Công ty TNHH Amine Việt Nam là Công ty đầu tiên tại KCN Lương Sơn xây dựng nhà ở cho công nhân.
Khu công nghiệp bờ trái sông Đà hiện có 17 doanh nghiệp hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động, chủ yếu là lao động nữ. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này mới 3 doanh nghiệp có nhà ở cho công nhân, nhưng chỉ đáp ứng được phần rất nhỏ nhu cầu của công nhân. Theo cán bộ phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình), chúng tôi có cuộc khảo sát nhỏ về nhà ở của công nhân KCN Bờ trái sông Đà hiện đang thuê trọ tại khu vực tổ 18,19,20, phường Hữu Nghị. Khác với các khu vực khác, công nhân trọ ở 3 tổ này chủ yếu rải rác trong các dãy nhà của khu chuyên gia cũ. Với lợi thế vừa gần, giá cả hợp lý và đảm bảo về an ninh trật tự nên khu vực này trở thành điểm đến chung của nhiều công nhân đến từ các huyện Lạc Sơn, Tân Lạc, Đà Bắc.
Chủ nhà trọ thường xuyên tuyên truyền những nội quy phòng trọ tại thôn Năm Lu, xã Hòa Sơn (Lương Sơn) cho công nhân thuê trọ theo quy định của UBND xã Hòa Sơn.
Ghé thăm một phòng trọ của những nữ công nhân Công ty TNHH Ban Đai Việt Nam. Phòng rộng chưa đầy 30 m2 chia cho 3 người. Trong phòng có một gian ngủ, một nhà vệ sinh và gian bếp nhỏ để nấu nướng. Em Bùi Như Thảo, công nhân Công ty TNHH Ban Dai chia sẻ: Phòng tuy nhỏ nhưng phù hợp với khả năng chỉ trả của chúng em. Mỗi tháng 3 người thuê phòng này là 1 triệu đồng, cộng với điện, nước, chia ba, mỗi người cũng mất khoảng 400.000 đồng. Tuy nhiên, mỗi ngày chúng em làm ca 8 tiếng, nhiều hôm tăng ca đến 12 tiếng nên thực sự có về đến phòng trọ cũng chỉ ngủ nên không có yêu cầu gì cao lắm.
Thực tế quan sát trong phòng chỉ thấy có một chiếc đệm cho 3 người nằm, bếp ga và bình nước, ngoài ra không có đồ đạc, vật dụng gì nhiều. Gần công ty, an ninh trật tự đảm bảo, giá tiền có thể đáp ứng được là những yêu cầu về nhà ở đối với những công nhân ở trọ quanh các KCN hiện nay. Tuy nhiên, không phải lúc nào họ cũng tìm được những phòng trọ như thế. Em Bùi Như Thảo kể: Trước đây, em ở trọ ở tổ 7, phường Hữu Nghị ở chung với nhà chủ nên nhiều khi rất bất tiện, nhất là những lúc đi làm ca đêm về muộn. Ngoài ra, bất tiện nhất là không có xe máy, thường phải đi bộ về nhà, có khi tan ca lúc nửa đêm, toàn chị em gái, đi bộ rất nguy hiểm.
Thực tế, tại khu chuyên gia chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu nhà ở cho công nhân, không phải ai cũng có may mắn để có thể trọ được tại khu vực này. Có nhiều trường hợp công nhân ở đây phải trọ xa, thậm chí quyết định đi về trong ngày đối với những người nhà ở Đà Bắc hoặc Kỳ Sơn.
Còn tại KCN Lương Sơn, theo số liệu thống kê nhu cầu nhà ở công nhân của công đoàn các KCN tỉnh khảo sát trên 17 doanh nghiệp tại KCN với tổng số 10.645 công nhân thì có 3.145 công nhân chưa có nhà ở; 1.747 công nhân có nhu cầu thuê nhà và 721 công nhân có nhu cầu mua nhà. Trong đó, nhiều Công ty có số lượng công nhân lớn nhưng thực tế có rất ít công nhân có chỗ ở đảm bảo như Công ty TNHH Doosung tech Việt Nam có hơn 1.700 công nhân thì có tới 1126 công nhân có nhu cầu về nhà ở. Công ty TNHH HNT Vina có 1.543 công nhân, 749 công nhân có nhu cầu về nhà ở. Với đồng lương ít ỏi lại phải chi trả tiền thuê nhà trọ, nhiều công nhân khẳng định, thực chất lương chỉ đủ để trang trải cuộc sống, chưa có gia đình thì có thể xoay sở được, có gia đình, thực sự là một bài toán nan giải.
Trao đổi về vấn đề nhà ở cho công nhân, đồng chí Dương Như Rụ, Phó Ban Quan lý các KCN tỉnh thừa nhận: Hiện nay, trong các KCN mới có 3 doanh nghiệp xây dựng được khu nhà ở cho công nhân nhưng chỉ đáp ứng được rất ít nhu cầu của người lao động. Hiện nay, khó khăn lớn nhất đối với vấn đề này chính là khảo sát nhu cầu nhà của người lao động. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này vẫn chưa có con số đưa ra cụ thể là bao nhiêu công nhân cần thuê nhà, bao nhiêu công nhân cần mua nhà ở xã hội…Khảo sát nhu cầu của công nhân là vô cùng quan trọng gần như có thể quyết định xem các doanh nghiệp có nên đầu tư để xây dựng nhà ở xã hội hoặc ký túc xá cho công nhân hay không. Tuy nhiên, vấn đề này đã được Ban quản lý nghiên cứu và đang đưa ra những phương án giải quyết.
Đây là bài toàn không thể giải xong một sớm, một chiều. Xét về các yếu tố để hình thành nên một khu nhà ở cho công nhân là mặt bằng, vốn đầu tư. Đối với mặt bằng khu công nghiệp, điều này không mấy khó khăn bởi có thể điều chỉnh quy hoạch. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất ở đây chính là vốn đấu tư.
Gỡ khó cho vấn đề này, theo đồng chí Phó Ban quản lý các KCN tỉnh, tỉnh cần có những ưu tiên về chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch xây dựng khu nhà ở, ngoài ra cần có cơ chế ưu tiên tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Đặc biệt phải có cơ chế giúp doanh nghiệp có thể thu hồi vốn khi đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, đó là dành lệ nhất định trong số đó để xây dựng khu nhà ở thương mại. Chính vì vấn đề hiện nay chưa thể giải quyết một sớm, một chiều, hiện, Ban quản lý các KCN đang vận động các doanh nghiệp trong KCN Lương Sơn có thể liên kết với các hộ dân đầu tư cùng với họ để xây dựng các phòng trọ cho công nhân ở khang trang hơn.
P.V
* Chính sách hỗ trợ nhà ở cho công nhân cần được đề cập trong thỏa ước lao động tập thể
Hoàng Kim Bảng
Trưởng ban Chính sách – pháp luật (LĐLĐ tỉnh)
Trách nhiệm chăm lo cho người lao động là của toàn xã hội, trong đó có vai trò của Nhà nước và người sử dụng lao động của tổ chức công đoàn và bản thân người lao động. Theo quan điểm mới là hài hòa giữa tổ chức cuộc sống và tổ chức sản xuất của người lao động. Nếu trước đây quy hoạch các KCN chỉ quan tâm đến các nhà máy, còn công nhân thì tự đến, cốt nhất là để giải quyết việc làm cho người lao động thì đến nay, tư duy đó đã khác. Vì vậy, những thiết chế phục vụ cho người lao động phải gắn với nơi tập trung đông công nhân, lao động. Đặc biệt tại các KCN phải dành quỹ đất để xây dựng hạ tầng phục vụ cho sinh hoạt của công nhân, lao động như có nhà ở, trường học, trạm y tế.
Thực hiện chủ trương này, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã dành 10% tiết kiệm chi tiêu hành chính đóng góp để ngành công đoàn xây dựng các thiết chế cho công nhân, trong đó có nhà ở công nhân, nhà văn hóa, khu thể thao, vui chơi… Trên thực tế, 2 KCN lớn nhất trên địa bàn tỉnh đều chưa có nhà ở cho công nhân. Nhiều công nhân vẫn phải tự túc nhà ở. Với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, ngành Công đoàn đã yêu cầu các doanh nghiệp phải có chính sách hỗ trợ nhà ở cho công nhân và được ghi trong thỏa ước lao động tập thể. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu lao động lớn cần thu hút và giữ chân công nhân đã thực hiện theo chính sách này. Tuy nhiên, để có thể xây dựng nhà, khu ký túc xá cho công nhân hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn.
* Mong muốn có nhà ở lưu trú cho công nhân để nghỉ ngơi sau giờ tăng ca hoặc tiện đi lại
Bùi Thị Bình
Công nhân may tại KCN Lương Sơn
Tôi là công nhân may tại một Công ty trong KCN Lương Sơn. Gia đình tôi ở xã Dân Hòa, Kỳ Sơn, cách KCN gần 20 km. Hàng ngày, cả đi và về mất gần 40 km. Tuy nhiên, vì gia đình và chồng con đều ở xã Dân Hòa nên tôi không thể thuê trọ để đi làm, như vậy vừa không tranh thủ được việc nhà vừa không chăm sóc được các con. Bên cạnh đó, giải pháp chuyển đến ở trọ gần KCN không hợp lý bởi nếu thuê được phòng trọ cho gia đình thì chi phí khá lớn, với đồng lương công nhân không thể đảm bảo, quan trọng hơn, con cái rất khó xin học.
Với việc thường xuyên phải đi xe máy quãng đường dài để đến Công ty, ngày nào tôi cũng phải đi làm sớm hơn ít nhất 30 phút. Nhiều ngày mưa nắng đi lại rất vất vả. Nếu vào ngày bình thường không sao, nhiều khi phải tăng ca, có những ngày lên đến 12 tiếng, tan ca chỉ muốn lăn ra ngủ hoặc nhiều hôm đi làm về khuya rất ái ngại. Vì vậy, tôi chỉ mong nếu có nhà ở lưu trú cho công nhân, vào thời điểm tăng ca về muộn có thể vào đó nghỉ ngơi hoặc chuyển hẳn vào ở để tiện đi lại.
* Sẵn sàng ủng hộ doanh nghiệp để có những khu nhà lưu trú khang trang hơn cho công nhân
Phan Trọng Hòa
Thôn Hạnh Phúc - xã Hòa Sơn - Lương Sơn
Gia đình tôi nhiều năm cho công nhân thuê trọ. Hiện tại, tôi có 12 phòng trọ, trung bình mỗi phòng giá 700.000 đồng, chủ yếu cho công nhân KCN Lương Sơn thuê. Tôi thấu hiểu công nhân làm việc trong các KCN chịu áp lực rất lớn, thường xuyên phải tăng ca và nhiều khi đi làm về rất muộn. Công nhân đến trọ tại gia đình tôi đến từ Tân Lạc, Lạc Sơn, Kim Bôi, thậm chí Thanh Hóa, Nghệ An ra. Vì vậy, khi quản lý những phòng trọ này, gia đình tôi đề ra nội quy, quy chế nghiêm túc. Từ việc khai báo tạm trú, tạm vắng, cam kết chấp hành nội quy về an ninh trật tự, người đến, người đi và đặc biệt nghiêm cấm việc mở loa đài to, không được tổ chức nhậu nhẹt trong phòng trọ để đảm bảo an ninh trật tự trong khu trọ.
Tuy nhiên, thực tế do kinh phí có hạn, gia đình chỉ có thể đầu tư được những phòng trọ đơn giản, còn nếu là hộ gia đình hoặc có con cái ở chung thực sự những phòng trọ này không phù hợp. Tôi thấy, ý kiến của các cấp, ngành nêu ra việc liên kết giữa doanh nghiệp và người dân để có thể xây dựng được những phòng trọ khang trang, đảm bảo cho công nhân có đời sống ổn định, yên tâm công tác, gia đình tôi hoàn toàn ủng hộ, sẵn sàng liên kết, thậm chí có thể vận động nhiều nhà cũng tạo điều kiện về quỹ đất để công ty có thể đầu tư xây dựng những khu nhà lưu trú cho công nhân. Tuy nhiên, mô hình này đặt ra vấn đề rất lớn về quản lý và giá thuê nhà cho công nhân vì lương công nhân tại KCN này chưa phải là cao để có thể đáp ứng được.
Xưa nay, nhắc tới vấn đề tảo hôn, người ta thường nghĩ đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số với phong tục tập quán còn ít nhiều lạc hậu hoặc trình độ hiểu biết hạn chế. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tảo hôn đang trở thành vấn nạn khó kiểm soát tại tỉnh ta, không phân biệt vùng miền, dân tộc.