(HBĐT) - Trong sản xuất nông nghiệp (NN), để đạt được các thành tựu lớn thì doanh nghiệp (DN) đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Đây được xem là nhân tố có khả năng "bắt” được tín hiệu thị trường tốt nhất lại có vốn, điều kiện để áp dụng KHCN vào sản xuất và định hướng cho nông dân sản xuất theo đúng tín hiệu thị trường, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Đáng tiếc là trong sản xuất NN của tỉnh hiện nay vẫn còn thiếu những đóng góp quan trọng mang tên DN, nhất là các DN có tiềm lực triển khai các dự án lớn.


"Khát” doanh nghiệp và dự án đầu tư vào nông nghiệp

Mặc dù được xác định là đối tượng đặc biệt quan trọng cần thu hút đầu tư để tạo thêm sức bật cho sản xuất nhưng đến nay, số lượng DN đầu tư vào NN của tỉnh rất hạn chế. Thống kê từ năm 2008 đến nay, trong tổng số 2.587 DN, nhà đầu tư được cấp giấy đăng ký kinh doanh tại tỉnh, mới có 174 DN hoạt động trong lĩnh vực NN - nông thôn, chỉ chiếm 6,7% tổng số DN – một con số rất khiêm tốn.

Trong khi đó, NN lại là lĩnh vực sản xuất đặc biệt quan trọng, luôn giữ vai trò trụ cột cho phát triển KT-XH địa phương. Về diện tích, đất NN hiện chiếm 77,02% tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Về dân số, khoảng 85% dân số của tỉnh với 70,46 vạn người đang sinh sống ở khu vực nông thôn, trong đó có 48,49 vạn lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc, chiếm 68,83% dân số khu vực nông thôn. Đặc biệt, tỉnh luôn được đánh giá cao về tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế NN. Không chỉ có vị trí địa lý thuận lợi (tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, cửa ngõ của vùng Tây Bắc) và hệ thống giao thông thông suốt phụ trợ đắc lực cho việc tiêu thụ nông sản hàng hóa, Hòa Bình đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn trong con mắt các nhà đầu tư do sở hữu nhiều điều kiện tốt để thực hiện các dự án NN như: khí hậu mát mẻ tại vùng cao, diện tích mặt nước lớn, đồi núi thuận lợi để chăn nuôi gia súc, tài nguyên rừng dồi dào với nhiều loại cây và dược liệu quý, có nhiều vùng sản xuất tập trung với sản phẩm đặc thù mang lợi thế cạnh tranh cao... Đáng lưu ý, do tỉnh là địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn (trừ thành phố Hòa Bình) và đặc biệt khó khăn nên các dự án đầu tư vào NN được ưu đãi nhiều hơn so với các tỉnh đồng bằng. Sau khi trừ tiền giải phóng mặt bằng vào tiền thuê đất và hưởng ưu đãi thì hầu như các dự án không phải nộp thêm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng được ưu đãi cả về mức thuế suất và thời gian miễn, giảm thuế. Đây là "điểm cộng” - cùng với hành lang pháp lý và cơ chế thu hút đầu tư đặc thù khác - để các DN lựa chọn đầu tư sản xuất NN tại Hòa Bình.


Với sự tham gia của doanh nghiệp, đến nay, toàn tỉnh đã phát triển trên 4.050 lồng bè nuôi cá trên lòng hồ sông Đà, tạo thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương.

Tuy nhiên, ngược lại với tiềm năng dồi dào là sự đầu tư chưa tương xứng dành cho sản xuất NN. Thống kê đến hết tháng 2/2018, toàn tỉnh có 58 dự án đầu tư vào lĩnh vực NN (chiếm 12,5% tổng số dự án toàn tỉnh), vốn đăng ký khoảng 5.606 tỷ đồng (chiếm 9% tổng vốn đăng ký của các dự án trong toàn tỉnh). Trong đó có 25 dự án chăn nuôi (vốn đăng ký 3.446 tỷ đồng), 12 dự án trồng cây ăn quả, cây dược liệu và cây công nghiệp (vốn đăng ký 544 tỷ đồng), 21 dự án trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái (vốn đăng ký 1.615 tỷ đồng). Ngoài ra, lĩnh vực công nghiệp chế biến nông, lâm sản, công nghiệp phụ trợ, ngành NN đã thu hút được 49 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 2.892 tỷ đồng. Theo đánh giá của Sở KH&ĐT, các dự án đầu tư vào NN có hiệu quả chưa cao. Ví dụ, các dự án chăn nuôi chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao vì sản phẩm chủ yếu là chăn nuôi lợn, gà, vịt với thị trường tiêu thụ không ổn định cả về cầu và giá. Các dự án lâm nghiệp chiếm nhiều diện tích nhưng có suất vốn đầu tư thấp (21 dự án trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái có diện tích sử dụng đất 29.120 ha, bình quân sử dụng khoảng 1.386 ha/dự án, trong khi suất vốn đầu tư khoảng 55 triệu đồng/ha)... Thực tế này cho thấy, cùng với "cơn khát” về số lượng DN và dự án đầu tư vào NN, tỉnh cũng cần triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm hỗ trợ DN nâng cao hiệu quả đầu tư, từ đó tạo thêm nhiều dấu ấn quan trọng cho sản xuất NN.

Cần thêm nhiều dấu ấn của doanh nghiệp

Trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành NN được UBND tỉnh phê duyệt 4 chính sách (phát triển trồng trọt, làng nghề, nuôi cá lồng, tiêu thụ nông sản) và 3 đề án (tái cơ cấu ngành NN, cải tạo vườn tạp, khuyến nông trọng điểm) với nguồn vốn chủ yếu để thực hiện từ nguồn sự nghiệp kinh tế. Theo ước tính, nhu cầu NSNN để thực hiện các chính sách và đề án trên khoảng 100 tỷ đồng/năm, nếu chỉ sử dụng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế thì chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu vốn. Như vậy, chưa kể các chương trình đầu tư phát triển NN quan trọng khác, chỉ riêng việc đáp ứng nhu cầu vốn của các đối tượng tham gia thực hiện các chính sách và đề án này thôi đã đặt ra một vấn đề thiết yếu: Phải huy động thêm nguồn lực, trong đó, đối tượng tiềm năng nhất được xác định là các DN hoạt động trong lĩnh vực NN.

Đồng chí Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh nhìn nhận: Trên thực tế, vai trò của DN đã được thể hiện khi tham gia đầu tư vào sản xuất NN của địa phương. Không chỉ rót thêm vốn vào sản xuất mà quan trọng hơn, với khả năng "bắt” được tín hiệu thị trường tốt và có điều kiện để áp dụng KHCN vào sản xuất, các DN đã phát huy vai trò tiên phong và định hướng cho nông dân về quy mô, chất lượng, quy cách nông sản và thị trường tiêu thụ, đồng thời phát triển mạnh các hình thức liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế. Có thể nói, đây chính là hạt nhân cốt lõi góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả sản xuất NN.


Với giá trị thương hiệu đã được khẳng định trên thị trường, sản phẩm cam Cao Phong đang thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm (ảnh: Gian hàng giới thiệu sản phẩm cam Cao Phong của doanh nghiệp VNPT Hòa Bình).

Đơn cử như trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, dấu ấn của DN được thể hiện rất rõ. Trước đây, vào những năm 1990 - khi hồ thủy điện sông Đà tích nước đã ổn định, nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện bắt đầu phát triển thành phong trào nhưng thống kê tại thời điểm cao nhất, mới có khoảng 800 - 1.000 lồng cá được nuôi rải rác trên vùng hồ do các hộ dân địa phương sống quanh lưu vực hồ đầu tư một cách tự phát, manh mún, hiệu quả thấp. Phải đến đầu những năm 2010, nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà mới có sự chuyển mình đáng ghi nhận bởi bắt đầu có sự đầu tư bài bản của các DN. Công nghệ làm lồng đã được cải tiến. Thay vì lồng bương, tre, nứa tạm bợ là những lồng lưới khung sắt chắc chắn, độ bền cao, được kết nối thành bè thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch. Mỗi lồng có thể tích khoảng 100 - 120 m3, có thể nuôi được mật độ nhiều, khi thu hoạch mỗi lồng đạt 4 - 4,5 tấn cá. Nhờ có các DN tiên phong, dần dần các hộ nuôi trồng thủy sản thuộc các xã vùng hồ đã mạnh dạn đầu tư làm lồng lưới khung sắt, đồng thời mở rộng nuôi các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá chiên, cá tầm, cá hồi, cá bỗng, trắm đen... Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 4.050 lồng nuôi, tương đương 220.000 m3, tổng sản lượng thủy sản mỗi năm đạt trên 7.700 tấn, tạo việc làm thường xuyên và ổn định cho trên 5.000 lao động. Trong sự phát triển đó, dấu ấn nổi bật nhất là hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các DN như: Công ty CP cá sạch sông Đà, Công ty Việt Đức, Công ty thủy sản Hải Đăng... Tổng số vốn do các DN đầu tư vào nuôi cá lồng ước đạt trên 500 tỷ đồng. Cùng với đó, hoạt động của các HTX, tổ hợp tác, chủ trang trại đầu tư nuôi cá lồng cũng khá tốt. Hiện, toàn tỉnh có 35 DN, HTX, tổ hợp tác đầu tư nuôi thâm canh thủy sản với quy mô lớn, góp phần quan trọng hình thành các vùng chuyên canh tập trung, các khu nuôi lồng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn về ATTP.

Cùng với diễn biến tích cực trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, các lĩnh vực khác của sản xuất NN như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp... cũng cần thêm những dấu ấn thể hiện vai trò tiên phong và định hướng của DN. Đây chính là đối tượng được ưu tiên hàng đầu trong chủ trương thu hút đầu tư vào NN của tỉnh ta. Theo chủ trương chính sách của Nhà nước, các DN khi thực hiện dự án đầu tư vào khu vực NN, nông thôn sẽ được Nhà nước hỗ trợ, ưu đãi đầu tư theo quy định của Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013, Nghị định số 55/2015/ NĐ-CP ngày 9/6/2015, Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 116/2015/NQ-HĐND ngày 3/7/ 2015 của HĐND tỉnh về hỗ trợ, ưu đãi cho các dự án đầu tư vào NN, nông thôn, cùng nhiều cơ chế hỗ trợ đặc thù khác dành cho DN. Theo đánh giá của UBND tỉnh: Trong những năm gần đây, nhờ triển khai đồng bộ các quyết sách quan trọng về khuyến khích đầu tư vào NN, kết hợp với những điều kiện sẵn có của địa phương nên chúng ta đã dần tạo ra môi trường thuận lợi để thu hút các DN. Với quyết tâm tiếp tục nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, nhất định Hòa Bình sẽ trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn để các DN triển khai tốt các dự án, góp phần tạo nên những dấu ấn mạnh mẽ trong sản xuất NN.


Tăng hàm lượng KHCN, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao

Tỉnh ta đã có quy hoạch tổng thể vùng và khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao định hướng đến năm 2020 với việc phát triển 3 vùng và 11 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, tỉnh luôn khuyến khích đầu tư và tạo điều kiện tối đa cho các DN ứng dụng KHCN trong sản xuất NN. Tuy nhiên đến nay, đầu tư của DN vào lĩnh vực này còn rất hạn chế, hàm lượng KHCN trong sản xuất NN còn thấp, làn sóng DN khởi nghiệp trong NN chưa cao và đặc biệt, chúng ta đang thiếu các DN có khả năng dẫn dắt tái cơ cấu NN theo hướng hiện đại. Đây là những thách thức lớn mà nếu vượt qua, nhất định ngành NN sẽ đạt được những thành tựu to lớn.

Nguyễn Văn Dũng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh


Có định hướng rõ ràng khi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Hiện nay, Sở KH&ĐT đang được UBND tỉnh giao chủ trì xây dựng Chương trình thu hút đầu tư và tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tham mưu về việc nâng cao hiệu quả thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực NN, Sở dự kiến sẽ trình UBND tỉnh xem xét, ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư theo hướng DN (có vốn, KHKT) kết hợp với hợp tác xã và người dân (có đất, lao động) cùng sản xuất, sản phẩm tạo ra sẽ do DN tiêu thụ, giúp đẩy nhanh quá trình triển khai thực hiện dự án do không phải giải phóng mặt bằng, tận dụng được lao động địa phương. Mặt khác, tỉnh cũng sẽ có định hướng rõ ràng hơn khi thu hút DN đầu tư vào NN. Trong đó, ưu tiên thu hút các DN, dự án sử dụng công nghệ chế biến nông sản để phục vụ cho việc bảo quản, chế biến, gia tăng giá trị cho nông sản sau thu hoạch.

Bùi Đức Hinh

Giám đốc Sở KH&ĐT


Chú trọng thúc đẩy các hình thức liên kết theo chuỗi

Hòa Bình là một trong những tỉnh sớm triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành NN. Đến nay, trong các thành quả đạt được, rất đáng ghi nhận là sự phát triển mạnh của cây ăn quả có múi và một số loại nông sản đặc sản đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Theo tôi, đây cũng chính là những thỏi nam châm hữu hiệu để các bạn thu hút sự đầu tư của DN, đồng thời thúc đẩy các hình thức liên kết sản xuất – tiêu thụ theo chuỗi giữa DN và nông dân, góp phần gia tăng giá trị sản xuất và phát triển NN bền vững.

Nguyễn Như Cường

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT)

 


Thu Trang


Các tin khác


Dịch vụ công trực tuyến - cần có những tổ chức, công dân “điện tử”

(HBĐT) - Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan Nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng. Dịch vụ có 4 mức độ, khi sử dụng dịch vụ này, thay vì phải đến tận nơi nộp hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC), người dân, doanh nghiệp có thể nộp qua mạng internet, đồng thời có thể kiểm tra, giám sát về tình trạng giải quyết hồ sơ của cơ quan Nhà nước.

Sức bật từ những dự án ODA

(HBĐT) - Trong bối cảnh cả nước chung tay kiềm chế lạm phát, các địa phương đều bị cắt giảm tối đa dự án đầu tư công thì nguồn vốn ODA (nguồn vốn vay nước ngoài) đến với tỉnh ta như một sự "cứu cánh”. Từ nguồn vốn này, các công trình: điện, đường, trường học, bệnh viện… được khởi công xây dựng, tạo nền tảng cho phát triển KT-XH, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân từ nông thôn đến thành thị.

Quyết tâm tạo đột phá trong 5 năm đầu thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp

(HBĐT) - Quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNNN) của tỉnh ta đã được khởi động từ cuối năm 2013 thông qua việc UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch hành động Đề án TCCNNN theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Hòa Bình đến năm 2020. Sau hơn 5 năm, bằng cách xác định đúng hướng đi và quyết tâm tạo đột phá trong từng lĩnh vực sản xuất, tỉnh đã tiến được những bước quan trọng để chinh phục các mục tiêu đầu tiên trên lộ trình TCCNNN.

Tập trung giải quyết một số vấn đề đặt ra trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng

(HBĐT) - "Trong những năm qua, công tác thương binh, liệt sỹ, người có công (NCC) và phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa” trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả khả quan, mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên hiện nay, công tác chăm sóc NCC còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, đòi hòi tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của cả cộng đồng”- đồng chí Nguyễn Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH khẳng định.

Gian nan “cuộc chiến” phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy

(HBĐT) - Đánh giá về công tác đấu tranh phòng - chống tội phạm ma tuý, đại tá Phạm Sử, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Những năm qua, cuộc chiến chống tội phạm ma túy trên cả nước nói chung và ở tỉnh nói riêng ngày càng gian khổ, cam go, quyết liệt. Phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thường xuyên thay đổi nhằm đối phó lại các biện pháp đấu tranh của các lực lượng chức năng. Đặc biệt là tuyến đường bộ trên khu vực biên giới Việt - Lào, hoạt động của tội phạm ma túy hết sức manh động, liều lĩnh. Hầu hết các đối tượng trong các đường dây vận chuyển ma túy lớn qua biên giới đều trang bị vũ khí nóng, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ. Tội phạm ma túy có xu hướng câu kết với tội phạm hình sự và các loại tội phạm khác hình thành đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn liên tuyến, liên tỉnh và xuyên quốc gia.

Tiếp sức cho “cuộc chiến” chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại

(HBĐT) - Nhìn vào kết quả thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm trên địa bàn tỉnh năm 2017 cho thấy có nhiều chấm sáng nổi bật, phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm mang tính chất điển hình. Tuy nhiên, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm luôn là cuộc chiến hết sức cam go cần có sự tiếp sức mới thành công.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục