Với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, đời sống của bà con người Dao xóm Mạ, xã Tú Lý (Đà Bắc) ngày càng no ấm. Điện lưới quốc gia được kéo đến tận các hộ dân, đường giao thông cứng hoá thuận lợi, đó là điều kiện để bà con xóm Mạ tiếp tục vươn lên xây dựng nông thôn mới.




Đường giao thông ở xóm Mạ, xã Tú Lý (Đà Bắc) được cứng hoá, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển kinh tế.

Từ những năm 60 của thế kỷ trước, người Dao quần chẹt đã về sinh sống tại xóm Mạ. Người Dao vốn có tập quán du canh, du cư nhưng khi đến xóm Mạ, bà con đã chọn đây là nơi an cư để lạc nghiệp. Sự lựa chọn đó có thể dễ lý giải khi nhìn tổng quan vào vị trí tọa lạc của bản Dao này. Xóm Mạ có vị trí khá bằng phẳng, phía sau là đồi rừng rộng, thuận lợi để bà con phát triển sản xuất.

Từ vài nóc nhà trong buổi ban sơ, đến nay, xóm Mạ có trên 100 hộ dân. Đến đây nếu không giới thiệu thì rất khó để nhận ra đây là bản sinh sống của đồng bào Dao. Bởi nhà ở của bà con đều xây kiên cố, không còn nếp nhà truyền thống. Bên cạnh đó, với điện lưới quốc gia được kéo đến tận hộ dân, hạ tầng giao thông được đầu tư khá đồng bộ, xóm Mạ khoác trên mình diện mạo của vùng quê nông thôn mới. Bí thư Chi bộ Dương Kim Tuất chia sẻ: Với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, đời sống của bà con đã thay đổi rõ rệt. Trước năm 2009, trong xóm nếu có hội họp phải tổ chức ở nhà dân. Từ năm 2009 đến nay, nhà văn hoá xóm được đầu tư, thuận lợi cho sinh hoạt cộng đồng của bà con.

Đặc biệt, từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, đường giao thông đã được mở rộng và cứng hoá thuận lợi. "Năm 2012, đường trục chính của xóm được cứng hoá. Đến năm 2017, các đường xương cá cũng mở rộng, đổ bê tông. Khi chưa có đường thuận lợi, bà con làm ra ngô, sắn muốn vận chuyển về rất khó khăn. Còn nay ô tô vào tận trong khu sản xuất rồi”, Bí thư Chi bộ Dương Kim Tuất chia sẻ.

Với lợi thế về đất rừng, hàng chục năm qua, xóm Mạ phát triển mạnh về trồng rừng (keo, bạch đàn), kết hợp chăn nuôi gia súc. Gia đình ông Triệu Văn Đồng là một trong những hộ tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở xóm. Gia đình ông Đồng có 8 ha rừng trồng keo, bồ đề. Tận dụng đồi rừng, ông đầu tư chăn nuôi bò với số lượng lớn. Hiện, đàn bò của gia đình ông có gần 30 con. Mặc dù giá bán xuống thấp nhưng mỗi năm cũng đem lại thu nhập cho gia đình ông Đồng trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn duy trì nuôi lợn, mỗi năm 2 lứa, xuất bán ra thị trường hàng chục con lợn thịt. Ông Đồng chia sẻ: Trước đây đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, nhất là từ khi đầu tư đường giao thông thuận lợi, chúng tôi có điều kiện để phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập.

Ông Triệu Tiến Tài, Trưởng xóm Mạ cho biết, hiện nay, diện tích rừng của cả xóm trên 140 ha, hộ nào cũng phát triển kinh tế rừng. Bên cạnh đó, chăn nuôi bò, dê, cá, lợn được mở rộng quy mô. Bà con còn đi làm ăn xa và chuyển đổi một số nghề phù hợp với lợi thế, nhu cầu của địa phương. Nhờ đó thu nhập được nâng cao, hiện đạt 40 triệu đồng/ người/năm. Cả xóm còn 10 hộ nghèo. Thời gian qua, xóm tiếp tục nhận được sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, như hỗ trợ giống ngô, thóc và dê, lợn giống cho hộ khó khăn. Đó sẽ là động lực để đồng bào Dao ở xóm Mạ, xã Tú Lý tiếp tục vươn lên xây dựng quê hương ngày càng no ấm.

 

Viết Đào

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Trên 3 nghìn lượt hộ dân được vay vốn chính sách

Theo Phòng giao dịch Ngân hành Chính sách xã hội huyện Tân Lạc, trong 9 tháng năm 2024, trên địa bàn huyện đã có 3.056 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn chính sách. Doanh số cho vay đạt trên 124,6 tỷ đồng, với 10 chương trình tín dụng được giải ngân. Đến nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Tân Lạc đạt trên 577 tỷ đồng với 15.521 hộ còn dư nợ.

Hiệu quả chương trình giải quyết nhà ở, đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số

Để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả chính sách về đất đai và các tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Người đam mê bảo tồn và phát huy chữ Tày cổ

Đến xã Mường Chiềng (Đà Bắc), nhiều người biết đến anh Sa Văn Cam, người đam mê bảo tồn và phát huy chữ Tày cổ. Anh Cam đã và đang sưu tầm, ghi chép, mở các lớp truyền dạy chữ Tày cổ, góp phần lưu giữ giá trị văn hóa dân tộc Tày tại xã Mường Chiềng nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung.

Vùng đồng bào dân tộc Mông đổi thay nhờ làm du lịch

Từ những nhân tố tiên phong như chị Sùng Y Múa, xóm Hang Kia - xã Hang Kia, anh Phàng A Páo, xóm Chà Đáy - xã Pà Cò, hoạt động du lịch ở 2 xã đồng bào Mông của huyện Mai Châu có nhiều khởi sắc. Đời sống của bà con có những bước chuyển đáng mừng.

Huyện Đà Bắc: Phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Vốn là một xóm nhỏ, đường đi lại khó khăn, có thời điểm gần như biệt lập. Trước đây, muốn đến xóm Đá Bia, nay là xóm Đức Phong, xã Tiền Phong (Đà Bắc) chỉ có cách duy nhất là đi nhờ những "thuyền tôm” trên vùng hồ Hòa Bình. Từ khi được "khai phá”, xóm từng bước khẳng định là một trong những điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch. Thậm chí được bình chọn và trao giải thưởng du lịch cộng đồng Asean vào năm 2019.

Nguồn lực quan trọng hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số xã Văn Sơn phát triển kinh tế - xã hội

Với người dân xóm Lội Mương, xã Văn Sơn (Lạc Sơn) có đường bê tông đi lại thuận tiện là niềm mong mỏi. Trước đây, những con đường trên địa bàn xóm hầu hết là đường đất, giá nông sản, hàng hóa không ổn định do chi phí vận chuyển cao. Từ năm 2022, từ nguồn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn I từ năm 2021 -2025, nhiều đoạn đường trục chính của xóm đã được bê tông hoá, giúp việc đi lại, trao đổi hàng hoá thuận tiện hơn...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục