đảm nhiệm chức vụ Trưởng thôn, Phó Bí thư chi bộ rồi Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh (CCB) thôn Liên Sơn, xã Khoan Dụ (Lạc Thủy), ông Nguyễn Huy Đồng luôn phát huy tốt phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, gương mẫu, nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc. Đồng thời, ông tiên phong phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, góp phần phát triển KT-XH địa phương.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, anh Bùi Liêm Thanh, Bí thư Đoàn xã, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) xã Quyết Thắng, huyện Lạc Sơn xác định phải luôn tu dưỡng đạo đức, tận tâm, tận lực, trách nhiệm với công việc. Anh là thủ lĩnh thanh niên năng động, nhiệt huyết để đoàn viên, hội viên, thanh niên học tập, noi theo.
26 năm đứng lớp, 12 năm trên cương vị Chủ tịch công đoàn cơ sở, chị Bùi Thị Hoài Kim Ngân, Chủ tịch Công đoàn Trường TH&THCS Hạ Bì (thị trấn Bo, huyện Kim Bôi) luôn nhiệt huyết với nhiệm vụ chuyên môn; tích cực, sôi nổi tham gia hoạt động xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh. Với những nỗ lực không ngừng, giai đoạn 2019 - 2024, chị Ngân vinh dự 5 lần liên tiếp đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở và 2 lần được trao tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.
Là Chi hội phó Chi hội Người cao tuổi (NCT) khu An Thịnh, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc), bà Bùi Thị Phúc là "cây cao bóng cả” được nhân dân trên địa bàn tín nhiệm, yêu mến. Bà Phúc cũng là người "thổi hồn” đưa phong trào văn hóa, văn nghệ lan tỏa rộng khắp, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân địa phương.
Ngày 8/9, Công an huyện Lương Sơn thông tin đã kịp thời giải cứu cặp vợ chồng bị cô lập giữa dòng nước lũ chảy xiết, đảm bảo an toàn, đặc biệt người vợ đang mang thai tháng thứ 6.