Một số sản phẩm OCOP của tỉnh được tiêu thụ tại cửa hàng nông sản an toàn sông Đà, phường Quỳnh Lâm (TP Hòa Bình).
Đồng Chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Năm 2021, dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp tới việc chuẩn hóa các sản phẩm OCOP. Song dưới sự chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh, sự chủ động của các địa phương, doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất trong thực hiện chương trình, là năm đầu giai đoạn kinh phí T.Ư còn hạn chế nhưng UBND tỉnh đã bố trí kinh phí để các địa phương hỗ trợ chủ thể chuẩn hóa sản phẩm đã góp phần đạt kế hoạch chương trình đề ra. Có 31 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, gồm 27 sản phẩm 3 sao và 4 sản phẩm 4 sao.
Cùng với việc hỗ trợ chuẩn hóa sản phẩm, các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm OCOP. Văn phòng Điều phối NTM tỉnh tổ chức đoàn công tác đi kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP tại 3 tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái nhằm hỗ trợ các chủ thể xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm. Nhiều sản phẩm OCOP được tiêu thụ tại hệ thống phân phối hiện đại, chợ đầu mối các tỉnh, điểm du lịch. Ngoài ra, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh hỗ trợ các chủ thể tham gia hội chợ OCOP tại Quảng Ninh, hội chợ đặc sản vùng miền tại TP Hà Nội; hỗ trợ đưa thông tin về các chủ thể OCOP của tỉnh lên website Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trên cả nước để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, trong năm 2021, Viettel Post và Bưu điện tỉnh đẩy mạnh đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Với nhiều chương trình xúc tiến thương mại, các sản phẩm OCOP của tỉnh được tiêu thụ tại nhiều thị trường tiềm năng, các hệ thống siêu thị trên cả nước.
Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc triển khai Chương trình OCOP còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Đánh giá, xếp hạng sản phẩm theo Bộ tiêu chí tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg, ngày 21/8/2019 và Quyết định số 781/QĐ-TTg, ngày 8/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ ngày càng chặt chẽ hơn nên tổ chức, cá nhân tham gia chương trình kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm chưa cao, dù chất lượng và thương hiệu của sản phẩm rất tốt. Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP phải đảm bảo theo nhiều văn bản quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn thực phẩm nên các cơ sở gặp khó khăn trong quá trình công bố sản phẩm đủ điều kiện. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm chất lượng chưa cao do kinh phí hỗ trợ đầu tư chế biến, bảo quản hạn chế. Việc lồng ghép các nguồn kinh phí cho hoạt động của chương trình gặp nhiều khó khăn, kinh phí từ ngân sách T.Ư và địa phương bố trí cho các hoạt động hạn hẹp. Các chủ thể chưa tiếp cận được nhiều nguồn lực nên kinh phí dành cho đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh còn hạn chế, dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao.
Đặc biệt, dịch Covid-19 khiến nhiều chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm bị đứt gãy, việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Chi phí sản xuất ngày càng tăng, giá vật tư nông nghiệp tăng cao khiến một số chủ thể OCOP thiếu nguồn lực để đầu tư, nhiều chủ thể chuyển sang hoạt động cầm chừng, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc phải tạm dừng hoạt động do lượng tiêu thụ thấp, chi phí sản xuất cao.
Anh Bùi Văn Tám, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Thượng Tiến trăn trở: Trước khi bùng phát dịch Covid-19, sản phẩm OCOP 3 sao mật ong Thượng Tiến của HTX có lúc không đủ sản phẩm để bán. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, du lịch bị đóng băng, giao thông đi lại khó khăn nên nhiều khách hàng quen thuộc của HTX tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận không tới mua sản phẩm. Giá bán giảm còn 150.000 đồng/lít mà có khi cả tháng không bán được lít mật nào. Năm 2021, HTX tồn kho hơn 11.000 lít mật. Hiện HTX gặp khó khăn về nguồn vốn để sản xuất trong năm 2022.
Năm 2022, tỉnh phấn đấu chuẩn hóa từ 20 sản phẩm OCOP cấp tỉnh trở lên. Giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến phát triển sản phẩm OCOP cấp quốc gia 5 sao từ các sản phẩm OCOP cấp tỉnh có chất lượng, sản lượng và hiệu quả kinh tế cao như: Cam Cao Phong, các dòng sản phẩm chế biến từ thủy sản cá sông Đà và các sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng.
Để đạt được mục tiêu trên, trong năm 2022, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh số hóa, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử. Các địa phương khẩn trương khảo sát, đánh giá những sản phẩm tiềm năng, ưu tiên các ý tưởng sản phẩm mới, nhất là sản phẩm chế biến, chế biến sâu, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế, tiềm năng của địa phương. Tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, ưu tiên phát triển HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Cần phát huy sức mạnh, vai trò của cộng đồng trong bảo tồn, phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương, tạo sức bật cho khu vực kinh tế nông thôn trong giai đoạn tới.