Sống xanh là lối sống lành mạnh, tích cực, bền vững, không chỉ góp phần bảo vệ cuộc sống, môi trường sống, mà còn giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái. Trong đó, giảm bớt lượng tiêu thụ nhựa là một trong nhiều cách để theo đuổi lối sống xanh.


Tuổi trẻ huyện Tân Lạc tặng túi bạt thân thiện với môi trường cho tiểu thương tại chợ Phong Phú, xã Phong Phú.

Nhận thức được những tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường và đời sống, thời gian qua, tuổi trẻ tỉnh Hoà Bình đã phát huy vai trò xung kích, chủ động, sáng tạo trong việc hưởng ứng phong trào phòng, chống rác thải nhựa bằng nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả. Trong năm qua, Tỉnh Đoàn Hoà Bình, Huyện Đoàn Lạc Thuỷ phối hợp Chi đoàn Ngân hàng Agribank chi nhánh Lạc Thuỷ triển khai mô hình Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa tại chợ trung tâm xã Phú Nghĩa; Huyện Đoàn Kim Bôi triển khai mô hình Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa tại chợ Dạnh, xã Đông Bắc; Thành Đoàn Hoà Bình duy trì 2 mô hình phòng, chống rác thải nhựa tại phường Dân Chủ và phường Tân Hoà… Song song với đó, các cơ sở Đoàn đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa, vận động, hỗ trợ người dân tích cực phân loại rác tại gia đình, thay đổi thói quen, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon bằng những loại sản phẩm từ vật liệu hữu cơ thân thiện với môi trường. Từ đó, từng bước giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường tại địa phương.

Khác với nhiều năm trước, giờ đây, mỗi sáng đi chợ, chị Nguyễn Thị Hải ở phường Phương Lâm (TP Hoà Bình) thường mang túi vải hoặc làn nhựa đi chợ để đựng hàng hoá thay vì túi nilon. Chị Hải chia sẻ: "Trước đây, mỗi lần đi chợ về tôi thu thập được trên dưới 10 túi nilon các loại. Bởi sự tiện lợi nên việc sử dụng túi nilon đã trở thành thói quen khó thay đổi của nhiều người. Được nghe thông tin khuyến cáo của cơ quan chức năng, cùng công tác tuyên truyền của các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương về tác hại của rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon vì những sản phẩm này rất khó phân huỷ, ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống nên tôi dần thay đổi. Hiện tôi chỉ sử dụng túi vải, làn nhựa để đựng thực phẩm. Nhờ cách làm này gia đình đã giảm đáng kể lượng rác thải nhựa”.

Không riêng thế hệ trẻ mà phần lớn người dân đã nâng cao ý thức tự giác, chủ động phân loại rác thải ngay tại nguồn. Với những loại rác có thể tái chế sẽ thu gom để bán phế liệu gây quỹ. Điển hình như tại chi hội phụ nữ tổ 5, phường Thịnh Lang (TP Hoà Bình) thực hiện hiệu quả mô hình thu gom phế liệu bán tạo quỹ mua bảo hiểm y tế (BHYT) tặng hội viên hoàn cảnh khó khăn. Triển khai thực hiện từ tháng 9/2023, mô hình được cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân hưởng ứng nhiệt tình. Hàng ngày, mỗi hội viên chủ động thu gom phế liệu sinh hoạt của gia đình như chai nhựa, vỏ lon các loại, giấy bìa carton… Đến ngày 25 hằng tháng, chị em mang phế liệu đến địa điểm tập kết để cùng phân loại. Toàn bộ số tiền thu được từ bán phế liệu, chi hội tạo quỹ mua BHYT tặng hội viên khó khăn, ốm đau, giúp họ có thêm điều kiện để khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ tốt hơn.

Theo đồng chí Hoàng Thị Hải Triều, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Thịnh Lang: "Mô hình thu gom phế liệu bán tạo quỹ mua BHYT tặng hội viên khó khăn đã mang lại hiệu quả thiết thực, qua đó phát huy ý thức trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, sức mạnh tập thể trong việc tham gia bảo vệ môi trường, giảm thiểu lượng rác thải nhựa. Đồng thời, nâng cao tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, hình thành thói quen tiết kiệm để gây quỹ, nâng cao chất lượng hoạt động Hội…”.

Từ những hành động giản đơn thay đổi thói quen sinh hoạt như: mang túi vải, làn nhựa đi chợ, hạn chế sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần…, với sự chung tay, góp sức của nhân dân, mỗi hành động nhỏ đều góp phần xây dựng môi trường sống xanh, bền vững.


Ngọc Ngân


Các tin khác


Cử nhân Luật bỏ phố về với sóng nước lòng hồ hiện thực hóa giấc mơ giúp dân thoát nghèo

Tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội loại khá nhưng không chọn ở lại chốn đô thành phồn hoa, năm 2017, chàng cử nhân Quách Công Lượng (sinh năm 1994) đã thu dọn hành lý gói trọn trong chiếc ba lô để trở về với mênh mang sóng nước lòng hồ...

Những ngày tháng Tư không quên của người lính đặc công xứ Mường

Cả đời binh nghiệp, Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân Bùi Xuân Hình đã trải qua nhiều trận đánh khốc liệt. Trong đó, ký ức về những ngày đánh chiếm và giữ cây cầu trên xa lộ Sài Gòn để mở đường cho đại quân tiến vào giải phóng vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí ông.

Hội viên nông dân khởi nghiệp thành công từ nghề may

Anh Bùi Văn Huy sinh năm 1985 tại xã Bảo Hiệu, một trong những xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện Yên Thủy, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Anh luôn trăn trở tìm hướng đi đúng để phát triển kinh tế ngay tại quê hương, giúp người dân địa phương cải thiện đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo. Với suy nghĩ đó, vợ anh là người biết nghề may nên anh đã tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi rồi trở về quê hương gây dựng mô hình khởi nghiệp. Anh Huy chia sẻ: "Hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước được các cấp, các ngành phát động, đặc biệt là thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh, tôi mạnh dạn đầu tư xây dựng xưởng may gia công tại gia đình, ban đầu với 4 máy may. Đến nay mở rộng diện tích lên khoảng 350m2, với 80 máy may công nghiệp. Xưởng nhận may gia công sản phẩm gấu bông cho các công ty may tại tỉnh Ninh Bình, Thái Bình. Qua đó tạo việc làm thường xuyên cho 5 người trong gia đình. Vào những lúc thời vụ, gia đình thuê thêm 75 nhân công, mức lương từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng”.

Chị Dự vượt khó, làm giàu từ nông nghiệp

Trong những năm qua, phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Cao Phong. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc. Chị Nguyễn Thị Dự ở Chi hội phụ nữ xóm Dệ, xã Bắc Phong (Cao Phong) đã trở thành tấm gương sáng trong lao động sáng tạo, vươn lên thoát nghèo bền vững từ kinh tế trang trại.

Tấm lòng nhiệt huyết, nhân ái của cô giáo Vũ Thị Phương Dung

Đến xã Phú Thành (Lạc Thuỷ) hỏi thăm cô giáo Vũ Thị Phương Dung, Trường mầm non Phú Thành ai cũng biết. Cô Dung sinh năm 1997, đã có 8 năm gắn bó với nghề. Cô được nhiều người biết đến bởi tấm lòng nhiệt huyết, giàu lòng nhân ái với việc hỗ trợ, phục hồi cho trẻ bị rối loạn phát triển tại lớp học mầm non.

Cô gái dân tộc Thái đưa thổ cẩm đến với bạn bè quốc tế

Là cử nhân ngành Luật, chị Hà Thị Hà Chi (sinh năm 1998) quyết định trở về quê hương thành lập Hợp tác xã (HTX) Tòng Đậu nhằm góp phần tạo việc làm cho chị em phụ nữ, đưa sản phẩm dệt thổ cẩm của địa phương đến với thị trường quốc tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục