Hiện tại, người dân TP Hòa Bình háo hức "ngóng” giờ hợp long Cầu Hòa Bình 3 như dự kiến. Công trình cầu Hòa Bình 3 có đường đi qua địa bàn xã Trung Minh và phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình. Chiều dài phần cầu 535 m với 3 nhịp, rộng 16 m; phần đường dẫn dài 209 m, nền đường rộng 31 m với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Dự kiến khi hoàn thành sẽ thực hiện được mục tiêu kết nối các khu vực dân cư bờ trái và bờ phải sông Đà.
Dưới tầm nhìn của các nhà quy hoạch, công trình còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm tải lực cho cầu Hòa Bình hiện nay và đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố trong tương lai. Đồng chí Phạm Quốc Thắng. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hòa Bình cho biết: Hiện, thành phố triển khai 2 dự án lớn bằng nguồn vốn ODA đó là: Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - TP Hòa Bình. Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Hòa Bình. Mục tiêu, hiệu quả đầu tư của các dự án được nêu rõ: Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - TP Hòa Bình nhằm cải tạo các tuyến đường trục chính của thành phố và các tuyến đường trong khu dân cư để từng bước hoàn thiện hơn mạng lưới đường giao thông nội thị. Cung cấp cho người dân điều kiện cơ sở hạ tầng hiện đại, phù hợp với mong muốn của người dân và kế hoạch phát triển KT-XH. Cây cầu Hòa Bình 3 khi hoàn thành sẽ góp phần thực hiện mục tiêu mở rộng không gian thành phố, tăng cường thông thương hàng hóa, giãn mật độ dân cư và mật độ giao thông.
Cầu Hòa Bình 3 là một trong những dự án được xây dựng bởi nguồn vốn vay nước ngoài ODA.
Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP Hòa Bình nhằm cung cấp công trình xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn xả thải theo quy định (loại B, QCVN 14:2008/BTNMT và QCVN 40:2011/BTNMT) của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Làm giảm tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố như hiện nay và nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn. 2 dự án này được coi là nền tảng quan trọng tạo sức bật cho thành phố trong tương lai với cơ sở hạ tầng đô thị hiện đại, là cơ sở để cụ thể hóa mục tiêu nâng cấp TP Hòa Bình thành đô thị loại II vào năm 2020.
Đà Bắc cũng là một trong những đơn vị được hưởng lợi nhiều từ nguồn vốn vay ODA. Trong giai đoạn 2011-2016, huyện được đầu tư, hỗ trợ từ hai nguồn vốn vay nước ngoài gồm: vốn từ Ngân hàng thế giới (WB) và nguồn vốn vay từ quỹ Kuwait (Cô Oét). Là huyện nghèo lại thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, suốt chặng đường dài phải loay hoay với việc đầu tư cơ sở hạ tầng thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao mức sống cho người dân. Vì vậy, huyện Đà Bắc đã sử dụng nguồn vốn vào các mục đích thiết thực.
Cụ thể, với nguồn vốn vay Cô Oét, huyện đã triển khai đến 10 xã, thị trấn. Từ nguồn vốn vay này, đến nay, huyện đã nâng cấp và xây dựng được 40 đoạn đường liên thôn, liên xã với tổng chiều dài khoảng 84 km. Nâng cấp, xây dựng 4 hồ chứa, 5 bai, đập, 3 kênh, mương thủy lợi. Xây dựng 15 trường tiểu học và THCS, 4 trường bán trú, 5 trường mầm non, 3 trạm y tế xã, 2 chợ đầu mối; 1 phòng tiếp dân tại trụ sở UBND huyện Đà Bắc, 3 trạm cấp nước sinh hoạt; 7 nhà văn hóa cộng đồng. Hỗ trợ thể chế để khôi phục và bảo tồn văn hóa dân tộc Tày trên địa bàn huyện. Mở các khóa đào tạo ngắn ngày nhằm tập huấn cho Ban quản lý dự án, người hưởng lợi và chính quyền địa phương về quản lý, vận hành, duy tu và bảo dưỡng công trình.
Với nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới WB, huyện đã thông qua Ban quản lý dự án giảm nghèo phân bổ tới 11 xã với 90 thôn, bản cùng hưởng lợi. Theo đó, các xã trong vùng dự án đã được cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản như: giáo dục, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc trẻ em, cung cấp nước sạch, cung cấp nước tưới tiêu cho đất sản xuất nông nghiệp, cải tiến kỹ thuật sản xuất, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới và tạo điều kiện thuận lợi đi lại, thông thương hàng hóa phát triển KT-XH cho người dân. Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc Nguyễn Đức Dũng chia sẻ: Được thụ hưởng nguồn vốn vay ODA, 5 năm qua huyện Đà Bắc đã tạo được sự chuyển biến rõ nét trong phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Tuy nhiên, do có xuất phát điểm thấp lại bị ảnh hưởng nhiều bởi thiên tai nên đến nay huyện vẫn gặp nhiều khó khăn nhất là về nguồn vốn cho yêu cầu phát triển KT-XH. Mong cấp có thẩm quyền quan tâm đề nghị kéo dài thực hiện dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA và các nguốn vốn vay khác để tạo sức bật cho KT-XH ở huyện vùng cao còn nhiều khó khăn này.
* Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài
Sớm hoàn thiện và ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi, bổ sung về quy trình riêng áp dụng đối với các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nhằm tinh giản thủ tục và giảm bớt chi phí phát sinh do quy định gây ra. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Bộ chủ quản của các chương trình, dự án ODA. Cho phép các dự án ODA giải ngân nguồn vốn nước ngoài theo tiến độ thực hiện và tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ (quy định tại Điểm b, khoản 2, Điều 76, Luật Đầu tư công). Tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đối với nguồn vốn nước ngoài và vốn đối ứng do Trung ương hỗ trợ. Chính phủ giao kế hoạch vốn kịp thời để các bộ, ngành và địa phương có căn cứ phân cho các dự án (không phân thành nhiều đợt như trước). Đối với việc phân bổ, điều chỉnh vốn nước ngoài của các dự án nên để địa phương chủ động phân bổ, điều chỉnh vốn cho các dự án thành phần, sau đó báo cáo cho các bộ, cơ quan chủ quản.
Ở tỉnh, tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành, các cơ quan và người dân về việc vay, quản lý, sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài. Nâng cao năng lực đề xuất kêu gọi dự án đầu tư, đặc biệt là dự án ODA, tránh việc đầu tư bất hợp lý làm gia tăng nợ công trên địa bàn tỉnh. Chấp hành tốt các quy định của pháp luật về đầu tư cũng như các cam kết theo hiệp định đã ký. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài để xử lý kịp thời theo quy định pháp luật. Tiếp tục rà soát kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để bố trí, bổ sung, điều chuyển nguồn vốn hợp lý đối với một số công trình cấp bách trên địa bàn tỉnh. Xử lý tốt các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư có vốn vay nước ngoài như công tác giải phóng mặt bằng, vốn đối ứng, trần nợ công. Tăng cường công tác quản lý, sử dụng các công trình đã hoàn thiện nhằm phát huy hiệu quả và kéo dài tuổi thọ công trình… Tất cả những giải pháp này nhằm tạo nền tảng vững chắc để phát huy hơn nữa hiệu quả nguồn vốn vay nước ngoài cho mục đích phát triển KT-XH, nâng cao mức sống của người dân trên địa bàn.
Lam Nguyệt