(HBĐT) - Những ngày gần đây, trên một số trang báo mạng điện tử, mạng xã hội có đăng tải bài viết thể hiện sự "đả phá, phê phán, phỉ báng” chữ Mường của người Mường Hòa Bình. Thiếu hiểu biết, "ném đá” theo phong trào, ăn theo trào lưu phê phán việc cải tiến chữ quốc ngữ và phương pháp giáo dục lớp 1, nặng nề hơn là "không tôn trọng văn hóa dân tộc thiểu số”... là những gì chúng tôi đã ghi nhận được từ ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà khoa học, quản lý văn hóa, cán bộ, học sinh, sinh viên và đặc biệt là người Mường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình về vấn đề này.

Chữ Mường ra đời đáp ứng sự mong mỏi của người Mường Hòa Bình

Hòa trong dòng chảy văn hóa với tinh thần chủ đạo là chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ngày 8/9/2016, UBND tỉnh Hòa Bình chính thức phê chuẩn Bộ chữ dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình. Bộ chữ Mường ra đời đã đáp ứng sự mong mỏi của rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, quản lý văn hóa và là niềm tự hào của hơn 50 vạn đồng bào dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh.


Các trường học trên địa bàn tỉnh luôn chú trọngviệc giáo dục học sinh giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. ảnh: Học sinh dân tộc Mường tại trường PT DTNT THCS &THPT huyện Tân Lạc.

Trao đổi với chúng tôi, nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Huy Vọng cho biết: Có một thực tế là hiện văn hóa các dân tộc thiểu số nói chung, văn hóa dân tộc Mường nói riêng đang dần mai một. Bắt đầu từ ngôn ngữ. Ban đầu các dân tộc, trong đó có dân tộc Mường duy trì trạng thái song ngữ, tức ra ngoài xã hội dùng ngôn ngữ dân tộc đa số hoặc đa số trong vùng làm ngôn ngữ giao tiếp, ngôn ngữ mẹ đẻ (tiếng dân tộc thiểu số - PV) sử dụng trong sinh hoạt gia đình. Sau quá trình giao lưu được đẩy mạnh thì ngay trong gia đình cũng ít sử dụng tiếng dân tộc thiểu số. Hiện nay, ngày càng có nhiều người Mường, nhất là người Mường trẻ tuổi, sống ở trung tâm huyện lỵ, thành phố không nghe và không nói được tiếng Mường. Đây là điều đáng buồn, đáng suy ngẫm. Cùng với đó, kiến thức, sự hiểu biết của người Mường về Mo Mường, bản sắc văn hóa dân tộc Mường cũng dần mai một. Vì vậy, ngay từ khi có chủ trương về việc xây dựng bộ chữ của người Mường Hòa Bình, những người nghiên cứu văn hóa dân tộc như chúng tôi vô cùng phấn khởi.

Chữ Mường giúp con em dân tộc Mường Hòa Bình học và sử dụng tiếng Mường để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Giúp Mo Mường được lưu giữ một cách chính xác, tiến tới lập hồ sơ di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình trình Tổ chức Khoa học, giáo dục và văn hóa của Liên hợp quốc UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp. Ngoài ra, chữ ra đời cũng đáp ứng những yêu cầu về công tác cán bộ trong tình hình mới. Cụ thể như Chỉ thị số 38/CT-TTg, ngày 9/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc miền núi ghi rõ "Yêu cầu của công tác quản lý và phát triển KT -XH, AN-QP đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức công tác ở các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số phải biết tiếng dân tộc... Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng và yêu cầu bắt buộc”.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Lê Nam Thanh, Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh được cấp phép dạy tiếng dân tộc cho biết: Ngày 30/10/2012, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 06 hướng dẫn về "chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn”. Đáng lưu ý là ở Điều 2, trong 6 tiêu chuẩn công chức xã phải có đủ thì có nội dung về tiếng dân tộc thiểu số. Cụ thể: "ở địa bàn công tác phải sử dụng tiếng dân tộc thiểu số trong hoạt động công vụ thì phải biết thành thạo tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với địa bàn công tác đó; nếu khi tuyển dụng mà chưa biết tiếng dân tộc thiểu số thì sau khi tuyển dụng phải hoàn thành lớp học tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với địa bàn công tác được phân công”. Ngoài ra, những năm gần đây, chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số là một trong những điều kiện để được miễn thi ngoại ngữ trong các kỳ thi nâng ngạch viên chức, công chức. Do nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa khu vực đồng bào dân tộc ít người, nhiều cơ quan, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng cán bộ sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, trên địa bàn tỉnh ta, nhu cầu học và được cấp chứng chỉ tiếng dân tộc đang có xu hướng tăng nhanh. Tuy nhiên hiện nay, trung tâm mới tổ chức giảng dạy được tiếng Thái và tiếng Mông, trong khi rất nhiều cán bộ, công chức, học viên có nhu cầu học để được cấp chứng chỉ tiếng Mường. Có chữ Mường thì tiến tới mới có thể tổ chức việc học, cấp chứng chỉ tiếng Mường cho học viên sau khi hoàn thành bài thi cấp chứng chỉ với 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết.

"Ném đá” chữ Mường là hành vi thiếu hiểu biết, cần lên án

Cũng giống như chữ Quốc ngữ, chúng ta biết nói trước khi biết đọc, biết viết. Người Mường biết nói tiếng Mường trước khi biết đọc, biết viết chữ Mường. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Đức Lương, Phó Giám đốc Sở GD &ĐT cho biết: Cả nước hiện có 20 tỉnh, thành phố đang tổ chức dạy tiếng nói và chữ viết dân tộc thiểu số cho gần 110 nghìn học sinh thuộc 7 dân tộc thiểu số: Mông, êđê, Jrai, Bahnar, Chăm, Khmer, Hoa. Nhiều địa phương đã triển khai dạy tiếng dân tộc cho học sinh trong trường phổ thông đạt kết quả tốt. Chữ Mường là một loại chữ viết mới của riêng dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình. Do đó, chúng tôi xác định việc giảng dạy chữ Mường cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khoa học, hợp lý. Thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao, Sở GD &ĐT phối hợp với Sở VH -TT&DL, Sở Nội vụ cũng như tham khảo kinh nghiệm triển khai thành công ở các tỉnh bạn, xin ý kiến đóng góp của các sở, ngành, địa phương để hoàn thiện Đề án "Dạy và học tiếng dân tộc Mường giai đoạn 2018 – 2025, tầm nhìn đến năm 2035 trên địa bàn tỉnh”. Việc dạy học chữ Mường phải được triển khai nghiêm túc theo Nghị định số 82/ 2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số và các quy định liên quan của Bộ GD &ĐT. Không thể tổ chức dạy chữ Mường một cách tùy tiện được. Hiện nay, chữ Mường chưa được triển khai giảng dạy trong bất cứ cơ sở giáo dục nào trên địa bàn tỉnh ta nên việc người dân nói chung hay học sinh nói riêng chưa biết đến chữ Mường, học sinh người dân tộc Mường chưa đọc được chữ Mường là điều rất bình thường, dễ hiểu. Tại thời điểm này, việc phê phán, đả kích chữ Mường vin vào cớ người Mường, học sinh dân tộc Mường không đọc được chữ Mường là thiếu căn cứ.

Là người có trình độ cao, kinh nghiệm nghiên cứu về ngôn ngữ, trao đổi với phóng viên Báo Hòa Bình, PGS Bùi Hiền, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, Phó Viện trưởng Viện Nội dung và phương pháp dạy học phổ thông thuộc Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết: Dân tộc Mường là dân tộc đông dân cư trong 54 dân tộc. Trước nay, dân tộc Mường chưa có chữ, dùng chữ phổ thông. Theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, dân tộc nào có điều kiện, có khả năng, cần thiết thì có thể sáng tạo ra bộ chữ riêng cho dân tộc mình để người dân tộc dùng chữ giao lưu với nhau, duy trì văn hóa phi vật thể của dân tộc. Trước hết là tiếng nói của dân tộc, nếu được chữ viết hỗ trợ sẽ bền vững và thêm trong sáng. Dân tộc Mường chấp nhận và chuẩn bị đưa vào giảng dạy chữ Mường trong nhà trường; bộ chữ cũng đã được khoa học đánh giá, thẩm định. Tất nhiên còn có thể có những chỗ cần phải sửa, cần phải hiệu chỉnh để bộ chữ hoàn thiện, trong sáng nhưng đó là cả một quá trình. Cá nhân tôi đọc và hiểu được chữ Mường trên phiên bản tiếng Mường của Báo Hòa Bình điện tử. Ai có sáng kiến, đóng góp thì nên góp ý trên tinh thần xây dựng để hoàn thiện bộ chữ.

Cùng chung quan điểm này, nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa, người dân mà chúng tôi phỏng vấn đều bức xúc: Chữ Mường là công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, là thực hiện chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số, là niềm tự hào của dân tộc Mường, việc đả kích, phê phán chữ Mường không trên tinh thần xây dựng là hành vi thiếu hiểu biết, không tôn trọng văn hóa dân tộc Mường và rất cần lên án.

                                                                                                     Dương Liễu


* Nếu không ghi lại tiếng Mường bằng chữ Mường thì không thể giữ được bản thể tiếng Mường

 Với số liệu kiểm kê, riêng dân tộc Mường có hơn 300 di sản phi vật thể cần phải bảo tồn, bảo lưu. Trong đó nhiều di sản có giá trị như Mo Mường, Thường rang, bộ mẹng, những áng văn thơ, đối đáp, ca dao, tục ngữ của người Mường cần phải ghi chép lại. 

Từ trước đến nay có nhiều nhà văn hóa nghiên cứu chuyên và không chuyên đã dùng chữ Quốc ngữ để phiên âm ghi chép lại các di sản văn hóa này. Mỗi người ghi một cách khác nhau, không có sự đồng nhất. Ghi như vậy cũng không thể lột tả hết bản chất, cái hay, cái đẹp của Mo Mường hay những áng thơ văn Mường cổ.
 
Với xu thế hiện nay, tiếng nói cũng đang bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tác động của bên ngoài, cho nên tiếng nói của người Mường đang rơi rụng. Chỉ khoảng vài chục năm nữa, nếu không ghi lại tiếng nói của người Mường bằng chữ Mường thì chắc chắn không thể giữ được bản thể tiếng Mường của người Mường. Bộ chữ Mường ra đời thật sự rất cần thiết để ghi lại những giá trị văn hóa và bảo tồn tiếng nói người Mường.
 
Sau khi có Kế hoạch số 118 của UBND tỉnh, Sở VH - TT&DL đang chuẩn bị xây dựng đề án để giảng dạy chữ Mường cho cán bộ ngành văn hóa ở cơ sở để có thể ghi lại những di sản văn hóa, từng bước làm hồ sơ khoa học cho Mo Mường để trình UNESCO công nhận Mo Mường là di sản văn phi vật thể của nhân loại và tái bản cuốn sách Mo Mường bằng chữ Mường.

                                                                 Bùi Thị Niềm (TUV, Giám đốc Sở VH -TT&DL)

* Bộ chữ dân tộc Mường là tâm huyết của những người yêu và hiểu văn hóa Mường


Thực hiện nhiệm vụ xây dựng bộ chữ dân tộc Mường, Sở KH &CN phối hợp với Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiên cứu, thực hiện Đề tài khoa học "Xây dựng bộ chữ viết dân tộc Mường phục vụ cho việc bảo tồn, phát huy văn hóa Mường tại tỉnh Hòa Bình”. Bộ chữ Mường được xây dựng dựa trên đầy đủ các căn cứ pháp lý, thực tiễn cũng như khoa học.
 
Quá trình xây dựng bộ chữ Mường tuân thủ các quy định, trình tự của Nhà nước về thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học. Sở đã chọn Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và các cá nhân tham gia đề tài là các giáo sư, phó giáo sư có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng bộ chữ dân tộc cũng như chuyên môn về ngôn ngữ học. Quá trình phối hợp nghiên cứu, thực hiện đề tài đã được thực hiện một cách bài bản, khoa học, tâm huyết và đầy trách nhiệm. Các thành viên trong tổ nghiên cứu tổ chức nhiều cuộc điền dã khảo sát, điều tra, nghiên cứu của nhiều nhà khoa học và các nghệ nhân Mường, nhiều nhà quản lý tham gia. Vì vậy, có thể nói, bộ chữ dân tộc Mường là tâm huyết của cả một tập thể, đội ngũ những người yêu văn hóa Mường, hiểu văn hóa Mường.

                                                                              Đỗ Hải Hồ (Giám đốc Sở KH &CN)

* Báo Hòa Bình điện tử phiên bản tiếng Mường là bước tích cực để quảng bá, đưa bộ chữ Mường vào đời sống 

  

 Thực hiện Kế hoạch số 118/KH – UBND ngày 27/10/ 2016 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc triển khai ứng dụng bộ chữ dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình, đầu năm 2017, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã xây dựng nội dung và đề xuất với Sở KH &CN triển khai xây dựng bộ gõ chữ Mường; biên soạn tài liệu dạy và học chữ Mường. Hiện nay, bộ gõ chữ Mường đã hoàn thành và đã được đăng ký bản quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH &CN). Tháng 5/2018, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị tập huấn triển khai bộ gõ chữ Mường và tài liệu học chữ Mường cho người biết nói tiếng Mường. Đồng thời đã chỉ đạo, hướng dẫn các ban, sở, ngành, các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai phổ biến, ứng dụng rộng rãi và hiệu quả đời sống bộ chữ dân tộc Mường.

Việc Báo Hòa Bình điện tử ra phiên bản chữ Mường là chủ trương của tỉnh. Tỉnh ủy Hòa Bình, trực tiếp là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tích cực phối hợp, chỉ đạo và tán thành việc Báo Hòa Bình ứng dụng bộ gõ chữ Mường và triển khai trang báo điện tử tiếng Mường. Đây là bước đi tích cực để từng bước quảng bá và đưa bộ chữ Mường vào đời sống dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình.

                                                             Nguyễn Quang Hưng (Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

 


Các tin khác


Giải pháp nào xử lý tài liệu lưu trữ tồn đọng, tích đống ?

(HBĐT) - Các tài liệu trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của cơ quan, đơn vị theo quy định phải phân loại, lập hồ sơ, chỉnh lý, đưa vào lưu trữ cơ quan và lưu trữ lịch sử tỉnh thì vẫn bị tích đống, bó gói. Hiện tượng này đang diễn ra tại nhiều cơ quan trong tỉnh. Mặc dù UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị về việc giải quyết tài liệu tồn đọng, tích đống nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này?

Sáp nhập trường học – phát sinh nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết

(HBĐT) - Tính đến tháng 7/2018, toàn tỉnh có 136 trường tiểu học, 118 trường THCS (không tính khối các trường PT DTNT THCS), 100 trường TH&THCS (trường có 2 cấp tiểu học và THCS) và 2 trường PTCS (trường có 3 cấp mầm non, tiểu học và THCS). Như vậy, thực hiện Quyết định số 1431/QĐ-UBND ngày 1/6/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án sắp xếp tổ chức các trường DTNT và các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, trong 2 năm học vừa qua, ngành GD&ĐT đã tiến hành sáp nhập được 82 trường (đạt 61,2% so với kế hoạch đề án). Bên cạnh hiệu quả thiết thực thì việc sáp nhập trường học đã và đang phát sinh nhiều vấn đề cần được quan tâm, giải quyết.

Dịch vụ công trực tuyến - cần có những tổ chức, công dân “điện tử”

(HBĐT) - Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan Nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng. Dịch vụ có 4 mức độ, khi sử dụng dịch vụ này, thay vì phải đến tận nơi nộp hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC), người dân, doanh nghiệp có thể nộp qua mạng internet, đồng thời có thể kiểm tra, giám sát về tình trạng giải quyết hồ sơ của cơ quan Nhà nước.

Sức bật từ những dự án ODA

(HBĐT) - Trong bối cảnh cả nước chung tay kiềm chế lạm phát, các địa phương đều bị cắt giảm tối đa dự án đầu tư công thì nguồn vốn ODA (nguồn vốn vay nước ngoài) đến với tỉnh ta như một sự "cứu cánh”. Từ nguồn vốn này, các công trình: điện, đường, trường học, bệnh viện… được khởi công xây dựng, tạo nền tảng cho phát triển KT-XH, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân từ nông thôn đến thành thị.

Quyết tâm tạo đột phá trong 5 năm đầu thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp

(HBĐT) - Quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNNN) của tỉnh ta đã được khởi động từ cuối năm 2013 thông qua việc UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch hành động Đề án TCCNNN theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Hòa Bình đến năm 2020. Sau hơn 5 năm, bằng cách xác định đúng hướng đi và quyết tâm tạo đột phá trong từng lĩnh vực sản xuất, tỉnh đã tiến được những bước quan trọng để chinh phục các mục tiêu đầu tiên trên lộ trình TCCNNN.

Tập trung giải quyết một số vấn đề đặt ra trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng

(HBĐT) - "Trong những năm qua, công tác thương binh, liệt sỹ, người có công (NCC) và phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa” trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả khả quan, mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên hiện nay, công tác chăm sóc NCC còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, đòi hòi tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của cả cộng đồng”- đồng chí Nguyễn Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH khẳng định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục