(HBĐT) - Y tế cơ sở là tuyến y tế ban đầu trong hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân, có nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe, dự phòng và khám chữa bệnh (KCB). Trạm y tế xã, phường, thị trấn là tuyến y tế cơ sở gần dân nhất cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, giảm áp lực KCB cho tuyến trên. Nâng cao chất lượng y tế cơ sở là yêu cầu thực tiễn. Đây cũng là nội dung quan trọng trong Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCH T.ư Đảng, khóa XII về "Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”.


Tuyến y tế gần dân nhất

Tỉnh Hòa Bình có 210 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Theo Quyết định số 1252/QĐ-UBND ngày 24/5/2018 của UBND tỉnh, số biên chế được giao của các trạm là 1.410 người; tính đến hết tháng 6/2018 có 1.402 người. Ngoài ra, toàn tỉnh có 1.750 nhân viên y tế thôn bản hỗ trợ cho việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Từ ngày 1/1/2017, các trạm y tế được giao về cho Trung tâm y tế huyện trực tiếp quản lý toàn diện.

Với mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân cơ bản được triển khai có hiệu quả, sâu rộng. Cụ thể các nhiệm vụ: Tiêm chủng mở rộng, phòng - chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, DS-KHHGĐ, KCB thông thường, truyền thông giáo dục sức khỏe... Đơn cử công tác tiêm chủng mở rộng cho trẻ được triển khai thường xuyên vào ngày 4, 5 hàng tháng tại trạm y tế các xã, phường, thị trấn. Tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 97% đã góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa các loại bệnh nguy hiểm như viêm não, ho gà, bạch hầu, sởi, bại liệt… Đối với các xã vùng cao, vùng xa, sâu, đường tới trung tâm cụm xã, huyện, tỉnh xa, khó khăn thì y tế xã càng có vai trò quan trọng.

Tuy nhiên, trạm y tế tuyến xã đang gặp phải những khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực đến cơ chế, chính sách.

Cơ cấu các chức danh y tế tuyến xã chưa hợp lý

Theo tổng hợp trình độ chuyên môn viên chức y tế tuyến xã của Phòng Tổ chức cán bộ (Sở Y tế) có 158 người trình độ đại học (chiếm 11,3%), cao đẳng 11 người (chiếm 0,8%), trung cấp 1.173 người (chiếm 83,7%), sơ cấp 59 người (chiếm 4,2%), chưa qua đào tạo 1 người (chiếm 0,1%). Có 127 viên chức đang đi học nâng trình độ chuyên môn. Huyện Kỳ Sơn đủ cán bộ y tế tuyến xã theo chỉ tiêu biên chế được giao. TP Hòa Bình, huyện Cao Phong, Lạc Thủy thừa 8 người. Bảy huyện (Đà Bắc, Lương Sơn, Kim Bôi, Tân Lạc, Mai Châu, Yên Thủy, Lạc Sơn) thiếu 16 người, chủ yếu là các chức danh: bác sĩ, dược, y sĩ đa khoa, hộ sinh, điều dưỡng.


Trạm y tế xã Sủ Ngòi (TP Hòa Bình) đạt chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia về y tế từ năm 2012, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu của nhân dân. Trung bình mỗi tháng có 100 người dân đến khám bằng thẻ BHYT, tính cả khám dự phòng khoảng gần 300 người.

Nhiều trạm y tế theo chuẩn phân bố chưa đủ các chức danh như: bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, dược. Đặc biệt, 71 trạm chưa có bác sĩ. Khó khăn nữa là lực lượng bác sĩ tại không ít trạm y tế đã nhiều tuổi cần có người học nâng cao để kế cận. Viên chức y tế cơ sở hầu hết có trình độ trung cấp. Trong khi nguồn kinh phí để tổ chức mở các lớp tập huấn chuyên sâu định hướng để phục vụ công tác chuyên môn còn hạn hẹp. Chính sách cho họ chưa được thực hiện kịp thời, có 75 viên chức đã được đào tạo nhưng chưa được thăng hạng. Những vấn đề trên ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của y tế tuyến xã. Vì vậy, Phòng Tổ chức cán bộ (Sở Y tế) kiến nghị cần có chính sách khuyến khích học bác sĩ cho viên chức trạm y tế. Kịp thời tổ chức thi thăng hạng cho viên chức đã được đào tạo theo tiêu chuẩn. Cơ cấu lại các chức danh cho phù hợp.

Theo Phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế), 100% trạm y tế được cấp phép hoạt động, trong đó, 206 trạm thực hiện KCB BHYT; 4 trạm ở vùng trung tâm không thực hiện khám BHYT. Các trạm y tế thực hiện được khoảng 50% danh mục kỹ thuật theo Thông tư số 43/2013/TT-BYT của Bộ Y tế về "Quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.” Khó khăn là cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị thiếu nguồn lực đầu tư, cán bộ không thường xuyên được cập nhật về chuyên môn.

Nhiều trạm y tế xuống cấp

Qua khảo sát tổng thể của ngành Y tế, rất nhiều trạm y tế trong tỉnh đã xuống cấp về cơ sở vật chất, không đảm bảo an toàn cho việc triển khai công tác y tế. Trước tình hình đó, UBND tỉnh, Sở Y tế bằng nhiều hình thức kêu gọi các nguồn tài trợ, dự án như: nguồn hỗ trợ chính sách y tế EU, dự án GAVI, ngân sách tỉnh, chương trình xây dựng NTM, nguồn an sinh xã hội các ngân hàng… để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các trạm. Năm 2017, bằng nguồn ngân sách, tỉnh đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa và mua sắm trang thiết bị y tế cho 6 trạm. Từ nguồn vốn chương trình xây dựng NTM đầu tư xây mới 5 trạm và sửa chữa, nâng cấp một số trạm. Với nguồn hỗ trợ từ chính sách y tế EU, dự kiến đầu tư xây mới 5 trạm. Hiện vẫn còn hơn 40 trạm y tế cần đầu tư cơ sở vật chất. Trong đó, hơn 20 trạm cần xây mới, hơn 20 trạm cần sửa chữa, nâng cấp. Năm 2018, tỉnh sẽ dùng nguồn hỗ trợ đầu tư của tỉnh và lồng ghép các nguồn để tiếp tục sửa chữa, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị y tế cho các trạm. Một số trạm xuống cấp quá trầm trọng, không thể cải tạo xem xét để đầu tư xây mới.

Đồng chí Bùi Thị Hiền, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch (Sở Y tế) cho biết: Có 12 trạm y tế đã được phê duyệt trong danh mục đầu tư công giai đoạn 2016-2020 để đầu tư xây mới. Lãnh đạo ngành Y tế đang chuẩn bị các bước lập dự án để đề xuất với lãnh đạo tỉnh vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) đầu tư cho y tế cơ sở. Dự án này nằm trong khuôn khổ Dự án "Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ tuyến y tế cơ sở” sử dụng vốn vay ODA và vốn viện trợ không hoàn lại của WB do Bộ Y tế kêu gọi.

Nâng cao chất lượng y tế tuyến xã

Với vai trò quan trọng trong chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe, dự phòng và KCB ban đầu cho nhân dân, việc nâng cao chất lượng y tế cơ sở là yêu cầu từ thực tiễn. Đây cũng là nội dung quan trọng trong Nghị quyết số 20-NQ/TW của BCH T.ư Đảng, khóa XII về "Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”. Nghị quyết nêu quan điểm: Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh; y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng.

Các giải pháp được Nghị quyết đưa ra là: Đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ. Triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động của trạm y tế. Có các chính sách đủ mạnh để khuyến khích người có trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở, ở vùng sâu, xa, khó khăn. Có cơ chế giá dịch vụ và cơ chế đồng chi trả phù hợp nhằm khuyến khích người dân KCB ở tuyến dưới…


Dân số xã Đồng Nghê (Đà Bắc) có 1.800 người. Trung bình khoảng 200 người đến Trạm y tế xã khám bằng thẻ BHYT/tháng (chưa kể khám dự phòng). Trạm còn thiếu các y dụng cụ như bộ tiểu phẫu... ảnh: Người dân xã Đồng Nghê đến Trạm y tế xã khám bằng thẻ BHYT.

Đồng chí Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế đánh giá: Trạm y tế xã chưa đáp ứng được hoàn toàn chức năng, nhiệm vụ được giao. Năng lực chuyên môn hạn chế, trang thiết bị thiếu, cơ sở vật chất xuống cấp, nhận thức người dân chưa cao như về công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, dự phòng... đã ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của y tế tuyến xã. Nhiều người dân chưa có niềm tin với y tế cơ sở, không khám ở trạm y tế xã mà cứ lên tuyến trên gây quá tải, mặc dù bệnh thông thường và trạm y tế đã đăng ký, thực hiện được kỹ thuật. Trong khi đó, cán bộ y tế lâu không được thực hành tay nghề cũng bị ảnh hưởng.

Để nâng cao chất lượng y tế tuyến xã, theo người đứng đầu ngành Y tế, ngành sẽ tăng cường cho cán bộ đi đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, có thể là tập huấn dài hạn, ngắn hạn hoặc đưa lên Trung tâm Y tế huyện để thực hành. Sở đã chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch luân phiên cán bộ Trung tâm Y tế huyện về các xã chưa có bác sĩ. Trung tâm y tế huyện tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động của trạm y tế xã đối với các chức năng, nhiệm vụ được giao. Ngành cũng tích cực tìm kiếm các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất cho các trạm, thực hiện xã hội hóa. Cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa đến công tác y tế.


Đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng y tế tuyến xã

Huyện Lạc Sơn có 29 trạm y tế, trong đó 15 trạm đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2. Tuy nhiên, hiện chỉ có 10 trạm đạt chuẩn. Một số trạm mất chuẩn chủ yếu do cơ sở vật chất xuống cấp. Khó khăn nữa là chức danh tại các trạm không đủ, có trạm 2 chức danh trùng nhau, có trạm lại thiếu. Toàn huyện còn 15 trạm chưa có bác sĩ, 13 bác sĩ chưa được cấp chứng chỉ hành nghề.

Trạm y tế là tuyến đầu trong phòng bệnh, KCB nên có vai trò quan trọng. Làm tốt ở tuyến đầu thì tuyến trên được giảm tải. Vì vậy cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như sắp xếp cán bộ cho cân đối các chức danh tại các trạm. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ. Luân phiên bác sĩ tuyến huyện về tuyến xã để hỗ trợ cho các xã chưa có bác sĩ. Thăng hạng kịp thời cho cán bộ, vì nhiều trường hợp học xong, bác sĩ vẫn hưởng lương y sĩ, không khuyến khích được họ. Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất vì trạm có bác sĩ mà sập xệ, hôi hám thì cũng không ai muốn đến.

Bùi Văn Vanh

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lạc Sơn

 

Mong được đầu tư trang thiết bị, y dụng cụ

Yên Lập là xã vùng cao của huyện Cao Phong với 2.266 nhân khẩu. Trạm y tế xã có 7 cán bộ. Trung bình có khoảng 150 lượt người đến khám/tháng bằng BHYT. Ngoài ra có khoảng 50 lượt người khám dự phòng như khám thai, tiêm chủng mở rộng… Cùng với KCB, cán bộ y tế chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh, truyền thông giáo dục sức khỏe như vận động bà con sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, dọn vệ sinh môi trường... Song, khó khăn là trang thiết bị chủ yếu được đầu tư từ năm 1990 trở về trước. Do yêu cầu bức thiết, trạm phải tự mua mới bộ tiểu phẫu để sử dụng. Trạm mong được đầu tư máy phát điện, các y dụng cụ. Cán bộ mong được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn. Cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm sâu sát đến công tác y tế, nhất là khi triển khai các chiến dịch diện rộng.

Đinh Tiến Điệp

Trạm trưởng Trạm y tế xã Yên Lập (Cao Phong)

 

Cẩm Lệ

Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục