(HBĐT) - Dịch vụ cầm đồ là loại hình kinh doanh có điều kiện, hoạt động theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh cầm đồ diễn biến phức tạp, tác động xấu đến tình hình ANTT, gây bức xúc trong nhân dân.


Cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Lương Sơn họp bàn phương án, triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm nắm chắc địa bàn, làm tốt công tác phòng ngừa xã hội với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, trong đó có hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ vi phạm pháp luật. 

Tín dụng đen bủa vây

Theo thống kê, chỉ tính riêng khu vực thành phố Hòa Bình có tới 28 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực cầm đồ, tập trung chủ yếu tại địa bàn các phường: Phương Lâm, Đồng Tiến, Chăm Mát… Đặc biệt, tại khu vực đông học sinh, sinh viên, dịch vụ cầm đồ nở rộ. Dọc tuyến đường dài 200 m gần trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình có tới 3 cửa hàng kinh doanh dịch vụ này, chưa kể đến còn khá nhiều cá nhân hoạt động ngầm, không đăng ký kinh doanh.

Theo quan sát, khách giao dịch tại các cửa hàng cầm đồ gồm nhiều thành phần, không ngoài mục đích cầm cố tài sản lấy "tín dụng” tạm thời để giải quyết nhu cầu cá nhân. Các mặt hàng đem đến cầm cố khá đa dạng từ xe đạp, điện thoại di động, máy tính xách tay… cho đến xe máy, ô tô, thậm chí là giấy tờ nhà đất. Qua tìm hiểu ở một số cửa hàng cầm đồ có thể thấy, bất kỳ món tiền nào xuất ra cũng cần một tài sản đưa vào thế chấp. Tài sản được thế chấp có giá trị cao gấp 2-3 lần giá trị tiền vay. Anh Nguyễn Văn Ch., chủ một tiệm cầm đồ trên địa bàn phường Phương Lâm cho biết: Khi tìm đến hiệu cầm đồ là chấp nhận việc vay tiền với giá rất cao. Ví dụ một chiếc điện thoại di động được thỏa thuận cầm với mức giá 10 triệu đồng, lãi suất tính 10.000 đồng/triệu/ngày. Với cách tính lãi suất như vậy, chỉ sau 10 ngày, chủ tiệm cầm đồ đã thu về 1 triệu đồng tiền lãi. Thông thường, các cửa hiệu cầm đồ đánh giá tài sản cầm cố quy ra tiền và tính lãi suất theo từng triệu đồng, dao động từ 3.000- 10.000 đồng/triệu/ngày, tương ứng mức lãi suất 108- 360%/năm. Đó là chưa kể tới trường hợp quá hạn trả mà người vay không có đủ cả vốn lẫn lãi, chủ cửa hàng cầm đồ sẽ tính lãi với mức cao hơn nhiều.

Không chỉ cầm đồ, hiện nay còn có hình thức cho vay không cần thế chấp. Người có nhu cầu chỉ cần chứng minh thư nhân dân, thẻ học sinh, bằng lái xe… hoặc với đối tượng là cán bộ, công chức Nhà nước chỉ cần ký vào giấy nợ là đã có thể được "giải ngân”. Nếu như trước đây, người đi đường thường thấy hình ảnh "đập” ngay vào mắt là những quảng cáo về dịch vụ khoan cắt bê tông, thông hút bồn cầu… dán kín cột điện, tường rào thì nay được thay thế bằng các loại hình cho vay tín dụng với lời quảng bá không thể hấp dẫn hơn, như: cho vay nhanh, thủ tục đơn giản, không cần thế chấp, lãi suất ưu đãi… Những thông tin "cho vay tiền nhanh” được dán vào ngõ ngách, bấm số gọi là được phục vụ tận nơi. Trong quá trình thực hiện bài viết, phóng viên đã đóng vai người có nhu cầu vay tiêu dùng và liên hệ với số điện thoại 0984***233 để được tư vấn. Với nhu cầu vay 10 triệu đồng trong vòng 1 tháng, chủ nhân số điện thoại cho biết: "Do không có tài sản cầm cố nên lãi suất từ 5.000-10.000 đồng/triệu/ngày, cứ 10 ngày sẽ có người đến thu lãi một lần.” Khi phóng viên ngỏ ý muốn suy nghĩ thêm trước khi quyết định vay thì số điện thoại trên liên tục gọi điện chèo kéo cùng lời mời chào hấp dẫn: "nếu đồng ý vay sẽ cho nhân viên đến tận nhà làm thủ tục và giải ngân chỉ sau 15 phút”.

Đòi nợ kiểu "xã hội đen”

Dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Tân Lạc tiếp nhận đơn trình báo của ông Bùi Văn Bức (72 tuổi) về việc: khoảng 9h30’ ngày 8/1/2018, con trai ông là Bùi Thanh Sân (52 tuổi) trú tại xã Lỗ Sơn bị một nhóm đối tượng lạ mặt cưỡng ép lên xe taxi đi đâu không rõ, đến nay chưa về. Sau khi nhận được báo cáo vụ việc của Công an huyện Tân Lạc, nhận thấy đây là vụ việc phức tạp, nhóm đối tượng rất manh động, lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự chủ trì, phối hợp cùng Công an 2 huyện: Tân Lạc, Lạc Sơn điều tra làm rõ vụ việc.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng xác định ông Bùi Văn Sân đang bị giam giữ tại quán cầm đồ thuộc địa bàn chợ Vó, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) và tổ chức giải cứu thành công. Đồng thời, các trinh sát tỏa đi khắp địa bàn 2 huyện Tân Lạc, Lạc Sơn xác minh đối tượng có liên quan. Qua đó xác định 4 đối tượng trực tiếp bắt giữ trái phép ông Sân. Lực lượng công an đã thực hiện lệnh giữ người và bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp với 4 đối tượng. Tiếp tục mở rộng điều tra, tổ chuyên án đã làm rõ, đứng đằng sau chủ mưu là: Phan Hồng Quân, Lại Quốc Việt, trú tại tổ 4, phường Thái Bình (TP Hòa Bình) và Trịnh Việt Tâm, trú tại phố Lâm Hóa, xã Vũ Lâm (Lạc Sơn). Khám xét 3 cơ sở kinh doanh cầm đồ của các đối tượng này, cơ quan điều tra thu giữ 1 quyển sổ thể hiện nội dung ép ông Sân viết giấy vay nợ và tự nguyện ở lại lao động để trả nợ, 1 ống tuýp nước, 1 con dao dài 70cm dạng kiếm…

Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận, ông Sân có vay 6 triệu đồng tại quán cầm đồ do Lại Quốc Việt quản lý. Do ông Sân không có tiền trả nợ nên đã bị các đối tượng đưa về quán, dùng vũ lực uy hiếp tinh thần và yêu cầu đưa ví, chiếm đoạt 800.000 đồng. Do chưa đủ, Lại Quốc Việt chỉ đạo "đàn em” bắt ông Sân viết giấy vay tiền với giá trị lớn hơn số tiền đã vay 27 triệu đồng.

Đây là vụ việc điển hình cho thấy sự manh động, liều lĩnh của các đối tượng cho vay nặng lãi xảy ra trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua. Anh Nguyễn Văn Ch., chủ một tiệm cầm đồ trên địa bàn phường Phương Lâm cho biết thêm: Thông thường, thủ đoạn của các cơ sở cầm đồ hoạt động tín dụng đen là chia quân số làm 2 nhóm. Nhóm trực tiếp cho vay là người có lý lịch sạch, nhìn tử tế. Nhóm còn lại chuyên dùng để đòi nợ, nhóm này quy tụ những người xăm trổ, có máu mặt. Khi con nợ chây ỳ, nhóm đòi nợ sẽ tìm đến nói chuyện. Không thấy con nợ chuyển biến thì nhắn tin, gọi điện liên tục, bất kể ngày đêm. Bước tiếp theo là bắn tin dọa dẫm, tạt mắm tôm, chất thải vào nhà… ép con nợ phải trả đủ cả gốc và lãi vay.

Chiêu trò lách luật

Hoạt động kinh doanh cầm đồ, cho vay nặng lãi đang diễn ra rầm rộ, phức tạp. Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có xấp xỉ 200 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ với gần 300 người làm nghề. Ngoài ra còn có hàng trăm cửa hàng đăng ký kinh doanh cho thuê xe ô tô, mô tô, tư vấn, hỗ trợ tài chính. Bên cạnh ưu điểm của loại hình dịch vụ này là đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân trong việc vay tiền giải quyết nhu cầu cá nhân thì hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ đang có biểu hiện phát triển, kinh doanh trái các quy định của pháp luật, kéo theo sự phát triển của các loại tội phạm như: cho vay nặng lãi, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đòi nợ thuê, siết nợ… Đây cũng là nguồn gốc phát sinh các băng, ổ nhóm tội phạm hoạt động mang tính bạo lực, côn đồ theo kiểu "xã hội đen”…

Trước tình hình đó, thời gian qua, BCĐ 09 các huyện, thành phố đã thành lập đoàn kiểm tra hoạt động của các cơ sở kinh doanh cầm đồ trên địa bàn, đồng thời yêu cầu chủ các cơ sở ký cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật. Đi đầu trong hoạt động này là BCĐ 09 thành phố Hòa Bình. Đồng chí Nguyễn Thế Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo 09 thành phố Hòa Bình chia sẻ khó khăn: Qua kiểm tra, 100% cơ sở kinh doanh cầm đồ trên địa bàn đều chấp hành việc đăng ký kinh doanh. Dù thực chất là hoạt động tín dụng đen, cho vay với lãi suất cao nhưng trên giấy tờ cơ quan chức năng khó có thể tìm ra lỗi vi phạm của họ để xử lý. Khi có người đến vay tiền, cầm cố tài sản, các cơ sở này không bao giờ làm hợp đồng vay mà chỉ làm hợp đồng dân sự mua bán tài sản. Ví dụ, người vay tiền có xe máy trị giá 40 triệu đồng sẽ bị cơ sở cho vay làm "hợp đồng mua bán” xe, sau đó cho chính chủ nhân thuê lại xe với giá "cắt cổ”.


Trên địa bàn TP Hòa Bình hiện có 28 cơ sở đăng ký kinh doanh cầm đồ, qua kiểm tra không phát hiện trường hợp nào vi phạm các quy định của pháp luật. Ảnh chụp tại phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình.

Với hình thức đó, nhiều người mê cờ bạc, cá độ đã trở thành "con mồi”; dù họ vay khoản tiền rất lớn nhưng người thân vẫn không hề hay biết vì vẫn thấy tài sản cá nhân còn đó. Chỉ khi mất khả năng trả nợ, bị đòi nợ ráo riết, câu chuyện mới vỡ lở... Khi việc sử dụng các nhóm đòi nợ kiểu xã hội đen không đem lại kết quả, các cơ sở này lại dùng đến công cụ pháp luật "giở” hợp đồng thuê tài sản, thuê xe… để kiện người vay về tội chiếm đoạt tài sản, lúc đó tòa án buộc phải thụ lý.

Thiếu tá Nguyễn Tiến Đạt, Phó Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh nhận định: Hiện nay, tình hình hoạt động tín dụng đen trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng diễn biến rất phức tạp, nhiều gia đình tan cửa, nát nhà, vỡ nợ phải ly hương hay vướng vào vòng lao lý. Ngoài việc đấu tranh quyết liệt của các cơ quan chức năng thì người dân cần nâng cao cảnh giác và tỉnh táo để không dính vào các khoản vay với các hình thức tín dụng này.

P.V

 Nhóm ý kiến: 

Nếu không quản lý chặt, dễ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật

Thực tế cầm đồ hay cầm cố tài sản là một giải pháp tài chính có hợp đồng và có kỳ hạn, qua việc thế chấp để nhận tiền mặt. Khi cầm đồ, quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản đó vẫn thuộc người đi cầm đồ. Đến kỳ hạn thanh toán, người đi cầm đồ phải trả cho chủ nợ cả vốn và lãi để chuộc lại tài sản của mình, nếu không, tài sản sẽ thuộc về người nhận cầm đồ.

Tuy nhiên, hiện nay, do chưa có chế tài rõ ràng đủ mạnh để khống chế đối với hoạt động cầm đồ, do vậy, với mức lãi suất rất cao và các hiệu cầm đồ tự đặt ra, chỉ sau 1 thời gian ngắn, số tiền lãi những người đi cầm cố phải trả đã bằng giá trị của tài sản thế chấp. Không có tiền trả lãi, đương nhiên người vay tiền phải chấp nhận mất tài sản. Như vậy, nhiều cửa hàng cầm đồ đang hoạt động tiếp tay cho các đối tượng làm tín dụng đen. Trong khi khả năng sinh lời từ dịch vụ cầm đồ rất cao nhưng ràng buộc giữa người vay và chủ cầm đồ thường không được xử lý theo pháp luật. Cộng với đó là thái độ "nhắm mắt làm ngơ” của các chủ tiệm đã biến không ít điểm cầm đồ thành nơi tiêu thụ của kẻ gian. Do vậy, có thể nói nếu không quản lý chặt chẽ dịch vụ cầm đồ, rất dễ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật.

 

Luật sư Trần Dũng Tiến

Đoàn Luật sư Hòa Bình

 

Dịch vụ hỗ trợ tài chính chân chính không thể cạnh tranh trên địa bàn tỉnh

Nhắc đến lĩnh vực cầm đồ, đa phần người dân nghĩ nó là một lĩnh vực nhạy cảm, có "tiếng xấu” là cho vay với lãi suất "cắt cổ” và thường đi kèm với việc đòi nợ của xã hội đen. Đầu năm 2017, Mekong Capital gây sốc khi rót vốn cho công ty F88 mở chuỗi về cầm đồ. Nhận thấy những ưu việt của F88, chúng tôi đã đăng ký mở chi nhánh tại thành phố Hòa Bình.

F88 là mô hình bán lẻ lai cho vay ngân hàng. Khác với công ty tài chính cho vay tín chấp thì F88 cầm cố tài sản và việc thanh lý tài sản sẽ có lời. Lấy ví dụ như một chiếc điện thoại, trên thị trường đồ cũ có thể giao dịch với giá 10 triệu đồng nhưng số tiền mà F88 cho vay tối đa 8 triệu đồng. Hợp đồng ký kết thường là 1 tháng. Chi phí vay 4,5%/tháng. Sau 1 tháng, F88 có thể thanh lý nếu khách hàng đóng đủ lãi và có đề nghị xin gia hạn. Mỗi lần xin gia hạn, F88 sẽ định giá lại tài sản, yêu cầu đóng thêm phần gốc nếu tài sản xuống giá để đảm bảo giá trị tiền vay chỉ bằng 80% định giá. Mục tiêu của chúng tôi là cho vay có trách nhiệm, bảo vệ khách hàng. F88 không cho vay 90% mà giữ tỷ lệ 80%, thậm chí 60% bởi chúng tôi muốn khách hàng không bỏ đồ.

Tuy nhiên, F88 đã không phát triển được tại địa bàn do định kiến của người dân và sự cạnh tranh của cửa hàng cầm đồ. Đại đa số khách hàng không hiểu về cách hoạt động của F88, chỉ nhìn thấy thời gian vay ngắn, giá trị vay nhỏ nên không hấp dẫn người tiêu dùng.

 

 

Phạm Thị Thủy

Nguyên Giám đốc Công ty CP kinh doanh F88 tại Hòa Bình

 


Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục