Đất đai là tài nguyên hữu hạn, cho nên có thể trong giai đoạn hiện nay, thậm chí ở thế hệ này chúng ta chưa có điều kiện để khai thác tốt nhất nhưng cần quản lý, gìn giữ và bảo vệ để các thế hệ mai sau sử dụng tốt hơn, hiệu quả hơn.

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách, nhiệm kỳ khoá XV, xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), một số ĐBQH cho rằng cần bổ sung nguyên tắc "bền vững" trong sử dụng đất vào khoản 2 Điều 5 Dự thảo Luật làm căn cứ, cơ sở cho việc xác lập các chính sách trong dự thảo Luật.

Chú thích ảnh

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội. 

Vẫn còn 11 vấn đề có ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội, hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề có ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được các ĐBQH quan tâm, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động như: Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm; Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện; Vấn đề thu hồi đất; Vấn đề giao đất, cho thuê đất; Vấn đề thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất...

Góp ý về chế độ sở hữu đất đai, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, Điều 53 Hiến pháp năm 2013 quy định: "Đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Tuy nhiên dự thảo Luật chỉ nêu trách nhiệm cung cấp thông tin của Nhà nước, chưa có quy định về trách nhiệm cũng như mối quan hệ giữa Nhà nước với tư cách là người đại diện và toàn dân với tư cách là chủ sở hữu đất đai. Trường hợp nào Nhà nước phải lấy ý kiến toàn dân, trường hợp nào phải do toàn dân quyết định. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng nội dung này cần được nghiên cứu bổ sung trong dự thảo Luật.

Về nguyên tắc sử dụng đất, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia đất chật, người đông. Theo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2021, tổng diện tích đất các loại là 36,79 triệu hecta trong khi đó dân số đã vượt ngưỡng 100 triệu người. Cách đây 10 năm, theo báo cáo năm 2013 của Ngân hàng Thế giới, nguồn lực đất đai của Việt Nam vào loại thấp nhất thế giới. Việt Nam đứng thứ 156 trên thế giới và thứ 9 trong khu vực ASEAN về chỉ tiêu diện tích đất theo đầu người. Tỷ lệ này sẽ còn giảm với tốc độ tăng dân số của nước ta từ 2013 đến nay. Đại biểu cho rằng yếu tố này cần được xem xét, đánh giá kỹ.

Đất đai là tài nguyên hữu hạn, cho nên, có thể trong giai đoạn hiện nay, thậm chí ở thế hệ này chúng ta chưa có điều kiện để khai thác tốt nhất thì chúng ta tiếp tục quản lý, gìn giữ và bảo vệ để các thế hệ mai sau sử dụng tốt hơn, hiệu quả hơn. Đây là nguyên lý của phát triển bền vững. Vì vậy, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội đề nghị bổ sung nguyên tắc "bền vững" trong sử dụng đất vào khoản 2 Điều 5 dự thảo Luật làm căn cứ, cơ sở cho việc xác lập các chính sách trong dự thảo Luật.

Làm rõ việc bồi thường thiệt hại tài sản gắn liền với đất

Liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, một số ĐBQH cho biết đây là chế định được nhân dân quan tâm, đóng góp ý kiến nhiều nhất với hơn 1,2 triệu lượt ý kiến. Khoản 3 Điều 91 Dự thảo Luật quy định, người có quyền sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật dân sự mà bị thiệt hại về tài sản gắn liền với đất thì được bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, dự thảo Luật lại chưa xác định việc bồi thường thiệt hại này được thực hiện theo quy định nào của pháp luật.

Trên thực tế, khi Nhà nước thu hồi đất thì đối với tài sản trên đất như nhà cửa, cây cối, hoa màu là tài sản thuộc sở hữu của người sử dụng đất thì việc bồi thường đối với những tài sản này phải thực hiện cơ chế thoả thuận dân sự chứ không thể áp dụng phương pháp hành chính như đối với đất.

Do đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị bổ sung quy định làm rõ việc bồi thường thiệt hại tài sản gắn liền với đất phải được thực hiện theo pháp luật dân sự để vừa đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất, vừa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với Bộ luật Dân sự.

Về cơ chế thỏa thuận, so với Điều 73 của Luật Đất đai hiện hành, Điều 127 dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi, đối tượng và trường hợp áp dụng cơ chế thỏa thuận để thực hiện dự án phát triển kinh tế xã hội. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng đây là điểm tiến bộ lớn, là cơ chế cần được khuyến khích, thúc đẩy. Do đó, đối với quy định tại khoản 1 Điều 127, đại biểu đề nghị giữ như dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5; theo đó, nhà đầu tư được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có đối với đất ở hoặc đất ở và đất khác để thực hiện dự án nhà ở thương mại. Quy định như vậy tiếp tục kế thừa quy định Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở; nhưng lại mở rộng hơn so với khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở hiện hành khi được nhận thỏa thuận về quyền sử dụng đất không chỉ đối với đất ở mà còn đối với đất hỗn hợp có đất ở và đất khác.

Bên cạnh đó, điểm c khoản 3 Điều 127 Dự thảo Luật quy định một trong các điều kiện áp dụng cơ chế thỏa thuận là "Có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc thỏa thuận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án”.

Tuy nhiên, nhiều ĐBQH đề nghị làm rõ giá trị pháp lý của văn bản này thế nào? trường hợp nhà đầu tư và người sử dụng đất có tranh chấp thì có thể sử dụng văn bản này làm căn cứ giải quyết hay không? Việc xin văn bản này được thực hiện trong giai đoạn nào? đây có phải là thủ tục hành chính không?

Cần quy định một mục riêng về đất đai cho đồng bào dân tộc 

Bày tỏ quan tâm tới nội dung về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho biết, Nghị quyết số 18 của TW yêu cầu: Tập trung nguồn lực đầu tư, chỉ đạo quyết liệt và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Báo cáo của Chính phủ tổng hợp ý kiến nhân dân cho thấy rất nhiều ý kiến liên quan đến đất đai cho đồng bào thiểu số được đề cập. ĐBQH đánh giá cao việc bổ sung trong dự thảo một số quy định liên quan đến đất đai cho đồng bào như tại khoản 3 Điều 79, Điều 112, Điều 250. Đặc biệt, dự thảo Luật đã bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi vi phạm chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số vào Điều 11.

Tuy nhiên, đối với trường hợp cá nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số được giao đất, cho thuê đất lần 2 thì Điều 48 dự thảo Luật lại bó hẹp hơn Luật hiện hành cũng như dự thảo lấy ý kiến nhân dân. Theo đó, những trường hợp này không được chuyển nhượng kể cả sau thời hạn 10 năm. Do đó, đề nghị đánh giá kỹ hơn tác động của quy định này.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đất đai không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế. Cần phải quan tâm đến văn hóa, phong tục, tập quán, truyền thống của đồng bào khi đưa ra các quy định về đất đai. Do đó, đề nghị bổ sung nguyên tắc: Tôn trọng tín ngưỡng, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số vào Điều 5 Dự thảo Luật làm cơ sở cho các chính sách quy định tại Điều 16.

Bên cạnh đó, khoản 5 Điều 70 Hiến pháp quy định: Quốc hội quyết định chính sách dân tộc. Trong khi đó, khoản 6 Điều 16 lại giao Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành chính sách hỗ trợ của địa phương về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn. Khoản 9 Điều 16 lại giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này. Do đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị rà soát để bảo đảm tính hợp hiến về thẩm quyền quyết định chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số vì đây là nội dung cơ bản của chính sách dân tộc.

Đồng thời, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng đề nghị quy định một mục riêng về đất đai cho đồng bào dân tộc với nhiều lý do thuyết phục. Đây cũng là ý kiến được nhiều ĐBQH nêu tại Kỳ họp thứ 4 và kỳ họp thứ 5, do đó, cần được tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu hoặc giải trình thấu đáo.

Theo báo Tin tức

Các tin khác


1.581 hộ đồng bào dân tộc có nhu cầu sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư

(HBĐT) - Theo báo cáo của UBND tỉnh, qua rà soát, tỉnh có 1.126 hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhu cầu sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư tại chỗ, xen ghép và 455 hộ cần bố trí ổn định dân cư tập trung.

Xã Chí Đạo phát triển các mô hình sản xuất để giảm nghèo bền vững

(HBĐT) - Cách đây hơn 6 năm, anh Bùi Văn Chiến, hộ cận nghèo xóm Ong Man, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) được vay vốn ngân hàng Chính sách xã hội phát triển chăn nuôi trâu theo hướng vỗ béo. Cùng với sự nhanh nhạy trong nắm bắt nhu cầu thị trường, anh mở thêm cửa hàng kinh doanh đồ điện gia dụng và mặt hàng gas tiêu dùng tại nhà.

Xã Tử Nê quan tâm cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số

(HBĐT) - Nhờ được phân bổ các nguồn lực và thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển KT-XH, đời sống người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) xã Tử Nê, huyện Tân Lạc nói riêng đã có nhiều đổi thay.

Triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc

(HBĐT) - Hiện nay, các chính sách dân tộc tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình, dự án khác triển khai trên địa bàn vùng dân tộc đã phát huy hiệu quả tích cực. Qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho ĐBDTTS; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân chương trình phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi

(HBĐT) - UBND tỉnh vừa tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm (2021 – 2023) và đánh giá kết quả 9 tháng năm 2023 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) giai đoạn 2021 -2025 trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh chủ trì hội nghị.

Huyện Lạc Thủy chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

(HBĐT) - Những năm qua, huyện Lạc Thủy đã huy động nhiều nguồn lực, lồng ghép các chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của ĐBDTTS được nâng lên rõ rệt, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục