Sau gần 10 năm phát triển, mỗi năm mô hình du lịch cộng đồng (DLCĐ) ở huyện vùng cao Đà Bắc thu hút hơn 3.500 khách, chủ yếu là người nước ngoài. Qua đó đem lại doanh thu ổn định, giúp người dân địa phương nâng cao thu nhập.


Chèo thuyền kayak - sản phẩm du lịch hấp dẫn ở huyện vùng cao Đà Bắc. Ảnh chụp tại xã Hiền Lương.

Đà Bắc là huyện nằm bên bờ Bắc của sông Đà, nơi sinh sống của 5 dân tộc anh em: Mường, Tày, Dao, Kinh, Thái. Với cảnh sắc hoang sơ, đậm đà bản sắc văn hoá bản địa, Đà Bắc có tiềm năng lớn để phát triển DLCĐ. Từ năm 2014, với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của tổ chức AOP, mô hình DLCĐ đã được triển khai và mở rộng tại huyện Đà Bắc. Từ một vài hộ gia đình ở xóm Ké, xã Hiền Lương và xóm Đá Bia (nay là xóm Đức Phong), xã Tiền Phong, từ năm 2014 đến nay, cả huyện đã có 13 nhà lưu trú thuộc 4 xóm của 3 xã, với 184 thành viên của 142 hộ gia đình tham gia hoạt động DLCĐ, cung cấp các dịch vụ du lịch, thu hút hơn 16 nghìn lượt khách.

Gia đình chị Lường Thị Thảo, xóm Ké, xã Hiền Lương là một trong những hộ đã phát triển DLCĐ hơn 10 năm. Chị Thảo chia sẻ: Trước khi phát triển du lịch, gia đình gắn bó với nương rẫy, nghề chài lưới ở lòng hồ Hoà Bình. Từ khi phát triển du lịch đến nay, gia đình tập trung làm nghề dịch vụ để phục vụ khách đến tham quan, lưu trú. Các nông sản, tôm cá và đặc sản khác của địa phương trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Bên cạnh đó, du khách còn được trải nghiệm một số sản phẩm du lịch mới, như chèo thuyền kayak, tham quan mô hình nuôi cá lồng.

Bà Đinh Thị Hảo, Giám đốc Công ty cổ phần DLCĐ Đà Bắc (Đà Bắc CBT) cho biết: Để có thu nhập ổn định và những sản phẩm du lịch đặc sắc, thời gian qua công ty đã tổ chức các hoạt động marketing, phân phối khách, phát triển sản phẩm, quản lý chất lượng và ký kết hợp đồng với các công ty du lịch. Từ năm 2017 đến nay, phát triển DLCĐ đã tạo ra tổng thu nhập hơn 12 tỷ đồng.

Với cảnh sắc hoang sơ, hùng vĩ và nền văn hoá bản địa đặc sắc, mô hình DLCĐ ở huyện vùng cao Đà Bắc đã để lại ấn tượng tốt với du khách trong và ngoài nước. "Khi đến với Đà Bắc, chúng tôi rất ấn tượng bởi cảnh sắc ở vùng lòng hồ Hoà Bình và những bản làng ven hồ. Đặc biệt ẩm thực nơi đây khá độc đáo, hấp dẫn với cá sông Đà và nhiều món ngon khác. Hy vọng sau này khi con đường kết nối giữa huyện Đà Bắc và tỉnh Phú Thọ hoàn thành, chúng tôi sẽ có nhiều dịp đến trải nghiệm du lịch của huyện Đà Bắc”, chị Nguyễn Thị Duyên, du khách đến từ tỉnh Phú Thọ chia sẻ.

Với những hiệu quả đem lại, mô hình phát triển DLCĐ được huyện Đà Bắc xác định là mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, huyện đã và đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Cùng với đó đầu tư hạ tầng cơ sở, nhất là đường giao thông để thúc đẩy phát triển du lịch. Ngoài ra, huyện triển khai các chính sách hỗ trợ người dân trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống; trang bị kỹ năng để nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch của huyện.


Viết Đào

Các tin khác


Bản người Dao Tiền xã Cao Sơn phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa

Không chỉ sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên hoang sơ, cộng đồng người Dao Tiền ở bản Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) còn lưu giữ kho tàng văn hóa đặc sắc của dân tộc mình như: nhà ở, trang phục, tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán, nếp sinh hoạt… Từ sau khi xây dựng mô hình du lịch cộng đồng (DLCĐ), những nét văn hóa truyền thống của đồng bào càng được bảo tồn, phát huy.

Phát triển du lịch xanh trong lòng đô thị: Con đường tất yếu

Phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững ngày càng trở thành xu hướng phổ biến trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Không chỉ hướng đến vùng nông thôn ngoại thành mà ở các đô thị - nơi chịu nhiều "sức ép” về dân số, môi trường, hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế du lịch theo định hướng xanh lại càng cần được quan tâm.

Khảo sát lựa chọn xây dựng sản phẩm, tour du lịch vùng huyện Cao Phong

Từ ngày 28 - 30/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình khảo sát lựa chọn xây dựng sản phẩm, tour du lịch mới, đặc trưng và quảng bá xúc tiến du lịch cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại huyện Cao Phong.

Điểm nhấn sắc nét bức tranh du lịch huyện Mai Châu

Là bản người Thái đầu tiên của tỉnh phát triển du lịch cộng đồng, bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu được du khách biết đến từ những năm 90 của thế kỷ trước. Theo đó, ngày càng có thêm nhiều hộ gia đình sửa chữa nhà cửa, phát triển thêm sản phẩm kinh doanh du lịch, điều đó khiến bản Lác như một bức tranh đa sắc màu.

Bản du lịch cộng đồng người Thái hấp dẫn khách quốc tế

Cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, nét sinh hoạt của cộng đồng người dân tộc Thái gần như chưa bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài và nhịp sống đô thị hóa. Đó là những điều du khách tìm thấy khi đến với bản Hịch 2, xã Mai Hịch (Mai Châu). Bản nằm tựa lưng vào núi, phía trước là dòng suối Sia quanh năm nước chảy hiền hòa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục