(HBĐT) - Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy đề ra phương châm phát triển kinh tế tỉnh Hòa Bình nhanh, bền vững; xanh - xanh hơn và xanh hơn nữa. Phát triển trên 4 trụ cột, trong đó nông nghiệp được xác định là nền tảng nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh với các loại cây, con bản địa để cung cấp lương thực, thực phẩm cho thị trường các tỉnh, thành phố, nhất là vùng Thủ đô và vươn tới xuất khẩu. Muốn vậy phải có chất lượng sản phẩm đảm bảo sạch, an toàn, giá cả hợp lý, gắn sản xuất với thị trường.
Sản xuất nông nghiệp của tỉnh dần phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ. (Ảnh chụp tại xã Phú Thành - Lạc Thủy).
BTV Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 03-ĐA/TU, ngày 9/9/2021 về "Phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025”. UBND tỉnh và Ban chỉ đạo đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xây dựng kế hoạch thực hiện đề án này với mục tiêu: Phấn đấu hàng năm, tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4,5 - 5%/năm. Giá trị sản phẩm trung bình trên đơn vị diện tích đất trồng trọt đạt 220 triệu đồng/ha, thủy sản đạt 250 triệu đồng/ha, có 150 sản phẩm OCOP được chuẩn hóa hoặc nâng hạng. Duy trì tỷ lệ che phủ rừng 51,5%; xuất khẩu lâm sản: đồ mộc 3.000 m3/năm, ván ép 40.000 m3/năm; giá trị xuất khẩu đạt khoảng 300 tỷ đồng/năm.
Về tiêu thụ nông sản, phấn đấu tỷ lệ hàng hóa qua sơ chế, chế biến đạt trên 30%. Sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt ít nhất 20% tổng sản lượng của nhóm nông sản chủ lực. Có ít nhất từ 3 nhóm sản phẩm trồng trọt đáp ứng được yêu cầu quy mô cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Trên 50% diện tích sản xuất và sản lượng của 9 nhóm sản phẩm chủ lực được kiểm soát, giám sát chất lượng theo chuỗi, từ khâu tổ chức sản xuất đến sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Ít nhất 50% sản lượng của các sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP được tiêu thụ tại các siêu thị, hệ thống bán lẻ, chợ đầu mối của vùng Thủ đô và một số tỉnh, thành phố có sức tiêu thụ lớn.
Phấn đấu tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM đạt trên 70%...; có thêm từ 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM.
Thực tế phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh những năm gần đây đã có sự chuyển động tích cực, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Nhiều nông sản chủ lực đã vươn xa, được người tiêu dùng trong, ngoài nước biết đến. Song, thẳng thắn nhìn nhận, tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển. Sản xuất nông nghiệp cơ bản vẫn nhỏ lẻ, phân tán, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm thấp, giá thành còn cao; sản xuất hàng hoá chậm phát triển, chưa hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn; giá cả - thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản bấp bênh và không ổn định... Từ thực tế này cho thấy, những mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn đặt ra trong giai đoạn 2021 - 2025 mang tính đột phá, chiến lược, nếu không có sự vào cuộc, đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, HTX và người dân thì không thể thực hiện thành công.
Theo đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, công nghệ sinh học, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, làm động lực thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn. Thực hiện có chiều sâu, thực chất hơn Chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch sinh thái. Tập trung, phát triển cấp mã số vùng trồng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người dân nông thôn.
Đồng thời, cải thiện, nâng cao số lượng, chất lượng nhóm nông sản chủ lực từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Phát triển đa dạng hình thức quảng bá và tiêu thụ sản phẩm chủ lực đến thị trường chính là vùng Thủ đô, quan tâm phát triển các thị trường lớn trong nước và xuất khẩu. Đẩy mạnh đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu cho các nông sản chủ lực... Triển khai mạnh mẽ, đồng bộ Chương trình MTQG xây dựng NTM, gắn với thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030...
Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đã có hàng loạt giải pháp về thể chế, cơ chế, chính sách; tổ chức quản lý; về KHCN, bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tài chính - đầu tư; quảng bá, xúc tiến thương mại và giải pháp về xây dựng NTM văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa; phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn; cải thiện nhanh điều kiện sinh sống của người dân ở các vùng nông thôn... đã và đang được triển khai thực hiện. Với sự đồng bộ và quyết tâm cao, kỳ vọng Hòa Bình sẽ xây dựng được nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn giá trị gia tăng cao, trên cơ sở thực hiện cơ cấu lại ngành gắn với xây dựng NTM nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực; cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân và bộ mặt nông thôn, từ đó góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Thu Hiền
(HBĐT) - Trong bối cảnh nhiều hộ nuôi gà cả nước lao đao vì giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, thị trường tiêu thụ gà thương phẩm không ổn định do hệ lụy của đại dịch Covid-19 thì các thành viên HTX dịch vụ chăn nuôi Tuấn Chuyền, xã Phú Thành (Lạc Thủy) cùng 100 hộ vệ tinh vẫn kinh doanh hiệu quả. Gà giống và gà thương phẩm của HTX dịch vụ chăn nuôi Tuấn Chuyền được tiêu thụ khắp cả nước, đem lại lợi nhuận cao cho thành viên và các hộ vệ tinh.
(HBĐT) - Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trong giai đoạn đầu bùng phát dịch (từ tháng 7/2021), một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội (huyện Lương Sơn) nhưng tình hình cung ứng hàng hoá các mặt hàng nông sản tương đối ổn định, nguồn cung hàng hoá đảm bảo đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. Các sở, ban, ngành tỉnh tích cực tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.
(HBĐT) - Năm 2021, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (MTQGXDNTM) của tỉnh có nhiều trở ngại. Dịch Covid-19 bùng phát mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp tới tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là các nông sản chủ lực.
(HBĐT) - Để nâng cao thu nhập cho nông dân, thời gian qua, huyện Lạc Sơn nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, phát huy vai trò của các HTX trong việc tạo lập, xây dựng các chuỗi liên kết phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản theo hướng hàng hoá, an toàn và bền vững. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ trong nông nghiệp càng phát huy được thế mạnh, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp, tiêu thụ kịp thời nông sản, đảm bảo chất lượng sản phẩm...
(HBĐT) - Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) có kết cấu hạ tầng KT-XH từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao năng suất; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; ANTT được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Đó là mục tiêu UBND huyện Mai Châu đặt ra trong thực hiện Chương trình MTQG XDNTM.
(HBĐT) - Những năm qua, nghề nuôi cá lồng đã đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh, nhất là ở khu vực lòng hồ Hòa Bình. Nhưng để phát triển bền vững, đem lại hiệu quả thiết thực vẫn còn những vấn đề cần sự chung tay tháo gỡ.