Những năm qua, công tác cấp phát không thu tiền ấn phẩm Báo Hòa Bình cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) nói chung và người có uy tín (NCUT) trong ĐBDTTS, vùng đặc biệt khó khăn nói riêng kịp thời, hiệu quả đã mang lại những hiệu quả thiết thực.


Báo Hòa Bình được phát hành tới đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Ảnh chụp tại xã Phong Phú (Tân Lạc).

Chia sẻ về hiệu quả của việc đọc Báo Hòa Bình, chị Đinh Thị Quyết, Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Quyết Chiến (Tân Lạc) cho biết: Thông qua Báo Hòa Bình, chúng tôi nắm bắt được các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về chính sách dân tộc, tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc, góp phần nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần của ĐBDTTS, vùng đặc biệt khó khăn. Đối với hợp tác xã chúng tôi, qua Báo Hòa Bình tuyên truyền đã góp phần quảng bá các sản phẩm nông nghiệp an toàn đến người tiêu dùng. Từ đó thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. 

Báo Hòa Bình hiện thực hiện nhiệm vụ xuất bản 2 ấn phẩm chính, gồm: Báo in, phát hành 6 kỳ/tuần, sản lượng phát hành 9.200 tờ/kỳ. Báo Hòa Bình điện tử thực hiện 3 ngôn ngữ: Tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Mường; gồm 20 chuyên mục chính và 10 chuyên mục chuyên đề, 3 chuyên trang đa phương tiện (Media, Audio, đọc báo in), 5 chuyên trang địa phương. Nhằm đưa thông tin của báo đến đông đảo bạn đọc, góp phần cung cấp thông tin, định hướng dư luận, Báo Hòa Bình đã phát triển thêm 4 sản phẩm mạng xã hội: Fanpage Facebook, Youtube, Zalo, Tiktok.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Hòa Bình cho biết: Xác định việc cấp phát ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng ĐBDTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn là một trong những chính sách thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến đời sống tinh thần của nhân dân, trong đó, chính sách cấp không thu tiền một số loại báo, tạp chí theo Quyết định số 45/QĐ-TTg, ngày 9/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ đã mang lại những lợi ích thiết thực, giúp đồng bào nâng cao nhận thức, trình độ dân trí, học tập những mô hình kinh tế tiêu biểu nhằm giảm nghèo bền vững. Từ năm 2018 đến nay, căn cứ Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg, ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận NCUT và chính sách đối với NCUT trong ĐBDTTS, Báo Hòa Bình phối hợp Ban Dân tộc tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản triển khai thực hiện việc sử dụng nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ và UBND tỉnh giao để đặt mua, cấp phát Báo Hòa Bình cho NCUT trong ĐBDTTS tỉnh và các đối tượng thụ hưởng chính sách của Nhà nước theo quy định.

Căn cứ nhiệm vụ tỉnh giao và hợp đồng với Ban Dân tộc tỉnh, từ năm 2021 đến hết tháng 4/2024, Báo Hòa Bình thực hiện cấp báo biếu NCUT trong ĐBDTTS tỉnh. Năm 2021 cấp biếu 1.241 tờ/kỳ, bằng 387.190 tờ/năm. Năm 2022 cấp biếu 1.241 tờ/kỳ, bằng 387.192 tờ/năm. Năm 2023 cấp biếu 1.270 tờ/kỳ, bằng 396.24 tờ/năm. 4 tháng đầu năm 2024 cấp biếu 1.275 tờ/kỳ, bằng 132.600 tờ. Về nội dung, Báo Hòa Bình đã mở chuyên mục, chuyên trang trên báo in và báo điện tử, đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn bản sắc dân tộc; giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức và cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch; phê phán, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tiếp tục vạch trần âm mưu của kẻ xấu nhằm kích động phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc. Nội dung các chuyên trang, chuyên mục trên báo dành phần lớn tuyên truyền về xây dựng đời sống văn hóa; cổ vũ, hướng dẫn đồng bào biết trân trọng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp về tiếng nói, chữ viết, trang phục, phong tục tập quán, văn hóa, nghệ thuật của các dân tộc trong tỉnh. Chú trọng tuyên truyền cho đồng bào kiến thức chăm sóc sức khỏe, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...

Có thể khẳng định, công tác cấp phát không thu tiền ấn phẩm Báo Hòa Bình cho ĐBDTTS nói chung và NCUT trong ĐBDTTS, vùng đặc biệt khó khăn nói riêng đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Giúp đồng bào nâng cao nhận thức, trình độ dân trí, học tập những mô hình kinh tế điển hình nhằm giảm nghèo bền vững; củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước, ổn định chính trị vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong thời gian tới, Báo Hòa Bình tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg, ngày 9/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng ĐBDTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2019 - 2021 (được kéo dài sang giai đoạn 2022 - 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg). Thường xuyên phối hợp các cơ quan chức năng và địa phương trong tỉnh rà soát, cập nhật, điều chỉnh danh sách NCUT trong ĐBDTTS. Phối hợp Ban Dân tộc, Bưu điện tỉnh, các địa phương trong tỉnh thực hiện cấp phát báo cho NCUT trong ĐBDTTS ngay trong ngày xuất bản. Tăng cường đưa thông tin lên các trang mạng xã hội do Báo quản lý để tiếp cận thêm nhiều đối tượng thụ hưởng thông tin. Nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí, chuyên trang, chuyên mục trên báo in và báo điện tử. Thường xuyên kiểm tra công tác phát hành báo Đảng bộ tỉnh tại các vùng ĐBDTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, đảm bảo đúng, đủ, kịp thời đến đối tượng được thụ hưởng.



Hương Lan

Các tin khác


Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường bộ cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi

Dự án xây dựng tuyến đường từ thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) đến huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ do UBND huyện Đà Bắc làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng. Khi hoàn thành sẽ là tuyến giao thông huyết mạch kết nối hai tỉnh Hòa Bình - Phú Thọ, góp phần phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn huyện Đà Bắc, tiếp thêm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Chung sức chăm lo cho trẻ em dân tộc thiểu số

Những năm qua, các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương tỉnh Hoà Bình luôn quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn; nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn; trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Giải ngân 3 chương trình MTQG vốn năm 2022, 2023 được chuyển nguồn sang năm 2024 đạt 23%

Thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, tổng kế hoạch vốn năm 2022, 2023 được phép kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2024 là 193,515 tỷ đồng.

Lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số từ một dự án

Thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 trên địa bàn huyện Cao Phong, thời gian qua, Hội LHPN huyện Cao Phong đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực.

Đưa chính sách vào cuộc sống để nâng cao đời sống đồng bào dân tộc

Từ việc cụ thể hóa, đưa các chính sách đi vào cuộc sống, huy động các nguồn lực, lồng ghép chương trình đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn huyện Mai Châu những năm qua không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Huyện Cao Phong: Thiết thực đầu tư vào vùng dân tộc

Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân; tổ chức lấy ý kiến tham vấn các hộ đã được hưởng lợi để điều chỉnh kế hoạch phù hợp với nhu cầu thực tiễn; đi học tập kinh nghiệm các địa phương đã triển khai hiệu quả; chú trọng đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai chương trình… đó là những nỗ lực đáng ghi nhận của huyện Cao Phong khi thực hiện công tác dân tộc nói chung, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) nói riêng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục