Phòng Tài chính - Kế hoạch (Sở Y tế) sau sáp nhập hoạt động ổn định, hiệu quả. Ảnh: Cán bộ trong phòng trao đổi công việc chuyên môn.
Bộ máy ngành Y tế được tinh gọn
Việc tinh gọn bộ máy ngành Y tế đã và đang được thực hiện theo Thông tư Liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 11/12/2015 của liên Bộ Y tế - Nội vụ; Nghị định số 117/ 2014/NĐ-CP ngày 8/12/2014 của Chính phủ quy định y tế xã, phường, thị trấn và các Nghị quyết T.Ư 6 (khóa XII). Để cụ thể hóa vào tình hình của tỉnh, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 (khóa XII) tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 02-KH/BCĐ ngày 16/4/ 2018 giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, trong đó có ngành Y tế.
Đồng chí Bùi Văn Kết, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở Y tế) cho biết: Đối với cơ quan hành chính Nhà nước, ngành Y tế có 3 cơ quan (Sở Y tế, Chi cục ATVSTP, Chi cục DS-KHHGĐ). Thực hiện Thông tư Liên tịch số 51 và Nghị định số 117, Sở đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 31/2016/QĐ-UBND ngày 19/7/2016 Quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế. Theo đó, năm 2017 đã sáp nhập Phòng Kế hoạch tổng hợp và Phòng Tài chính kế toán thành Phòng Kế hoạch - Tài chính. Cơ quan Sở giảm từ 8 phòng xuống còn 7 phòng. Đối với Chi cục ATVSTP có 3 phòng, sắp xếp lại còn 2 phòng, trong đó, Phòng Đăng ký chứng nhận sản phẩm, phòng Tuyền thông và quản lý ngộ độc thực phẩm nhập thành Phòng Nghiệp vụ.
Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế cũng thực hiện tinh gọn bộ máy. Năm 2016, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định sáp nhập Bệnh viện Đa khoa huyện với Trung tâm Y tế dự phòng huyện thành Trung tâm Y tế đa chức năng. Trung tâm Y tế quản lý toàn diện trạm y tế xã, phường, thị trấn. Theo đó, 11 Trung tâm Y tế đã được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2017. Ngày 11/9/2018, Sở đã ban hành quyết định việc thành lập các phòng, khoa của Trung tâm Pháp y, theo đó giảm từ 2 phòng xuống còn 1 phòng, giảm 3 khoa xuống còn 1 khoa.
Tiếp tục tinh gọn bộ máy
Theo Phòng Tổ chức cán bộ (Sở Y tế), ngành đang tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu quả theo tinh thần Kế hoạch số 02-KH/BCĐ ngày 16/4/2018 của Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 (khóa XII) tỉnh. Ngày 7/9/2018, Sở có công văn gửi Sở Nội vụ đề nghị thẩm định dự thảo đề án và quyết định thành lập Phòng Tổ chức - Hành chính trên cơ sở sáp nhập Văn phòng với Phòng Tổ chức cán bộ. Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 989/QĐ-UBND ngày 18/4/2018 về việc thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (gọi tắt là CDC) trên cơ sở hợp nhất 6 đơn vị dự phòng tuyến tỉnh là: Trung tâm Y tế dự phòng; Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS; Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khởe; Trung tâm Phòng, chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng; Trung tâm CSSKSS; Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội. Theo kế hoạch, Trung tâm CDC tỉnh sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2019.
Hiện nay, Sở xây dựng đề án và dự thảo các quyết định tổ chức lại Trung tâm Y tế cấp huyện trên cơ sở sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện với Trung tâm Y tế. Tổ chức lại Trung tâm Y tế TP Hòa Bình trên cơ sở sáp nhập Bệnh viện Đa khoa thành phố và Trung tâm DS-KHHGĐ thành phố vào trung tâm y tế thành phố. Giải thể Trung tâm Tư vấn và dịch vụ KHHGĐ thuộc Chi cục DS-KHHGĐ, chuyển nguyên trạng trang thiết bị, nhân lực về Trung tâm Y tế TP Hòa Bình. Đồng thời, Sở cũng xây dựng đề án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình hoàn chỉnh, đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện bảo đảm là cơ sở khám, chữa bệnh hàng đầu của tỉnh và khu vực. Thành lập Khoa Nội A (sau này tiếp nhận từ Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh) và sáp nhập Bệnh viện Nội tiết thành Khoa Nội tiết trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Các văn bản dự thảo này khi có ý kiến thẩm định của Sở Nội vụ, Sở Y tế sẽ trình Chủ tịch UBND tỉnh, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 12/2018.
BCĐ thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 (khóa XII) tỉnh cũng giao nhiệm vụ cho Sở Y tế rà soát, xây dựng đề án sắp xếp lại hợp lý các phòng khám đa khoa khu vực. Nơi có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực theo quy định thì tiếp tục duy trì hoạt động; nơi không đủ điều kiện thì giải thể, bán hoặc chuyển cơ sở vật chất về trạm y tế xã.
Với việc sắp xếp lại tổ chức, tính đến cuối tháng 12/2018, Sở Y tế sẽ có 27 cơ quan, đơn vị trực thuộc và 12 đơn vị trực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ. Đến ngày 1/1/2019, khi các quyết định sáp nhập có hiệu lực, Sở sẽ giảm xuống còn 20 đơn vị trực thuộc, không còn các đơn vị trực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ. Như vậy, giảm được 19 đơn vị có con dấu và tài khoản riêng.
Hiệu quả và những vấn đề phát sinh
Trung tâm Y tế huyện Lương Sơn được thành lập sau khi sáp nhập Bệnh viện Đa khoa huyện với Trung tâm Y tế dự phòng huyện. Trung tâm hiện có 137 cán bộ, nhân viên, trong đó 100 cán bộ khối điều trị, 37 cán bộ khối dự phòng và có 26 bác sĩ. Bác sĩ Bùi Văn Kứu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lương Sơn nhận xét: Mô hình trung tâm y tế đa chức năng sau gần 2 năm thành lập đã hoạt động ổn định, đem lại hiệu quả hơn. Bộ máy được tinh gọn, công tác quản lý, điều hành tốt hơn. Công tác y tế dự phòng, khám - chữa bệnh hỗ trợ nhau trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đánh giá về hoạt động của các đơn vị khi sáp nhập, đồng chí Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế cho rằng: Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máytinh gọn được đầu mối, giảm lãnh đạo và các phòng, khoa chuyên môn. Việc phối hợp trong tổ chức hoạt động y tế tốt hơn. Các trang thiết bị y tế được sử dụng trong chuyên môn kỹ thuật hiệu quả hơn. Kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị giảm đi. Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành thuận lợi. Tập trung được nguồn lực đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị, đỡ dàn trải. Đơn cử như trong công tác y tế dự phòng sẽ có sự chỉ đạo thống nhất từ khâu tuyên truyền, tổ chức thực hiện đến giám sát, đánh giá… Trang thiết bị phòng, chống dịch được dùng chung, thuận lợi thực hiện các nhiệm vụ, nhất là khi xảy ra tình huống cần huy động lớn nguồn nhân lực, phương tiện.
Tuy nhiên, đồng chí Trần Quang Khánh cho biết, trong quá trình sáp nhập, tinh gọn bộ máy cũng phát sinh một số vấn đề cần quan tâm giải quyết. Cụ thể như việc sắp xếp cán bộ lãnh đạo các khoa, phòng khó do dôi dư về số lượng. Nhiều lãnh đạo đơn vị sẽ mất chức vụ hoặc đảm nhiệm chức vụ thấp hơn, không tránh khỏi những tâm tư. Cơ sở vật chất của đơn vị mới thành lập như Trung tâm CDC chưa có, vẫn ở rải rác tại trụ sở của các cơ quan cũ. Cơ chế tài chính cho trung tâm y tế huyện đa chức năng sau khi sáp nhập chưa có hướng dẫn mới của Bộ Y tế; một trung tâm nhưng khối dự phòng ngân sách cấp kinh phí hoạt động, khối điều trị phải tự chủ, khối y tế tuyến xã ngân sách cấp và có nguồn thu từ BHYT.
Giảm lượng cần song hành với nâng chất
Bộ máy ngành Y tế đã, đang và sẽ tiếp tục được tinh gọn với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, từ đó nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thời gian tới, ngành tiếp tục thực hiện việc sắp xếp bộ máy theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 6 (khóa XII) và Thông tư số 51 của Bộ Y tế. Đối với những vấn đề phát sinh về công tác sắp xếp cán bộ lãnh đạo dôi dư sau sáp nhập, người đứng đầu ngành Y tế cho biết thêm: Sở quan tâm đến công tác tư tưởng, thực hiện tuyên truyền, thông báo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo, định hướng của tỉnh để lãnh đạo cũng như toàn thể cán bộ, nhân viên trong ngành thông suốt. Đối với lãnh đạo các đơn vị, Sở cùng mời đến để trao đổi, thống nhất tư tưởng và hành động với tinh thần dân chủ, thoải mái, sau đó tiến hành các bước sắp xếp. Đối với vấn đề cơ sở vật chất và cơ chế tài chính, Sở sẽ báo cáo, xin ý kiến, chủ trương của tỉnh và kiến nghị đối với Bộ Y tế.
Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Việc sắp xếp bộ máy đang được thực hiện nhưng vấn đề quan tâm nhất hiện nay của cán bộ, nhân dân là làm thế nào để tinh gọn nhưng phải đi đôi với nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe từ công tác phòng bệnh đến khám, chữa bệnh, nâng cao sức khỏe, chất lượng dân số. Nghị quyết số 20-NQ/TW của BCH T.Ư Đảng, khóa XII về "Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” đã chỉ rõ quan điểm đây là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhưng ngành Y tế là nòng cốt.
Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh đã sẵn sàng sáp nhập cùng các trung tâm dự phòng tuyến tỉnh khác để thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ hoạt động từ ngày 1/1/2019.Ảnh: Bác sĩ Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh mổ cho bệnh nhân bị đục thủy tinh thể.
Cẩm Lệ
* Sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở vị trí mới
Bùi Văn Phón (Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng)
Trung tâm Phòng chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng hiện có 24 cán bộ, nhân viên tại 2 phòng, 4 khoa. Tôi được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc trung tâm từ năm 2010 và năm 2014 được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc. Tôi đã có 24 năm công tác trong ngành Y tế, qua nhiều mảng công việc trong khối dự phòng. Với nhiệm vụ được giao, tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đến nay, tình hình sốt rét trên địa bàn tỉnh tạm ổn định nhưng nếu không tiếp tục sát sao, không được quan tâm có thể bùng phát lại.
Sau khi được thông báo, tuyên truyền và tìm hiểu, tôi đã thông suốt chủ trương sáp nhập, tinh gọn bộ máy ngành Y tế, trong đó có việc sáp nhập 6 trung tâm dự phòng tuyến tỉnh thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở vị trí mới khi tổ chức phân công. Song để Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hoạt động tốt cần có cách sắp xếp, lựa chọn lãnh đạo cho phù hợp, dân chủ, khách quan.
* Mong chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên
Hà Thị Thắm ( thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu)
Khi bản thân hoặc người trong gia đình ốm đau, bệnh tật, tôi tin tưởng đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Mai Châu khám và điều trị. Gần 2 năm nay, tên bệnh viện này không còn nữa do công tác sắp xếp, tổ chức lại bộ máy. Cả huyện có 1 Trung tâm Y tế thực hiện 2 chức năng dự phòng và điều trị. Tôi được biết, Bệnh viện Đa khoa khu vực Mai Châu là bệnh viện tuyến tỉnh, thực hiện được nhiều kỹ thuật, giúp người dân Mai Châu và các khu vực lân cận của tỉnh Thanh Hóa, Sơn La khám, chữa bệnh thuận tiện, không phải đi xa. Tôi băn khoăn khi nhập vào Trung tâm Y tế huyện, sự hỗ trợ của bệnh viện tuyến Trung ương cho huyện Mai Châu có giảm không và có ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh sau này? Bây giờ, bệnh nhân quá nặng muốn chuyển tuyến Trung ương phải xin giấy tờ qua Bệnh viện Đa khoa tỉnh, không được chuyển thẳng như trước. Tôi mong ngành Y tế có giải pháp để vừa tinh gọn bộ máy, vừa ngày càng nâng cao được chất lượng khám, chữa bệnh.