(HBĐT) - Thác Dray Sap nằm ở ranh giới hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, cách thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) khoảng 39 km về phía Nam. Đây là một trong những thác nước đẹp trên dòng sông Serepok huyền thoại. Theo tiếng Ê Đê, Dray Sap nghĩa là thác khói, còn được gọi với tên khác là thác chồng. Cách đó không xa là thác Dray Nur, được người dân gọi là thác vợ.


Thác Dray Sap kỳ vĩ.

Mọi người thường nói đến Tây Nguyên mà không đến thác Dray Sap là chưa đến Tây Nguyên. Nơi đây thu hút du khách bởi vẻ đẹp nguyên sơ, dòng thác dữ dội nhưng không gian rất thơ mộng. Là điểm dừng chân lý tưởng cho những người mê du lịch khám phá Tây Nguyên, muốn hòa mình vào thiên nhiên. Dòng thác dào dạt đổ từ độ cao hơn 20 m, độ dài hơn 100 m, tạo nên những mảng trắng xoá tựa màu khói trông lung linh, huyền ảo. Từ đó tên Dray Sap ra đời theo tiếng Ê Đê nghĩa là khói.

Thác Dray Sap được hình thành khi các mảng địa chất sụt xuống, tạo thành một thung lũng cắt ngang qua dòng sông lớn. Theo truyền thuyết từ xa xưa, thời kỳ này dòng sông Serepok chỉ là một dòng nước nhỏ chảy quanh khu làng, là ranh giới phân chia hai ngôi làng nhỏ tại đây. Tương truyền khi xưa có đôi nam nữ đem lòng yêu nhau say đắm nhưng bị gia đình ngăn cản. Quá tuyệt vọng nên đôi tình nhân đã gieo mình xuống dòng sông chảy ngược để nguyện mãi bên nhau. Từ đó, sông Serepok được chia làm 2 nhánh chảy về Krông Nô (theo tiếng đồng bào Krông là sông, No là đực) và một nhánh chảy về Krông Ana (Ana là cái). Nhánh đực chảy về thác Dray Sap và nhánh cái chảy về thác Dray Nur, nên 2 thác này cũng được gọi là thác chồng và thác vợ.

Một câu chuyện khác kể về đôi vợ chồng trẻ người Ê Đê. Khi người chồng bệnh nặng, người vợ là Hmi vào rừng tìm lá thuốc nhưng người chồng vẫn không thể qua khỏi. Hmi đau lòng khóc rõng rã nhiều ngày đêm, tiếng khóc vang vọng trời cao. Tiếc thương cho mối tình này, trời đã tạo ra dòng thác để tưởng nhớ đức hạnh của Hmi và thác có tên Dray Sap (Dray là thác, Sap là khói). Tên này đúng với vẻ đẹp hùng vĩ của thác với dòng nước mạnh mẽ đổ từ trên cao xuống tạo thành khối lớn bọt nước bắn lên như khói. Năm 1993, thác Dray Sap được công nhận là thắng cảnh cấp quốc gia.

Thác Dray Sap là một bức tường thành nước khổng lồ. Để đến được chân thác, du khách đi qua hành lang dài với những bậc thang và hàng cây xanh mát cổ thụ hàng trăm năm, một thiên đường sống ảo của nhiều bạn trẻ với khung cảnh vô cùng mộng mơ. Đi qua hành lang đá đến đường mòn dẫn vào khu rừng già để đến thác nước. Tại đây, dòng thác đổ ào ào thành những cột nước trắng xóa từ trên cao xuống các mỏm đá đa dạng hình thù phía dưới. Đi tiếp theo lối nhỏ quanh bờ thác, men theo những vách đá nhấp nhô dẫn đến đỉnh thác. Ngay dưới chân thác, du khách bắt gặp hồ nước trong vắt, là nơi có thể nghỉ chân tắm mát, lắng nghe âm thanh của núi rừng, tận hưởng cảm giác thư thái và yên bình mà thiên nhiên mang lại. Tắm suối, tắm thácđược nhiều du khách ưa thích trải nghiệm giữa núi rừng hoang sơ Tây Nguyên.

Trên đỉnh thác du khách có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh không gian nơi đây, cảm nhận dòng nước đổ xuống mạnh mẽ tạo nên những bọt khói dưới chân thác. Trên đỉnh thác là những hồ nhỏ tổ chức các hoạt động chèo thuyền, vui chơi, ăn uống và nghỉ ngơi ngay tại hồ. Do nơi đây xa dân cư, không có nhiều dịch vụ ăn uống nên du khách cần chủ động đồ ăn trong thời gian ở đây. Đến Tây Nguyên hãy thử một lần đắm mình dưới dòng nước trong vắt, hòa mình vào thiên nhiên cảm nhận sự bình yên của núi rừng Tây Nguyên ở thác Dray Sap.


Việt Lâm


Các tin khác


Ấn tượng du lịch thành phố bên sông Đà

Không chỉ được biết đến là miền đất có thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hoá đặc trưng, TP Hòa Bình còn có ẩm thực độc đáo với những món ăn ngon, lạ miệng, hương vị rượu cần nổi tiếng. Điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa và con người đã tạo nên tiềm năng du lịch phong phú, hấp dẫn cho điểm đến.

VITM Hà Nội 2024 thu hút gần 80.000 lượt khách tham quan, mua tour kích cầu dịp hè

Chiều ngày 14/4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổng kết, bế mạc Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2024 với chủ đề "Du lịch Việt Nam – Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững”. Hội chợ thu hút gần 80.000 khách đến thăm quan, mua sắm tour kích cầu dịp 30/4-1/5 và dịp hè.

Huyện Yên Thủy phát triển du lịch gắn với điểm đến lễ hội, tâm linh

Hiện nay, sản phẩm du lịch của huyện Yên Thủy chủ yếu là du lịch lễ hội, du lịch tâm linh. Bên cạnh đảm bảo nếp sống văn minh trong hoạt động tín ngưỡng, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương luôn chú trọng bảo tồn giá trị di tích lịch sử, văn hoá và lễ hội gắn với khai thác thế mạnh du lịch.

Doanh nghiệp du lịch mong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài để tăng doanh thu

Theo các doanh nghiệp lữ hành, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay được các Bộ, ngành đề xuất hoán đổi ngày làm việc để kéo dài thành 5 ngày nghỉ sẽ là dịp để doanh nghiệp lữ hành, các điểm vui chơi thu hút khách du lịch, tăng doanh thu.

Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế

Nhìn lại tiến trình phát triển của nền du lịch quốc gia, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng, Việt Nam ghi nhận mức phục hồi mạnh mẽ của ngành này khi đạt được mức tăng trưởng tiệm cận với kết quả năm 2019. Song cho dù lấy lại được sức phát triển trước dịch Covid-19, du lịch nước ta đã tụt hậu đến 5 năm so với thực tế. Vì thế, trước sự cạnh tranh của nhiều thị trường lớn của thế giới, cũng như các nước láng giềng, du lịch Việt cần nỗ lực hơn nữa để bứt phá và định vị thương hiệu trên trường quốc tế.

Kích cầu du lịch từ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Còn khoảng ba tuần nữa mới đến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhưng thị trường du lịch đã khá sôi động. Ðây được xem là thời điểm "vàng” để doanh nghiệp lữ hành khởi động mùa cao điểm du lịch hè.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục