Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình hành động số 21-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình về công tác dân số và phát triển, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tham mưu, tổ chức thực hiện đa dạng các các nội dung, chương trình, mô hình, đề án. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng dân số vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), tỉnh đã và đang tập trung thực hiện "Mô hình can thiệp truyền thông dân số cho đồng bào sinh sống tại vùng đồng bào DTTS&MN”.


Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tổ chức giao lưu truyền thông công tác dân số và phát triển tại xã Qúy Hòa (Lạc Sơn).

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: Xác định giải pháp quan trọng nhất trong triển khai chính sách dân số ở vùng đồng bào DTTS là công tác tuyên truyền, vận động. Chỉ có tuyên truyền, vận động một cách sâu sát đến tận người dân mới làm họ thay đổi nhận thức, hành vi. Chi cục đã phối hợp Trung tâm Y tế các huyện đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục thông qua sự đa dạng về phương pháp, cách thức, sản phẩm để phù hợp với từng nhóm đối tượng, hiệu quả.
 
Mô hình xét nghiệm phòng bệnh tan máu bẩm sinh (TMBS) tại trạm y tế trên địa bàn tỉnh là điểm nhấn, phát huy hiệu quả tích cực. Mô hình đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục với nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng; ưu tiên các đối tượng là vị thành niên, thanh niên, người có người thân mang gen bệnh TMBS, phụ nữ mang thai. Công tác tuyên truyền được sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, đoàn thể; lồng ghép trong các hoạt động phong trào, hội nghị, tập huấn... Từ đó, góp phần giảm thiểu các hậu quả do bệnh TMBS, giảm áp lực kinh tế, tâm lý cho gia đình và xã hội, nâng cao chất lượng dân số.
 
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh triển khai mô hình xây dựng mạng lưới và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ xét nghiệm; xây dựng, củng cố mạng lưới dân số - KHHGĐ các cấp; quản lý đối tượng mang gen bệnh TMBS gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận, từng cấp, nhất là chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số thôn, bản; xây dựng góc truyền thông, tư vấn phòng bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; lấy mẫu máu xét nghiệm tại trạm y tế…
 
Giai đoạn 2021-2023, Chi cục Dân số - KHHGĐ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, Tỉnh Đoàn đã phối hợp tổ chức tập huấn triển khai mô hình phòng bệnh TMBS cho hơn 300 cán bộ y tế, Ban chỉ đạo công tác dân số và phát triển cấp xã, cán bộ chuyên trách dân số tuyến xã, cộng tác viên dân số, cán bộ Đoàn thanh niên. Mở các lớp tập huấn kỹ thuật lấy mẫu, vận chuyển mẫu xét nghiệm sàng lọc, quản lý gen bệnh tại cộng đồng cho 480 lượt cán bộ y tế tuyến huyện, tuyến xã. Tổ chức nói chuyện chuyên đề cho hơn 300 bệnh nhân và người nhà tại Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh về bệnh TMBS, cách phòng bệnh. Lấy máu xét nghiệm cho 1.158 người là vị thành niên, thanh niên, người có họ hàng, người thân mang gen bệnh TMBS, trong đó 602 người có kết quả thiếu máu nhược sắc đề nghị làm xét nghiệm huyết sắc tố. Qua tư vấn, vận động, người dân đã chủ động đăng ký thực hiện xét nghiệm lần 2, kết quả 266 trường hợp mang gen bệnh TMBS, chiếm 22,9%; cấp 2.250 sổ tay phòng bệnh, 1.485 sổ quản lý bệnh nhân...
 
Mô hình được quan tâm đẩy mạnh, nhận được sự ủng hộ, tích cực tham gia của các cấp, ngành, người dân. Từ đó, tạo chuyển biến và nâng cao nhận thức, hành vi của các tầng lớp Nhân dân, góp phần thực hiện tốt công tác dân số. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình hành động số 21-CTr/TU, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tham mưu, tổ chức thực hiện mô hình giai đoạn 2023-2025 tập trung vào các nội dung trọng tâm: Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người lao động và Nhân dân về các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số. Chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ cơ sở. Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong công tác dân số, đặc biệt là tăng cường các giải pháp thực hiện các chỉ số chưa đạt mục tiêu như: Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên; tỷ lệ sàng lọc trước sinh, sơ sinh; tỷ lệ vị thành niên, thanh niên được tư vấn và xét nghiệm gen bệnh TMBS; xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ xét nghiệm sàng lọc gen bệnh TMBS tại trạm y tế...


Hồng Duyên


Các tin khác


Xã Tòng Đậu quan tâm nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Những ngày cuối tháng 11, chúng tôi trở lại thăm xã Tòng Đậu (Mai Châu), cảm nhận sự đổi thay từ cơ sở hạ tầng đến cuộc sống của người dân. Xã có 6 xóm với 5 dân tộc (Thái, Mường, Kinh, Dao, Hoa) cùng sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm trên 80%. Thời gian qua, người dân được hưởng lợi từ các chương trình, dự án, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).

Đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế rừng, nâng cao thu nhập

Những năm qua, nhiều hộ dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh phát triển nghề trồng rừng kết hợp chăn nuôi. Qua đó không chỉ khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế từ rừng mà còn giúp bà con cải thiện, nâng cao thu nhập.

Trên 30 nghìn tỷ đồng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng

Giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh Hòa Bình đã bố trí, lồng ghép nguồn vốn trên 30 nghìn tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như giao thông, thủy lợi, chợ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, điện lưới, viễn thông, phát thanh, truyền hình...

Trên 86 nghìn hộ dân tộc thiểu số được vay vốn chính sách

Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có trên 86,3 nghìn lượt hộ nghèo và hộ dân tộc thiểu số được vay vốn chính sách. Trong đó có trên 17,9 nghìn lượt hộ nghèo, trên 15 nghìn lượt hộ cận nghèo, trên 9 nghìn lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.

Xã Nhân Nghĩa: Mô hình “Biến rác thải thành con giống” tạo sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo

Khởi động từ tháng 4/2024, chị Bùi Thị Phửn, hội viên Chi Hội Phụ nữ xóm Bui, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) là hộ đầu tiên được hỗ trợ 50 con gà giống từ mô hình "Biến rác thải thành con giống”. Sau gần nửa năm chăm sóc, đàn gà đến kỳ xuất bán. Chị Phửn dùng số tiền bán gà mua 2 con lợn giống trị giá 3,5 triệu đồng để tái đầu tư chăn nuôi.

Huyện Kim Bôi: Trên 1.200 hội viên nông dân các dân tộc được đào tạo nghề

Những năm qua, huyện Kim Bôi quan tâm thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục